VnReview
Hà Nội

Flappy Bird có phải là "thành tựu mới" của IT Việt?

Chú chim "Flappy Bird" đến rồi đi và dư âm còn lại là những lời tung hô, tiếc nuối cho game này và cả tác giả của nó là nhà phát triển 29 tuổi Nguyễn Hà Đông. Dường như, nhiều người quá choáng ngợp bởi thành công vang dội, bất ngờ của Flappy Bird đến nỗi tưởng rằng viết game di động dễ hái ra tiền, thậm chí "góp phần cho thế giới biết tài lập trình của người Việt" hay "niềm tự hào của ngành IT Việt".

Flappy Bird là ứng dụng trò chơi video được nhà phát triển Nguyễn Hà Đông (Hà Nội) tung lên kho ứng dụng cho hệ điều hành iOS và Android từ tháng 5/2013. Đến khoảng cuối tháng Một, đầu tháng Hai năm nay, nó bỗng trở thành hiện tượng trên mạng với hơn 50 triệu lượt tải về trước khi tác giả game Nguyễn Hà Đông quyết định xóa trò chơi này khỏi các kho ứng dụng với lý do nó "gây nghiện".

Bài viết này không bàn luận đến lý do mà Nguyễn Hà Đông giải thích cho việc anh xóa game đang thời đỉnh cao (cả danh tiếng và kiếm tiền) có thuyết phục hay không, bởi vì chỉ có anh mới biết được thực sự lý do là gì. Vấn đề ở đây là, thành công của Nguyễn Hà Đông quá lớn khiến cho nhiều người mơ mộng lầm tưởng về tài năng và thậm chí coi đó là niềm tự hào, thành tựu lớn của nền CNTT Việt Nam mà quên mất rằng yếu tố quan trọng tạo nên thành công của Flappy Bird là may mắn hy hữu.

Trả lời phỏng vấn tạp chí công nghệ Mỹ Tech Crunch, chính Nguyễn Hà Đông cho biết anh cũng bất ngờ với việc Flappy Bird chiếm lĩnh các bảng xếp hạng ứng dụng và rằng "Sự nổi tiếng của game có thể là vận may của tôi", khi trả lời phỏng vấn Chocolate Lab Apps.

Nguyễn Hà Đông

Nguyễn Hà Đông, tác giả Flappy Bird gây sốt trên toàn cầu

Hiện tượng Flappy Bird bắt nguồn như thế nào?

Thực tế cho thấy Hà Đông không hề tiên đoán được sự thành công của Flappy Bird. Cũng như nhiều lập trình viên tự do khác, anh viết được nhiều game di động, tung lên các kho ứng dụng và kiếm tiền từ quảng cáo trong game hoặc bán game. Flappy Bird xét về tầm nhìn và ý tưởng không có gì mới. Bạn có thể bắt gặp nhiều game tương tự như trò Helicopter... Về đồ họa thì chính Đông xác nhận với Tech Crunch là anh lấy cảm hứng từ trò chơi nổi tiếng Mario của Nintendo.

Bài báo trên Dân trí cho biết, sau khi ra mắt game Flappy Bird, Hà Đông dường như bỏ rơi cả tài khoản Twitter của mình lẫn game và Flappy Bird cũng không thực sự gây được ấn tượng. Theo số liệu thống kê trên App Store tính từ 25/5 đến 31/10/2013, Flappy Bird chỉ có 13 lượt bình luận và chỉ một số ít lượt tải. Trên trang .GEARS, studio làm game của Nguyễn Hà Đông cũng không hề thấy giới thiệu Flappy Bird.

Sự lan truyền, gây sốt (viral) của Flappy Bird trên mạng có thể bắt đầu từ hôm 17/11/2013, khi thành viên Bronxsta của mạng xã hội nổi tiếng Reddit đưa Flappy Bird vào danh sách các game iOS khó chơi đăng lên mục iosgaming, mục này có hơn 15.000 thành viên. Ngày 16/1/2014, thành viên Reddit khác là Transizzleator đăng một bài thúc giục các thành viên Reddit "giúp đỡ để Flappy Bird cất cánh" trong mục gaming, nơi có tới hơn 4,5 triệu gamer tham gia và luôn có từ 5000-10.000 gamer online. Đến ngày 27/1/2014, thành viên YouTube PewDiePie đăng một video trong đó anh đang chơi Flappy Bird một cách rất ức chế đã thu hút hơn 5,4 triệu lượt xem và 45.000 bình luận trong tuần tiếp theo. Đáng chú ý là, kênh YouTube của PewDiePie hiện là kênh có nhiều người đăng ký theo dõi nhất, hơn 22 triệu người, và số lượt xem của mỗi video đều lên đến hàng triệu lượt xem. Video "Flappy Bird – Don't play this game" (Đừng chơi game này) của PewDiePie hiện đã có gần 11 triệu lượt xem.

Flappy Bird

Tất nhiên không phải tất cả thành viên Reddit đều đọc các tin đăng trên diễn đàn, cũng như những người đã đọc tin, xem video đều tải game về chơi, nhưng không thể phủ nhận Flappy Bird đã được biết đến và lan truyền nhanh chóng nhờ các mạng xã hội. Mặc dù có giao diện đơn giản, cách chơi đơn giản, nhưng điều khiến Flappy Bird kích thích người chơi và buộc họ nói về nó, than phiền về nó, chửi bới nó, khen ngợi nó… lại chính là khả năng ghi điểm cực khó của trò chơi.

Đến ngày 30/1/2014, trò chơi này được phát hành trên Google Play dành cho các thiết bị Android. Ngay ngày hôm sau, game đã giành được vị trí được tải về nhiều nhất trên cả Apple App Store và Google Play.

Giới truyền thông và các trang blog công nghệ cũng góp phần không nhỏ vào sự nổi tiếng cực nhanh của Flappy Bird. Ngày 31/1, trang Chocolate Lab Apps đăng tải một bài phỏng vấn Nguyễn Hà Đông về thành công của Flappy Bird với lời khẳng định anh không hề quảng bá cho game này. Trong khi đó, blog công nghệ Bluecloud Solutions có bài viết phán đoán rằng Flappy Bird sử dụng các máy ảo để gian lận xếp hạng trên kho ứng dụng App Store, chỉ ra sự tăng đột biến và "lạ lùng" số các ứng dụng của Đông và một số nhận xét (review) rất giống nhau trên trang giới thiệu game Flappy Bird. Ngày 1/2/2014, trang công nghệ Tech Crunch đăng một bài báo về Flappy Bird, đề cập đến việc các game khác của Đông như "Super Ball Juggling", "Shuriken Block" cũng đã đạt đến vị trí số 2 và số 6 trên App Store. Cao điểm nhất của làn sóng truyền thông là thông tin Hà Đông trả lời phỏng vấn của The Verge tiết lộ mức thu nhập lên tới 50.000 USD/ngày. Flappy Bird trở thành từ khóa "nóng" nhất trên Google, và xuất hiện trên hàng loạt tờ báo lớn và uy tín từ Anh, Mỹ như Time, Washington Post, Huffington Post, Guardian, Forbes...

Trong nước, những bài viết đầu tiên về Flappy Bird xuất hiện đúng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ trên các báo và diễn đàn công nghệ, và thực sự bùng nổ sau kỳ nghỉ Tết với sự tham gia của hầu như tất cả các tờ báo, các trang mạng, tràn ngập các diễn đàn, mạng xã hội. Trong các bài báo, các câu chuyện, những lời bình luận… có bóng dáng của sự tự hào, sự tò mò, ngạc nhiên, và cả sự ghen tị.

Những lời khen, chê, chỉ trích, cáo buộc… chỉ càng làm cho Flappy Bird lan truyền nhanh hơn. Nhiều người ví đây là một hiện tượng mạng giống như trường hợp Gangnam Style trong âm nhạc cách đây ít lâu – có nghĩa là người ta đã biết được trước nó sẽ bị xẹp nhanh chóng.

Nhưng Nguyễn Hà Đông đã không cho nó cơ hội xẹp xuống khi anh quyết định gỡ bỏ game khỏi các kho ứng dụng ngày 9/2 khi nó còn đang ở đỉnh cao của cơn sốt. Con chim ngu (theo cách gọi của người dùng Flappy Bird) đã thôi đập cánh, nhưng cho đến nay nó vẫn đang làm cho nhiều người lầm tưởng, ảo mộng.

Flappy Bird làm gì được cho ngành CNTT Việt Nam?

Chắc chắn, tác giả của Flappy Bird - trước và sau khi nổi tiếng – không bao giờ nghĩ chú chim đó có thể làm được điều gì đó cho ngành CNTT Việt Nam. Chỉ là sau khi được cả thế giới nhắc đến, nó mới bị gán cho một điều lớn lao "là niềm tự hào, thành tựu của ngành CNTT Việt", hay "khiến thế giới biết đến nhiều hơn về năng lực phần mềm của người Việt Nam", trích phát biểu của các quan chức, "cây đa", "cây đề" trong ngành CNTT.

Như đã đề cập ở trên, Flappy Bird là một game mini kinh điển, giống nhiều game khác và không cần phải là tài năng lập trình mới viết được ra nó. Flappy Bird tạo nên cơn sốt phải nói là phần lớn do may mắn. Tất nhiên, muốn có được may mắn, Nguyễn Hà Đông cũng đã phải tốn nhiều công sức, tính toán giống như muốn trúng số độc đắc thì ít nhất trước hết phải mua vé số và lựa chọn số nào vậy.

Đáng chú ý, tác giả Flappy Bird cũng không phải không có những nỗ lực quảng bá game. Trong mục tin kêu gọi "giúp đỡ để Flappy Bird cất cánh" (Please help Flappy Bird take off!) của thành viên Reddit Transizzleator (đã đề cập ở phần trên bài viết) đã giới thiệu Flappy Bird là game của "ông chú một người bạn" và kêu gọi mọi người hãy dành thời gian để tải game về chơi và chia sẻ với bạn bè nếu thấy thích, rằng game này không tính phí và là một game thú vị. Bạn đọc có thể thấy bóng dáng của sự "quảng cáo" trong lời giới thiệu bằng tiếng Anh dưới đây. Theo thông tin của Reddit, Transizzleator mới chỉ là thành viên của mạng này được 2 tháng.

Mặc dù vậy, cũng giống như các hiện tượng mạng khác, gần đây nhất là Gangnam Style, không ai nhìn thấy ở Flappy Bird một tương lai rõ ràng nào đằng sau cơn sốt. Ngay cả khi Hà Đông rút lui trong vinh quang bằng cách chủ động chấm dứt cơn sốt thì nó cũng không đảm bảo rằng các trò chơi khác của anh sẽ đạt được thành công tương tự.

Cho nên vui mừng, ủng hộ cho thành công của Nguyễn Hà Đông là đúng, nhưng nó chỉ dừng lại ở một sự kiện thú vị, còn nhận định đó là thành tựu của CNTT Việt Nam và kỳ vọng thế giới ghi nhận năng lực lập trình của Việt Nam, khuyến khích để có thêm nhiều Flappy Bird, góp phần đưa Việt Nam thành nước mạnh CNTT, bằng CNTT như nhiều phát biểu trên báo chí gần đây thì lại quá lạc quan tếu.

Bởi lẽ chắc chắn không có chuyện các quỹ đầu tư quốc tế, các công ty nước ngoài sẽ đổ tiền hoặc giao hợp đồng phần mềm cho Việt Nam chỉ vì họ thấy khả năng các lập trình viên Việt có thể viết ra game gây sốt Flappy Bird. Còn các nhà phát triển ứng dụng Việt cũng đừng mơ mộng có một ngày may mắn đến giúp mình nổi danh dễ dàng như trường hợp của Hà Đông với Flappy Bird.

Thực tế để lặp lại được thành công như Flappy Bird là rất khó. Ngay cả với những công ty chuyên về game, có đầu tư truyền thông, marketing bài bản, tốn kém cũng vậy. Rovio Mobile là ví dụ. Công ty này thành công với Angry Bird nhưng cũng chỉ được một thời gian và phải chấp nhận sự thoái trào. Cho dù họ có rất nhiều kinh nghiệm và tiền bạc đầu tư cho tiếp thị nhưng cũng không đẩy được game khác để thành công được như vậy.

Theo Nguyễn Hà Đông, Flappy Bird mãi mãi không bay nữa. Nó vẫn đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhà phát triển Nguyễn Hà Đông và góp phần làm cho cái tên Việt Nam được nhắc nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Nhưng nói nó là một thành tựu của CNTT Việt Nam có phải là cường điệu quá chăng?

Thanh Trúc

Chủ đề khác