VnReview
Hà Nội

Miền Trung thương yêu từng gánh nhiều bão nhất

Mỗi năm, các tỉnh ven biển Việt Nam phải gánh chịu hơn chục cơn bão và áp thấp nhiệt đới, chủ yếu rơi vào các tỉnh thành thuộc Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) và Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận). Dải đất miền Trung không năm nào ngơi bão lũ.

Trong số hàng trăm cơn bão đã được Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn thống kê từ năm 1961 đến 2012, bão rơi nhiều vào khu vực Bình Định – Ninh Thuận, Nghệ An – Quảng Bình, Quảng Trị - Quảng Ngãi. Các tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) cũng thường xuyên gánh bão và khi bão rơi vào khu vực này thì thường kéo dài đến Thanh Hóa, tạo thành vùng bão phía Bắc (Quảng Ninh – Thanh Hóa). Khu vực miền Nam (Bình Thuận – Cà Mau) ít gặp bão hơn, những năm gần đây thường chỉ gặp 1-2 cơn bão một năm và cũng ít khi gặp bão lớn. Những cơn bão lớn, từ cấp 10 (89-102 km/h) trở lên đổ bộ nhiều hơn vào miền Trung và miền Bắc.

Theo Wikipedia, do Việt Nam hầu như không có bão mạnh đến mức cần sử dụng thang bão Saffir-Simpson (lý do là các cơn bão mạnh trên cấp 12 hầu như đều xuất phát từ ngoài đại dương, sau khi vượt qua Philippines để đổ bộ vào Việt Nam thì sức gió đã suy giảm rất nhiều), nên người ta chỉ cần sử dụng thang sức gió Beaufort để mô tả sức mạnh của chúng là đủ. Gió xoáy có cấp Beaufort từ 6 đến 7 trên một diện rộng gọi là áp thấp nhiệt đới. Gió xoáy từ cấp 8 trở lên trên một diện rộng, có thể kèm theo mưa lớn gọi chung là bão. Tuy nhiên, điều này đã không còn đúng trong thời gian gần đây, điển hình là các cơn bão Chanchu và bão Xangsane trong năm 2006. Mặc dù bão Chanchu không đi vào vùng bờ biển Việt Nam, nhưng với cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson nó đã làm nhiều tàu thuyền bị đánh chìm và nhiều ngư dân Việt Nam bị chết trên biển Đông. Trong dự báo bão cho cơn bão Xangsane, lần đầu tiên người ta đã sử dụng cấp 13 và trên cấp 13.

Tuy nhiên ,đến năm 2008 khi cơn bão số 6 mang tên quốc tế Hagupit (Dùi cui) đi vào khu vực Bắc Biển Đông Việt Nam với sức gió của nó đạt 120 hải lý (knot)... tương đương với cấp 4 của thang bão Saffir-Simpson thì Việt Nam bắt đầu sử dụng cấp 13 - 17 khi đã nâng nó lên cấp ngưỡng đầu tiên của siêu bão là cấp 15.

Trong bảng thống kê bão của Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, năm 2006 là năm có nhiều cơn bão lớn nhất, trong đó có tới 4 cơn bão liên tiếp đều đạt cấp độ 13: Xangsane, Cimaron, Chebi, Durian. Cơn bão lớn từng đạt cấp 13 là Faye (1963), Clara (1964), Jane (1971), Dan (1989), Kyle (1993) và Neoguri (2008).

bão lớn từng đổ bộ vào việt nam

Những cơn bão từ cấp 12 từng vào Việt Nam từ năm 1961-2012

Nếu như năm 2012, các cơn bão vào Việt Nam chủ yếu ở cấp 6, nhưng năm 2013 tất cả các cơn bão đều từ cấp 8 trở lên và đặc biệt có nhiều cơn bão được xếp vào hạng bão cuồng phong (từ cấp 13). Có tới 2 cơn bão trong năm nay, gồm bão số 7 Utor và bão số 9 Usagi đều đã đạt cấp cao nhất là cấp 17. Hiện tại cơn bão Haiyan (số 14 của năm nay) được xếp vào hạng "siêu bão trên cấp 17".

Dưới đây là các cơn bão đã được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung uơng Quốc Gia Việt Nam đặt số hiệu trong năm 2013:

•;          Bão số 1 (Sonamu) - cấp 9 ~ cấp 10 - bão nhiệt đới dữ dội.

•           Bão số 2 (Bebinca) - cấp 8 - bão nhiệt đới.

•           Bão số 3 (Rumbia) - cấp 10 - bão nhiệt đới dữ dội.

•           Bão số 4 (Cimaron) - cấp 8 - bão nhiệt đới.

•           Bão số 5 (Jebi) - cấp 10 ~ cấp 11 - bão nhiệt đới dữ dội.

•           Bão số 6 (Mangkhut) - cấp 8 - bão nhiệt đới.

•           Bão số 7 (Utor) - cấp 17 - bão cuồng phong.

•           Bão số 8 (Áp thấp nhiệt đới 18W), cấp 8 - bão nhiệt đới.

•           Bão số 9 (Usagi) - cấp 17 - bão cuồng phong.

•           Bão số 10 (Wutip) - cấp 13 - bão cuồng phong.

•           Bão số 11 (Nari) - cấp 13 - bão cuồng phong.

•           Bão số 12 (Krosa) - cấp 13 ~ cấp 14 - bão cuồng phong.

•           Bão số 13 (Áp thấp nhiệt đới Wilma) - cấp 8 - bão nhiệt đới.

•           Bão số 14 (Haiyan) - trên cấp 17 - siêu bão.

Như vậy, siêu bão Haiyan cũng là cơn bão lớn nhất từ trước tới nay sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Chưa rõ khi đổ bộ vào Việt Nam thì sức gió sẽ ở mức như thế nào, nhưng các bản tin dự báo hiện nay đều khẳng định là "hết cấp dự báo". Thảm họa lần này lại tiếp tục đổ vào khu vực miền Trung vốn còn chưa kịp ổn định sau hàng loạt cơn bão cuồng phong Usagi, Wutip, Nari, Krosa. Cả nước đang hướng về miền Trung trong tâm trạng lo lắng và chỉ biết cầu nguyện cho bão suy yếu và gây thiệt hại ít nhất cho đồng bào miền Trung.

Ngọc Mai

Chủ đề khác