VnReview
Hà Nội

Tại sao Viettel "phất cờ trắng" trước đại diện các tài xế?

Viettel và VinaPhone, MobiFone cuối cùng phải chấp nhận giải pháp Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam thiết kế một gói cước giám sát hành trình (GSHT) với cách tính cước như trước khi tăng giá cước 3G. Tại sao các "đại gia" di động này lại chịu xuống nước trong khi họ khăng khăng mình có gói cước riêng cho GSHT và không tăng giá các gói cước này?

Dư luận hơn một tuần nay xôn xao với việc Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam kêu cứu tới Bộ GTVT khiến Bộ trưởng GTVT ngay lập tức có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét can thiệp việc nhà mạng tăng cước 3G từ ngày 16/10 làm cho hàng vạn tài xế có nguy cơ bị tước giấy phép lái xe.

Trên Facebook, một số nhà báo chuyên đưa tin trong lĩnh vực công nghệ cho rằng đối tượng chính của câu chuyện rùm beng này là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GSHT vì họ là người thiệt hại nhất do đã cung cấp dịch vụ trọn gói cho doanh nghiệp vận tải và chủ yếu dùng SIM rác do SIM rác rẻ hơn cả dịch vụ dành cho giám sát hành trình của nhà mạng; rằng chỉ vì mấy doanh nghiệp này (hay vì doanh nghiệp phải tăng chi phí có 5.000 đồng/ xe/ ngày) mà làm cho Bộ trưởng GTVT phải cấp tập đề nghị Chính phủ can thiệp như "sắp cháy nhà chết người".

Thực tế, Viettel đã gửi thông cáo tới các nhà báo, khẳng định họ có 6 gói cước dành cho dịch vụ GSHT có tên là V-Tracking và các gói cước này không thay đổi. Chỉ tại các doanh nghiệp vận tải không dùng các gói cước này mà dùng các gói dịch vụ 3G thông thường nên mới bị ảnh hưởng như vậy.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Hiệp hội Vận tải Ô tô chỉ khiếu nại Viettel? Tại sao các doanh nghiệp không sử dụng gói cước đặc thù của Viettel dành cho mình dù nó không tăng cước? Tăng cước 3G chỉ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà cung cấp dịch vụ GSHT hay cả doanh nghiệp vận tải? Việc tăng cước 3G có ảnh hưởng lớn đến ngành vận tải đến nỗi Bộ trưởng GTVT phải cầu đến Chính phủ?

Và quan trọng hơn cả là tại sao Viettel lại chịu "xuống nước" chấp nhận gói cước mà Hiệp hội Vận tải ô tô sẽ đề xuất đưa ra trong thời gian sớm nhất?

Lần tìm lời giải cho những câu hỏi trên, chúng ta sẽ thấy một bộ mặt khác của thị trường di động cạnh tranh đã được xem như là một case study điển hình cho chống độc quyền.

Giám sát hành trình "chết" vì 3G?

Giám sát hành trình

Theo Nghị định số 91 ban hành năm 2009, có lộ trình áp dụng từ tháng 7/2011, các doanh nghiệp vận tải phải lắp đặt và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình để báo cáo tình hình hoạt động phương tiện cho các Sở giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ. Mỗi thiết bị đều phải sử dụng 1 SIM thuê bao di động để truyền phát dữ liệu về máy chủ.

Thiết bị GSHT chính là chiếc hộp đen ô tô thông minh, giúp các cơ quan quản lý giao thông giám sát việc vận hành giao thông khoa học, đơn giản; chủ phương tiện kiểm tra lịch trình xe ở bất cứ địa điểm nào và thậm chí các đơn vị bảo hiểm có thể sử dụng thông tin thiết bị giám sát hành trình ghi lại thông tin để làm thủ tục bảo hiểm.

Để hoạt động, thiết bị này phải đi kèm với phần mềm và mạng truyền dẫn. Về mạng, thiết bị GSHT lắp đặt trên ô tô kinh doanh vận tải có đặc điểm chung là truyền tin ở tốc độ thấp (chỉ vài chục Kb/s), tần suất truyền định kỳ 5-60 giây/ bản tin, dung lượng thấp, chỉ từ 64-256 byte. Do đó, doanh nghiệp thường chọn các gói cước từ 10.000 đồng – 40.000 đồng/ tháng.

Tại cuộc gặp với VnReview sáng nay, ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô cho biết tùy thuộc vào địa bàn hoạt động của doanh nghiệp vận tải và vùng phủ sóng, cường độ sóng nên đến 70% doanh nghiệp vận tải sử dụng mạng của Viettel; 20% sử dụng mạng VinaPhone và 10% sử dụng mạng MobiFone. Đó cũng chính là lý do chỉ mình Viettel bị nêu tên trong đơn kiến nghị của Hiệp hội.

Còn các nhà sản xuất thiết bị GSHT phải "kêu cứu" bởi họ bị ảnh hưởng lớn ngay trước mắt. Thông thường, các nhà sản xuất thiết bị ký hợp đồng cung cấp dịch vụ GSHT trọn gói (gồm thiết bị + phần mềm + SIM nhà mạng) hàng năm với doanh nghiệp vận tải. Với việc thay đổi block tính cước (50KB + 50KB thay vì 10KB + 10KB như trước) và tăng cước 3G vừa qua, số tiền trong tài khoản SIM nhanh chóng cạn kiệt. Mỗi lần truyền phát dữ liệu cho dù chỉ 0.1KB cũng bị làm tròn thành 50KB, mà cước lưu lượng ngoài gói tăng đến 233%, do đó nếu theo cách tính block mới, từ 0,586đ/10KB lên 9,765đ/50KB thì thực tế cứ mỗi lần truyền dữ liệu, tiền cước sẽ bị trừ gấp 16,6 lần, tương đương với mức tăng 1566%!!!

Chính mức cước khủng khiếp này đang áp dụng cho các thuê bao 3G thông thường, nhưng độ ảnh hưởng không nặng nề bằng cách doanh nghiệp vận tải vì chỉ khi người dùng liên tục kết nối và ngắt mạng thì các phần dữ liệu dôi ra mới bị làm tròn và tính thành một block 50KB, còn đặc thù của thiết bị giám sát hành trình như đã nói ở trên là truyền tin định kỳ với lưu lượng thấp nên mặc dù mức sử dụng thấp nhưng tiền cước đội lên phi mã.

Ông Thanh cho biết phản ánh từ các hội viên là nhà cung cấp thiết bị GSHT cho thấy doanh nghiệp sử dụng mạng Viettel bị đội chi nhiều nhất 15-17 triệu đồng/ ngày; doanh nghiệp dùng mạng VinaPhone là 4,7 triệu đồng/ ngày trong 10 ngày qua.

ông Thân Văn Thanh

Ông Thân Văn Thanh phủ nhận thông tin thiết bị GSHT sử dụng SIM rác

"Rốt cuộc, tất cả đều "bổ đầu" doanh nghiệp vận tải vì hợp đồng với doanh nghiệp thiết bị giám sát hành trình có điều khoản trong trường hợp giá cước tăng ± 10% thì doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm, thường vào cuối năm khi đáo hạn hợp đồng", ông Thanh nói. "Nhưng hiện giờ doanh nghiệp thiết bị không có tiền đóng thêm, trong vài ngày tới thôi các thiết bị GSHT có nguy cơ bị vô hiệu nên họ phải kêu cứu", ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng phủ nhận thông tin thiết bị GSHT sử dụng SIM rác. "Các doanh nghiệp ký hợp đồng hằng năm đàng hoàng, đâu phải tài xế muốn dùng SIM nào, vứt SIM nào cũng được mà dùng SIM rác?".

Buộc lòng để đại diện hàng vạn tài xế "nói theo cách của bạn"

Nếu đơn giản nhìn sự việc từ bề ngoài, nhiều người có thể cho rằng "lỗi" tại doanh nghiệp vận tải không sử dụng gói cước 3G nhà mạng thiết kế cho riêng họ và không tăng giá, mà lại đi dùng hàng "ngoài luồng".

Vấn đề là thực tế có cái gọi là gói cước 3G cho GSHT hay không?

Ông Thanh cho biết, chỉ sau khi giá cước 3G tăng từ ngày 16/10, doanh nghiệp vận tải kêu tài khoản data của họ bị cạn kiệt đồng thời cước phí tăng quá nhanh và phản ánh tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giám sát hành trình thì doanh nghiệp giám sát hành trình mới có đơn lên Hiệp hội nhờ can thiệp.

Và phải 4 ngày sau khi đơn của Hiệp hội được báo chí phản ánh, (chính xác là nửa đêm thứ Bảy ngày 26/10), Viettel ra thông cáo gửi báo chí rằng: Viettel không điều chỉnh giá cước cũng như block tính cước của 6 gói dịch vụ V-Tracking, gồm các gói Dbiz 15, Dbiz 35, Dbiz 50, Dbiz 80, Dbiz 120, Dbiz 300 (trả sau).

Thông cáo của Viettel cũng nêu rõ Viettel đã có hơn 15.000 thuê bao V-Tracking. Khách hàng của Viettel là những doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực cung cấp giải pháp giám sát hành trình và các doanh nghiệp vận tải như: Công ty cổ phần phát triển công nghệ Eposi (EPS); Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn...

Tuy nhiên, ông Thanh cho hay các doanh nghiệp giám sát hành trình đã tìm hiểu nhưng không thấy những gói cước này của Viettel. Tìm trên mạng, cụ thể là website chính thức của Viettel, không có công bố những gói cước này. Hỏi tới Trung tâm chăm sóc khách hàng của Viettel thì nhân viên trả lời không biết.

Thực tế, theo quan sát của VnReview, thông tin về 6 gói cước V-tracking trả sau của Viettel mới chỉ xuất hiện trên mạng trong các tin tức kể từ sau khi Viettel ra thông cáo báo chí nói trên. Hiện tại trang web vietteltelecom.org cũng mới đưa thông tin về gói cước V-Tracking trong phần Tin tức đăng ngày 28/10/2013, nghĩa là chỉ vừa mới được cập nhật.

dịch vụ V-tracking của viettel

Tuy nói là các gói cước V-tracking đã được thiết kế cho DN vận tải từ năm 2011, nhưng thông tin về các gói cước này chỉ vừa được cập nhật trên website Viettel

Đáng ngờ hơn nữa, là trong nội dung mới cập nhật nói trên, Viettel nói đã cung cấp 8 gói cước, trong đó có 6 gói trả sau và 2 gói trả trước, nhưng thông tin về 2 gói trả trước không hề được nhắc đến trong thông cáo báo chí gửi các báo.

gói cước V-tracking Viettel

Tại sao có đến 8 gói cước V-Tracking mà DN vận tải không hay biết?

Trong khi đó, cũng trên trang web vietteltelecom.org, phần thông tin Dịch vụ doanh nghiệp / Dịch vụ V-Tracking lại đề cập tới 3 gói cước V-Tracking hoàn toàn khác, trong đó phí duy trì thuê bao thấp nhất là 80.000 đồng/tháng (với điều kiện mua thiết bị của Viettel giá gần 4 triệu đồng/chiếc). Nếu không mua thiết bị Viettel thì phí này sẽ là 120.000 đồng. Thông tin này cũng được đăng trên website của Viettel TP.HCM.

Gói cước V-Tracking

Gói cước V-Tracking công b; ố trên website vietteltelecom.org và viettelhcm.net

Vậy, Viettel thực chất đã ra 8 gói cước V-tracking từ khi nào? Không ai trả lời được, trừ Viettel. 

Lưu ý là, MobiFone cũng mới chỉ công bố gói cước MDT 10 (chi phí 10.000 đồng/tháng) cho doanh nghiệp vận tải từ ngày 14/10 (2 ngày trước khi chính thức tăng cước 3G) và thông tin này mới được công bố tại buổi họp sáng hôm qua. Không thấy thông tin về gói cước tương tự từ VinaPhone. Còn gói cước M10 mà VinaPhone và MobiFone cung cấp lâu nay (cước 10.000 đ/tháng) thì vẫn là gói cước 3G phổ thông, không phải gói chuyên biệt cho doanh nghiệp vận tải.

Còn theo ông Thân Văn Thanh, các doanh nghiệp không sử dụng các gói cước V-tracking của Viettel vì đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp thiết bị giám sát hành trình khác và không thể mua mua thiết bị của Viettel nữa; và kể cả trường hợp không phải mua thiết bị, phần mềm của Viettel thì gói cước của Viettel vẫn đắt hơn gói cước họ đã sử dụng trước khi 3G tăng giá. Với việc sử dụng gói cước MI10 chỉ 10.000 đ/tháng và cước dữ liệu chỉ tính 0,586đ/10KB trước đây, chi phí cước dữ liệu của xe khách, xe container trung bình khoảng 40.000 đ/tháng, rẻ hơn gói V-tracking 80.000đ/tháng trong bảng cước nói trên. Nhưng sau ngày tăng cước 3G, chi phí này lên đến 150.000 đồng/tháng.

Hiệp hội mong muốn nhà mạng có thể có bất kỳ gói cước nào, cách tính nào nhưng chi phí dữ liệu cho dịch vụ giám sát hành trình vẫn giữ nguyên mức như trước thời điểm tăng cước 3G.

"Viettel rất cầu thị, đã đến Hiệp hội tận nơi để làm việc. Chúng tôi đã thống nhất phương án Hiệp hội sẽ đưa ra đề xuất gói cước phù hợp nhu cầu thực tế - gói cước 10.000 đồng/ tháng thuê bao + 50 MB miễn phí, phần cước trội sẽ tính block theo cách tính cũ", ông Thanh nói. "Vấn đề là Viettel phải có phần mềm để nhận biết trong số 40 triệu thuê bao của mình, những thuê bao nào dùng cho giám sát hành trình. Dự kiến gói cước này sẽ được chấp thuận vào ngày 16/11 tới, theo chu kỳ tính cước của nhà mạng. Nhưng trước mắt, vài ngày nữa thì 50 nghìn tài xế đã "nguy" rồi vì doanh nghiệp thiết bị giám sát hành trình không có khả năng trả cước. Chúng tôi đã kiến nghị vấn đề này tới Bộ GTVT và Bộ Công an, hy vọng sẽ được giải quyết thỏa đáng".

Thông tin từ cuộc họp tại Bộ GTVT hôm qua cũng cho hay Bộ Giao thông Vận tải sẽ có văn bản gửi Bộ TT&TT để các doanh nghiệp viễn thông có thể xây dựng gói cước mới, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải trước ngày 30/11/2013. Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng khẳng định nếu nhà mạng sớm trình gói cước mới thì Bộ TT&TT sẽ xem xét và phê duyệt trong vài ngày tới.

VnReview nhận định, trường hợp được phê duyệt gói cước mới, cũng không phải là quá khó cho Viettel để phân biệt các gói cước V-tracking với gói 3G thông thường, vì thuê bao V-tracking chỉ cần gửi tin nhắn đăng ký gói cước tới tổng đài quy ước thì tự khắc hệ thống sẽ tính cước theo gói cước đó.

Như vậy, qua diễn biến cuộc chiến giá cước 3G với đại diện doanh nghiệp vận tải có thể thấy khách hàng không dễ bắt Viettel "nói theo cách của mình", nhưng không phải là không thể cho dù Viettel đang nắm trong tay cả mạng lưới, thiết bị và danh tiếng.

Trớ trêu là trong khi một bộ phận nhỏ khách hàng nhưng có đại diện buộc đại gia di động Viettel "phất cờ trắng", thì hàng triệu thuê bao cá nhân - nguồn thu chính của cước 3G Viettel lại vẫn chỉ là những "ngôi sao cô đơn" phải "nói theo cách của Viettel" vì chẳng được ai đoái hoài đến.

Hải Ninh

Chủ đề khác