VnReview
Hà Nội

Mời họa sĩ phác thảo chân dung tội phạm: Cảnh sát Việt Nam quá lạc hậu?

Vụ bắt cóc bé sơ sinh ở Bệnh viện quận 7 TP.HCM vừa qua được phá án rất nhanh nhờ bức phác họa chân dung nghi can do một họa sĩ vẽ quá giống với thực tế. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc tại sao cảnh sát Việt Nam không dùng phần mềm máy tính như trên phim Mỹ, chỉ cần thay thế từng chi tiết khuôn mặt như mắt, môi, lông mày, tóc, kính... lần lượt đến bao giờ tìm được hình giống nhất. Phải chăng cảnh sát Việt Nam lạc hậu về công nghệ?

Phác họa chân dung tội phạm bằng phần mềm như thế nào?

Phác họa chân dung kẻ tình nghi qua mô tả của nhân chứng hoặc nạn nhân đã có từ xa xưa, khi cần phát lệnh truy nã ai đó. Đến những năm 1880, nhà tội phạm học người Pháp Alphonse Bertillon đã xây dựng một bộ dữ liệu gồm các đặc điểm thể chất của những tù nhân được đưa đến Sở cảnh sát Paris. Ông cẩn thận do từng vòng đầu, chiều dài cánh tay, hình dạng vành tai và nhiều dấu hiệu giải phẫu khác, ghi chép cả những hình xăm và vết sẹo, chụp ảnh các chi tiết khuôn mặt. Khi tích lũy dữ liệu này, Bertillon phát triển một hệ thống mới để nhận diện các tù nhân, mà sau này gọi là nhân trắc hình sự. Sau khi cảnh sát Pháp sử dụng phương pháp nhận dạng Bertillon để tóm cổ 241 tên tội phạm tái phạm chỉ trong năm 1884, nền tảng sớm của môn khoa học pháp y này đã lan đến các sở cảnh sát khác trên khắp châu Âu và Mỹ. Đến nay, một trong những kỹ thuật nhân trắc được sử dụng phổ biến nhất và hầu như không thay đổi gì sau cả thế kỷ áp dụng là phác họa pháp y (forensics sketch).

Alphonse Bertillon

Alphonse Bertillon - cha đẻ của ngành nhân trắc hình sự. Nguồn: Howstuffwork.com

Công việc phác họa pháp y ban đầu được thực hiện bởi một nghệ sĩ được đào tạo, không chỉ kỹ năng vẽ mà còn có hiểu biết về tội phạm học cũng như kỹ năng phỏng vấn, trò chuyện với nhân chứng để có thể tìm ra những chi tiết chính xác. Tuy nhiên, chi phí để đào tạo cũng như trả lương cố định cho một nghệ sĩ pháp y là khá lớn trong khi công việc không phải lúc nào cũng thường xuyên cần đến những bức vẽ phác họa chân dung như vậy. Do đó, không nhiều cơ quan cảnh sát trên thế giới duy trì vị trí công việc này mà thường ký hợp đồng cộng tác viên với các họa sĩ có kinh nghiệm. Hầu hết các chuyên gia vẽ pháp y trong các lực lượng hành pháp trên thế giới đều là các cảnh sát làm thêm "nghề phụ" và thường không được trả thêm phụ cấp cho công việc này. Trong khi đó, chỉ có rất ít họa sĩ chuyên nghiệp cống hiến toàn bộ thời gian để vẽ những bức chân dung giúp lực lượng cảnh sát nhanh chóng phá án, vạch mặt hung thủ.

Từ những năm 1960-1970, người ta đã tìm cách sử dụng kỹ thuật để các cảnh sát viên không có kỹ năng về hội họa cũng có thể tự mình dựng được chân dung nghi phạm, bằng cách sử dụng các bộ mẫu đặc điểm khuôn mặt và hoán đổi các đặc điểm này cho đến khi tìm được hình ảnh gần đúng nhất với mô tả của nhân chứng. Một số bộ hình mẫu được sử dụng khá rộng rãi gồm Photofit ở Anh, Identi-Kit ở Mỹ, được gọi chung là facial composite (tổng hợp khuôn mặt/chân dung tổng hợp).;

Theo Wikipedia tiếng Anh, cho đến gần đây, các bộ phần mềm có chức năng tổng hợp khuôn mặt được sử dụng bởi lực lượng cảnh sát quốc tế hầu như đều có chung một phương pháp xây dựng: từng đặc điểm khuôn mặt như mắt, mũi, miệng, lông mày… được lựa chọn từ một cơ sở dữ liệu lớn và sau đó máy tính sẽ xếp chồng các đặc điểm đó để cho ra một hình ảnh tổng hợp. Các dấu hiệu nhận dạng khác như những vết sẹo, hình xăm, vòng cổ, khuyên tai… cũng có thể được thêm vào từ cơ sở dữ liệu hoặc được vẽ trực tiếp lên mô hình. Những hệ thống như vậy được gọi là tổng hợp dựa trên tính năng. Sau một thời gian dài được nghiên cứu tại các trường đại học của Anh, các hệ thống dựa trên một nguyên tắc khác đã được phát triển và ngày càng được giới cảnh sát ưa chuộng. Các hệ thống này được mô tả bằng các từ ngữ "holistic" (toàn diện) hoặc "global" (toàn cầu), trong đó chân dung nghi phạm được tạo ra qua một cơ chế tiến hóa (evolutionary mechanism) và đưa ra cho nhân chứng một tập hợp các khuôn mặt hoàn chỉnh (chứ không phải từng đặc điểm khuôn mặt riêng biệt) và tiếp tục chỉnh sửa để cho ra hình ảnh cuối cùng chính xác hơn. Ba hệ thống như vậy đã được sử dụng, gồm EFIT-V của Trường Đại học Kent, EvoFIT từ Stirling và Đại học Central Lancashire (UCLAN), và ID của Đại học Cape Town, Nam Phi.

phác họa chân dung tội phạm

Một ví dụ của hình ảnh tổng hợp dựa trên cơ chế tiến hóa. Nguồn: depletedcranium.com

Trong hai thập kỷ qua, một số hệ thống tổng hợp khuôn mặt bằng máy tính đã được phát triển và tung ra thị trường, thậm chí được bán công khai như một sản phẩm thương mại. Trong số các hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất có SketchCop FACETTE Face Design System Software, Identi-Kit 2000, FACES, E-FIT và PortraitPad.

Nếu tìm kiếm theo từ khóa "facial composite software", bạn sẽ thấy khá nhiều phần mềm tổng hợp khuôn mặt được rao bán trên mạng, một số còn có phiên bản web cho phép người dùng chỉ cần đăng nhập máy tính kết nối Internet là có thể tạo ra hình ảnh khuôn mặt tổng hợp. Các nhà sản xuất còn cung cấp dịch vụ đào tạo để người dùng có kỹ năng phỏng vấn nhân chứng và có hiểu biết về tội phạm học để có thể tìm ra hình ảnh tổng hợp nhanh nhất.

Giá một bộ phần mềm tổng hợp khuôn mặt cũng không phải là cao đối với cảnh sát. Thông thường họ có thể trả một mức phí hàng năm khoảng 450 USD hoặc tiền mua một lần khoảng 3.990 USD. Phiên bản phần mềm FACES 4.0 có giá công bố trên website là 599 USD chưa bao gồm phí đào tạo (99 USD). Bạn đọc có thể xem giới thiệu cách sử dụng phần mềm PortraitPad online để hình dung cách thức tạo dựng một bức chân dung tổng hợp như thế nào.

portraipad

Giao diện phần mềm PortraitPad

Chân dung vẽ tay chưa bao giờ "lạc hậu"

Mặc dù các phần mềm tổng hợp khuôn mặt đã góp phần giúp cảnh sát truy tìm được hàng nghìn tên tội phạm một cách nhanh chóng, nhờ tính tiện lợi và chi phí rẻ, tuy nhiên thực tế chúng không phải là chìa khóa vạn năng và có khá nhiều nhược điểm. Những hình ảnh trên phim hành động Mỹ cho thấy cảnh sát Mỹ cũng sử dụng phần mềm này, nhưng thực ra FBI vẫn ưa dùng một nghệ sĩ pháp y hơn là phần mềm máy tính. Đã có nhiều tranh cãi xung quanh độ tin cậy của chân dung tổng hợp, nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các bức phác họa vẽ tay có độ chính xác cao hơn những bức dựng bằng máy tính.

Theo bài viết trên trang governing.com, cảnh sát ở thành phố Ann Arbor thuộc bang Michigan (Mỹ) đã sử dụng phần mềm ComPhotoFit từ 10 năm nay và sử dụng nó khoảng 3-4 lần mỗi tuần. Vấn đề họ gặp phải là đôi khi hình ảnh nhận được không giống thật lắm, chẳng hạn như phần mũi hẹp hơn hoặc phần má béo mập hơn… Lý do là phần mềm không có dữ liệu cho mọi loại khuôn mặt. ComPhotoFit tổng hợp hình ảnh từ những bức ảnh thực tế của rất nhiều bộ trán, mắt, mũi, miệng, cằm…, và người dùng phải chụp thêm ảnh để đưa vào cơ sở dữ liệu, nhưng cảnh sát có nhiều việc phải làm nên việc này không được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra phần mềm này khi in ảnh ra thì hình ảnh chỉ bằng 85% so với khi nhìn trên màn hình máy tính. Cảnh sát ở đây đang định đổi sang phần mềm khác là SketchCop Facette, vốn đang được sử dụng tại nhiều sở cảnh sát ở bang California và một số bang khác.

Tuy vẫn sử dụng phần mềm thường xuyên, song cảnh sát Mỹ không đánh giá cao các hệ thống tổng hợp khuôn mặt. Ngay cả Paul Wright, chủ tịch của công ty sở hữu phần mềm Identi-Kit, cũng lưu ý rằng, không phần mềm nào đạt được khả năng tuyệt vời của một họa sĩ. "Phần mềm của chúng tôi có thể rất sáng tạo với bộ thư viện 1000 đặc điểm khuôn mặt và với mỗi đặc điểm đó bạn có thể tùy ý làm mờ, xoay, phóng to thu nhỏ…, nhưng tôi không tin là nếu được lựa chọn giữa công cụ này và một họa sĩ phác thảo tốt thì người ta sẽ chọn công cụ của chúng tôi", ông nói.

Lý do rất đơn giản: không có công nghệ nào có thể bù đắp cho khả năng của con người. Báo BBCNews có bài viết phân tích khá kỹ vấn đề này. Thực tế, việc đưa ra được một bức chân dung kẻ tình nghi chính xác hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhân chứng/nạn nhân và tâm trạng, trí nhớ cũng như khả năng mô tả của họ, đặc biệt là thời gian mà họ tiếp xúc với kẻ tình nghi. Trong hầu hết các vụ án, các nạn nhân hoặc nhân chứng đều chỉ có thời gian tiếp xúc rất ngắn với thủ phạm, và thường họ đều trong tâm trạng bối rối, lo lắng, sợ hãi do tác động của vụ việc. Nhiều nhân chứng có trí nhớ không tốt và họ bị "loạn" khi nhìn thấy các hình ảnh máy tính gần giống nhau và rốt cuộc chỉ bừa một hình ảnh "giông giống" nào đó. Có những chi tiết bị quên trong khi những chi tiết khác lại bị khuếch đại lên, ví dụ cho một ai đó một bộ râu khi anh ta chỉ có một bộ ria mép, hoặc một quai hàm vuông trong khi thực ra nó tròn. Vì những lý do này, các nghệ sĩ pháp y phải phỏng vấn nhân chứng rất kỹ và phải có độ nhạy cảm nghề nghiệp để gợi ra nhiều chi tiết trên khuôn mặt chính xác.

nhược điểm của phần mềm tổng hợp khuôn mặt facial composite

Một số so sánh giữa hình ảnh tổng hợp bằng phần mềm và chân dung thực tế cho thấy có sai lệch. Nguồn: depletedcranium.com

Bạn sẽ hỏi, dù người vẽ hay máy dựng thì các vấn đề trên cũng đều tồn tại như nhau chứ? Theo trang Howstuffwork, thống kê cho thấy những bức phác họa chân dung do các nghệ sĩ vẽ bằng tay có độ chính xác khoảng 9% xét về độ chắc chắn có thể nhận diện được kẻ tình nghi, nhưng các bức phác họa thực hiện bởi máy tính chỉ đạt khoảng 5%.

Vậy tại sao lại dành nhiều thời gian và nguồn lực cho việc vẽ phác thảo chân dung nếu như chúng cho độ chính xác thấp như vậy? Thực tế, vai trò của các bức phác họa pháp y không phải là để dựng cho được một bức chân dung hoàn hảo của thủ phạm mà là để công bố rộng rãi hình ảnh của nghi phạm và nhờ dân chúng phát hiện giúp những kẻ tình nghi. Bao giờ trong thông báo truy nã, cảnh sát cũng luôn nhấn mạnh những đặc điểm nổi bật như hình xăm, vết sẹo, tóc, hình dạng khuôn mặt. Trừ những trường hợp đặc biệt, còn hầu hết các bức phác họa đều là dạng đen trắng, nhằm tránh những chi tiết có thể làm xao nhãng người xem và gây hiểu lầm về việc phải tìm một người "giống hệt" trong ảnh.

Thông thường, một cuộc phỏng vấn để dựng một bức phác họa pháp y sẽ bao gồm 3 giai đoạn: tạo dựng không khí gần gũi tin cậy với nhân chứng; để nhân chứng tự do nhớ lại các chi tiết; nhớ lại có sự chỉ dẫn của người phỏng vấn.

Ở giai đoạn đầu, người phỏng vấn đơn giản chỉ trò chuyện bình thường "Xin chào, anh cảm thấy trong người thế nào?"…, mục đích là để nhân chứng được thư giãn, giảm căng thẳng và xúc động. Tiếp theo, nhân chứng được yêu cầu nhớ lại càng nhiều chi tiết cụ thể về nghi phạm càng tốt, thường bắt đầu bằng những thảo luận về tóc và hình dạng khuôn mặt. Trong giai đoạn cuối cùng, họa sỹ sẽ yêu cầu nhân chứng nhớ kỹ lại những chi tiết mà họ không chắc chắn, bằng cách đưa ra một số ảnh chụp những tên tội phạm cũ để nhân chứng tìm một nét tương đồng nào đó. Nghệ sĩ pháp y cũng có thể đưa ra một số chân dung người nổi tiếng bởi những gương mặt nổi tiếng có thể hữu ích cho thị giác do các chi tiết khuôn mặt của họ thường được nhớ khá kỹ.

Các nghệ sĩ pháp y có thể đơn giản chỉ sử dụng bút chì và vẽ trên giấy, nhưng cũng có người dùng phần mềm tổng hợp để phác nhanh một chân dung rồi sau đó lại dùng giấy vẽ tay lại và tiếp tục chỉnh sửa. Nhân chứng có thể bình luận thêm như "trông giống anh ta hơn rồi đấy, nhưng mũi hẹp hơn và cằm lộ hơn". Bằng cách này, những bức chân dung sẽ có độ chính xác cao hơn.

Cảnh sát Việt Nam có áp dụng công nghệ?

Các bộ phần mềm tổng hợp chân dung như đã nói ở trên là không đắt, cảnh sát hình sự Việt Nam hoàn toàn có thể trang bị cho các đơn vị. Tuy nhiên, các bộ phần mềm này đều có dữ liệu là khuôn mặt người phương Tây nên nếu áp dụng cho người Việt Nam thì cần bổ sung dữ liệu hoặc tự xây dựng phần mềm riêng. Hiện không có thông tin về việc việc cảnh sát trong nước xây dựng và sử dụng phần mềm tổng hợp khuôn mặt, những bức ảnh truy nã đối tượng được công bố trên các phương tiện truyền thông hầu hết là ảnh chụp, ảnh lấy từ tàng thư CMND, rất hiếm ảnh phác họa (sketch) do các họa sĩ vẽ chứ chưa nói đến ảnh kết xuất từ phần mềm.

Cho đến nay, người nổi tiếng về vẽ chân dung tội phạm qua lời kể của nhân chứng là họa sĩ Võ Tấn Thành, cộng tác viên của Phân viện khoa học hình sự - Bộ Công an phía Nam. Họa sĩ Võ Tấn Thành cũng đã thực hiện công trình nghiên cứu "Giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung", tổng hợp những mẫu hình cơ bản dạng người Việt Nam, có ý tưởng tương tự như các phần mềm tổng hợp khuôn mặt, nhưng không rõ giải pháp này có được phát triển thành phần mềm máy tính hay không. Họa sĩ Thành cũng cho rằng, việc phục dựng chân dung tội phạm tưởng đơn giản lại là khó nhất, nguyên nhân chính là nhiều khi nhân chứng vì quá sợ hãi hoặc tranh tối tranh sáng không nhìn rõ, không nhớ rõ được chân dung tội phạm để có thể tả chi tiết cho người dựng chân dung. Ông tiết lộ, phương pháp này là tổng hợp các kỹ thuật chuyên sâu của các ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học kỹ thuật hình sự để xây dựng kết cấu gương mặt chuẩn người Việt Nam.

Trở lại vụ bắt cóc bé sơ sinh vừa qua, không thể phủ nhận tài năng của họa sĩ Phan Vũ Linh khi lần đầu tiên phác họa chân dung tội phạm, nhưng bức chân dung thành công phần lớn là nhờ các nhân chứng (3 người) đã có thời gian tiếp xúc khá lâu với thủ phạm nên các mô tả của họ khá khớp nhau và rõ nét. Trong những điều kiện thuận lợi như vậy, việc sử dụng phần mềm cũng sẽ cho kết quả nhanh và chính xác. Tuy nhiên, rõ ràng là cơ quan cảnh sát điều tra công an quận 7, TPHCM đã không có phần mềm, việc mời họa sĩ Phan Vũ Linh cũng rất tình cờ do có người giới thiệu và đề nghị để họa sĩ giúp đỡ. Vụ án trở nên nổi tiếng cũng vì tính hy hữu của vụ việc. Trước đó có rất ít thông tin về những bức phác họa chân dung tội phạm như vậy.

Cho rằng cảnh sát hình sự Việt Nam không có phần mềm tổng hợp khuôn mặt chỉ là phỏng đoán của VnReview do chúng tôi chưa có điều kiện xác minh chính xác việc này, nhưng nếu phỏng đoán này là đúng thì thiết nghĩ cảnh sát hình sự Việt Nam cũng nên đầu tư phát triển một bộ phần mềm như vậy để sử dụng trong công tác điều tra phá án, phòng trường hợp không tìm được họa sĩ thích hợp.

Ngọc Mai

Chủ đề khác