VnReview
Hà Nội

Lòng tin chiến lược là gì?

Thời gian gần đây, tần suất của cụm từ "lòng tin chiến lược" lặp lại khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa "lòng tin chiến lược" là gì?

Trước hết, "lòng tin chiến lược" (tiếng Anh là "strategic trust") hiện là một khẩu hiệu ngoại giao khá thịnh hành. Theo tìm hiểu của tôi trên mạng thì cho đến nay chưa có một định nghĩa chuẩn mực nào về "strategic trust" hay "lòng tin chiến lược" là gì? Tuy nhiên, nó đã được các chính trị gia đề cập đến nhiều lần và giải nghĩa khá chi tiết.

Lòng tin chiến lược là gì

Phải công nhận rằng, cụm từ "statregic trust" bắt đầu được giới truyền thông đề cập đến nhiều là vào hồi tháng Hai năm 2012, từ bài phát biểu của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (hiện là Chủ tịch Trung Quốc) tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Mỹ tại Washington.

Trong bài phát biểu này, ông Tập Cận Bình cũng định nghĩa luôn "lòng tin chiến lược" là gì. "Đối với chúng tôi, lòng tin chiến lược là nền tảng của sự hợp tác cùng có lợi và lòng tin càng lớn sẽ dẫn đến sự hợp tác càng rộng hơn". Ông Tập còn nói thêm rằng hai bên (Mỹ-Trung) nên gia tăng hiểu biết và tin cậy, giảm bớt những nghi ngờ và hiểu lầm. "Không có lòng tin, không ai có thể đạt được điều gì", ông Tập nói.

Nhưng trước khi ông Tập Cận Bình nói đến "lòng tin chiến lược", cụm từ này đã được Đô đốc Mike Mullen của Mỹ đề cập đến trong một bài viết đăng trên mục Op-Ed của báo New York Times hồi 25/7/2011.

Trong bài báo có tựa đề "A Step Toward Trust With China" (tạm dịch: Một bước tiến đến lòng tin với Trung Quốc", đô đốc Mullen viết: "Đôi khi, sự thẳng thắn và trung thực chính xác là những gì cần phải có để xây dựng lòng tin chiến lược". Theo bài viết của ông Mullen thì "lòng tin chiến lược" được hiểu là việc xóa bỏ những hiểu lầm và nghi ngờ đang định nghĩa quan hệ giữa quân đội và hai quốc gia (Mỹ-Trung).

"Lòng tin chiến lược" cũng được nhắc đến trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra ở Singapore tối 31/5/2013. "Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Trước các quan chức Chính phủ, các nhà lãnh đạo quân đội, các học giả có uy tín tại Đối thoại Shangri-La 12, Thủ tướng Việt Nam khẳng định "Lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột. Lòng tin cần được nâng niu, vun đắp không ngừng bằng những hành động cụ thể, nhất quán, phù hợp với chuẩn mực chung và với thái độ chân thành".

Mặc dù cụm từ "lòng tin chiến lược" được đặt trong các bối cảnh khác nhau, nhưng qua đó có thể thấy rõ ràng "lòng tin chiến lược" về cơ bản vẫn là sự chân thành, xóa bỏ nghi ngờ, hiểu lầm và hợp tác cùng có lợi trong mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

Thanh Xuân

Chủ đề khác