VnReview
Hà Nội

Nhân bản phiếu xét nghiệm máu: còn quá nhiều nghi vấn

Dư luận đang vô cùng bức xúc và phẫn nộ về vụ việc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức nhân bản phiếu xét nghiệm máu và trả cho nhiều bệnh nhân khác nhau, mỗi bản dùng cho từ 2-5 bệnh nhân, thuộc nhiều lứa tuổi và loại bệnh khác nhau. Đằng sau câu chuyện đau lòng về y đức này, còn có nhiều điều chưa được làm rõ.

Có phải để "hoàn thiện hồ sơ"?

Ban đầu, VnReview cho rằng việc nhân bản kết quả xét nghiệm này chắc chỉ để làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ, ví dụ như cần đi khám sức khỏe để đi làm, đi học, du học nước ngoài… thì hiện nay nhiều bệnh viện cũng đang cung cấp dịch vụ này, hầu như mọi chỉ số sức khỏe đều được ghi khống hoặc theo lời tự khai của người mua dịch vụ và sau đó ký đóng dấu, hiếm khi nào bệnh viện nghiêm túc thực hiện đo khám thực sự. Kiểu dịch vụ này tồn tại nhiều năm nay, và có ở hầu hết các bệnh viện, phòng khám đa khoa, người mua dịch vụ dù muốn dù không cũng đều hiểu và chấp nhận kiểu dịch vụ này, để "cho nhanh" và "được việc".

Vấn đề là, từ dịch vụ cung cấp giấy khám sức khỏe khống, còn có tình trạng bệnh nhân tự nguyện nhận giấy xét nghiệm khống để không phải làm xét nghiệm. Trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 6/8, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết một thực trạng: chủ yếu bệnh nhân có phiếu xét nghiệm khống là người đi khám sức khỏe, người nhà cán bộ bệnh viện, nhưng cũng có bệnh nhân nội trú được cấp phiếu xét nghiệm khống, chủ yếu là trẻ em, người vào viện không muốn làm xét nghiệm.

Từ thực tế này mà khi bị phanh phui hành vi viết khống giấy xét nghiệm cho nhiều người tại khoa xét nghiệm và thừa nhận việc làm đó là sai quy trình, nhưng bà Vương Kim Thành - trưởng khoa xét nghiệm BVĐK Hoài Đức - cho rằng các cán bộ làm những việc này là vì tình cảm, nể nang!

Theo bà Thành, khoa thường viết khống kết quả khi có yêu cầu của cán bộ trong bệnh viện nhờ làm xét nghiệm cho bệnh nhân là người nhà của mình để nhanh chóng hoàn thành hồ sơ bệnh án nhập viện và ra viện.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuyên, cán bộ khoa xét nghiệm BVĐK Hoài Đức, cho biết "thỉnh thoảng" bà có viết khống giấy xét nghiệm cho bệnh nhân, vì không muốn họ phải chờ đợi nhiều. "Làm như vậy là vì nể nang cán bộ cùng cơ quan, thấy thương bệnh nhân phải chờ đợi lâu khi xin giấy khám sức khỏe để đi làm, đi học hoặc các bệnh nhân phải chờ đợi kết quả xét nghiệm để làm thủ tục ra viện..." - bà Xuyên nói.

Tuy nhiên, theo thông tin từ chị Hoàng Thị Nguyệt, người đứng đơn tố cáo sự việc này, phiếu xét nghiệm khống không chỉ được cung cấp cho những người "tự nguyện" nhận, mà còn cho rất nhiều bệnh nhân đang cần có kết quả xét nghiệm chính xác để chẩn đoán bệnh, và họ hoàn toàn không biết tờ kết quả xét nghiệm mình nhận là giả mạo.

Theo tố cáo của chị Nguyệt, từ tháng 7/2012 đến 5/2013, có khoảng 1.000 kết quả xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) được sao chép lại để dùng chung cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Trong số này có rất nhiều nhóm (từ 3-4 người, thậm chí 5 người) có chung chỉ số sinh hóa, ngày giờ xét nghiệm, ngày giờ in phiếu kết quả xét nghiệm. Đơn cử, 4 bệnh nhân tên tuổi, địa chỉ, bệnh khác nhau, cùng khám vào ngày 19/2 đều chung một kết quả xét nghiệm là bà Nguyễn Thị Nguyên - 70 tuổi, chẩn đoán lao phổi; Nguyễn Trung Nghĩa - 27 tuổi, chẩn đoán ápxe cạnh hậu môn; Lý Thị Vân - 61 tuổi, chẩn đoán viêm phế quản của người bệnh cao huyết áp, cháu Lương Kiều Trang - 12 tuổi, chẩn đoán viêm ruột thừa.

Tình trạng "chung nhau" một phiếu kết quả xét nghiệm tại BVĐK Hoài Đức đã diễn ra từ hơn một năm nay. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Đây chỉ là số ít trong vô số bệnh nhân bị trả chung một kết quả xét nghiệm. "Những giấy tờ đều bị cắt đi ngày, giờ, tháng nên nếu họ dùng kết quả ngày này cho ngày sau hay có những ngày hơn chục trang ghi danh sách bệnh nhân, hoặc những lúc làm ngoài giờ, thì tôi cũng không thống kê hết được số cặp bệnh nhân bị trùng lặp kết quả", chị Nguyệt cho biết.

"Quy trình xét nghiệm là bác sĩ viết giấy, kỹ thuật viên lấy máu rồi chuyển qua phòng máy. Thế nhưng tại phòng máy, những người làm ở đây in sẵn kết quả xòe ra như tú lơ khơ, cứ có bệnh nhân nào là đem gắn kết quả vào. Những hình ảnh lam kính khô máu hầu như ngày nào cũng thấy" - chị Nguyệt cho biết đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân phản ánh nghi ngờ kết quả xét nghiệm, nhất là những bệnh nhân tiểu đường vì tháng nào họ cũng phải đi làm xét nghiệm.

Tại sao các bác sĩ không biết việc này, hay là biết mà vẫn làm ngơ?

Khi các báo công bố con số 1000 kết quả xét nghiệm dùng chung cho khoảng 2000 bệnh nhân, nhiều người cho rằng con số lớn như thế chẳng lẽ các bác sĩ không biết và không nhận thấy sự vô lý khi đọc kết quả xét nghiệm?

Thực tế, mặc dù có từ 2-5 người dùng chung một kết quả xét nghiệm nhưng các bệnh nhân này ở các khoa khám bệnh khác nhau, do đó kết quả gửi về các khoa điều trị sẽ được đọc bởi các bác sĩ khác nhau, vì vậy có khả năng các bác sĩ không nhận biết được việc làm sai trái này.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là các bác sĩ hoàn toàn vô can. Một thực tế phổ biến hiện nay ở các bệnh viện là: bất cứ bệnh nhân có bệnh gì, có cần phải làm xét nghiệm hay không, thì bác sĩ vẫn luôn chỉ định cho bệnh nhân đi xét nghiệm – tất cả các xét nghiệm có thể, như nước tiểu, huyết học, sinh hóa…, bởi đây là một nguồn thu không nhỏ của các bệnh viện và các bác sĩ dĩ nhiên cũng được hưởng một phần từ nguồn thu đó. Nếu có đi khám tại các phòng khám tư bạn sẽ thấy gần như bác sĩ chẳng bao giờ yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm gì mà vẫn kê đơn chữa bệnh như thường, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt bệnh nhân mới phải vào viện xét nghiệm và sau đó mang kết quả đến phòng khám.

Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm tràn lan, bất kể có cần thiết hay không. Vậy mà lấy máu xong còn vứt đi không xét nghiệm. Ảnh: Báo Lao Động

Chính từ thực tế bác sĩ chỉ cho xét nghiệm chiếu lệ, nên kết quả xét nghiệm dù thế nào cũng chỉ được bác sĩ liếc qua loa chứ không coi như một thông số tham khảo để có giải pháp điều trị, việc điều trị hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm sẵn có trong việc điều trị hàng loạt bệnh nhân có bệnh tương tự, do đó, việc kết quả xét nghiệm được sao chép đã không bị phát hiện, và cũng không ảnh hưởng gì tới việc điều trị bệnh.

Có thể bạn cho là võ đoán, nhưng cũng không loại trừ khả năng các bác sĩ biết rõ việc sao chép kết quả xét nghiệm, nhưng giữa bác sĩ và phòng xét nghiệm có thể sử dụng những ký hiệu riêng để cho biết trường hợp nào cần phải xét nghiệm thực tế và trường hợp nào không cần, như thế những bệnh nhân cần xét nghiệm thực sự sẽ không bị chẩn đoán sai, còn bệnh nhân không cần xét nghiệm thì chỉ cần sao chép kết quả, vừa thu thêm tiền từ việc "tiết kiệm" hóa chất xét nghiệm do không làm thực tế, vừa thu lợi từ quỹ bảo hiểm y tế. Để xác minh có việc này hay không, cơ quan điều tra phải xem xét kỹ lại các bệnh án cũng như bút tích của bác sĩ và nhân viên phòng xét nghiệm.

Rút ruột bảo hiểm y tế và ăn chia hoa hồng, ăn bớt hóa chất?

Theo tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt, trung bình mỗi ngày, bộ phận xét nghiệm ngoại trú của bệnh viện Hoài Đức làm xét nghiệm cho 200-300 bệnh nhân, với 1.000-2.000 tiêu bản xét nghiệm, bao gồm rất nhiều chỉ số sinh hóa, máu..., chiếm hơn 97% công việc của khoa xét nghiệm, và đại đa số bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Theo chị, mục đích của việc trả khống kết quả xét nghiệm mẫu máu bệnh nhân là để móc túi, bòn rút tiền bảo hiểm.

Việc cho xét nghiệm tràn lan ở các bệnh viện như phân tích ở trên là một trong những "chiêu" bòn rút quỹ bảo hiểm y tế phổ biến, song chia sẻ của ông Phạm Lương Sơn, trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, đăng trên báo Tuổi trẻ, hiện còn có nhiều "chiêu" lạm dụng quỹ bảo hiểm khác.

Theo ông Sơn, qua kiểm tra ở 7 tỉnh thành có chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế tăng vọt (tăng trên 35% so với cùng kỳ 2012) là Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình và Kon Tum thời gian qua, có hai vấn đề thường thấy là tăng ngày điều trị bình quân và tăng chi phí chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao. Theo đó, có nhiều bệnh viện đã cho bệnh nhân ra viện từ ngày thứ Sáu, nhưng phiếu ra viện lại đề ngày thứ Hai tuần kế tiếp, "lợi" thêm 3 ngày tiền giường từ Quỹ bảo hiểm. Đặc biệt, ông Sơn cho biết đang yêu cầu rà soát toàn bộ chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả tại tỉnh Đồng Nai, do kỹ thuật này đã được chỉ định nhiều không khác gì chụp X quang thông thường, nhiều trường hợp chỉ đau bụng cũng cho chụp X quang hoặc viêm họng cho chụp X quang đầu cổ.

Như vậy, trong trường hợp BVĐK Hoài Đức, không những chỉ định xét nghiệm tràn lan để rút ruột quỹ bảo hiểm, việc từ một kết quả xét nghiệm rồi nhân bản đưa cho nhiều người còn giúp bệnh viện thu được lượng tiền xét nghiệm gấp nhiều lần mà không phải tốn kém hóa chất, sinh phẩm, giảm thời gian chạy máy và cả chi phí nhân công. Phân tích của báo Tuổi trẻ cho thấy: nếu tính giá mỗi xét nghiệm huyết học tại BVĐK Hoài Đức hiện nay là 21.000đ, tổng thu cho cả ba loại xét nghiệm là nước tiểu, huyết học và sinh hóa là hơn 200.000đ (thông thường bệnh nhân được chỉ định làm tất cả xét nghiệm), thì có thể thấy con số khủng khiếp mà BVĐK Hoài Đức thu về trong một ngày.

Bài viết phanh phui vụ việc trên báo Lao Động cũng đề cập đến vấn đề Công ty cổ phần Dược Hà Tây ngoài việc cho bệnh viện Hoài Đức "mượn" các máy xét nghiệm lại còn phải đưa "phong bì" cho cá nhân, tập thể của phòng xét nghiệm. Báo này còn cho đăng một video quay cận cảnh nhân viên phòng xét nghiệm bóc phong bì "lại quả".

Theo điều tra của nhóm phóng viên báo Tuổi trẻ, thì nguyên nhân của việc này là để Dược Hà Tây được trúng thầu bán hóa chất xét nghiệm!!! Theo đó, nhờ cho mượn máy mà hai năm 2011-2012, Chi nhánh Đông dược - vật tư y tế của công ty này đã trúng thầu tổng cộng hơn một tỷ đồng hóa chất vào BVĐK Hoài Đức. Tuy nhiên đến năm 2013 này, công ty không trúng thầu hóa chất vào BVĐK Hoài Đức cũng như bất kỳ bệnh viện nào khác. "Hợp đồng mượn máy là từ 1-3 năm, năm nay không trúng thầu cung cấp hóa chất không biết vì lý do gì"- đại diện Công ty CP dược Hà Tây cho biết.

Nói thêm về thực trạng tư nhân đầu tư hàng loạt máy móc vào bệnh viện công lập đã khiến tình trạng "khoán" chụp chiếu, xét nghiệm nảy sinh, đã được báo VietnamNet phản ánh gần đây. Theo đó, mỗi năm bệnh viện phải đạt một con số nhất định về số ca chụp chiếu, xét nghiệm, bất kể số lượng bệnh nhân thế nào, có cần chụp chiếu xét nghiệm hay không. Cũng theo bài báo này, phần trăm ăn chia giữa bệnh viện và doanh nghiệp hiện đang là 40 – 60, tất yếu các bệnh viện sẽ thúc đẩy việc sử dụng máy móc để đạt chỉ tiêu, gây tình trạng lạm dụng tràn lan, lãng phí lớn cho người bệnh cũng như quỹ BHYT, trong khi tỉ lệ phát hiện bệnh thấp.

Như vậy, đã rõ phần nào mục đích của BVĐK Hoài Đức trong vụ việc sai phạm mang tính hệ thống này. Điều dư luận còn băn khoăn là, liệu tình trạng này có đang diễn ra ở các bệnh viện khác nữa, khi mà chuyện các bệnh viện và cá nhân các bác sĩ bắt tay với doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế, doanh nghiệp cung cấp thuốc, nhận ăn chia từ các trình dược viên… không phải là điều bí mật? Thanh tra ngành Y làm gì mà chỉ để đến khi sự việc đã bung bét ra mới chịu vào cuộc "điều tra"?

Được biết, đơn tố cáo và thông tin tên họ của nhóm tố cáo đã bị lộ ngay trong ngày đầu tiên đơn thư được gửi đến cơ quan chức năng, nên nhóm tố cáo bị đe dọa, dọa đuổi việc. Phải chăng những sai phạm như thế này đều đã có sự đỡ đầu, nhắm mắt làm ngơ của chính những cơ quan có trách nhiệm quản lý ngành Y?

Ngọc Mai

Chủ đề khác