VnReview
Hà Nội

Axie Infinity gợi ra lối mở thoát khỏi những “game cà rồng”?

Những ngày qua, thông tin về game NFT (Non-Fungible Tokens) Axie Infinity phủ đầy trên các mặt báo và trang tin điện tử tại Viêt Nam. Trung Nguyễn (Nguyễn Thành Trung) – nhà sáng lập kiêm CEO của Sky Mavis, doanh nghiệp sở hữu và vận hành Axie Infinity – từ chỗ ít được biết tới đã trở thành người được nhiều người tìm kiếm, liên lạc.

"Vô tiền" nhưng thoáng hậu

Những thông tin về game Axie Infinity đã được đề cập nhiều trong những ngày qua. Đại khái, đây là một game phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain, đồng thời phát hành ra 2 loại mã token tiện ích là AXS và SLP.

Người chơi có một số nhiệm vụ như cạnh tranh trong các trận chiến PVP để giành giải thưởng bảng xếp hạng; nuôi và nhân giống các thú cưng (Axie) để bán chúng trên thị trường; thu thập và đầu cơ các Axie hiếm như Mystics và Origins; nuôi để lấy các lọ thuốc tình yêu cần thiết để nhân giống Axie, hoặc có thể bán trên các sàn giao dịch như Uniswap, Binance…

Hiện tại, Axie Infinity là game NFT được cho là có giá trị nhất thế giới nếu tính theo giá trị tiền ảo AXS mà game này đang lưu hành. Với khoảng 60,9 triệu AXS, mỗi AXS có giá trên 40 USD, mang đến cho Axie Infinity trên 2,5 tỉ USD vốn hóa.;

Vẫn còn những tranh luận chưa ngã ngũ cho rằng Axie Infinity là một dự án game hay là một dự án tiền ảo. Tuy nhiên, điều khá rõ ràng là sự tách bạch như vậy có thể rất khó có được câu trả lời. Hai yếu tố game và tiền ảo kết hợp trong Axie Infinity khá chặt chẽ và tạo ra giá trị cho game (đương nhiên là bao gồm cả nhà phát triển game và doanh nghiệp sở hữu nó), người chơi và cả những người đầu tư.

Chính vì thế, việc đặt vấn đề Axie Infinity là game hay là tiền ảo không còn quan trọng nữa bởi nó đã đưa ra một mô hình phát triển kinh doanh mới không nhất thiết cứ phải nhất nhất tuân theo những kiểu mẫu cũ hay mô hình truyền thống với tên gọi hoặc định danh ngành nghề một cách rõ ràng.

Trên thực tế, chúng ta chỉ cần biết đến Axie Infinity với giá trị giao dịch trên sàn tiền ảo tập trung là hơn 2,5 tỉ USD tính tới thời điểm này. Trên thực tế, chúng ta chỉ cần biết những mã token, tiền ảo gắn với Axie Infinity là AXS, SLP đang rộng cửa giao dịch vì thanh khoản rất tốt trên thị trường.

Và cũng trên thực tế, Axie Infinity là game chưa từng có trường hợp tương tự trước đây (thường gọi là "vô tiền"), nhưng không có nghĩa là sẽ chẳng có những trường hợp tương tự về sau. Thậm chí ngược lại, Axie Infinity có thể định hướng, có giá trị tham chiếu về một mô hình kiếm tiền cho các nhà lập trình, phát triển game tại Việt Nam (vì vậy gọi là "thoáng hậu" chứ không phải là "khoáng hậu") trong tương lai.

Cần biết rằng tại thời điểm trưa ngày 30/7/2021, đồng AXS đang ở mức giá hơn 42 USD tạo cho Axie Infinity có giá trị hơn 2,5 tỉ USD là vượt qua cả giá trị vốn hóa của công ty phân phối và kinh doanh game số 1 Việt Nam hiện nay là VNG.

Sự so sánh luôn ít nhiều chứa đựng những khập khiễng, song có thể thấy,  Axie Infinity đã đi qua con đường tạo lập doanh nghiệp tỉ đô nhanh hơn rất nhiều so với VNG. VNG trước đó, phải mất 10 năm (2004-2014) để trở thành doanh nghiệp 1 tỉ USD về giá trị. 

Lời cảnh báo đối với loại "game cà rồng"?

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, CEO Trung Nguyễn của Sky Mavis cho rằng mô hình game blockchain Axie Infinity thì người chơi thực sự sở hữu vật phẩm, đồ đạc, nhân vật trong game và họ có thể giao dịch với nhau; khác với game online truyền thống lâu nay là nhà phát hành bán vật phẩm cho người chơi để lấy tiền). Người chơi ngoài việc phải nạp thẻ để chơi game hoặc nếu chơi miễn phí thì phải chi tiền mua vật phẩm, thường bị nhà cung cấp dịch vụ "hút máu" đến sức cùng lực kiệt.

Nói một cách khác, game blockchain với nhiều điểm minh bạch hơn, và người chơi có thể chủ động tìm kiếm cơ hội tạo ra tài sản, mua bán kiếm tiền, thậm chí làm giàu. Đó là những giá trị mà các công ty phát triển, phân phối game truyền thống hiện nay chưa tạo ra được, hoặc là rất ít. Trong khi đó, vấn đề phản giá trị từ họ gây ra thì quá lớn, chính là sự nghiện ngập.

Chính vì thế Trung Nguyễn cho rằng, người chơi sẽ gắn bó với game blockchain lâu dài vì trong đó có tài sản của họ, với sự minh bạch hóa cao hơn.

Lúc này, nhiều công ty game truyền thống vẫn đang sống tốt bằng lợi nhuận từ việc "hút máu" người chơi hết ngày này đến tháng khác. Nhưng sự yên tâm với món lợi nhuận kếch xù từ việc "hút máu" đó khó có thể duy trì mãi được.

Hay chí ít lúc này, mô hình game – tiền ảo như Axie Infinity đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Một mô hình phân phối game mới gắn với lợi ích nhiều hơn cho người chơi (tất nhiên người chơi phải bỏ ra một số vốn ban đầu nhưng tính chung lại vẫn chẳng đáng gì với số tiền bị "hút máu"), tạo ra một mô hình kinh doanh win – win cho các bên.

Người chơi đã bị "hút máu" và bị bóp nghẹt bởi mô hình phân phối, cung cấp dịch vụ game online truyền thống đã quá lâu. Hàng chục năm qua, những công ty phân phối game hàng đầu tại Việt Nam với những món lợi nhuận kếch xù lên đến hàng trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng mỗi năm, cũng chính là những "game cà rồng" đã "hút máu" người chơi nhiều nhất.

Một bình minh mới về mô hình làm game, phân phối game và chơi game có thể đã lờ mờ ló dạng, nhưng nó lại không đến từ những tên tuổi lớn trong làng game như VNG, Vietnam Esports, VTC Game, Soha Game…

Và việc "bỏ cuộc chơi" đối với loại hình game "hút máu", đối với những doanh nghiệp "game cà rồng" (chữ tôi cố tình dùng) phải bắt đầu từ sự thức tỉnh của chính người chơi chứ không phải ai khác.

Dạ Thảo

Chủ đề khác