VnReview
Hà Nội

Vũ khí hóa học là gì? Gây ra tác hại thế nào?

Lấy cớ chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học hồi tuần trước, Mỹ và đồng minh đã tuyên bố sẽ tấn công Syria vào rạng sáng mai (theo giờ địa phương). Vậy vũ khí hóa học là gì? Nó gây ra tác hại như thế nào?

Vũ khí hóa học là gì? Gây ra tác hại thế nào?

Theo từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia, vũ khí hóa học (chemical weapon - CW) là một thiết bị sử dụng các hóa chất để sát hại hoặc gây hại cho loài người. Chúng có thể được phân loại là vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vũ khí hóa học khác với vũ khí sinh học (lây lan bệnh), vũ khí hạt nhân và vũ khí phóng xạ (vũ khí sử dụng sự phân rã phóng xạ của các nguyên tố hóa học).

Vũ khí hóa học là gì? Gây ra tác hại thế nào?

Vũ khí hóa học có thể được phân tán trong dạng khí, lỏng hoặc rắn và dễ dàng gây đau đớn hơn cho con người. Khí độc và hơi cay là hai ví dụ điển hình của vũ khí hóa học hiện đại.

Các hóa chất chết người là cực kỳ dễ bay hơi và nhiều quốc gia đã phân loại ra các vũ khí hóa học. Trong số vũ khí hóa học nguy hiểm nhất có chất độc thần kinh GA, GB và VX và chất làm phồng da vốn là các công thức của khí độc mù tạc (là một chất độc tế bào, tác nhân làm phồng da, hình thành mụn nước trên da khi tiếp xúc) như H, HT và HD. Tất cả đều ở dạng chất lỏng ở nhiệt độ phòng bình thường, nhưng trở thành khí khi được thoát ra (hay giải phóng).

Được sử dụng rộng tãi trong suốt giai đoạn Chiến tranh thế giới lần thứ I, tác hại của cái gọi là khí mù tạc, khí phosgene và các loại khí độc khác đã làm nhiều người bị teo (khô) phổi, mù lòa, tàn tật và chết chóc. Chưa hết, những người sử dụng khí độc cũng trở thành nạn nhân của chính mình bởi khí độc bị gió thổi tạt trở lại người sử dụng nó.

Trở lại diễn biến tại Syria liên quan đến vũ khí hóa học. Theo VOA, chính phủ Syria phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào trong vụ tấn công rõ ràng là bằng vũ khí hóa học hôm thứ Tư tuần trước. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng vụ tấn công có thể do những người phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện để khiến cộng đồng quốc tế có hành động chống lại ông này. Nga, Trung Quốc và Iran đã cảnh báo về điều mà Moscow gọi là "hậu quả khủng khiếp" của việc tấn công Syria.

Trong khi đó, Mỹ lại khăng khăng thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học chính là chính phủ Syria vì chính phủ Syria hiện vẫn nắm giữ trong tay các loại vũ khí hóa học của nước này, có khả năng dùng chúng để tấn công bằng cách sử dụng rocket và quyết tâm xóa bỏ phe chống đối khỏi các khu vực bị tấn công.

Hiện Liên Hợp Quốc đã đến Syria để điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Vụ việc xảy ra hôm 21/8 tại khu vực ngoại ô thủ đô Damascus; làm ít nhất 1.300 người chết.

Thanh Xuân

Chủ đề khác