VnReview
Hà Nội

Xả lũ đúng quy định, sao dân vẫn oán thủy điện?

Theo báo cáo của các thủy điện và chính quyền địa phương, việc tích nước và xả lũ của các hồ chứa là đúng quy định, thậm chí còn giúp điều tiết nước vùng hạ lưu. Tuy nhiên, người dân miền Trung và đại biểu Quốc hội lại cho rằng việc xả lũ của các thủy điện khiến cho "lũ chồng lũ", người dân không kịp trở tay.

Vậy rốt cuộc, có hay không trách nhiệm của thủy điện trong những cơn lũ ở miền Trung vừa qua đã nhấn chìm hàng trăm nghìn mái nhà, làm 41 người chết, hoa màu, cây trồng, vật nuôi bị cuốn sạch?

Câu trả lời chính thức từ những cơ quan có trách nhiệm có lẽ cũng giống với câu trả lời của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP.HCM hồi năm 2009, rằng kiểm tra không thấy vi phạm quy trình xả lũ nào cả, và "xả lũ mà làm chết người thì ông thủy điện đi tù rồi!".;   

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn cung cấp thêm thông tin để độc giả hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa thủy điện và lũ, và tại sao trong đợt lũ vừa qua ở miền Trung, các thủy điện lại bị đưa ra mổ xẻ.

Trước hết, xin nhắc lại rằng hồ chứa nước thủy điện ngoài chức năng tích nước để chạy tuốc-bin phát ra điện còn có chức năng kiểm soát lũ. Tuy nhiên, theo tạp chí Journal Of Engineering số tháng 1-6/2013, thực tế khối lượng lưu trữ của hồ chứa bị mất do sự lắng đọng trầm tích, cộng với cường độ lũ quá lớn, có thể vượt quá dự tính thiết kế nên hồ chứa dần dần mất khả năng chứa dòng lũ lớn.

Theo báo VnExpress đưa tin ngày 16/11, mưa lớn đã khiến nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung nước dâng cao lên mức báo động 3, buộc phải xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa. Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, lúc 6h ngày 16/11 đã có 15 hồ thủy điện xả tràn, 9 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400 m3/s. Nhiều báo chạy tít có cùng nội dung thủy điện xả lũ, nhấn chìm nhà dân. Tại Nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của thủy điện xả lũ gây thiệt hại về người và của của nhân dân.

Lũ lụt miền trung

Lũ lụt miền Trung gánh thêm xả lũ của thủy điện? Ảnh: ANTĐ

Báo cáo: Xả lũ đúng quy trình, hỗ trợ giảm lũ

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo cáo từ các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định đều cho thấy việc kiểm soát xả lũ của các thủy điện đều tuân thủ theo đúng quy định: đã đưa mực nước trong hồ chứa về thấp hơn 50% dung tích thiết kế trước khi mùa lũ về và thủy điện đã làm tốt chức năng điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du. 

Cụ thể, tỉnh Bình Định cho biết, trước đợt mưa lũ, tỉnh đã chỉ đạo cho 161 hồ chứa thủy lợi hạn chế tích nước để đảm bảo an toàn, một nửa số hồ chỉ giữ 50% dung tích thiết kế, thực hiện điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong các giờ mưa lớn, hồ Định Bình đều có lượng nước xả thấp hơn lượng mưa về hồ. Mặt khác, hầu hết các hồ không xả nước, mà đều là tràn nước qua hồ, việc điều hành tại hồ Định Bình và các hồ đã giúp điều tiết nước vùng hạ du.

Các cơ quan chuyên môn có chung nhận định với tỉnh về việc hầu hết các hồ chứa tại Bình Định vận hành đúng quy trình và đều có vai trò điều tiết nước, giảm lũ trong thời gian mưa lũ mấy ngày qua.

Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trước đợt mưa lũ, tỉnh đã rà soát, kiểm tra và có biện pháp ứng trực, tu bổ cần thiết đối với các hồ yếu. Đồng thời, yêu cầu các hồ giảm dung tích, không cho các hồ có nguy cơ được tích nước để có thể cắt lũ xuống hạ du khi nước về.

Trong thời gian mưa lớn, hầu hết các hồ đều để tràn tự do, không xả để gây lũ nhân tạo, lũ chồng lũ như thông tin một số đài, báo nêu chưa chính xác trong thời gian qua.

Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết thêm, Quảng Ngãi chính là nơi chịu mưa lớn nhất đợt vừa qua. Và với sự chuẩn bị giảm tích nước từ trước, không xả lũ, các hồ đều cắt được lũ khoảng 400-500 m3/giây về hạ du.

Nhưng dân có cơ sở để kêu thủy điện

Mặc dù báo cáo của các địa phương về việc vận hành thủy điện hợp lý đều tròn trịa, nhưng các chuyên gia và người dân vẫn chỉ ra được những "khiếm khuyết" không có trong báo cáo.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong đăng ngày 20/11/2013, ông Nguyễn Minh Việt, Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo cung cấp thông tin đáng giật mình: "Hệ thống các hồ lớn ở miền Trung bây giờ đều là hồ thủy điện mà hồ thủy điện không có chức năng phòng lũ". Nguyên nhân của tình trạng này, như ông Việt giải thích là do các doanh nghiệp làm thủy điện đã cố tối đa hóa lợi nhuận, bỏ qua việc xây dựng dung tích phòng lũ tốn kém và không có giá trị kinh tế.

"Ở Quảng Nam chẳng hạn, quy hoạch chỉ ra trên sông Côn phải có dung tích phòng lũ khoảng 300 triệu m3 nhưng khi thực hiện, thấy việc xây dựng hồ làm dung tích phòng lũ quá tốn kém nên điều chỉnh quy hoạch, điểu chỉnh vị trí xây đập để vẫn làm thủy điện nhưng không có dung tích phòng lũ. Vì thế, các nhà máy thủy điện khu vực này không có giá trị trong phòng lũ, cắt lũ. Nước về bao nhiêu, xả bấy nhiêu", ông Việt nói.

Cũng trong một bài viết đăng trên báo Tiền phong, kỹ sư Nguyễn Quyền (chuyên gia Thủy lợi - Thủy điện) cũng chỉ ra một thực tế: "chẳng ai đầu tư hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để xả hồ cạn rồi chờ mưa về mà điều tiết lũ. Nếu đóng cống muộn, lại gặp năm ít mưa, đến cuối mùa hồ vẫn không đầy là gay vì sẽ thiếu nước trầm trọng".

Những thông tin về quy hoạch, dung tích dự phòng lũ được phản ánh như trên có phải là "tội đồ" khiến "lũ chồng lũ" hay không còn phải có sự thẩm định của cơ quan chức năng. Nhưng chắc chắn việc xả lũ mà không có sự thông báo trước hoặc thông báo quá gấp như báo chí đã phản ánh có phần làm cho thiệt hại do lũ nặng nề hơn.

Theo báo Người Lao động đưa tin ngày 19/11, ông Lê Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, cho biết sau vài phút gọi điện cho xã thông báo sẽ xả lũ với lưu lượng 2.400 m3/giây, thủy điện An Khê đã xả. Trong khi đó, theo quy trình là thủy điện phải thông báo bằng fax trước 2 giờ. 

Trong bài Về vùng rốn lũ Đại Lộc: Lũ cát lấp làng đăng trên báo Quảng Nam cũng phản ánh người dân ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) không hề biết thông tin thủy điện xả lũ. Trong khi đó, lãnh đạo xã Đại Hưng xác nhận các thủy điện lớn mỗi khi xả đều có thông báo đến huyện, huyện thông báo về xã, xã thông báo đến dân qua loa phóng thanh. Tuy nhiên lũ lần này nhanh quá, xã vừa thông báo thì lũ đã ngập tràn.

thủy điện dak mi xả lũ

Hồ thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây ngập nặng vùng hạ du trong đợt lũ lịch sử vừa qua

Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, phản ánh tình trạng thủy điện nhỏ xả lũ "ăn theo": Hiện nay chỉ có một số thủy điện lớn như A Vương, Đắk Mi 4 khi xả lũ là có thông báo, trong khi nhiều thủy điện nhỏ khác như: Sông Côn, Sông Vàng 1, Sông Vàng 2… thì không nghe nói gì nên chẳng ai kiểm soát được mức xả lũ của các thủy điện này. Vì thế, mỗi khi các thủy điện lớn xả lũ thì các thủy điện nhỏ cũng "ăn theo" nhưng chẳng ai để ý.

Hiện theo quy định, thời gian thông báo xả lũ của các hồ thủy điện tại miền Trung là 2 giờ. Tỉnh Phú Yên "đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị điều chỉnh, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì", báo Thanh Niên trích dẫn lời ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên.

Lý giải về sự "chưa thấy động tĩnh gì", bà Nguyễn Lan Châu, chuyên gia cao cấp của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết muốn thời gian thông báo lên hơn 2 giờ phải có hệ thống trạm quan trắc đủ dày, năng lực dự báo phải được nâng cao hơn nữa.

Với những phản ánh từ người dân như vậy, có lẽ khó có thể nói thủy điện vô can trong thiệt hại về lũ lụt ở miền Trung vừa qua và quy hết cho lũ lớn, mưa lâu hay ở tầm vĩ mô hơn là do biến đổi khí hậu.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường được truyền hình trực tiếp hôm qua, ngày 19/11, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng về quản lý thủy điện, xả lũ.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng: "Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết và cho đến nay vẫn tranh luận với nhau giữa các cơ quan quản lý các hồ, đập này và chính quyền địa phương về có báo với nhau không, có thông tin cho nhân dân hay không? Phải điều tra để xử lý kỷ luật, thậm chí là trách nhiệm hình sự, phải làm một vài vụ cho nghiêm, không thể để cho người dân bị chết và bị thương như thế, tài sản thiệt hại vô cùng mà không có ai bị xử lý".

Tuy nhiên, do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đều đang đi công tác nên Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xin tiếp thu ghi nhận báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục xử lý, các chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với vấn đề nóng lũ và thủy điện đã được khất lại, trả lời sau bằng văn bản.

Hải Ninh

Chủ đề khác