VnReview
Hà Nội

Tại sao VOZer rào rào "gạch đá" Huyền Chip?

Buổi họp báo sáng 19/9 tại Hà Nội của Huyền Chip, tác giả cuốn sách "Xách ba lô lên và đi" kể về chuyến đi tới 25 quốc gia của cô với vỏn vẹn 700 USD trong túi lúc lên đường đã chưa giải tỏa được những điều mà các thành viên Vozer cho là phi lý.

Sinh năm 1990, Nguyễn Thị Khánh Huyền (nickname là Huyền Chip) còn rất trẻ và nổi tiếng khi ra hai tập sách kể về chuyến du lịch bụi 25 nước trên thế giới như Nepal, Palestine, Kenya, Malaysia… chỉ với vẻn vẹn 700 USD trong tay.

Tập 1 của cuốn sách "Xách ba lô lên và đi: Châu Á là nhà, đừng khóc!" liệt kê những chuyến đi và sự trải nghiệm qua nhiều nước của Huyền Chip lập tức đã tạo ra sự háo hức về phong trào du lịch "xách ba lô lên và đi" của giới trẻ.

Nhưng đồng thời, nó cũng nhận được phản ứng mạnh mẽ từ nhiều thành viên diễn đàn mạng VOZ (còn gọi là VOZer) - một diễn đàn công nghệ nổi tiếng.

Không chỉ am hiểu về công nghệ, các VOZer, bao gồm cả những thành viên nhận mình đang là du học sinh, tỏ ra từng trải, am hiểu về du lịch bụi, phượt và lao động ở nước ngoài. Họ cho rằng trong cuốn sách của Huyền Chip có nhiều chi tiết phi lý, khó tin. Họ tin rằng phía sau Huyền Chip phải có nhà tài trợ, phải có sự giúp đỡ chứ không thể chỉ "ăn vạ" để xin visa, lao động chân tay để tự nuôi sống bản thân và trang trải các chi phí đi lại (máy bay, ô tô...), ăn nghỉ.

Họ đòi hỏi Huyền Chip - khi đã viết nhật ký là phải viết đúng sự thật, không như viết văn - để những người trẻ tuổi không học theo Huyền Chip mà xách ba lô ra đi cho dù không hề có sự chuẩn bị, đến đâu tính đến đó như Huyền Chip.

Trên diễn đàn VOZ, chủ đề Về Huyền Chip & Xách ba-lô lên và đi kéo dài đã đến hơn 600 trang với gần 850 nghìn lượt xem và hơn 6000 bình luận và xem ra vẫn chưa kết thúc. Bởi vì b uổi họp báo sáng 19/9 của cô ở Hà Nội không giải đáp được các hoài nghi của VOZer. Các thành viên diễn đàn này đã vạch kế hoạch để khi Huyền Chip họp báo ở TP.HCM, họ sẽ tiếp tục làm cho ra lẽ.

Huyền Chip mới chỉ nói một nửa sự thật?

Trong buổi họp báo, để giải đáp những thắc mắc từ dư luận nói chung và các thành viên VOZ nói riêng, Huyền Chip đã trả lời trực tiếp các câu hỏi từ các khán giả tham gia buổi họp báo ra mắt tập 2 của bộ sách Xách ba lô lên và đi.

Theo tường thuật của các VOZer và thành viên Cu Trí trên mạng xã hội Facebook có mặt tại buổi họp báo, Huyền Chip đã có lúc mất bình tĩnh trước câu hỏi khán giả hỏi trực tiếp, thậm chí bí quá, cô nói: "Tôi không có trách nhiệm trả lời anh!".

Tại buổi họp báo, thông tin khiến nhiều người phải bàn luận nhất là việc Huyền Chip nói về đoạn trong sách cô kể bị xe máy tông gãy ống đồng, sau đó ba tuần đã có thể bay nhảy, vi vu.

Theo thông tin đăng tải trên nhiều trang báo thì trong buổi họp báo này, cô cũng đã cố gắng giải trình việc xin visa dễ kiểu "Ăn vạ thôi ạ. Nếu không được thì đòi lên cấp trên, không được nữa thì đòi lên cấp trên nữa", trong lần trả lời bác Phó thủ tướng Vũ Khoan mà các Vozer đã nêu lên trong topic kể trên.

Tại buổi họp báo, Huyền Chip đã giơ cuốn hộ chiếu có visa ở những nơi mà cô đã đi qua cho khán phòng, dưới sự chứng kiến của hai vị khách mời là GS Nguyễn Lân Dũng và bà Nguyễn Hoàng Ánh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Châu Á – Thái Bình dương – giảng viên ĐH Ngoại thương. Trong hộ chiếu có visa của các nước Thái Lan, Ấn Độ, Nepal, Bolivia, Kenya, Zambia, Zimbabwe, Ethiopia… Nhưng khi được phóng viên yêu cầu xem chi tiết và chụp lại các visa đó thì Huyền không cho phép, chỉ chụp một số trang nhất định với lý do... sợ bị làm giả?!?

Khi được khán giả hỏi, "Tài liệu do Đại sứ quán của Israel tại Hà Nội và bộ Ngoại giao Israel cung cấp chỉ ra rằng đối với công dân Việt Nam, khi đi du lịch cần phải có chứng minh tài chính (tối thiểu 5.000 đô la) để có thể được cấp visa tại đất nước họ?".

Huyền Chip đã trả lời một cách né tránh rằng:"Khi sang đó mình đã viết rất nhiều phóng sự về việc này. Mình không thể giải thích tại sao lại như thế vì mình không phải là người lập nên chính sách ngoại giao".

Có thể nói việc xin visa của Huyền Chip cứ như đùa, không chỉ một lần may mắn mà nó diễn ra tới 25 nước. Trong khi thực tế nhiều nước xin visa phải chứng minh được tài chính hoặc có người bảo lãnh, với số tiền kia thì không thể chứng minh tài chính được.

Kể cả khi cô nhờ giáo sư Nguyễn Lân Dũng (cũng là người viết lời tựa cho cuốn sách) giơ visa lên để chứng minh thì nhiều người vẫn thắc mắc liệu con dấu đóng trên cuốn visa đó là vào thời điểm nào và liệu có đủ vài chục visa như Huyền Chip đã nói hay không?

Cũng theo Vozer chủ topic này, cũng tại Israel, Huyền Chip đã mua máy ảnh Canon 400D, cho dù là cũ thì nó cũng có giá ít nhất là 400 USD, vậy tiền ở đâu ra?

Trong khi cô nói tự túc mọi thứ nhưng các thành viên Voz đã lôi ra được cả cache của những dòng nhật ký mà cô đã xóa bỏ và chứng minh rằng cô đã nhận nhiều nguồn tài trợ khác nhau qua việc viết thư xin tài trợ.

Ngoài ra, dư luận cũng không đồng tình với quan điểm cổ súy… vượt biên trái phép để "giảm chi phí" mà Huyền Chip nêu ra trong cuốn sách và trả lời trong buổi phỏng vấn: "Thật ra thì có những nước không xin được visa nhưng mình vẫn vào, và trong sách có đề cập. Vậy nên nó không dành cho những người chậm tiến"???

Trong buổi nói chuyện gần đây Huyền Chip có chia sẻ ở tập 2, cô làm trong sòng bạc ở châu Phi. Các Vozer tiếp tục thắc mắc: "HC quá may mắn khi cô dễ dàng được nhận vào làm tại một casino hạng sang, theo HC là lớn nhất trong khi họ lại đi tuyển một người;một người không biết tiếng bản địa, không bằng cấp, visa du lịch, không có giấy phép lao động, không có background check cho nhân viên và bà quản lí dễ tới mức cho ứng ngay vài trăm đô sau buổi thử việc?"

Trả lời chất vấn đó, Huyền Chip lập luận: "Một lần tình cờ mình thấy có biển quảng cáo và vào sòng bạc. Mình nói: "Cho em gặp người quản lý". Sau đó, Huyền đã nhận được sự đồng ý làm việc tại đây. Sòng bài ở châu Phi cũng khá nhỏ."

Cô cũng chia sẻ rằng, nếu chỉ xin việc qua internet thì không bao giờ có việc dễ dàng: ""Bí quyết" của mình là đi xin việc luôn ngay khi vừa tới nơi, có khi phải đi vài chục chỗ mới tìm được chỗ làm ổn". Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chả nhẽ những người bản địa chỉ biết... ngồi ở nhà lên internet tìm việc?

Chương 39 tới 44 ("Xách ba lô lên và đi", tập 1) có viết rằng, Huyền tới đất nước Ấn Độ để khám phá, sau đó đi qua Nepal hành hương về đất Phật. Và sau đó Huyền trở lại Ấn để tham dự lễ hội chim Dipumar diễn ra đầu tháng 12/2010. 

Các Vozer tỏ ra nắm thông tin rất chắc khi đưa ra thông tin: từ tháng 9/2009 tới tháng 4/2012 khi cấp visa cho bất kì khách du lịch nào, Đại sứ quán Ấn Độ đều có ghi chú trong đó là không chấp nhận nhập cảnh trở lại trong vòng 2 tháng sau đó nếu không có giấy phép đặc biệt

Còn trên HaiVL xuất hiện hình minh họa chứng minh sự mâu thuẫn giữa trả lời của cô và thực tế ghi trong cuốn sách:

Ngay cả hành vi "xóa bỏ" những trang viết trước đây của cô trên mạng cũng là một trong những nguyên nhân gây thêm bức xúc cho mọi người, bởi nếu nó là trung thực thì không cần phải xóa bỏ vội vã như vậy.

Tại buổi họp báo này Huyền Chip cũng đính chính rằng 700 USD không phải là chi phí tổng của chuyến đi mà chỉ là chi phí khởi điểm.

Sau khi buổi họp báo kết thúc, rất nhiều người tỏ ra khá thất vọng với những câu trả lời của Huyền Chip, bởi "đa số các câu trả lời của bạn đều thiếu thuyết phục và không thực tế".

Không đơn giản chỉ là... xách ba lô lên đường và đi

Sau tất cả, với những sự kiện gần đây khiến dư luận quan tâm, có thể thấy nhiều sự thật dần trở nên "mong manh" sau khi bị phanh phui trên truyền thông, bởi phía sau nhiều "sự kiện" ấy là những công ty truyền thông sẵn sàng trả tiền để "tạo ra" những "sự thần kỳ tình cờ". Sự thật vẫn cần được tôn trọng, và nửa sự thật thì không thể được coi là sự thật và không ai có thể che giấu mãi những dối lừa. Có thể Huyền Chip đã đi 25 nước, nhưng có lẽ phía sau đó không đơn giản chỉ là "xách ba lô lên đường và đi"...

Sự may mắn sẽ rất khó tận dụng nếu thiếu sự chuẩn bị kỹ càng và cần thêm những ký năng mềm khi đi du lịch một mình.

Có thể nói, qua những nghi vấn và "chứng cứ" mà các thành viên Voz nêu lên ở diễn đàn VozForums và dư luận nói chung, cũng như qua phần trả lời của Huyền Chip tại buổi họp báo, có thể tạm nhận định rằng: Chúng ta vẫn chưa biết sự thật về chuyến đi của Huyền Chip có đúng như những gì cô viết ra hay không, nhưng một khi cô đã viết thành sách và bán nó để thu lợi nhuận thì bản thân cô phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra và có trách nhiệm phản hồi độc giả. Người đọc có quyền nghi vấn và đặt câu hỏi, bởi nó không phải là một tác phẩm văn học đơn thuần mà là một cuốn "hành trình ký", được đúc kết "từ thực tế" như cô đã tuyên bố ở đầu cuốn sách.

Còn với những bạn trẻ đang băn khoăn về sự thực phía sau cuốn sách này, dù đã đọc hay chưa đọc cuốn "Xách ba lô lên đường và đi" thì cũng đừng vì dư luận trái chiều mà mất tự tin vào khả năng "đi du lịch xuyên quốc gia", cũng đừng sốc nổi như em gái của một bạn trên Vozer bảo rằng "Em có chết cũng được, em phải đi vì em muốn mọi người thấy rằng em đã lớn". Thay vào đó, bạn hãy tỉnh táo, tự trang bị những kỹ năng cần thiết và tham khảo từ nhiều nguồn đáng tin cậy trước khi "xách ba lô lên và đi".

Hữu Thắng

Chủ đề khác