VnReview
Hà Nội

Classbook có thay được sách giấy?

Sự ra mắt của sách giáo khoa điện tử Classbook, sản phẩm của NXB Giáo Dục Việt Nam như một cơn gió lạ đem đến nét tươi mới cho nền giáo dục Việt Nam. Với nhiều ưu điểm nổi trội, Classbook được kỳ vọng sẽ là nhân tố thay thế sách giáo khoa giấy truyền thống. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua một chiếc Classbook, vẫn có một số yếu tố khác mà người mua cần phải cân nhắc.

Classbook - Sách điện tử của người Việt

Classbook là sản phẩm tổng thể gồm cả thiết bị phần cứng, phần mềm, kho nội dung hỗ trợ… Thiết bị này có màn hình cảm ứng đa điểm 8", tỷ lệ 4:3, mang lại trải nghiệm đọc tương tự như sách giáo khoa truyền thống; được trang bị công nghệ chống lóa IPS (In Plane Switching) đảm bảo hỗ trợ góc nhìn rộng (tối đa 178 độ), không gây ảnh hưởng xấu tới thị lực người dùng; thời lượng pin 8 - 10 giờ, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong thời gian ở trường của học sinh.

Classbook cài đặt trọn bộ sách giáo khoa và sách bổ trợ theo chương trình phổ thông từ lớp 1 đến 12, đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu về khung chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đồng thời, còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng các độ tuổi khác nhau.

Sách giáo khoa điện tử Classbook - Ảnh Nhật Minh

Với nhiều ưu điểm như vậy nên dù chỉ mới chính thức bán ra trong hơn một tháng vừa qua mà sản phẩm Classbook đã thu hút sự quan tâm chú ý của hàng loạt các cơ quan báo chí trong nước. Ngay cả các trang tin nước ngoài, những trang uy tín chuyên về công nghệ và giáo dục như Tech In Asia, Open Equal Free...cũng đưa ra những nhận định rất tích cực về sản phẩm sách giáo khoa điện tử của NXB Giáo dục Việt Nam.;

Ngoài việc đem đến một hình thức học tập mới cho các em học sinh, Classbook còn giúp nhà sản xuất khắc phục được hầu hết các nhược điểm của sách giáo khoa truyền thống. Đầu tiên là hình thức xuất bản chủ động, không lệ thuộc vào các lĩnh vực khác vốn có chi phí thất thường như giá giấy, công in ấn, chi phí phát hành, vận chuyển… Thứ hai là tận dụng được nguồn dữ liệu đã tạo nên sách giấy để tạo nên "hệ sinh thái" Classbook -  bao gồm hàng trăm đầu sách giáo khoa, sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 12. Hơn nữa sách giáo khoa điện tử cũng đơn giản trong công việc xuất bản, chỉ cần làm một lần và cứ thế khai thác lâu dài không như sách truyền thống phải làm nhiều khâu mỗi khi tái bản.

Cuốn sách không dành cho học sinh nghèo

Classbook đã giành được nhiều giải thưởng công nghệ uy tín như giải Nhân tài Đất Việt 2012, giải Sao Khuê 2013…, nó cũng được NXB Giáo dục Việt Nam ví như "bước đột phá" về sách giáo khoa, góp phần cải tiến cách dạy và học, đặc biệt học sinh các cấp sẽ hạn chế việc phải mang một cặp sách nặng tới trường…Tuy nhiên giá bán cao là một trong những rào cản lớn để học sinh tiếp cận với Classbook. Một chiếc Classbook hiện nay được báo giá ở mức 4,8 triệu đồng/chiếc, trong khi đó theo tính toán của NXB Giáo Dục Việt Nam, nếu tính giá thành mua 310 đầu sách được tích hợp trong Classbook thì chi phí bỏ ra sẽ gần 3 triệu đồng. Vẫn là con số 310 đầu sách nhưng được tích hợp thêm các nội dung mở rộng và một số công năng đặc thù của máy tính bảng, nhưng Classbook lại có giá cao hơn gần 2 triệu đồng so với sách giấy truyền thống.

Thông thường, mỗi năm học tương ứng với một bộ sách mới nên số tiền 3 triệu dành cho sách giấy sẽ được các bậc phụ huynh chi trả trong nhiều giai đoạn, chi phí dành cho việc mua sách nhờ đó cũng không quá cao nên nhiều gia đình vẫn đáp ứng được. Trong khi đó Classbook là một bộ sách giáo khoa của cả 12 năm học nên nếu được áp dụng đại trà, số tiền các bậc phụ huynh bỏ ra sẽ lớn hơn nhiều với con số lên đến gần 5 triệu. Hơn nữa đối với sách giáo khoa giấy, học sinh có thể lại mua bộ sách cũ với giá rẻ hơn hoặc được thừa hưởng cả bộ sách giáo khoa từ các anh chị khoá trên. Đây là những điều không thể thực hiện đối với Classbook bởi học sinh sẽ không thể "chuyển nhượng" cho các em cấp dưới do phải gắn bó cả quãng đường của 12 năm học chỉ với một thiết bị duy nhất. 

Học sinh nghèo khó có cơ hội sở hữu Classbook

Trả lời phỏng vấn của báo Giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh, quyển sách điện từ này không phải là rẻ (4,8 triệu đồng), đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn. Theo quan điểm của GS Châu thì cần phải tìm nhiều cách khác nhau để học sinh các nơi được tiếp cận với sách điện tử, không thể để hai học sinh đi học, em thì mang sách giấy, em thì mang thiết bị điện tử. Điều này có thể khiến không khí trong lớp học bị xáo trộn vì sự tò mò của các em không có sách điện tử trước những hình ảnh sôi động và phong phú trong sách điện tử của bạn cùng lớp.

Thực tế, theo một số chuyên gia, sách giáo khoa điện tử Classbook vẫn đắt hơn so với mức giá của một số nước đang áp dụng sản phẩm này. Thí dụ như ở Ấn Độ, giá thành thật sự của sách giáo khoa điện tử là khoảng 90 USD (gần 1 triệu đồng) nhưng được nhà nước trợ giá cho học sinh nên giá thành khi đến tay người học chỉ còn khoảng 35-40 USD (tương đương 740 - 830 ngàn đồng). Nhưng giá Classbook ở Việt Nam hiện tại là 4,8 triệu đồng và hiện cũng chưa thấy chính sách trợ giá nào được đưa ra. Ngoài việc được trợ giá thì tại nhiều nước hiện không áp dụng một sản phẩm chung cho toàn bộ cấp học, do đó việc được lựa chọn chỉ mua một bộ sách sẽ giúp giá sách điện tử sẽ phải rẻ hơn Classbook rất nhiều.

Classbook là một sản phẩm "đột phá"?

Theo thông tin từ nhà sản xuất, sách giáo khoa điện tử Classbook tuy là sản phẩm mang thương hiệu Việt nhưng phần cứng của thiết bị lại được đặt gia công tại Trung Quốc, chỉ có quá trình cài đặt phần mềm và nội dung số thì được thực hiện tại Việt Nam.

Classbook được định nghĩa là một cuốn sách giáo khoa điện tử, nhưng nó cũng là một chiếc tablet chạy Android. Thiết bị có kiểu dáng gần giống với máy tính bảng iPad, tuy nhiên phần mặt kính trước của máy dày và thô hơn, phần mặt sau là lớp vỏ nhựa mạ bạc rất dễ gây hiện tượng trơn trượt.

Classbook có thiết kế tương tự như máy tính bảng iPad - Ảnh Nhật Minh

Máy cũng có dày và nặng hơn khá nhiều so với các tablet 8 inch hiện có trên thị trường. Với trọng lượng lên đến 500g của Classbook thì nếu chỉ cầm bằng một tay trong thời gian dài để đọc sách các em học sinh sẽ rất dễ mắc triệu chứng mỏi cổ tay.

Tuy nhiên đó vẫn chưa phải là điểm yếu duy nhất của thiết bị được NXB Giáo Dục Việt Nam xem là "bước đột phá" này. Thực tế chất lượng của màn hình cảm ứng mới là điều mà các bậc phụ huynh, các em học sinh quan tâm nhất hiện nay. Và có lẽ không cần phải so sánh với iPad, nếu đặt một chiếc Kindle Fire hoặc Nook Tablet cạnh cuốn sách giáo khoa điện tử đang rất "hot" này thì sẽ thấy ngay sự khác biệt.

Đầu tiên là độ sáng của màn hình. Máy không có chế độ điều chỉnh độ sáng tự động nên dù được cài đặt ở mức cao nhất thì màn hình của máy vẫn khá tối và chỉ tương đương với một chiếc máy tính bảng tầm trung đã qua sử dụng. Nếu đem Classbook ra ngoài trời nắng thì hiện tượng chói loá thường xuyên xảy ra và việc đọc được văn bản trên màn hình cảm ứng này sẽ trở nên khó khăn, gây hại mắt khi sử dụng về lâu dài.

Classbook được giới thiệu là được trang bị màn hình cảm ứng đa điểm 8 inch, tỷ lệ 4:3 với độ phân giải 1024x768 pixel nhưng lại cho khả năng hiển thị khá kém, các chi tiết hình ảnh không được rõ nét như các dòng máy của Amazon và Barnes & Noble. Máy được trang bị cấu hình cao với CPU lõi kép 1Ghz, Ram 1Gb (bản dành cho học sinh) và CPU lõi kép 1,6 Ghz, Ram 2Gb (bản dành cho giáo viên). Về lý thuyết, với cùng một mức giá tiền thì thậm chí sức mạnh của Classbook còn vượt cả chiếc iPad 2 của Apple. Tuy nhiên qua trải nghiệm thực tế thì máy chạy khá giật, phản ứng chậm ngay cả với những thao tác đơn giản như vuốt để xem giá sách, lật trang giấy hay xoay màn hình. Đáng buồn hơn, sau một khoảng thời gian sử dụng thì các em học sinh sẽ dễ dàng nhận thấy cảm ứng trên thiết bị này không còn nhạy như trong quảng cáo của công ty phân phối.

Classbook - hệ sinh thái "đóng băng"

Với 310 cuốn sách giáo khoa trải dài trong suốt các chương trình học tập từ lớp 1 đến lớp 12, cộng thêm hàng trăm cuốn sách tham khảo khác, công ty CP Sách điện tử giáo dục (EDC) là đơn vị đầu tiên sở hữu một "hệ sinh thái" Classbook với số lượng đầu sách phong phú.

Tuy nhiên không phải khi Classbook ra đời mới đem lại sách điện tử cho học sinh, mà từ nhiều năm nay, bất cứ lúc nào các em học sinh đều có thể tải về đủ loại sách ở các định dạng pdf, epub hay prc từ internet… thậm chí, thế giới sách tham khảo cho các môn học trên internet và các diễn đàn học sinh, sinh viên còn phong phú và cập nhật thường xuyên hơn cả trên các website giáo dục của Bộ. Do đó việc phải mua trọn gói các sách giáo khoa, trong đó có thể có nhiều bộ đã học qua rồi sẽ chẳng giúp nhiều cho người học. Và cũng chưa có điều gì chứng minh rằng hệ thống sản xuất mang tính thương mại của nhà xuất bản sách điện tử Classbook sẽ làm tốt việc cập nhật cũng như tặng thêm sách tham khảo cho người dùng qua thời gian.

"Hệ sinh thái" trên Classbook gồm các đầu sách của NXB Giáo dục Việt Nam - Ảnh Nhật Minh

Mặt khác, việc không có kết nối 3G và chặn wifi của Classbook khiến người dùng không thể download tài liệu ngoài nguồn của NXB Giáo Dục Việt Nam. Theo như đại diện của EDC thì động thái này nhằm giúp cho học sinh tập trung vào việc học tập, không chơi game, không tiếp xúc với các thông tin bạo lực, thông tin không lành mạnh… nhưng sẽ thật vô lý khi cho rằng internet, game chỉ làm hư trẻ em. Thế giới game giáo dục, sách tham khảo bên ngoài là vô tận, trong khi Classbook lại khoá chặt cánh cổng tri thức này lại với lập luận bảo vệ trẻ chỉ là nguỵ biện.

Lời kết

Sách giáo khoa điện tử là một sản phẩm rất phù hợp với định hướng giáo dục tương lai. Nhưng Giáo dục là công việc của toàn xã hội và vì vậy các dự án lớn như thế này cần được triển khai nhằm huy động nguồn lực trong xã hội nhiều nhất và hiệu quả nhất. Trong đó Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là tổng tư lệnh cần đưa ra một chương trình hành động cụ thể để toàn xã hội cùng chung tay góp sức tạo ra một sản phẩm hoàn thiện hơn, chỉn chu, phù hợp hơn với đại bộ phận các em học sinh, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh và phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục, nhanh chóng đưa nước ta "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Lương Đàm

Chủ đề khác