VnReview
Hà Nội

Bí ẩn tượng sáp giống hệt người thật

Hơn một tháng trở lại đây, rất nhiều Phật tử đã tới chùa Quán Sứ để chiêm ngưỡng bức tượng giống y hệt người thật được làm theo nguyên mẫu của Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người từng trụ trì ở chùa Quán Sứ.

Bức tượng giống người thật đến nỗi các tăng ni Phật tử và dân chúng đến xem tượng đều rất bất ngờ và thán phục, không hiểu tượng được làm như thế nào mà giống thế, có người còn thắc mắc không biết là người thật hay tượng. Để hiểu rõ hơn về quá trình làm bức tượng, cũng như về thiết kế, cấu tạo của tượng, chúng tôi đã tới gặp và trò chuyện với Đại đức Thích Thanh Tuấn, đệ tử thân thiết của Hoà thượng Thích Thanh Tứ, tại chùa Quán Sứ, cũng như tìm hiểu thêm về công nghệ làm tượng sáp trên thế giới, nhằm mang lại cho độc giả những thông tin đầy đủ nhất.

Một năm ròng làm tượng

Bức tượng được đích thân Đại đức Thích Thanh Tuấn đặt làm từ Thái Lan.

Do đang trong quá trình tu sửa chùa, tượng đang được đặt tại gian thờ Phật bà Quan Âm

Đại đức Thích Thanh Tuấn cho biết, thời gian từ lúc lên ý tưởng tới lúc pho tượng hoàn thành là tròn 1 năm, riêng Đại đức đã trực tiếp sang Thái Lan 12 lần liên tục để chỉnh sửa các chi tiết cho bức tượng giống thật. Đại đức đã phải lưu trú ở đây nhiều ngày để hướng dẫn những người thợ vị trí của từng nếp nhăn, vết đồi mồi, gân chân, gân tay... cho giống nguyên mẫu.

Ban đầu, các bức ảnh chụp Hòa thượng Thích Thanh Tứ được phóng lớn theo kích cỡ 1:1 so với người thật, dựa vào ảnh các cơ sở làm tượng ở Thái Lan đắp cốt đất. Khi có cốt đất ưng ý thì sau đó mới phủ một lớp nhựa composite bóng lên trên rồi cuối cùng mới đắp bằng sáp hóa học, chờ trong khoảng 12 giờ sáp sẽ khô lại, bỏ cốt đất đi và các nghệ nhân bắt đầu chỉnh sửa các chi tiết cho tượng. Chỉ riêng với việc đắp cốt đất, Đại đức đã phải đi tới ba cơ sở mới có được cốt đất ưng ý.

Có một điểm đặc biệt của bức tượng, đó là tóc của tượng là tóc thật của Hòa thượng Thích Thanh Tứ khi còn sống. Chính tay Đại đức Tuấn đã cắt tóc của Hoà thượng và cất đi làm kỷ niệm. Trong quá trình làm, những người thợ ở Thái Lan đã phải lấy nhíp để cắm từng sợi tóc, để bức tượng giống người thật nhất. Chính nhờ việc đó đã giúp cho bức tượng sáp rất có sức thuyết phục đối với các Phật tử.

Từng sợi tóc của bức tượng được nghệ nhân gắn một cách tỉ mỉ

Lý giải về việc đặt làm bức tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ bằng sáp, Đại đức Thích Thanh Tuấn cho biết: "Tượng sáp có độ chân thật, chính xác nhiều hơn so với việc làm tượng bằng đồng hoặc đá. Chính vì vậy Đại đức quyết định làm tượng bằng sáp để tưởng nhớ đến người". Đại đức cũng cho biết thêm, sau này tượng sẽ không đặt tại chùa Quán Sứ mà sẽ di chuyển về chùa Linh Ứng – Thôn Thái Phù – Xã Mai Đình – Huyện Sóc Sơn – Hà Nội. Hiện tại cơ sở bên Thái Lan cũng đang sắp hoàn thành thêm 2 pho tượng khác theo nguyên mẫu của pho tượng đang đặt tại chùa Quán Sứ, do đã có cốt đất nên việc hoàn thành tượng rút ngắn chỉ trong vòng 3-4 tháng. Hai pho tượng này được một số Phật tử hảo tâm đặt làm và sẽ được đặt tại Thanh Hóa.

Các chi tiết như bàn chân, ngón tay đều được làm tỉ mỉ, hiện rõ nét cả những đường gân

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi với Đại đức về việc vận chuyển và bảo quản tượng, liệu tượng bằng sáp có bị ảnh hưởng bởi hương khói xung quanh và nhiệt độ cao không? Đại đức cho biết tuy làm bằng sáp nhưng tượng rất cứng cáp, chắc chắn, và theo cơ sở sản xuất thì nhiệt độ nóng chảy của tượng là lớn hơn 50 độ C. Tuy nhiên, theo Đại đức, trong chùa thường rất mát mẻ, và cho dù những ngày hè nóng nực nhất thì nhiệt độ trong chùa cũng chưa bao giờ tới được 50 độ C.

Chúng tôi cũng đã thử tiến hành đo nhiệt độ trong chùa lúc đó, thời điểm đo là một ngày nắng, nhiệt độ trung bình ở ngoài khoảng 30 độ C, và nhiệt độ bên trong chùa lúc đó chưa tới 30 độ C. Hơn nữa, hiện tại tượng được đặt trong lồng kính để tránh bụi, việc đó cũng giúp đảm bảo nhiệt độ không bị quá nóng và cũng không cần phải bảo dưỡng định kỳ cho tượng. Đại đức cho biết thêm, theo phía nhà sản xuất bên Thái Lan, tuổi thọ của tượng vào khoảng vài chục năm, tượng cũng được bên phía Thái Lan bảo hành 3 năm đầu.

Hiện tại tượng được đặt trong tủ kính, nhiệt độ phòng chưa tới 30 độ C

Về vấn đề di chuyển tượng, Đại đức cho biết mỗi lần di chuyển nhà chùa đều phải chuẩn bị kỹ càng, tránh va đập, mọi khâu chuẩn bị đều được nhà chùa làm rất tỉ mỉ, kỹ càng. Do vậy việc va đập trong khi di chuyển thường rất hiếm khi xảy ra.

Một điểm nữa khác với các bức tượng khác, đó là bức tượng này không làm lễ hô thần nhập tượng. Lý giải về điều này Đại đức cho biết, do tượng được làm mang ý nghĩa để các đồ đệ tưởng nhớ và thờ cùng Hòa thượng Thích Thanh Tứ, do vậy nhà chùa không làm lễ hô thần nhập tượng như các pho tượng khác trong chùa.

Ảnh chụp chính diện có thể thấy rõ vẻ thần thái của bức tượng

Lịch sử tượng sáp đã có hàng nghìn năm

Từ xa xưa, người ta đã biết dùng sáp ong để nặn tượng. Từ thế kỷ 4 trước Công nguyên, Alexander Đại Đế đã từng mời một nghệ sĩ tới để tạc tượng sáp cho mình. Người Ai Cập cổ đại cũng thường đặt tượng Chúa bằng sáp vào quan tài trong lễ tang. Người Hy Lạp cổ đại thường trang trí tượng Chúa bằng sáp trong các buổi lễ tôn giáo. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, các buổi lễ nguyện có sử dụng tượng sáp rất phổ biến ở Tây Ban Nha và Italy. Tượng sáp cũng được dùng để phục vụ cho ngành y như một công cụ trực quan cho các sinh viên y khoa, khi mà hàng trăm năm trước việc thực hành trên tử thi là điều rất khó khăn. Kinh nghiệm nặn tượng bằng sáp cũng đóng góp rất nhiều cho kỹ thuật làm tượng bằng đồng sau này.

Giai đoạn cuối thế kỷ 18 là thời kỳ đánh dấu bước tiến lớn trong kỹ thuật nặn tượng sáp với rất nhiều tượng sáp được trưng bày trong bảo tàng hoặc được giới quý tộc giàu có của châu Âu đặt làm riêng để sưu tầm. Nhà vật lý Phillippe Curtius (1737-1794) tại Paris đã nâng kỹ thuật nặn tượng sáp lên thành một môn nghệ thuật tạo hình. Ông là tác giả của bức tượng sáp "Madame du Barry" (Người tình của Louis XV). Nó là bức tượng sáp cổ nhất vẫn còn được trưng bày.

Phillippe Curtius vốn là một bác sĩ và ông thường nặn các mô hình sáp để minh họa các chi tiết giải phẫu, nhưng sau đó ông bắt đầu tạc các bức chân dung bằng sáp và rất được yêu thích. Ông truyền lại kỹ thuật tạc tượng sáp cho Marie Tussaud, con gái của một phụ nữ làm quản gia cho ông. Ban đầu Marie Tussaud chỉ phụ giúp Phillippe Curtius trong việc nặn tượng sáp nhưng tỏ ra có tài năng nên được thừa kế các bí quyết cũng như bộ sưu tập tượng sáp của ông. Những bức tượng sáp đầu tiên của Marie Tussaud là tượng Francois-Marie Arouet Voltaire, năm 1777 và Jean-Jacques Rousseau, năm 1778. Sau này bà thành lập bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds lừng danh tại London vào năm 1835. Hiện tại, các chi nhánh của bảo tàng đã có tại nhiều thành phố nổi tiếng như Berlin, Amsterdam, Thượng Hải, Hồng Kông... Ngoài ra còn có các bảo tàng tượng sáp khác như: Hollywood Wax Museum, Musée Grévin, National Wax Museum (Ireland), Waxworks museum of the Castle of Diósgyőr, Panoptikum Hamburg...

Nhân vật chủ yếu trong các bảo tàng tượng sáp là những người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực như điện ảnh, âm nhạc, chính trị, thể thao, khoa học. Người ta nặn tượng của những người từng tồn tại - như ông hoàng nhạc pop Michael Jackson, nhà vật lý Albert Einstein, nữ hoàng Anh Elizabeth, song cũng nặn cả tượng của những nhân vật hư cấu như Shrek, chuột Mickey.

Nguyên liệu chủ yếu để làm tượng sáp là sáp ong, bởi sáp ong có những đặc tính như: dễ dàng cắt và tạo hình ở nhiệt độ phòng, có thể nóng chảy ở nhiệt độ thấp, có thể dễ dàng trộn với các chất để tạo màu, dễ tạo các đường nét trên khuôn mặt, có thể thay đổi kết cấu bằng cách chế thêm đất, dầu hoặc chất béo. Khi nóng chảy, sáp ong đáp ứng rất tốt với các thể hiện trên khuôn đúc và một khi để nguội và đông cứng lại, các tạo hình của nó có thể chịu được những biến đổi nhiệt độ thông thường, ngay cả khi nó được cán thành những lớp mỏng. Khi tạo các bức tượng sáp, người ta có thể tách rời các bộ phận để xử lý, sau đó dễ dàng gắn chúng lại bằng dụng cụ hơ nóng trên lửa mà không để lại dấu vết của việc hàn gắn này.

Để tránh hiện tượng co ngót, nóng chảy hoặc biến dạng của tượng sáp, người ta pha chế sáp ong với axit stearic và sáp paraffin với tỉ lệ của 3 chất này là 9-10-1 nhằm tăng độ ổn định của sáp sau khi đã được tạo hình.

Cách làm tượng sáp của bảo tàng Madame Tussauds

Khách tham quan bảo tàng Madame Tussauds ngày nay không khỏi kinh sợ khi đến thăm Chamber of Horrors (Căn phòng của nỗi sợ hãi), nơi trưng bày rất nhiều mặt nạ sáp mà bà Marie Tussaud chế tác từ hồi Cách mạng Pháp (1789-1799) đang diễn ra và bà đã tìm kiếm đầu các tử thi về làm nguyên mẫu nặn tượng. Căn phòng này cũng trưng bày tượng sáp của những kẻ giết người và nhiều tên tội phạm nổi tiếng.;

Năm 2008, bức tượng sáp của trùm phát xít Adolf Hitler được trưng bày nhân dịp khai trương bảo tàng Madame Tussauds ở Berlin đã bị một khách tham quan đánh cụt đầu. Trước đó, bất chấp vô số ý kiến phản đối của dư luận, bảo tàng vẫn quyết định dựng tượng Hitler với lý do y là "một phần không thể thiếu của lịch sử"! Để giảm bớt sự phẫn nộ của công chúng, ban lãnh đạo Madame Tussauds đã phải xử lý tượng Hitler một cách đặc biệt: bức tượng này tái hiện hình ảnh ông ta trong trạng thái suy sụp nhất, chỉ ít phút trước khi tự sát. Một tấm biển báo cũng được đặt trên bàn của Hitler sáp, cấm du khách tuyệt đối không được chụp ảnh hoặc tạo dáng trước bức tượng để tôn trọng hàng triệu người đã khuất trong chiến tranh. Ngoài ra, khu vực đặt tượng được canh thường xuyên bởi một nhân viên của Madame Tussauds, được giám sát thường xuyên bởi các máy camera an ninh. Thế nhưng bất chấp mọi biện pháp phòng ngừa đó, tượng Hitler đã bị tấn công ngay khi vừa ra mắt công chúng.

tượng sáp hitler

Tượng sáp Hitler trước khi bị đánh cụt đầu

Bộ sưu tập tượng sáp của Madame Tussauds đã lên đến hàng ngàn bức, trong đó riêng bảo tàng tại London có khoảng 400 bức, với rất nhiều người nổi tiếng được tạc tượng. Bảo tàng gần đây cũng chia sẻ nhiều video và hình ảnh cho biết quy trình làm tượng sáp.

Quy trình làm tượng sáp hiện nay hầu như không thay đổi so với thời Marie Tussaud từ hơn 200 năm trước đây. Thông thường, để làm tượng sáp của một người nổi tiếng, người đó sẽ được mời đến để nhân viên bảo tàng thực hiện khoảng 250 phép đo khác nhau cũng như chụp ảnh ở nhiều góc độ để có được những thông số chính xác nhất, bao gồm cả thông tin về màu mắt, tóc, da, đặc điểm của răng, mũi, trán, cằm, những nếp nhăn, những vết đồi mồi... Nếu tạc tượng người đã chết, bảo tàng sẽ phải nghiên cứu hàng trăm bức ảnh hoặc xem các video. Sau khi đã có đủ số liệu, việc tạc tượng mới bắt đầu.

- Đầu tiên, nhà điêu khắc tạo ra một mô hình bằng đất sét với kích cỡ như người thật, phần thân người được đỡ bằng một khung thép, phần đầu có thể tháo rời. Tất cả các đường nét của tượng bằng cốt đất sét này đều đã phải tinh chỉnh thật kỹ.

- Tiếp đó, một khuôn bằng thạch cao sẽ được lấy từ phần đầu và mặt của cốt đất sét ở trên. Người ta pha thạch cao thành một chất lỏng sền sệt, sau đó phủ kín lên bề mặt của cốt đất, khi thạch cao khô đi thì sẽ được tách ra khỏi cốt đất theo từng phần đã chia trước đó, các phần này sẽ được ghép lại thành một khuôn kín.

- Sáp đã nấu chảy và pha chế theo công thức phù hợp sẽ được đổ vào khuôn thạch cao, khi sáp nguội và cứng lại, người ta lại tách từng phần của khuôn ra. Lúc này ta đã có một bức tượng thô bằng sáp.

- Bước tiếp theo là gọt giũa và trang điểm (make up) cho tượng. Mắt của tượng được sơn vẽ riêng cho giống với nguyên mẫu, sau đó đặt vào hốc mắt. Khoảng 10 lớp sơn dầu được quét lên để tạo ra tông màu da chính xác, giống với cách trang điểm thông thường của nguyên mẫu, nhất là phần da mặt. Khâu làm tóc là phức tạp và kỳ công nhất, nghệ nhân phải gắn từng sợi tóc một, sau đó chuyên gia làm tóc sẽ tạo kiểu cho tóc giống với nguyên mẫu.

- Phần thân của tượng thường được phủ một lớp nhựa cứng lên phần cốt đất sét và được mặc quần áo vào để phục vụ trưng bày, riêng phần tay của tượng được làm bằng sáp để giống thật hơn. Sau đó, phần đầu được gắn vào với tượng và quá trình hoàn tất.

Bạn đọc có thể hiểu rõ hơn quy trình làm tượng sáp này qua 2 video dưới đây:

Tượng sáp ở Việt Nam

Mặc dù tượng sáp là một nghệ thuật điêu khắc đã khá lâu đời và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng sinh viên các trường mỹ thuật Việt Nam chưa được tiếp cận và đào tạo. VnReview đã tới ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và các sinh viên khoa Điêu khắc ở đây bày tỏ mong muốn sẽ được đào tạo và thực hành làm tượng sáp trong nước.

Hiện nay các nhu cầu làm tượng sáp trong nước đều phải sang Thái Lan đặt làm với chi phí từ vài trăm triệu cho đến cả tỷ đồng (bức tượng Hòa thượng Thích Thanh Tứ nói trên được cho là khoảng 40.000 USD, tương đương khoảng 840.000 triệu đồng), tuy nhiên vẫn rẻ hơn so với chi phí làm tượng sáp của Madame Tussauds - từ 150.000-300.000 USD (khoảng 3-6 tỷ đồng). Chẳng hạn như tượng vợ chồng Hoàng tử Anh mới đây tốn 230.000 USD mỗi bức. Hy vọng Việt Nam sớm có ngành điêu khắc tượng sáp.

Minh Thành

Chủ đề khác