VnReview
Hà Nội

Cúm gia cầm H7N9 nguy hiểm đến đâu?

Từ khi những ca tử vong đầu tiên được xác định là do nhiễm cúm gia cầm H7N9 ở Thượng Hải và tỉnh An Huy của Trung Quốc hồi tháng Ba, tính đến hôm qua (16/4), cúm H7N9 đã lan từ miền đông ra miền bắc và miền trung của Trung Quốc, nâng tổng số người mắc lên 77 với 16 ca tử vong. Vậy mức độ nguy hiểm của chủng cúm này đến đâu và nó có lây từ người sang người không?

cúm H7N9

Hết H5N1, H1N1 rồi lại H7N9, chúng là gì?

Virus cúm (Influenza virus) gồm 3 trong số 5 loài virus thuộc họ virus Orthomyxoviridae có cấu trúc di truyền gồm một sợi ARN, là: virus cúm A (Influenzavirus A), cúm B (Influenzavirus B), cúm C (Influenzavirus C), gây bệnh trên động vật có xương sống như chim (cúm gia cầm), người và các loài động vật có vú khác.

Dựa trên mức độ phổ biến, có thể chia các virus cúm thành 3 loại:

Cúm người (Human flu): Virus cúm gây bệnh trên người có thể thuộc về cả ba loại virus cúm A, B, C, trong đó cúm B được xem là "cúm người" do có tỉ lệ xuất hiện trên người cao nhất.

Cúm heo/cúm lợn (swine flu/ pig flu): Virus cúm gây bệnh trên heo đã được xác định là thuộc 2 loại cúm A và C, trong đó cúm C thấy nhiều trên heo nên còn được gọi là "cúm heo".

Cúm gia cầm/cúm gà (avian flu, bird flu): Tất cả các loài chim, đặc biệt là các loài chim di trú có khả năng bơi dưới nước và gia cầm, đều có thể bị nhiễm cúm A nên cúm A cũng được gọi là "cúm gia cầm". Cúm A cũng xâm nhiễm một số loài động vật có vú, trong đó có người và heo.

So với cúm B và C, cúm A nguy hiểm hơn bởi nó có thể đột biến nhanh chóng thành những virus có khả năng kháng nguyên (antigenic), tiến hóa thành những virus mới mà hệ thống miễn nhiễm của con người không nhận ra được. Cúm B thay hình đổi dạng chậm hơn loại A và do đó chỉ có 1 dạng huyết thanh. Siêu vi cúm loại C gây cúm ở người và heo, có khả năng gây dịch nặng, nhưng loại C hiếm hơn và ở trẻ em không trầm trọng gì mấy.

Tên của mỗi loại virus cúm A được viết tắt bằng các chữ "H" và "N" - là các glycoprotein kháng nguyên có tên là hemagglutinin (H) neuraminidase (N) được tìm thấy trên bề mặt lớp vỏ protein bao bọc virus cúm. Hemagglutinin cúm có nhiệm vụ ràng buộc virus với tế bào bị nhiễm khuẩn, còn Neuraminidase virus là một enzym giúp virus được phóng thích bởi tế bào chủ.

virus cúm A

Trước đây, các nhà khoa học xác định có 16 loại kháng nguyên H (H1 -> H16) và 9 kháng nguyên N (N1 -> N9), nhưng đến năm 2012, kháng nguyên H thứ 17 đã được phát hiện ở dơi. Do đó, về lý thuyết sẽ có 153 loại virus cúm A.

Do vậy, bệnh cúm gia cầm H5N1 có nghĩa là loại bệnh cúm type A, mang 2 loại kháng nguyên là Hemagglutinine H5 và Neuraminidase N1.

Bệnh cúm lợn H1N1 có nghĩa là loại bệnh cúm type A, mang 2 loại kháng nguyên là Hemagglutinine H1 và Neuraminidase N1.

Bệnh cúm gia cầm H7N9 có nghĩa là loại bệnh cúm type A, mang 2 loại kháng nguyên là Hemagglutinine H7 và Neuraminidase N9.

Tất cả mỗi phân nhóm virus trên lại có thể chia làm 2 phân nhóm xâm nhiễm: đặc tính xâm nhiễm thấp (LPAI) và cao (HPAI), phụ thuộc vào độc tính của virus đối với các quần thể loài mà nó lây nhiễm. Các virus cúm gà H5 và H7 có thể có cả dạng "gây nhiễm cao" và "gây nhiễm thấp", virus cúm H9 thì chỉ có dạng "gây nhiễm thấp"…

Virus cúm A thường xuyên có biến đổi cấu trúc gen, chỉ cần một sự thay đổi di truyền nhỏ là virus cúm vô hại sẽ chuyển đổi thành độc gây tử vong cho gia cầm và con người. Virus cúm A rất không bền vững vì cấu tạo của chúng gồm 8 mảnh ARN rời nhau, dễ tái tổ hợp với virus cúm A khác kháng nguyên khi cùng nhiễm vào tế bào, do đó chúng thường có những biến dị mang độc tính khác nhau và rất khó lường.

Tất cả các loại virus cúm A đều gây bệnh trên gia cầm (trừ loại H17), một số loại xuất hiện cả ở lợn (heo), ngựa, chó, hải cẩu, chồn... Trong đó, có 3 H (H1-H2-H3) và 2 N (N1-N2) gây bệnh trực tiếp cho người.

Các dòng cúm A khác như H5N1, H9N2, H7N7… vốn là cúm gà nhưng cũng gây bệnh cho người do lây từ gà sang nhưng chưa xác định được chúng có biến dạng thành cúm để lây từ người sang người hay không.

Diễn biến của dịch cúm H7N9

Ngày 31/3/2013, Trung tâm bảo vệ sức khỏe (CHP) của Bộ Y tế Hồng Kông đã nhận được thông báo của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc liên quan đến 3 ca bệnh xác nhận nhiễm cúm A H7N9.

Ngày 02/4/2013, CHP xác nhận thêm 4 trường hợp nữa ở tỉnh Giang Tô, tất cả đều đang trong tình trạng nguy kịch tại các bệnh viện ở Nam Kinh, Tô Châu, và Vô Tích. Trong một tuyên bố, CHP nói rằng không tìm thấy mối liên hệ dịch tễ học giữa 4 bệnh nhân này và cho đến nay không có ca nhiễm H7N9 nào khác được xác định trong số 167 người đã có tiếp xúc gần với họ.

Người đầu tiên được xác định là chết do cúm A/H7N9 là một cụ ông 87 tuổi, qua đời ngày 4/3/2013. Một người đàn ông thứ hai tên Ngô Liangliang, 27 tuổi, qua đời vào ngày 10/3.

Vào ngày 03/4/2013, chính quyền Trung Quốc xác nhận thêm một người nữa bị chết do nhiễm H7N9, nâng số ca tử vong lên 3.

Đến ngày 4/4/2013, số các ca nhiễm bệnh được báo cáo đã tăng lên 14, với 5 ca tử vong, trong đó có hai nạn nhân là một nam giới 48 tuổi và một phụ nữ 52 tuổi, cả hai đều từ Thượng Hải.

Vào ngày 05/4/2013, một nông dân 64 tuổi tại Phúc Châu (tỉnh Chiết Giang), đã chết, nâng số người chết lên 6. Cơ quan y tế Thượng Hải đã ra lệnh tiêu hủy gia cầm sau khi mẫu chim bồ câu thu thập tại chợ Huhuai chuyên buôn bán các sản phẩm nông nghiệp tại quận Songjiang của Thượng Hải đã bị phát hiện dương tính với H7N9. Đến nay, đã có hơn 20.000 gia cầm và chim bị tiêu hủy tại một khu kinh doanh gia cầm sống ở Thượng Hải.

Ngày 06/4/2013, tất cả các chợ bán gia cầm ở Thượng Hải đều bị đóng cửa tạm thời. Cùng ngày, Hàng Châu cũng đóng cửa chợ gia cầm sống.

Sau khi phân tích trình tự gen, các phòng thí nghiệm tham chiếu cúm gia cầm của Trung Quốc kết luận rằng chủng virus H7N9 được tìm thấy trên chim bồ câu rất tương đồng với chủng virus được tìm thấy trên những người nhiễm virus H7N9.

Ngày 06/4/2013, Bộ Y tế Trung Quốc báo cáo 18 trường hợp dương tính với H7N9, số người chết vẫn là 6. Hai ngày sau, số ca dương tính đã tăng lên 24 và thêm một trường hợp tử vong ở Thượng Hải, đưa số người chết lên 7.

Ngày 09/4/2013, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc công bố thêm 3 ca nhiễm cúm A/H7N9 đã được xác nhận bởi phòng thí nghiệm. Các bệnh nhân mới là hai bệnh nhân từ Giang Tô, gồm một người đàn ông 85 tuổi bị ốm từ ngày 28/3, một phụ nữ mang thai 25 tuổi bị bệnh từ 30/3 và một người đàn ông 64 tuổi từ Thượng Hải đã trở bệnh hôm 01/4 và qua đời vào ngày 07/4. Tính đến 09/4, có tổng cộng 24 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 7 người chết, 14 trường hợp nghiêm trọng và ba trường hợp nhẹ.

Bản tin của Tân Hoa Xã hôm 11/4 liệt kê tổng số ca bệnh là 38 với 10 ca tử vong. Theo WHO, trong 28 bệnh nhân sống sót, 19 người bị nặng và 9 người nhẹ. WHO cũng đang theo dõi 760 người tiếp xúc gần với những người bệnh và cho đến nay không có bằng chứng về sự lây nhiễm từ người sang người.

Ngày 13/4, một bé gái 7 tuổi ở Bắc Kinh được xác nhận là trường hợp đầu tiên của bệnh cúm gia cầm H7N9 không nằm ở khu vực đông Trung Quốc.

Ngày 14/4, Tân Hoa Xã đưa tin về 2 trường hợp ở Hà Nam – một tỉnh ở phía tây, ghi nhận tổng số 61 người bị nhiễm bệnh với 13 người chết. Các quan chức Trung Quốc cũng báo cáo trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng bệnh đầu tiên tại Bắc Kinh. Một cậu bé 4 tuổi không có triệu chứng lâm sàng dù đã được phát hiện nhiễm cúm H7N9, sau khi được xét nghiệm do nằm trong nhóm có nguy cơ cao.

Tính đến ngày 16/4, số ca nhiễm cúm đã tăng lên 77 ca với 16 trường hợp tử vong. Thượng Hải là thành phố đứng đầu về số người nhiễm cúm H7N9 với 30 ca, trong đó có 11 ca tử vong. Giang Tô có 20 ca với 2 trường hợp tử vong. Chiết Giang 21 ca với 2 trường hợp tử vong. An Huy 3 ca với 1 trường hợp tử vong. Một ca nhiễm H7N9 của một bé gái 7 tuổi tại Bắc Kinh và 2 trường hợp khác tại tỉnh miền trung Hồ Nam.

Triệu chứng cúm H7N9

Loại virus này có thời gian ủ bệnh khoảng 5-7 ngày. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các triệu chứng bao gồm sốt (hơn 38 độ C), ho, khó thở, tiến đến viêm phổi nặng. Thời gian từ lúc xuất hiện triệu chứng bệnh cho đến khi bệnh phát triển toàn diện chỉ cần 1 ngày.

Khả năng lây lan của cúm H7N9

Chủng virus mới cúm A H7N9 chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm. Ngày 04/4/2013, các quan chức của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc báo cáo rằng virus H7N9 đã được phát hiện từ các mẫu chim bồ câu thu thập tại một khu chợ ở Thượng Hải. Lưu ý rằng chim bồ câu không được xác định hoặc định nghĩa là gia cầm - vốn được xem là tác nhân chính lan truyền virus cúm.

bắt bồ câu để kiểm tra cúm H7N9

Các công nhân đang bắt bồ câu ở quảng trường Thiên An Môn để kiểm tra

Trước đó, tờ The Guardian (Anh) dẫn lời một chuyên gia giấu tên cho rằng virus H7N9 có thể lây nhiễm trên gia cầm mà không làm cho chúng bị bệnh, khiến cho việc theo dõi và kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.

WHO vẫn nói cho rằng không có khả năng cúm H7N9 trở thành một đại dịch. Hiện chưa có bằng chứng về việc cúm H7N9 lây từ người sang người. Những người tiếp xúc gần với những người đã mắc bệnh vẫn đang được giám sát chặt chẽ, nhưng chưa thấy có dấu hiệu nào của sự lây nhiễm.

Đáng chú ý, virus cúm gia cầm đã được tìm thấy trên một cậu bé 4 tuổi ở Bắc Kinh nhưng em bé này không có các triệu chứng của sự lây nhiễm, do đó cơ quan y tế cho rằng có thể có nhiều người khác cũng đang mang trong người virus cúm H7N9 mà không có biểu hiện bệnh.

Đây là trường hợp nhiễm H7N9 không có triệu chứng bệnh đầu tiên được phát hiện, khi nhân viên y tế tìm cách phát hiện các trường hợp có khả năng mắc bệnh. Cha mẹ của cậu bé làm nghề bán gia cầm và cá, còn hàng xóm cùng phố của họ đã mua gà của gia đình cô bé 7 tuổi nhiễm H7N9 đã được báo cáo trước đó hai ngày.

Cậu bé trên đang được giám sát y tế chặt chẽ, nhưng rõ ràng trường hợp này cho thấy có thể có một số người nhiễm H7N9 không được phát hiện do thiếu các triệu chứng rõ ràng. Trong khi đó, gần như tất cả trong số 77 người được chẩn đoán nhiễm virus cho đến nay đều đang bị tổn thương nặng, với các biến chứng kéo dài dẫn đến tổn thương não, suy đa cơ quan và teo cơ.

Cô bé 7 tuổi nói trên là trường hợp dương tính với H7N9 đầu tiên ở phía bắc Trung Quốc, đang dần hồi phục sau khi được chữa trị tại bệnh viện, cho thấy các phương pháp chữa trị cũ đối với bệnh cúm gia cầm đã có hiệu quả. Nếu không được chữa trị, bệnh có thể diễn tiến rất nhanh và nguy hiểm.

Theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thông tin từ bệnh án bệnh nhân tại Trung Quốc cho thấy virus cúm A/H7N9 nguy hiểm hơn cả virus H5N1 - chủng cúm gia cầm đã giết chết ít nhất 371 người trong thập kỷ qua. Bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 có diễn biến viêm phổi nhanh hơn bệnh nhân cúm H5N1. Tình trạng suy tim, thận ở bệnh nhân cúm A/H7N9 không bằng bệnh nhân cúm A/H5N1, nhưng hiện tượng hoại cơ lại nhiều hơn.

Hiện đường lây truyền của virus cúm A/H7N9 hiện tại chưa được hiểu rõ, cũng chưa rõ đường lây từ gia cầm (hoặc lợn) sang người như thế nào; vì sao lại có biến thể H7N9; loài chim hoang dã nào có thể mang vi rút cúm H7N9…

Trưởng khoa virus Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Lê Quỳnh Mai cho biết trên báo Tuổi trẻ: virus cúm A/H7N9 có đoạn gen giống virus cúm gia cầm, nhưng lại chưa được phát hiện trên gia cầm. Đây cũng là loại virus chưa từng thấy với những biểu hiện bệnh khác hẳn so với trước. Trước kia, chủng cúm H7 từng gây bệnh trên người nhưng biểu hiện bệnh nhẹ, chủ yếu là gây viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, nhưng khi kết hợp thành H7N9, bệnh cảnh của bệnh nhân lại rất nặng: phổi sũng nước, phù phổi nặng…

Cách phòng bệnh

Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin trị cúm H7N9, nhưng kháng nguyên và trình tự bộ gen cho thấy rằng H7N9 rất nhạy cảm với các chất ức chế neuraminidase như oseltamivir và zanamivir. Oseltamivir còn được biết đến dưới tên thương mại của thuốc Tamiflu.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã bắt đầu phân lập và phát triển một loại vắc-xin cho virus này, như thủ tục thường lệ cho bất kỳ loại virus biến đổi gen mới.

Virus H7N9 sẽ chết khi bị nấu sôi ở 100 độ C trong 30 giây hoặc ở 60 độ C trong 120 giây (2 phút). Việc phòng ngừa bệnh vẫn phải tuân theo những quy tắc không mới đã được áp dụng để ngăn cúm A/H5N1, như rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với gia cầm, sử dụng bảo hộ khi giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm, nấu chín, đun sôi thực phẩm trước khi ăn.

Trong hướng dẫn chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị cúm A/H7N9 vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký ban hành ngày 10-4, bệnh nhân cúm A/H7N9 và bệnh nhân nghi ngờ sẽ phải mang khẩu trang cả trong và ngoài phòng bệnh, mặc dù chưa phát hiện có lây nhiễm từ người sang người.

Ngọc Mai

Chủ đề khác