VnReview
Hà Nội

Khinh khí cầu bị nổ tại Ai Cập, nguyên nhân là do con người?

Sáng hôm qua, 26/2, tại thành phố du lịch Luxor nổi tiếng của Ai Cập đã xảy ra một vụ nổ khinh khí cầu làm thiệt mạng 18 khách du lịch. Đây là tai nạn khinh khí cầu lớn nhất từ trước tới nay và khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của phương tiện du ngoạn thú vị này. Vậy khinh khí cầu có an toàn không và an toàn đến mức độ nào?

vụ nổ khinh khí cầu ở luxor Ai Cập

Vụ tai nạn diễn ra rất nhanh

Theo báo VietnamPlus, chị Nguyễn Thùy Chi, một hành khách người Việt tham gia du lịch bằng khinh khí cầu tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn đã chứng kiến sự việc và kể lại: Tour du lịch bằng khinh khí cầu ở Luxor sẽ đưa khách tới thăm những điểm như Thung lũng các vị vua - nơi an táng của nhiều Pharaoh, đền Karnak... Vào khoảng 7h30 sáng 26/2, quả khinh khí cầu của chị Chi tiếp đất, chuẩn bị kết thúc chuyến du ngoạn. Lúc đó, trời đã sáng rõ; mọi người vẫn chưa được được phép rời khinh khí cầu xuống đất. Đột nhiên, chị Chi và một số du khách thấy có khói tỏa ra từ một quả khinh khí cầu khác đang bay trước mặt. Có ai đó trong đoàn của chị thét lên chỉ về hướng đám cháy.;

Lửa nhanh chóng bốc lên và quả khinh khí cầu gặp nạn lao thẳng xuống đất sau chỉ 1-2 giây. Vụ việc diễn biến quá nhanh khiến tất cả mọi người đều bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra. Sau khi nghe mọi người kể lại, nhiều du khách trên chuyến bay (đứng ở hướng khác), kể cả người điều khiển, vẫn không tin vụ tai nạn đã xảy ra. Mọi người đều hết sức hốt hoảng và bàn tán xôn xao. Chị Chi cho biết: "Lần sau chắc không bao giờ dám bước chân lên khinh khí cầu nữa!"

Theo thông báo chính thức của Bộ Y tế Ai Cập, vụ nổ khinh khí cầu làm 18 du khách (có tin cho biết là 19 khách) người Nhật, Pháp, Anh, Hong Kong (Trung Quốc), Bulgaria và Ai Cập thiệt mạng. Ba người có mặt trên khinh khí cầu, trong đó có hai du khách Anh và phi công người địa phương, đã may mắn thoát chết. Tỉnh trưởng Luxor đã quyết định tạm dừng các chuyến tham quan bằng khinh khí cầu. Hiện nguyên nhân vụ tai nạn này đang được các cơ quan chức năng Ai Cập khẩn trương điều tra làm rõ.

khinh khí cầu nổ tại Ai Cập

Xác khí cầu vừa nổ tại Ai Cập

Trước đó, theo báo chí địa phương, một số vụ tai nạn khinh khí cầu đã xảy ra tại Luxor. Vào năm 2009, một quả khinh khí cầu đã lao xuống đất do đụng phải một trạm phát sóng di động khiến 16 người bị thương. Sau đó, các nhà chức trách đã quyết định tạm ngừng dịch vụ khinh khí cầu trong vòng sáu tháng, thắt chặt các biện pháp đảm bảo an ninh, chỉ cho phép 8 quả khinh khí cầu được bay cùng lúc thay vì hơn 50 quả trước đó.

Khinh khí cầu có an toàn?

Khinh khí cầu là phương tiện bay đầu tiên của loài người. Nó được người Pháp phát minh ra vào năm 1793 và kể từ đó nó được phát triển thành một môn thể thao và phục vụ tại các điểm du lịch. Khí cầu cũng được sử dụng bởi quân đội, viễn thám, thám hiểm. Trên khắp thế giới, khinh khí cầu được sử dụng trong du lịch nhằm mang lại cho du khách một cách thức ngắm cảnh độc đáo, những trải nghiệm thú vị đồng thời cũng được xem như một hoạt động mang tính thể thao và vui chơi giải trí cá nhân. Tuy nhiên, tai nạn vừa qua tại Ai Cập không phải là vụ việc duy nhất, và du khách có lý do để lo lắng khi lựa chọn loại hình du lịch này.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN, chuyên gia tư vấn khinh khí cầu thương mại Phil Dunnington cho biết, mặc dù mọi phương tiện vận chuyển đều có những rủi ro nhất định, khinh khí cầu là "một trong những phương tiện bay an toàn nhất".

Về cơ bản, khí cầu là một túi nylon lớn, được gọi là envelope (vỏ bọc, bầu khí), chứa đầy không khí nóng được tạo ra bằng cách đốt khí propane hóa lỏng trong một buồng đốt bằng thép. Do không khí trong bầu khí có khối lượng riêng nhỏ hơn không khí xung quanh và nhờ vào lực đẩy Ác-si-mét nên khí cầu có thể bay lên cao trong khí quyển. Nhiệt trong bầu khí càng cao thì khí cầu càng bay cao, ngược lại muốn nó hạ độ cao thì chỉ cần giảm bớt nhiệt.

Khí cầu bay theo hướng gió. Khi ngồi trong khoang hành khách của khí cầu, bạn sẽ thấy mình trôi trong không khí giống như một chiếc lông vũ. Người lái khí cầu chủ yếu chỉ dựa theo hướng gió để điều chỉnh lượng nhiệt nhằm nâng hoặc hạ khí cầu, tuy nhiên yếu tố "lái" rất mờ nhạt vì tất cả phụ thuộc vào gió.

Nói chung di chuyển bằng khí cầu rất an toàn. Ngay cả khi hết nhiên liệu, khí cầu vẫn có thể được hạ cánh an toàn. Nó giống như một chiếc dù lớn, và nếu bạn biết cách điều khiển để hạ nó xuống một cách khôn ngoan thì dù cho có khí lạnh trong bầu khí thì khí cầu vẫn có thể bay cao.

Một đám cháy ở trên boong là tình huống nguy hiểm nhất đối với một phi công khinh khí cầu, bởi vì cách duy nhất để thoát khỏi nó là nhảy ra khỏi khoang chứa. Nếu các hành khách nhảy ra khỏi khí cầu, quả cầu sẽ nhẹ hơn và lại bay lên, khi đó những người còn lại sẽ nguy hiểm hơn vì cao hơn nghĩa là việc nhảy ra càng nguy hiểm hơn.

Việc đốt nóng khí cầu liên tục bằng lửa cũng có thể gặp rủi ro khi khí cầu va chạm với các đường dây điện. Nếu va trúng đường dây điện, bình chữa cháy sẽ không có tác dụng.

Năm 2012 tại New Zealand, một khí cầu đã vướng vào dây điện và gây nổ khiến 11 người chết. New Zealand có hệ thống điện lưới khá dày đặc và đây chắc chắn là mối lo ngại lớn nhất của người đi trên khí cầu.

Tai nạn khinh khí cầu gần nhất ở Luxor đã xảy ra trong năm 2009, khi 16 du khách nước ngoài bị thương sau khi một khí cầu đập vào một trạm phát sóng di động.

Vậy, nguyên nhân của vụ tai nạn ở Ai Cập là gì?

Một bài viết trên báo New York Times cho biết, vào khoảng 7 giờ sáng, người phi công đã kéo một sợi dây thừng để cố giữ ổn định quả cầu khi nó hạ cánh trên một cánh đồng mía. Rồi đột nhiên vòi dẫn khí bị rách và lửa bùng lên. Phi công và hai hành khách khác đã nhảy ra khỏi khí cầu trước khi nó vụt bay trở lại không trung và nổ tung. Những người còn sống đều đang trong tình trạng nguy kịch. Mô tả này hơi khác so với mô tả của chị Chi trên báo VietnamPlus ở trên.

Một video quay được toàn cảnh vụ nổ đăng trên báo Washington Post ở đây.

video khinh khí cầu nổ ở Ai Cập

Báo EgyNews của Ai Cập cho biết đây là một vụ nổ khí (gas explosion) tuy nhiên chính phủ Ai Cập cho biết nguyên nhân đang được một ủy ban của Bộ Hàng không dân dụng điều tra. Chính phủ cho biết khí cầu đang ở độ cao khoảng 300m khi nó bắt lửa và phát nổ.

Tuy nhiên, theo báo Anh The Guardian, vụ nổ có thể do nguyên nhân từ sự thiếu an toàn trong các tiêu chuẩn vận hành khí cầu của Ai Cập.

Các nhà khai thác và các phi công Anh là những người tiên phong của ngành công nghiệp khai thác khí cầu Ai Cập khoảng 20 năm trước đây nhưng sau đó đã bị "buộc" phải nhường lại cho người Ai Cập tự làm trong khoảng 10 năm nay.

Mặc dù mong muốn tạo ra công ăn việc làm cũng như lợi nhuận cho người địa phương là điều có thể hiểu được, nhưng việc thay thế các phi công Anh dày dạn kinh nghiệm bằng những người địa phương không được đào tạo tốt cũng như không có số giờ bay đủ lớn đã mang lại những hậu quả rõ rệt. Đã có nhiều vụ tai nạn khí cầu xảy ra ở Ai Cập, trong đó chỉ riêng năm 2009 đã có 30 người bị thương trong 5 sự cố khí cầu.

Ông John Rudoni, giám đốc của công ty Wickers World vận chuyển 6.000 hành khách một năm ở Anh, nói rằng vận chuyển bằng khí cầu về cơ bản là một hoạt động an toàn. Ông cho biết ngành công nghiệp này của Vương quốc Anh được kiểm soát "rất, rất chặt chẽ" với các phi công và các nhà khai thác được cấp phép bởi Cơ quan Hàng không dân dụng và phải được kiểm tra hàng năm. Kể từ khi có chế độ cấp giấy phép khai thác khí cầu vào năm 1988, mới chỉ có một ca tử vong ở Anh.

Rudoni, một thành viên sáng lập của Hiệp hội các nhà khai thác khí cầu ở Anh, nói rằng ông không muốn suy đoán về những gì có thể đã gây ra vụ tai nạn hôm thứ Ba ở Luxor nhưng mà lỗi của con người là nguyên nhân thông thường. "Với hầu hết các tai nạn, đó là sai lầm của các phi công hoặc của một người nào đó trong khâu bảo trì", ông nói.

Thực tế, chính quyền Ai Cập cũng có những quy chế quản lý các nhà khai thác và phi công lái khí cầu, nhưng một số công ty sử dụng các phi công tương đối thiếu kinh nghiệm. Để có giấy phép lái khí cầu, phi công thương mại phải có kinh nghiệm 35 giờ bay, tương tự như ở Anh. Tuy nhiên, trong khi ở Anh - nơi sản xuất khí cầu chủ yếu, khí cầu được đốt bằng khí propane, nhưng do chi phí và do thiếu khí propane nên Ai Cập thường sử dụng khí butane để thay thế. Butane phải được nén lại trước khi dùng, do đó đòi hỏi phải dùng thêm các loại khí khác, dễ dẫn tới các rủi ro.

Ở Anh, để vận chuyển hơn 19 hành khách thì bắt buộc khí cầu phải có 2 phi công nhưng các nhà khai thác hiếm khi làm vậy vì sẽ tốn thêm chi phí. Khí cầu tại Luxor có 20 hành khách và 1 phi công.

Hiện trên thế giới không có cơ quan nào điều tiết các quy định về khí cầu hàng không toàn cầu. Hiện có 191 nước thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) – một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cung cấp các tư vấn về các tiêu chuẩn và quy định của hàng không, tuy nhiên không có nghĩa vụ pháp lý nào về việc phải thực thi các tiêu chuẩn và khuyến nghị của ICAO.

Trong khi ở Anh, các phi công phải được kiểm tra y tế thường xuyên và các khí cầu phải được kiểm tra đánh giá sau mỗi 100 giờ bay, thì ở Ai Cập dù cũng có một hệ thống tương tự nhưng không được giám sát một cách độc lập.

Maggie Sabourne, 55 tuổi, đến từ Camberley, Surrey, người từng được giải cứu bởi lực lượng không quân Ai Cập 9 giờ sau khi khinh khí cầu chở cô bị rơi xuống sa mạc năm 2009, cho biết các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn "không phải là những gì bạn mong chờ". Cô cho biết, người phi công đã cất cánh vào thời điểm quá muộn trong ngày khi hướng gió đã thay đổi, khiến cho quả cầu hạ cánh xuống sa mạc và phần đáy của nó bị kéo lê trên đá. Trên khí cầu không hề có bộ đồ sơ cứu, nước uống rất ít và sau khi nó bị rơi thì phi công bỏ đi khi hành khách từ chối đi theo anh ta trên một con đường đá nguy hiểm.

Mặc dù có vẻ như Ai Cập xảy ra nhiều vụ tai nạn khí cầu, đây cũng là nước vận chuyển nhiều khách nhất.

Hiện chính phủ Ai Cập đã cho dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển bằng khinh khí cầu. Cho dù nguyên nhân của vụ tai nạn là gì, chắc chắn ngành du lịch khinh khí cầu Ai Cập sẽ bị tác động mạnh.

Ngọc Mai

Chủ đề khác