VnReview
Hà Nội

Tăng cước 3G: Do lỗ hay yếu kém?

Hôm qua, các nhà mạng và cơ quan quản lý đồng thanh cho rằng phải tăng cước 3G do giá cước 3G ở Việt Nam đang thấp hơn giá thành và rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực chứ không phải do sức ép của dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí trên nền Internet (OTT). Tuy nhiên, thực tế lại không ủng hộ luận điểm này.

Kể từ ngày 16/10, ba nhà mạng lớn chiếm thị phần khống chế là VinaPhone, Viettel và MobiFone đã tăng cước 3G của các gói phổ biến nhất lên từ 40% cho đến 233%. Đồng thời, các nhà mạng này "đẻ" ra một số gói cước mới, tăng nhẹ một số gói cước để đảm bảo lần điều chỉnh cước 3G này đạt mức trung bình 20% theo chỉ đạo của Bộ TT&TT - mức tăng không sốc, không làm xáo trộn thị trường.

Thanh minh kém thuyết phục

Tại buổi tọa đàm trực tuyến Vì sao tăng cước 3G tại Bộ TT&TT hôm qua, ngày 17/10, ba nhà mạng và cơ quan quản lý nhà nước là Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã "trả bài" bằng những lý luận mà chính họ đã đề cập nhiều lần trên các phương tiện truyền thông: Giá cước 3G phải tăng vì giá bán hiện nay thấp hơn giá thành và giá bán rẻ hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Thậm chí, các nhà mạng đã rất "tử tế" vì lẽ ra phải tăng nhiều hơn nhưng thay vào đó, để khách hàng đỡ sốc thì họ tăng dần dần, mà lần này mới chỉ là bắt đầu.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục Trưởng Cục Viễn thông cho biết theo quy định, giá cước viễn thông được xác định dựa trên các yếu tố giá thành, cung cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế (benchmark).

"Hiện nay các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành (các doanh nghiệp chứng minh giá thành theo quy định Bộ đã ban hành), thứ hai là cung cầu trên thị trường, thứ ba là giá cước data của Việt Nam rẻ hơn hầu hết các nước trong khu vực và quốc tế", ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm, hiện 80% giá thành 3G tính vào cơ sở hạ tầng. Do phải nhập khẩu thiết bị, nên về nguyên tắc, giá thành 3G phải tương đồng với các nước trong khu vực. "Ví dụ về BTS ở Singapore với ở Việt Nam, mặc dù ở Singapore có mức thu nhập rất cao nhưng giá thiết bị cũng giống hệt như ở Việt Nam. Như vậy sự khác nhau giữa giá thành ở Việt Nam với thế giới có thể từ 2 – 10%".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lập luận 80% giá thành là chi phí đầu tư hạ tầng của ông Trung không thuyết phục. Bởi theo họ, chi phí hạ tầng là lớn, nhưng chi phí nhân sự, duy trì hệ thống - chắc chắn thấp hơn các nước như Singapore, cũng không hề nhỏ. Cho nên nếu tính tới 80% giá thành cho chi phí hạ tầng là phi thực tế.

Còn nếu giá cước tính dựa trên yếu tố giá cước khu vực và quốc tế thì người tiêu dùng luôn luôn "thua", không thể tranh luận được hơn bởi đúng là so với khu vực, giá cước 3G ở Việt Nam có thấp hơn, cùng với thực tế GDP bình quân đầu người của Việt Nam (gần 1.000 USD/ người/ năm) thấp hơn rất nhiều so với Singapore (gần 52.000 USD/ người/ năm).

Ngoài ra, qua buổi tọa đàm nói trên, với những gì đại diện Cục Viễn thông thể hiện như thể thay cho nhà mạng khiến cho dư luận cảm thấy người dùng ở vị thế cô độc và thua cuộc trong cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình là điều không tránh được. Thay vì để nhà mạng tự trả lời, rất nhiều câu hỏi của người dùng đã được đại diện Cục Viễn thông trả lời thay, trong khi trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải giữ vai trò công bằng, khách quan giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp.

OTT – "tội đồ" khiến 3G tăng giá cước

Tại buổi tọa đàm, đại diện cả ba nhà mạng khẳng định dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet (OTT) không phải là nguyên nhân khiến họ phải tăng giá cước, trái ngược hoàn toàn với thái độ của họ trước đó.

"Bản thân Viettel cũng có những đề xuất riêng về quản lý OTT gửi Bộ TT&TT. Chúng tôi khẳng định việc điều chỉnh cước 3G không liên quan đến OTT do việc sử dụng OTT tiêu tốn dung lượng data rất ít", ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh, Tập đoàn Viettel nói.

"MobiFone khẳng định, việc điều chỉnh cước không phải vì OTT. Với OTT, chúng tôi sẽ có hợp tác, phối hợp riêng, và đang khẩn trương xây dựng phương án hợp tác trình Cục Viễn thông và Bộ TT&TT", đại diện MobiFone nói.

Có thể thấy câu trả lời trên của Viettel và MobiFone chẳng nói lên được điều gì. Như ông Dũng nói, đúng là OTT có thể tiêu tốn dung lượng data ít nhưng nó lại khiến doanh thu thoại và SMS của nhà mạng xói mòn ghê gớm. Còn câu trả lời của MobiFone chỉ làm cho người ta phải tò mò thêm: tại sao điều chỉnh cước không phải vì OTT nhưng mạng này phải khẩn trương trình phương án hợp tác với OTT?

Mâu thuẫn lợi ích giữa nhà mạng và OTT nổi lên từ đầu năm nay. Có thể nói, VnReview là báo đầu tiên phát hiện ra việc nhà mạng chặn dịch vụ OTT.

Hồi cuối tháng 1/2013, sau bài viết MobiFone, VinaPhone bắt đầu chặn phần mềm nhắn tin và gọi điện miễn phí? đăng trên VnReview, thuật ngữ OTT bắt đầu được dư luận quan tâm đến và nhà mạng nhắn đến nhiều.

Đặc biệt, kể từ đó, chiến dịch vận động truyền thông của nhà mạng về OTT thể hiện rõ rệt. Một mặt, nhà mạng - mạnh nhất là Viettel – "khóc" rằng OTT làm nhà mạng thất thu cả nghìn tỷ đồng và tuyên bố khả năng tăng cước 3G. Mặt khác, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện các bài viết kinh nghiệm các nước đối phó với OTT, trong đó có chặn OTT, bóp băng thông, thu phí OTT...

Đối với dịch vụ OTT, thái độ của các nhà mạng đã chuyển dần từ "coi thường" sang "hoảng sợ" rồi "kêu cứu", "phản đối", "cần siết chặt quản lý TT", cuối cùng lại "không coi là nguy hiểm" mà là "cơ hội để nhà mạng thay đổi".

Khoảng giữa năm 2012, khi dịch vụ OTT còn chưa phát triển mạnh, các nhà mạng đều cho rằng dịch vụ này không đáng ngại vì chất lượng thoại kém và người tiêu dùng sẽ không quan tâm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012, các nhà mạng đã ý thức được về mối nguy hiểm của dịch vụ OTT và đề xuất chặn các dịch vụ này tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ Thông tin - Truyền thông hồi tháng 12/2012.

Sau đó, các nhà mạng liên tục kêu ca trên truyền thông về sự bành trướng của dịch vụ OTT, thậm chí có nhiều tin tức còn cho rằng dịch vụ này ảnh hưởng đến an ninh mạng quốc gia. Đến tháng 5/2013, báo chí trích lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Viettel, tiết lộ chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, lượng người dùng Viber đã làm giảm doanh thu của Viettel 1.500 tỷ đồng. Ông Hùng cho rằng nếu 100% thuê bao, tức trên 40 triệu thuê bao di động đều dùng 3G và dùng Viber thì doanh thu của Viettel có thể bị giảm đi 40-50%.

Đến đầu tháng Bảy năm nay, Viettel chính thức đề xuất lên Bộ TT&TT tăng cước 3G. Thời điểm này, MobiFone và VinaPhone cũng bắt đầu kêu đầu tư cho 3G đang lỗ. Vào cuối tháng Bảy, MobiFone "rò rỉ" thông tin cho báo chí biết "Thống kê của MobiFone cho thấy, số lượng cuộc gọi trên Viber ở Việt Nam khoảng 280.000 cuộc/ngày và 8,7 triệu tin nhắn/ngày, gây tổn thất doanh thu rất lớn với nhà mạng…".

Đến đầu tháng Chín vừa qua, qua báo chí, Viettel lại tuyên bố: "Viettel không coi OTT là nguy hiểm". Lần này, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, "Nhờ có OTT các nhà mạng sẽ chuyển từ cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ phi thoại". Ông Hùng "dạy" các nhà mạng nên coi OTT là cơ hội để thu tiền, với nhiều ứng dụng và dịch vụ hơn. Nhà mạng nên học các nhà OTT sự sáng tạo và các ứng dụng phong phú (nhắn tin group, nhắn tin có hình ảnh...).

Sau đó, Viettel cùng VinaPhone và MobiFone đề xuất tăng cước 3G, với tuyên bố tăng cước 3G chẳng liên quan gì đến OTT.

Sau khi báo chí, trong đó có VnReview phản ánh nhà mạng chặn các dịch vụ OTT phổ biến và bị dư luận phản đối, mặc dù nhà mạng biết rõ rằng họ không thể sử dụng "chiêu trò" này và liên tục phủ nhận việc chặn. Họ cũng không thể nghĩ ra cách nào khả thi để đối phó với OTT - thậm chí là tự phát triển dịch vụ OTT như có thông tin Viettel đang làm.

Mặc cho các nhà mạng tuyên bố tiền hậu bất nhất, qua diễn biến sự việc này thì một người bình thường cũng có thể thấy rõ ràng cục diện cuộc chiến nhà mạng với dịch vụ OTT. Nhưng rốt cuộc người thua cuộc lớn nhất lại là người tiêu dùng bởi vì nhà mạng đã tăng cước 3G, bây giờ và tiếp tục sau này.

Hải Ninh

Chủ đề khác