VnReview
Hà Nội

Đi tìm chất lượng thật sự của sữa cho trẻ em

Từ khoảng cuối tháng Hai đến nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin nhập nhằng về xuất xứ, chất lượng của nhãn hiệu sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm (Thanh Xuân, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối, cùng với đó là thông tin về hàm lượng đạm trong sữa, tên gọi của các loại sữa và hơn cả là chất lượng thật sự của các loại sữa/thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em trên thị trường, bao gồm cả các loại sữa "xách tay" lâu nay vẫn được "mặc định" là tốt hơn các nhãn sữa đóng hộp trong nước.

VnReview đã tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc đáng lưu tâm nhất của người tiêu dùng, nhất là các bà mẹ, về sữa và các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa, trong bài viết dưới đây.

tỉ lệ đạm trong sữa cho trẻ em

Người tiêu dùng đang rất hoang mang về chất lượng sữa cho trẻ em

Về tỉ lệ đạm trong sữa: phải chăng sữa bắt buộc có hàm lượng đạm 34%?

Không phải như vậy! Nhiều bài báo gần đây đã nhầm lẫn khi cho rằng "Nhiều sản phẩm sữa công thức cho trẻ chỉ có tỉ lệ đạm dưới 20%, trong khi chuẩn phải là 34%. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) với sữa bột công thức cho nhóm trẻ 0-12 tháng, tỉ lệ đạm dao động 11-18% là đạt" (Nguồn: Tuổi Trẻ). Nếu theo cách nói này thì có thể hiểu là: sữa đạt tiêu chuẩn phải có tỉ lệ đạm là 34% nhưng các loại sữa trên thị trường đều không đạt tiêu chuẩn này, đồng thời tiêu chuẩn (Việt Nam) này cũng "có vấn đề" khi tiêu chuẩn quốc tế cho phép tỉ lệ đạm thấp hơn nhiều.

Trên thực tế, mặc dù Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột (ban hành năm 2010) có nói, những sản phẩm sữa có hàm lượng đạm 34% được gọi là sữa bột. Tuy nhiên, nhóm đối tượng áp dụng của quy chuẩn này chỉ bao gồm 4 loại: sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật. Quy chuẩn này không áp dụng đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh và thực phẩm chức năng (bao gồm cả nhóm thực phẩm bổ sung). Chi tiết quy chuẩn này có tại đây.

Như vậy, việc áp chỉ tiêu hàm lượng protein sữa trong các sản phẩm thuộc nhóm đối tượng của quy chuẩn trên vào các sản phẩm sữa công thức dành cho trẻ em (từ 0-36 tháng tuổi) phổ biến trên thị trường hiện nay, và các sản phẩm khác, trong đó có thực phẩm bổ sung là không đúng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh chỉ mới được ban hành vào tháng 11/2012 (rất gần đây) và sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 1/6/2013. Trước đó, Luật an toàn thực phẩm cũng chỉ mới được ban hành ngày 17/6/2010 và mãi đến tháng 4/2012 mới có Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu, trong đó có các quy chuẩn nói trên. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn được xây dựng trước đây tuân theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006 và Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 07/8/2003 hoặc trước đó nữa là Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999, tuy nhiên đều chưa đề cập đến sữa công thức dành cho trẻ em.

Như vậy, trong suốt một thời gian dài, mặc dù là sản phẩm thiết yếu được tiêu dùng rộng rãi trên thị trường, nhưng sữa công thức dành cho trẻ em đã không phải chịu các quy định, chế tài nào, cũng như chưa có quy định về tỉ lệ đạm đối với nhóm sản phẩm này. Các hãng sữa và nhà nhập khẩu/phân phối sữa bột công thức trước đây đều gọi sản phẩm của mình là "sữa bột", "sữa bột công thức", "sữa bột cho trẻ", "sữa bột dinh dưỡng"…, nghĩa là đều có từ "sữa bột", nhưng khi quy chuẩn cho các loại sữa này được ban hành (từ 15/11/2012 như nói ở trên) thì lập tức các bà mẹ đã thấy loại sữa mình hay mua cho con đã được đổi tên thành thức ăn bổ sung dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng... Việc đổi tên này phải chăng liên quan tới hàm lượng đạm trong sữa không đủ tiêu chuẩn?

tỉ lệ đạm trong sữa cho trẻ em

Sản phẩm sữa Cô gái Hà Lan đã đổi tên từ "Sữa bột cho trẻ" thành "Thực phẩm bổ sung cho trẻ"

"Sữa" hay "thực phẩm bổ sung"?

Dòng sản phẩm sữa cho trẻ em lâu nay vẫn quen gọi là sữa bột công thức (có tên gọi tiếng Anh phổ biến là formula milk powder, infant milk powder, formula milk), tuy nhiên sau khi các bộ quy chuẩn về sản phẩm này được ban hành, tất cả các hãng sữa cho trẻ em đều nhất loạt đổi tên gọi như đã nói ở trên, không hãng nào còn sử dụng từ "sữa bột" trong sản phẩm của mình. Đó là vì chính các bộ quy chuẩn kỹ thuật này không sử dụng từ "sữa bột" hoặc "sữa bột công thức" mà gọi là "sản phẩm dinh dưỡng công thức", mặc dù chúng đề cập đến các "sản phẩm có thành phần cơ bản là sữa". Trong định nghĩa về thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cũng coi sữa là một loại bột dinh dưỡng trẻ em và là một thực phẩm có bổ sung các vitamin và khoáng chất. Như vậy, đã không còn khái niệm "sữa bột công thức" hay "sữa trẻ em" nữa, còn cái gọi là "sữa bột" thì lại không dành cho trẻ em! (Bạn đọc có thể tham khảo các bộ quy chuẩn này tại trang thuvienphapluat.vn).

tỉ lệ đạm trong sữa cho trẻ em

Khi "sữa" được gọi là "thức ăn", người tiêu dùng biết hiểu thế nào?

Vậy chất lượng của các "sản phẩm dinh dưỡng công thức" mà thực chất là sữa này có thay đổi theo tên gọi không? Thực tế, các "công thức" sữa của các hãng về cơ bản là giống nhau, chỉ gia giảm thêm các thành phần được nhấn mạnh trong quảng cáo như DHA, ARA, Trytophan, Choline, Tyrosine... và có thay đổi đôi chút về tỉ lệ đạm tùy theo từng dòng sản phẩm. Không phải cứ sản phẩm đắt tiền thì có tỉ lệ đạm cao và ngược lại, điển hình như sản phẩm sữa cao năng lượng Pediasure dành cho trẻ từ 1-10 tuổi được quảng cáo là có hàm lượng đạm cao, nhưng thực tế hàm lượng đạm in trên vỏ hộp chỉ có 13,7%.

Hoặc như trường hợp hãng Dutch Lady (Cô gái Hà Lan - CGHL) có 2 dòng sản phẩm là CGHL thường và CGHL Gold (đắt tiền hơn) thì tỉ lệ đạm của CGHL thường còn cao hơn CGHL Gold: 16,5% so với 15% ở dòng CGHL 456 (dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên). Đáng chú ý, do còn lưu vỏ hộp CGHL Gold 456 loại cũ (chưa đổi tên) nên tôi có điều kiện so sánh và thấy CGHL Gold 456 loại mới (đổi tên thành sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em) đã tăng hàm lượng đạm từ 13,5 lên 14,6%.

Theo bộ quy chuẩn mới dành cho "sản phẩm dinh dưỡng công thức" cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 12 tháng tuổi) hoặc sữa có mục đích y tế đặc biệt cho trẻ sơ sinh, có thể dùng thay thế một phần hoặc hoàn toàn sữa mẹ, phải có hàm lượng đạm nằm trong khoảng 1,8-3 g/Kcal, tương đương từ 11,25 đến 18,57%. Sản phẩm công thức dành cho trẻ từ 12 tới 36 tháng có chỉ số đạm từ 18,57 đến 34%. Các loại sữa bột, kem bột khác (không dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi) có hàm lượng đạm tối thiểu 34%.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, tất cả các loại sữa bột công thức dành cho trẻ từ 0 đến 6 tháng đều có hàm lượng đạm trong khoảng 11-14%, các sữa cho trẻ lớn hơn đều có hàm lượng đạm trong khoảng dưới ngưỡng 20%. Dòng sữa Dumex Gold khá đắt tiền nhưng hàm lượng đạm khá khiêm tốn: sữa số 1 (cho trẻ dưới 6 tháng tuổi) là 10,5%, số 2 (cho trẻ 6-12 tháng) là 14,9%, số 3 (cho trẻ từ 1-3 tuổi) là 13,1%, số 4 (trẻ từ 3 tuổi trở lên) là 12,1%. Sản phẩm Enfa A+ có hàm lượng đạm lần lượt là 11,9; 15,8; 16,5% cho các dòng số 1, 2, 3. Nuti IQ số 1 có hàm lượng đạm 11,2%, còn các dòng số 2, 3, 4 đều có chỉ số đạm 16,5%...

Như vậy, nếu chiếu theo bộ quy chuẩn vừa ban hành, tỉ lệ đạm có trong các sản phẩm công thức dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên hầu hết đều chưa đạt tiêu chuẩn, với tỉ lệ đạm dưới mức tối thiểu 18,57% mà quy chuẩn đặt ra. Dường như quy chuẩn này có phần bất hợp lý?

Cục An toàn Thực phẩm cho biết các quy chuẩn của Việt Nam cũng tuân theo bộ tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Thực tế, tiêu chuẩn của Codex đối với Infant Fomula (CODEX STAN 72 – 1981, xem tại đây) chỉ áp dụng cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi, các công thức cho trẻ từ trên 1 tuổi hiện nay đang được xây dựng tùy theo mục đích quảng cáo của các hãng sản xuất. Điều này đã được các hiệp hội về sữa và các nước xuất khẩu sữa lớn như New Zealand và Ireland nhận thấy và đề xuất phải đưa ra một tiêu chuẩn riêng. Tuy nhiên, theo quan điểm của IBFAN (International Baby Food Action Network: Mạng hành động vì thực phẩm cho trẻ em quốc tế) thì tiêu chuẩn của Codex đã lạc hậu, nhưng không cần thiết phải đưa ra một tiêu chuẩn riêng đối với sản phẩm công thức cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, mà chỉ cần thêm vào tiêu chuẩn CODEX STAN 72 – 1981 rằng "tất cả các công thức cho trẻ lớn hơn và trẻ em đều phải tuân theo các yêu cầu về thành phần dinh dưỡng cũng như yêu cầu quảng cáo của công thức cho trẻ dưới 1 tuổi (infant formula)".

Vậy là, quy định về hàm lượng đạm đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 1 tuổi trở lên chỉ đang được áp dụng tại Việt Nam, trong khi các chế phẩm sữa công thức hiện nay đều đang được nhập khẩu nguyên hộp hoặc nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nơi các nhà sản xuất chỉ phải tuân theo tiêu chuẩn CODEX STAN 72 – 1981. Cho nên, bạn không phải quá băn khoăn về những cái tên như "thức ăn bổ sung dinh dưỡng" hay "thực phẩm dinh dưỡng", vì thực chất chúng vẫn là loại sữa bột mà bạn vẫn cho con ăn lâu nay.

Hiểu đúng về tỉ lệ đạm trong sữa bột công thức

Như chúng ta đã biết và các nhà khoa học đã chứng minh, sữa mẹ là loại sữa tốt nhất, phù hợp nhất cho trẻ nhỏ, thiên nhiên đã dành riêng để con người bảo tồn nòi giống. Mọi loại sữa động vật khác đều có thành phần khác với sữa mẹ và do đó có thể không phù hợp với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, do đó khi sử dụng các loại sữa này cho trẻ sơ sinh đều phải thận trọng do bộ tiêu hóa của trẻ còn non yếu. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn thì sữa có thể được hấp thu như mọi loại thực phẩm khác nên không có khuyến cáo (trừ các trường hợp đặc biệt như dị ứng, không dung nạp). Đây cũng là lý do mà CODEX chỉ đưa ra tiêu chuẩn về sữa công thức cho trẻ dưới 1 tuổi.

Các loại sữa công thức hầu hết được chế biến từ sữa bò, chủ yếu do loại sữa này rất phổ biến và có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tỉ lệ dung nạp tốt. Tuy nhiên, sữa động vật có nhiều protein hơn sữa mẹ và chúng không thích hợp cho hai thận còn non nớt của trẻ. Các công thức sữa được nghiên cứu và tạo ra bằng cách điều chỉnh các thành phần của sữa bò như carbohydrate, protein, tỉ lệ chất béo…, sao cho giống với sữa mẹ nhất.;

Có một thông tin không nhiều người biết là, đạm sữa (protein sữa) luôn gồm 2 thành phần là đạm whey và đạm casein, trong đó đạm whey có đặc tính dễ hòa tan trong nước hơn, dễ tiêu hóa hơn, dễ dàng đi vào cơ thể để cung cấp những axit amin thiết yếu nhằm nuôi dưỡng, phát triển, kích thích sự tổng hợp protein trong xây dựng cơ bắp. Ngược lại, đạm casein là một nguồn protein tiêu hóa rất chậm, khi hấp thụ, casein sẽ vón cục trong dạ dày, làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, ảnh hưởng đến tốc độ mà các axit amin được hấp thụ vào máu, do đó casein có vai trò duy trì cơ bắp.

Trong sữa bò, casein chiếm 80% và whey chiếm xấp xỉ 20%, tỉ lệ này không thích hợp với trẻ sơ sinh, do đó sữa công thức giai đoạn 1 bắt buộc phải có tỉ lệ casein:whey là 40:60 – tương đương với sữa mẹ. Trẻ em dưới 12 tháng tuổi được khuyến cáo sử dụng loại sữa có tỉ lệ này vì nó giúp tiêu hóa tốt hơn. Không dùng sữa có tỉ lệ casein cao hơn đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Sữa công thức giai đoạn 2 được điều chỉnh tỉ lệ casein nhiều hơn, với tỉ lệ tối đa 80:20, dành cho trẻ lớn hơn đã có bộ tiêu hóa khỏe hơn.

Cách ghi hàm lượng đạm trên vỏ các hộp sữa công thức trên thị trường không cho bạn biết tỉ lệ casein:whey, nên bạn cần thận trọng khi chọn sữa cho con, cũng như đừng quá tin vào những lời quảng cáo có cánh. Trang afamily hồi năm ngoái đưa tin cho biết, một nghiên cứu của công ty CER Research đặt trụ sở tại Hồng Kông cho thấy, sữa Similac Stage 1 sản xuất bởi Abbott Laboratories, mua tại Hồng Kông, có tỉ lệ casein:whey là 59:41, nghĩa là lượng casein quá cao so với trẻ sơ sinh. Khảo sát của VnReview cho thấy, trên thị trường hiện chỉ có duy nhất sản phẩm Insulac cho trẻ từ 1-3 tuổi (sữa nhập nguyên hộp từ Mỹ) là có ghi rõ thành phần casein:whey trong thông tin về hàm lượng đạm.

tỉ lệ đạm trong sữa cho trẻ em

Sữa Insulac nhập khẩu từ Mỹ là sản phẩm duy nhất ghi rõ tỉ lệ casein:whey

Một lưu ý nữa, hàm lượng protein của sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi thường được xác định thông qua việc đo hàm lượng ni-tơ (chất đạm là nguồn dinh dưỡng duy nhất cung cấp nitrogen cho cơ thể; protein chứa khoảng 16% Nitrogen), với công thức tính N x 6,25. Đây chính là lý do mà cách đây 3 năm rộ lên việc các công ty sữa Trung Quốc bị phát hiện đã cho chất melamine vào sữa trẻ em để tăng hàm lượng nitrogen trong sữa và do đó giúp tăng (ảo) hàm lượng đạm trong sữa, do chất melamine là những tinh thể giàu nitrogen. Điều này cho thấy, bạn chớ tin vào các quảng cáo, đồng thời cũng xem hàm lượng đạm trong sữa chỉ là một tiêu chí nhỏ để xác định chất lượng sữa.

Chọn sữa bột cho bé theo từng độ tuổi

Như đã phân tích ở trên, sữa mẹ là sữa phù hợp nhất với trẻ em, do đó các bà mẹ sắp hoặc mới sinh con nên cố gắng cho con bú trong 2 năm đầu, hoặc ít nhất là 6 tháng đầu.

Trong trường hợp không thể cho con bú, hãy chọn mua loại sữa giai đoạn 1 tốt (theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ, sữa NAN được cho là mát, dễ tiêu hóa, sữa Abbott có nhiều phản ánh là nóng, trẻ hay bị táo bón), chú ý tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về pha sữa để bảo vệ bộ máy tiêu hóa của trẻ. Xem kỹ hạn dùng, chỉ dùng nước để pha (nước đun sôi để nguội bớt), không được dùng nước sôi hoặc đun sôi sữa vì sẽ làm mất hoặc hao hụt các vitamin và khoáng chất có trong sữa.

Về mặt dinh dưỡng, con bạn chỉ cần dùng sữa giai đoạn 1, mặc dù bạn có thể quyết định cho con chuyển sang dùng sữa giai đoạn 2. Lưu ý là, việc chuyển đổi sữa quá sớm hoặc đột ngột có thể khiến trẻ bị táo bón. Theo lời khuyên trên trang Babycentre.co.uk của Anh, khi con bạn đã được trên 1 tuổi, bạn có thể cho bé đổi sang sữa công thức giai đoạn 2 hoặc vẫn duy trì sữa giai đoạn 1 nếu con bạn vẫn thích uống.

Các loại sữa trên thị trường thường quảng cáo là dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên do có nhiều chất sắt hơn, nhiều vitamin và khoáng chất hơn, nhưng thực tế con bạn có thể nhận các chất đó từ thức ăn dặm hàng ngày. Từ 1 tuổi trở lên, trẻ có thể uống sữa bò tươi nguyên chất, các loại sữa tươi tiệt trùng, cùng với chế độ ăn đa dạng thực phẩm, bạn không cần phải chạy theo các quảng cáo sữa mà chưa biết thực hư thế nào.

Đối với bé 6-12 tháng, ngoài các bữa ăn bổ sung như bột, cháo xay, bé vẫn cần phải uống thêm 500 - 600ml sữa/ngày, chia làm 3-4 bữa tùy theo mức độ uống của bé. Bạn có thể chuyển sang dùng sữa công thức loại II (sữa tiếp theo, follow-up milk), hoặc tiếp tục sử dụng sữa giai đoạn 1 cho đến khi bé lớn hơn một chút, không nhất thiết đúng 6 tháng thì chuyển sang giai đoạn 2.

Với bé từ 1-5 tuổi, chế độ ăn chính hàng ngày là cháo, cơm, mì, súp, bún, phở…, bé vẫn cần 400 - 500ml sữa/ngày, lúc này có thể dùng tất cả các loại sữa dành cho bé trên một tuổi, sữa bò tiệt trùng, sữa bột nguyên kem, sữa đậu nành, sữa chua. Có thể dùng các loại sữa tăng trưởng (growing-up milk) nhưng đừng chạy theo quảng cáo, hầu hết các công thức sữa có hàm lượng dinh dưỡng tương đương nhau.

Hiện chưa ai khẳng định được tên nhãn hiệu sữa nào là tốt nhất, tốt nhì..., loại sữa phù hợp với trẻ này chưa chắc phù hợp với trẻ khác do mỗi cơ thể có khả năng tiêu hoá – hấp thu khác nhau và mỗi trẻ có khẩu vị, sự vận động, bệnh lý khác nhau. Vì vậy, sữa tốt nhất phải là loại sữa phù hợp với trẻ nhất. Nếu dùng một loại sữa trong một thời gian thấy bé tăng cân tốt, không dị ứng, đi tiêu phân tốt... thì loại sữa đó phù hợp với trẻ và nên duy trì. Ở trẻ nhỏ không nên đổi sữa thường xuyên.

Bạn cũng đừng cầu kỳ chạy theo các loại sữa quảng cáo là "xách tay" từ nước ngoài. Hầu hết các loại sữa xách tay đều do thông tin truyền miệng mà đắt khách, ít ai chứng minh được nguồn gốc thực của sản phẩm. Sữa xách tay cũng không được bảo quản, vận chuyển đúng quy cách nên có thể ảnh hưởng tới chất lượng sữa.

Có hay không sữa kém chất lượng được nhập chính ngạch?

Trở lại câu chuyện về sữa Danlait, nhiều thông tin trước đây từng cho rằng sữa Danlait là sữa giả, sữa kém chất lượng, nhưng một số báo sau đó đã xác minh sữa này đúng là được sản xuất tại Pháp, phóng viên báo VietnamPlus cũng đã đến tận nơi xem dây chuyền sản xuất sữa này.

Theo bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo Kienthuc.net, ông Hervé Lanoë, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty FIT cho biết, Danlait là một sản phẩm được sản xuất tại Pháp, bằng nguồn nguyên liệu sữa dê thu mua tại Pháp. Danlait được chế biến và đóng gói tại  công ty sữa thu mua sữa và công ty này chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm. Cả quá trình sản xuất đều được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan kiểm định thú y Pháp.

Cũng theo ông Hervé Lanoë, nhãn hiệu sữa Danlait là nhãn hiệu do công ty phân phối tại Việt Nam (Mạnh Cầm) đặt tên. Nhãn hiệu này chỉ được cung cấp tại thị trường Việt Nam, nhưng việc in tên Danlait trên vỏ hộp cũng được thực hiện ngay tại nhà máy ở Pháp. Sản phẩm bán tại Trung Quốc cũng do công ty sản xuất tại Pháp, nhưng được bán với nhãn mác khác. Ông Hervé Lanoë cho rằng sữa dê Danlait là sản phẩm sữa dê có hàm lượng các chất dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin rất gần với sữa mẹ. Những tin đồn sữa dê Danlait bị làm giả và có nguồn gốc từ Trung Quốc là không đúng.

Như vậy, với thông tin trên, có thể khẳng định sữa Danlait đúng là có xuất xứ từ Pháp, được sản xuất tại Pháp. Lý do trước đó nhiều người cho rằng không có tên sữa Danlait trên thị trường Pháp là vì đây là thương hiệu do công ty Mạnh Cầm "đặt hàng" với nhà sản xuất. Điều này là hoàn toàn bình thường trong kinh doanh, cũng như điện thoại Viettel V8403 do ZTE sản xuất nhưng đặt tên theo yêu cầu của khách hàng, ở thị trường khác cũng sản phẩm đó sẽ có tên gọi khác.

Vậy có hay không khả năng các loại sữa kém chất lượng được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam (không tính các loại sữa nhập bằng đường khác, chất lượng không ai đảm bảo)? Theo tiết lộ của một người bạn chuyên nhập khẩu sản phẩm thực phẩm bổ sung (sữa cho trẻ em), VnReview cho rằng khó có khả năng này.

Quy trình nhập sữa/thực phẩm bổ sung dù là cho trẻ em hay người lớn cũng đều rất chặt chẽ. Đơn vị nhập khẩu trước tiên phải xin phép Bộ Y tế, tiếp đó làm hồ sơ đăng ký với Cục vệ sinh an toàn thực phẩm để được "xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm". Sau khi Thực phẩm bổ sung được nhập về cảng, đơn vị nhập khẩu phải làm đăng ký kiểm dịch với Cục Thú y, người của Cục Thú ý sẽ ra tận cảng lấy mẫu, sau 1 tuần sẽ cho kết quả có đạt yêu cầu sử dụng làm thực phẩm cho con người hay không, có được đóng gói, bảo quản và vận chuyển trên phương tiện đạt yêu cầu vệ sinh hay không. Tiếp theo, phải làm đăng ký tiếp với Viện Vệ sinh -Y tế công cộng, nộp mẫu để xin Giấy xác nhận đạt chất lượng hàng nhập khẩu – được cấp 1 tháng sau khi mở tài khoản. Mọi lô hàng đều phải có đủ 2 loại giấy này mới được đóng dấu thông quan. Với một quy trình nhập chặt chẽ như vậy, khó có thể một sản phẩm nhập chính ngạch mà kém chất lượng được.

Kết luận

Vụ việc liên quan đến sữa dê Danlait và tất cả các luồng dư luận sau đó cho thấy một điều: sản phẩm dinh dưỡng, cụ thể là sữa cho trẻ em, đã chưa được quan tâm đúng mức và có quá nhiều thông tin sai lệch, ngược chiều gây hoang mang cho người tiêu dùng. Tổng kết lại, VnReview cho rằng có một số vấn đề sau cần được nhìn nhận lại:

- Chính cơ quan quản lý đã đưa thông tin không chính xác về hàm lượng đạm 34%, gây hoang mang cho dư luận. Bài viết "Hoang mang với sữa dê Danlait" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 22/2/2013 dẫn lời ông Kiều Đình Cảnh - phó đội trưởng đội quản lý thị trường số 12 - cho hay Công ty Mạnh Cầm đã có ba sai phạm trong kinh doanh sản phẩm Danlait là vi phạm quy chế nhãn mác, trốn thuế và có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, dẫn đến việc công ty này bị thu hồi 6000 lon sữa. Theo ông Cảnh, chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm do Cục An toàn thực phẩm cấp cho sản phẩm Danlait là thực phẩm bổ sung, nhưng trong nhãn phụ bằng tiếng Việt dán kèm theo Danlait được ghi là "sữa dê". Theo quy chuẩn Việt Nam hiện hành, sản phẩm phải đạt 34% đạm mới được gọi là sữa bột, nhưng hàm lượng đạm do nhà sản xuất công bố trên nhãn sữa Danlait thấp hơn nhiều. Ngoài ra, theo ông Cảnh, công ty đã có dấu hiệu trốn thuế khi khai giá bán ra thấp chỉ bằng 1/3 so với thực tế, chưa kể khả năng hạ giá mua vào cũng nhằm trốn thuế. Như vậy, chính ông Cảnh là người "phát ngôn" về việc sữa phải đạt 34% đạm mới là sữa bột, nhưng cách hiểu của ông Cảnh là không đúng như phân tích ở đầu bài viết.

- Việc các hãng sản xuất đổi tên sản phẩm từ "sữa bột" "sữa bột công thức" thành đủ loại tên gọi khác nhau hiện nay có thể gây nhiễu loạn cho người tiêu dùng. Không trách họ được khi chính các quy chuẩn kỹ thuật về dòng sản phẩm cho trẻ em này cũng không gọi đó là "sữa" mà là "sản phẩm dinh dưỡng công thức". Vậy, có bất cập không khi một mặt người tiêu dùng, người bán, người quản lý thị trường... vẫn gọi là "sữa" nhưng nó lại "không phải là sữa" mà chỉ là "thực phẩm bổ sung", mà khái niệm "thực phẩm bổ sung" lại quá rộng, dùng để chỉ rất nhiều loại thực phẩm có bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng, bao gồm cả một số chế phẩm dược. Tại sao lại bỏ đi một tên gọi quen thuộc, khó nhầm lẫn và đúng với thông lệ quốc tế, và cũng không nhầm với sữa bột nói chung, đó là: "sữa bột công thức"?

- Hàm lượng đạm chỉ là một trong các thành phần của một công thức sữa cho trẻ em, các bộ quy chuẩn cho sản phẩm này cũng đề cập tới hàm lượng của nhiều vi chất khác, gồm các vitamin và khoáng chất, cũng như mức năng lượng cung cấp, hàm lượng chất béo..., do đó không nên đánh giá chất lượng sữa thông qua chỉ số đạm. Mặc dù vậy, cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài đối với các dòng sản phẩm có tỉ lệ đạm quá thấp, hoặc có quy định chặt chẽ hơn về tên gọi để tránh việc các sản phẩm kém chất lượng núp dưới tên "thực phẩm bổ sung" để không phải tuân theo quy chuẩn về sữa công thức cho trẻ em, trong khi người tiêu dùng vẫn hiểu đó là "sữa".

Ngọc Mai

Chủ đề khác