VnReview
Hà Nội

Việt Nam bỏ quá xa cả Thái Lan và Malaysia, liệu bảng xếp hạng FIFA có chính xác?

Bảng xếp hạng FIFA là một thứ gì đó thật sự vô cùng 'ảo diệu', không thể hiện chính xác trình độ của một đội tuyển quốc gia nhưng có một sự thật khó lý giải là nó lại được làm căn cứ để xếp hạng hạt giống của rất nhiều giải đấu lớn trên thế giới.

Người Việt được chơi cá độ các giải FIFA tổ chức qua ví điện tử

Những tháng gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những giải đấu lớn có sự góp mặt của các đội tuyển quốc gia thường bị hoãn, các trận giao hữu quốc tế cũng ít được tổ chức. Điều này khiến trừ châu Âu thì các đội tuyển quốc gia ít hoạt động, bảng xếp hạng FIFA cũng ít biến động.

Trong bảng xếp hạng FIFA tháng 10, đội tuyển Việt Nam vẫn đứng thứ 94 thế giới, thứ 14 châu Á và thứ nhất Đông Nam Á. Vị trí của 'Những chiến binh sao vàng' hơn Thái Lan (thứ 2 Đông Nam Á) tới 19 bậc, hơn Philippines 30 bậc và đặc biệt hơn Malaysia tới 60 bậc. Khoảng cách của đội tuyển Việt Nam so với Malaysia là 'xa vời vợi' dù thực tế trình độ giữa 2 đội bóng cách biệt không quá nhiều (Việt Nam nhỉnh hơn đôi chút). Điều đáng bàn là khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan tức đội bóng số 1 và 2 Đông Nam Á theo bảng xếp hạng FIFA lên tới 19 bậc dù từ trước đến nay có lẽ chưa bao giờ đội tuyển của chúng ta mạnh hơn được 'bầy voi chiến'. Bằng chứng là 2 trận đấu gần nhất giữa Việt Nam và Thái Lan thuộc vòng loại thứ 2 World Cup 2022 đều kêt thúc với tỷ số hòa. Thậm chí, ở trận đấu trên sân Mỹ Đình vào năm ngoái, chúng ta còn bị đối thủ lấn lướt, nhiều thời điểm chỉ có may mắn mới thoát thua.

Rõ ràng, chỉ cần nhìn vào thứ hạng của những đội bóng ở Đông Nam Á là đã có thể thấy bảng xếp hạng của FIFA có vấn đề. Đội tuyển quốc gia Myanmar yếu hơn Malaysia rất nhiều nhưng vẫn xếp trên 'Hổ Malaya' tới 20 bậc (134 so với 154). Tại kỳ AFF Cup gần nhất, tuyển Malaysia lọt vào chung kết, thắng Myanmar tới 3 - 0 tại vòng bảng nhưng thứ hạng vẫn kém xa đối thủ.

Bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo có những sự tiến bộ 'thần thánh', nhảy vọt từ vị trí 130 vào tháng 9/2017 lên 94 vào tháng 10/2020. Vị thế của Việt Nam thay đổi nhờ những thành tích đáng nể tại đấu trường khu vực trong những năm gần đây còn các đối thủ tại Đông Nam Á thì không được khả quan như vậy. Thành công đó giúp chúng ta lọt top 16 của châu Á và được xếp vào nhóm hạt giống số 2 tại lễ bốc thăm chia bảng vòng loại World Cup 2022. Đây là lợi thế lớn cho chúng ta mỗi khi bốc thăm chia bảng ở giải đấu nào đó tầm cỡ châu lục và thế giới. Tuy nhiên, không thể nhìn vào đó mà đánh giá được trình độ của đội tuyển quốc gia nước nhà đã vượt xa các nước trong khu vực.

Bảng xếp hạng FIFA vốn từ trước đến nay vẫn được đánh giá là 'ảo diệu' và không thể hiện được trình độ của một đội tuyển quốc gia. Công thức tính điểm của Liên đoàn bóng đá dựa trên nguyên tắc tất cả các đội bóng chiến thắng trong các trận đấu quốc tế sẽ được cộng điểm và chiếm vị trí tốt trên bảng xếp hạng. Công thức tính điểm mới nhất dựa trên hệ thống Elo và sau mỗi trận đấu, điểm sẽ được cộng hoặc trừ dựa theo:

Tổng điểm = Tổng điểm cũ +; I * (W – We)

- I: độ quan trọng của trận đấu được xác định bởi:

+ 5: trận giao hữu diễn ra bên ngoài Lịch thi đấu Quốc tế

+ 10: trận giao hữu diễn ra trong Lịch thi đấu Quốc tế

+ 15: các trận đấu của Giải vô địch bóng đá các quốc gia (vòng bảng)

+ 20: các trận đấu của Giải vô địch bóng đá các quốc gia (vòng play-off và trận chung kết)

+ 25: vòng loại thi đấu cuối cùng của Confederations, vòng loại FIFA World Cup 35: các trận thuộc Vòng Chung kết Cúp châu lục (trước tứ kết)

+ 40: các trận thuộc Vòng Chung kết Cúp châu lục (tứ kết và sau đó), các trận đấu của Cúp Liên đoàn các châu lục (FIFA Confederations Cup)

+ 50: các trận đấu trước tứ kết của FIFA World Cup

+ 60: các trận đấu của FIFA World Cup (tứ kết và sau đó)

- W: kết quả trận đấu với cách tính thắng 1,  hòa 0,5,  thua 0

- We:  Kết quả kỳ vọng của trận đấu We = 1 / ( 10^(-dr/600) + 1) với dr là chênh lệch điểm giữa 2 đội.

Cách tính điểm này của FIFA có từ năm 2018 và được đánh giá là công bằng và chính xác hơn cách tính cũ. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại một số yếu điểm. Thứ nhất đó là cách tính tầm quan trọng của giải đấu có vấn đề. Ví dụ như mãi đến AFF Cup 2018 mới được tính vào hệ thống các trận giao hữu của FIFA dù đây là giải đấu hấp dẫn nhất của Đông Nam Á. Trong khi đó, một giải đấu thuộc dạng 'làng nhàng' như kiểu King's Cup của do Thái Lan tổ chức hàng năm không hiểu bằng cách nào cũng được FIFA tính thuộc hệ thống giao hữu quốc tế. Rõ ràng AFF Cup có sức cạnh tranh và tầm ảnh hưởng hơn nhiều nhưng cũng chỉ được tính ngang với một giải đấu rất bình thường. Điều này gây nên sự mất công bằng với các đội có thành tích tốt như Malaysia ở AFF Cup.

Thứ hai, với cách tính điểm số hiện tại của FIFA, một đội bóng nào đó chỉ cần thi đấu xuất thần trong một trận đấu chính thức nào đó có hệ số độ quan trọng cao cũng có thể thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng. Ví dụ như tại Can 2019, đội tuyển Madagascar tạo nên cú sốc lớn khi thắng Nigeria 2 - 0. Điều này giúp họ được cộng tới 40,7 điểm và tăng vọt 12 bậc trên bảng xếp hạng FIFA (từ 108 lên 96). Hay tại Concacaf 2019, đội tuyển Haiti bất ngờ thắng Canada 3 - 2 và được cộng tới hơn 21 điểm, leo được 19 bậc trên BXH FIFA. Cả 2 ví dụ kể trên đều cho thấy chỉ cần một trận đấu xuất thần, một đội bóng có thể được cộng rất nhiều điểm và leo rất cao trên bảng điểm của Liên đoàn bóng đá thế giới dù thực lực của họ chưa chắc đã lên cao đến như vậy.

Từ hai vấn đề kể trên, có thể thấy bảng xếp hạng FIFA có những điểm rất bất hợp lý và không thể hiện hết được thực lực của một đội bóng. Việc Việt Nam hơn Thái Lan 19 bậc hay hơn Malaysia tới 60 bậc không phải vì đội tuyển quốc gia của chúng ta vượt trội  so với họ mà vì thành tích xuất thần trong vài năm qua cộng với lỗi từ hệ thống tính điểm của Liên đoàn bóng đá thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bảng xếp hạng FIFA chỉ để tham khảo và không phản ánh được thực lực của một nền bóng đá. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nó vẫn được làm căn cứ để xếp hạt giống cho rất nhiều giải đấy quan trọng trên thế giới.

T.T

Chủ đề khác