VnReview
Hà Nội

Vụ để lọt 230 kg ma túy: Tại máy soi hay người hỏng?

Các cơ quan liên quan đã lần lượt lên tiếng biện hộ cho trách nhiệm của mình trong vụ việc 230 kg ma túy (trị giá gần 300 triệu USD) giấu trong lô loa thùng xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đài Loan bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ. Hải quan khẳng định làm đúng quy trình. Toàn bộ hàng hóa đều phải qua soi chiếu an ninh an toàn trước khi đưa lên máy bay. Vậy tại sao một số lượng ma túy quá lớn như vậy không bị phát hiện?

Theo báo Dân trí, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức họp báo ngày 2/12 thông tin về kết quả điều tra ban đầu trách nhiệm của phía hải quan trong vụ để lọt 230 kg ma túy qua sân bay Tân Sơn Nhất. Thông tin Cục Hải quan TP.HCM đưa ra tại cuộc họp báo không gây bất ngờ bởi trước đó, hải quan đã cho biết lô hàng loa thùng chứa ma túy đưa lên một chuyến bay tới Đài Loan ngày 16/11 là thuộc "luồng xanh" – có nghĩa là hàng hóa được miễn kiểm tra hồ sơ giấy, không phải chịu sự kiểm tra nào (máy soi chiếu hoặc kiểm tra trực tiếp) của hải quan.

Hàng hóa được phân loại luồng xanh là hàng hóa không nằm trong danh mục cấm, nguy hại và doanh nghiệp xuất nhập lô hàng đó quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan trong vòng 2 năm (không nợ đọng thuế, không vi phạm các nghĩa vụ tài chính khác).

230 kg ma túy bị cảnh sát Đài Loan thu giữ

230 kg ma túy giấu trong 12 chiếc loa vận chuyển trên chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Đài Loan bị cảnh sát Đài Loan thu giữ. Ảnh: AFP

Hải quan không sai?

Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM , trả lời với báo chí tại cuộc họp báo hôm qua rằng hải quan đã làm đúng quy trình, chưa có gì sai phạm nên cho đến nay Cục chưa xử lý được nhân viên hải quan nào và rằng họ chỉ rút được kinh nghiệm qua vụ việc này.

Việc phân luồng hải quan đã được thực hiện từ nhiều năm trước nhằm mục tiêu tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời giảm thiểu việc doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với hải quan (có nghĩa giảm thiểu tình trạng hải quan nhũng nhiễu doanh nghiệp); Việc kiểm tra, giám sát hải quan chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ hàng hóa được phân luồng xanh từ năm ngoái trở lại đây tăng vọt do áp dụng hải quan điện tử rộng rãi.

Khi áp dụng hải quan điện tử, máy tính tự động phân luồng khi tờ khai đáp ứng được các tiêu chí về thuế, về xuất xứ hàng hóa… Công chức hải quan gần như không can thiệp vào quá trình phân luồng này.

Song ngành hải quan cũng đã thừa nhận có nhiều rủi ro trong việc phân luồng xanh này. Theo báo Hải quan, tại Hội nghị sơ kết công tác ngành Hải quan 6 tháng đầu năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, một số vị lãnh đạo hải quan địa phương đã cảnh báo hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để thực hiện các hành vi gian lận như khai nhiều tờ khai (tờ khai ảo) cho một lô hàng để thăm dò kết quả phân luồng của hệ thống. Nếu lô hàng được phân luồng xanh, doanh nghiệp sẽ đăng kí chính thức và tiếp tục làm các thủ tục để thông quan.

Đối với luồng xanh, người khai hải quan chỉ cần in tờ khai hải quan điện tử đã được cơ quan hải quan chấp nhận "thông quan", ký tên đóng dấu tờ khai hải quan điện tử bản in rồi xuất trình tại khu vực giám sát để xác nhận "hàng đã qua khu vực giám sát hải quan" là xong.

Tại cuộc họp báo, Hải quan TP.HCM không nêu rõ có nghi vấn gì với doanh nghiệp làm thủ tục và chủ lô hàng hay không nhưng đã tiết lộ chủ lô loa thùng chưa 230 kg ma túy là Công ty TNHH và Giao nhận vận tải Long Vân (TP.HCM). Còn đơn vị gửi hàng là công ty TNHH thương mại dịch vụ giao vận Lê Hòa - Công ty Lê Hòa Trading & Forwarding; (Q.1, TP.HCM).

Khi nhìn vào ngành nghề hoạt động kinh doanh của hai công ty nói trên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao một công ty chuyên giao nhận lại phải thuê một công ty giao nhận khác làm thủ tục hải quan? Một nhân viên chuyên làm đại lý hải quan cho biết trên lý thuyết thì "anh có tiền, lại không muốn phải vướng tay, vướng chân với giấy tờ thủ tục có thể thuê bất cứ ai làm thay", nhưng thực tế thì công ty giao nhận thuê một công ty giao nhận khác làm thủ tục xuất khẩu là hiếm thấy.

Rất có thể, hệ thống thông quan điện tử của hải quan đã không phát hiện được sự hiếm thấy này. Nhưng rõ ràng một khi đã nhận thức là hàng "luồng xanh" có rủi ro cao mà hải quan không có giải pháp nào thì có lẽ, lô hàng ma túy 230kg này không phải là lô ma túy "khủng" đầu tiên và cuối cùng đi qua cửa hải quan Việt Nam.

Máy soi hay hoạt động kiểm soát của con người có vấn đề?

Quy trình một lô hàng xuất khẩu qua các khâu kiểm tra trước khi được chuuyển lên máy bay

Quy trình một lô hàng xuất khẩu qua các khâu kiểm tra trước khi được chuuyển lên máy bay. Rõ ràng, mặc dù hải quan không kiểm tra thì lô loa thùng chứa ma túy phải được soi chiếu ở cửa an ninh hàng không. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo báo VnExpress, thông tin trên tờ khai hàng hóa cho thấy bên gửi khai lô hàng 12 chiếc loa thuộc nhóm "hàng nguy hiểm", "hàng có từ tính". Do đó, lô hàng phải chuyển từ chuyến bay chở khách sang chuyến bay chở hàng CI5886 với giờ dự kiến khởi hành là 20h5 cùng ngày 16/11.

Bài báo trên VnExpress cho biết quy trình gửi hàng xuất khẩu phải qua nhiều khâu kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ.

Đầu tiên người gửi xuất trình giấy tờ tại cổng bảo vệ sau đó đưa hàng vào khu vực tập kết của Công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (TCS) và để đơn vị này tiến hành kiểm tra tờ khai. Trong trường hợp hàng có tính chất nguy hiểm (thường là những chất ăn mòn, súng đạn, pháo hoa, thuốc súng, chất phóng xạ, chất truyền nhiễm…), TCS có thể tiến hành kiểm tra đặc biệt, soi chiếu.

Bước tiếp theo, TCS sẽ cân, đo trọng lượng, khối lượng, rà lại quy cách đóng gói của kiện hàng có đảm bảo an toàn. Khi đã hoàn tất công đoạn này, đơn vị gửi hàng sẽ cầm tờ khai hàng hóa, tờ khai hải quan, các giấy phép liên quan đến hải quan kiểm tra.

Hải quan tiếp nhận lô hàng, kiểm tra bằng tay hoặc thông qua máy soi chiếu, sau đó hàng tiếp tục đến cửa an ninh hàng không soi chiếu và kiểm tra các giấy tờ liên quan.

Nếu hàng không có vấn đề gì sẽ được TCS chất xếp vào thùng container đựng hàng để an ninh hàng không dán tem chứng nhận lô hàng đã hoàn tất các thủ tục kiểm tra. Cuối cùng, TCS sẽ đưa hàng lên máy bay.

Một thông tin đáng chú ý là vào ngày lô loa chứa ma túy được đưa lên máy bay, máy soi đắt tiền nhất Việt Nam hiện nay - trị giá 1,2 triệu USD, đầu tư năm 2011 - đặt tại TCS bị hỏng. Trên website của TCS ngày 8/11 cũng đăng công văn thông báo chiếc máy soi ULD tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng, sửa chữa từ ngày 11/11 đến 24/11. Để thay thế, TCS sẽ tận dụng tối đa công suất của 7 máy soi nhỏ để soi chiếu hàng hóa.

Như vậy, rõ ràng là cho dù máy soi đắt tiền kia bị hỏng (hay ngừng hoạt động để bảo dưỡng) thì các lô hàng, trong đó có lô 12 loa chứa ma túy qua cửa TCS đều bị soi chiếu. Trong công văn gửi báo Thanh Niên, Công ty TCS khẳng định toàn bộ hàng hóa ở TCS được soi chiếu an ninh an toàn 100% trước khi đưa lên máy bay.

Tuy nhiên, "Nhiệm vụ soi chiếu hàng hóa thuộc bộ phận an ninh soi chiếu ở sân bay chứ chúng tôi không làm, dù rằng máy soi chiếu được đặt tại kho của TCS", báo Thanh Niên trích lời ông Vũ Hải Thanh, Giám đốc TCS.

Một khi hàng hóa đã qua máy soi - kể cả máy soi nhỏ - thì trừ phi không có người giám sát tại máy soi hoặc người giám sát làm ngơ thì mới không phát hiện được trong lô loa thùng đó có hàng trăm gói nhỏ (bánh heroin) chèn bên trong. Mặc dù các gói nhỏ này được phủ sô cô la nhưng nó chỉ đạt mục tiêu đánh lừa chó nghiệp vụ, còn máy soi thì chắc chắn là không thể. Nếu ai đã từng qua cửa máy soi ở sân bay thì biết rõ rằng với máy soi, mọi thứ để trong vali, hộp đóng kín... đều như vải thưa che mắt thánh!

Tuy nhiên, bà Trần Thụy Minh, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam khi trả lời với báo Tuổi trẻ lại có lý lẽ khác. Bà cho biết hình ảnh soi chiếu lô loa vẫn còn lưu nhưng tiếc rằng những hình ảnh này chưa được cung cấp cho báo chí.

Do trình độ nhân viên an ninh yếu kém nên những bánh heroin này được xem là những vật chèn loa

Do trình độ nhân viên soi chiếu yếu kém nên những bánh heroin này được xem là những vật chèn, tránh hư hỏng cho loa? Ảnh: ChinaTimes.

Trong khi đó, nhà chức trách Đài Loan tuyên bố ma tuy được giấu trong 12 dàn loa rỗng

Trong khi đó, nhà chức trách Đài Loan tuyên bố ma tuy được giấu trong 12 dàn loa rỗng

 

"Chúng tôi cũng đã cho thực nghiệm lại bằng những chiếc loa tương tự rồi. Kết quả cho thấy hình ảnh những chiếc loa đó có đủ thiết bị bên trong, có thể do năng lực, kinh nghiệm của cán bộ soi chiếu còn yếu nên đánh giá những bánh heroin đó là vật chèn, tránh làm loa hư hỏng. Khi thực nghiệm, dùng các đồ vật khác, bọc giấy báo để chèn vào bên trong loa cũng cho hình ảnh tương tự. Còn về hình dạng ma túy giống với chất nổ, nhân viên soi chiếu được đào tạo rất tốt về lĩnh vực chất nổ, thêm nữa là máy móc thiết bị hiện đại, có thể soi chiếu bằng hình ảnh màu, phóng to thu nhỏ nên có thể xác định rõ đó không phải chất nổ", bà Minh nói.

Tuy nhiên, bà Minh hình như đã quên rằng báo chí đưa tin cảnh sát Đài Loan phát hiện ra ma túy được chèn trong 12 dàn loa rỗng, với mỗi dàn loa chứa 50 bánh heroin vuông thành sắc cạnh, được phủ lớp sô cô la.

Cho nên, trong vụ lọt lưới 230 kg ma túy này, bốn nhân viên an ninh sân bay đã bị đình chỉ để phục vụ điều tra. Hải quan thì khẳng định không có trách nhiệm. An ninh hàng không thì viện lý do trình độ yếu kém. Xem ra, lỗi để lọt 230 kg đổ lên đầu máy soi chiếu là "ổn" nhất.

Giá "máy soi mà biết nói năng"...

Bài liên quan:

Làm sao 230 kg heroin lọt cửa hải quan, an ninh hàng không Việt Nam?

Hải Ninh

Chủ đề khác