VnReview
Hà Nội

Mọi PT đều muốn bạn tránh xa 7 sai lầm này khi tập luyện

Bạn tập thể dục vài buổi một tuần hay thậm chí là mỗi ngày. Bạn vẫn chăm chỉ tập cardio dù không hề thích nó. Tuy vậy, bạn vẫn chưa nhận lại được kết quả tương xứng với công sức mình bỏ ra. Và bạn đang tự hỏi mọi sự cố gắng của mình có đáng giá? Đây là tình huống thường gặp và gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của chúng ta, nhất là những ai mới bắt đầu tập thể dục.

Ảnh: Getty Images

Nếu bạn là người mới, có thể bạn sẽ mắc phải một số sai lầm cơ bản làm ảnh hưởng xấu đến kết quả tập luyện. Dù vậy, chỉ một thay đổi nhỏ trong lịch tập của bạn cũng có thể tạo ra sự thay đổi bất ngờ đấy. Hãy cùng kiểm tra xem bạn có đang phạm phải những sai lầm mà mọi PT (huấn luyện viên ở các phòng tập) đều muốn học viên tránh xa không, một vài điều có lẽ sẽ làm bạn bất ngờ đấy.

1. Tập luyện quá nhiều

Ảnh: Getty Images

Đừng nghe ai xúi giục bạn phải tập luyện đều đặn tất cả các ngày trong tuần. Nhiều người đã rơi vào cái bẫy này và bị chấn thương hoặc kiệt sức. Cuối cùng, họ cũng sẽ nhận ra điều giúp họ tiến bộ hơn là tập ít lại.

Tập luyện quá nhiều có thể dẫn đến hội chứng tập luyện quá sức, đặc biệt là khi bạn không ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ để cơ thể phục hồi, đảm bảo cho nhu cầu vận động. Nếu không có những ngày nghỉ ngơi phù hợp, hậu quả là bạn sẽ cảm thấy thiếu động lực, mệt mỏi, đau nhức cơ kéo dài và hiệu suất giảm dần.

2. Chỉ tập cardio

Ảnh: Getty Images

Các bài tập dạng cardio tập trung vào bổ trợ cho tim và phổi. Chạy bộ, đi bộ, leo núi, đạp xe và các loại bài tập cardio khác đều giúp tăng cường sức bền hiếu khí và nâng cao hiệu quả hoạt động của tim mạch.

Tuy nhiên, nếu lịch tập luyện của bạn chỉ có bài tập cardio thì bạn đã bỏ lỡ lợi ích của những buổi rèn thể lực rồi đấy. Những buổi rèn luyện thể lực có tác dụng tăng sức mạnh cơ bắp cũng như khả năng phối hợp, giữ thăng bằng và sự ổn định của cơ thể. Nó có thể giúp cơ thể của bạn săn chắc hơn và giúp bạn tự tin hơn.

Và tập thể lực không chỉ có những bài tập nâng tạ đâu. Buổi tập thể lực có thể có các bài tập như plyometric, bodyweight và sử dụng dây kháng lực.

3. Cắt bỏ hoàn toàn tinh bột trong khẩu phần ăn

Ảnh: Getty Images

Nếu bạn muốn khỏe mạnh hơn hoặc muốn tăng cơ, đừng cắt bỏ hoàn toàn tinh bột ra khỏi thực đơn. Cơ thể của bạn chuyển hóa carbohydrates tốt hơn những loại dinh dưỡng đa lượng khác và chúng có thể nhanh chóng cung cấp năng lượng cho cơ bắp trong quá trình luyện tập.

Nếu bạn ăn tinh bột trước buổi tập, bạn có thể tối đa hóa glycogen dự trữ trong cơ bắp, đó cũng là nơi cơ thể lấy năng lượng khi tập luyện. Carbohydrates;cũng có lợi hơn cho quá trình cơ thể phục hồi sau khi tập luyện, vì vậy bạn nên suy nghĩ lại về việc bỏ hẳn cơm ra khỏi thực đơn rồi đấy.

4. Không ngủ đủ giấc

Ảnh: Getty Images

Đừng cảm thấy tội lỗi khi bạn ngủ nhiều sau khi tập luyện. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, việc tập thể dục chỉ khiến cơ thể thêm căng thẳng. Ngủ chỉ đơn giản là điều mà cơ thể của bạn đang cần để phục hồi.

Sau một đêm thiếu ngủ, bạn có thể tập nhẹ, như đi bộ hoặc yoga, để giúp cơ thể phục hồi tốt hơn thay vì thực hiện các bài tập HIIT.

Tất nhiên, tôi phải cảnh báo rằng việc bỏ tập khi đã nghỉ ngơi đầy đủ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác và nó sẽ làm chậm quá trình tập luyện của bạn.

5. Lạm dụng các loại thực phẩm chức năng

Ảnh: Getty Images

Có thể bạn đang sử dụng các loại thực phẩm chức năng để hỗ trợ quá trình tập luyện. Thực phẩm chức năng chắc chắn có công dụng riêng của nó. Nếu bạn cần một chế độ ăn giàu dinh dưỡng nhưng lại thiếu một số chất nhất định, thực phẩm chức năng sẽ giúp bạn bổ sung những chất còn thiếu trong bữa ăn.

Một số loại thực phẩm chức năng, như bột protein, cũng có thể giúp bạn dễ dàng đạt được lượng dinh dưỡng cần thiết trong ngày hơn. Nhưng phải nhắc lại rằng, nó có lợi chỉ trong trường hợp bạn đã có một chế độ ăn lành mạnh những gặp khó khăn trong việc bổ sung một số chất dinh dưỡng nhất định.

Nói cách khác, lạm dụng thực phẩm chức năng trong khi chế độ ăn của bạn đã đủ chất sẽ không giúp bạn đạt được kết quả tập luyện mong muốn. Thức ăn là số một, thực phẩm chức năng chỉ là phụ.

6. Không phân biệt được chấn thương và đau cơ

Ảnh: Getty Images

Những người chỉ biết hối thúc bạn phải tập luyện hết sức dù hôm trước bạn chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ cũng giống như những người chỉ biết hô hào "no pain, no gain".

Nếu bạn cảm thấy đau nhức nhưng không giống với những cơn đau cơ thông thường, hãy ngừng tập và hỏi ý kiến của người có chuyên môn như chuyên gia thể hình, bác sĩ vật lý trị liệu, bác sĩ chỉnh hình… Việc tập luyện khi đau nhức là không an toàn và cũng không lợi cho cơ thể của bạn.

Nắm rõ cách phân biệt giữa đau cơ do tập luyện và đau do chấn thương là điều rất quan trọng. Dù vậy, nếu bạn quá đau, dù là cơn đau cơ bình thường, bạn cũng nên nghỉ một hoặc vài ngày để cơ bắp phục hồi trước khi tập luyện trở lại.

7. Bỏ qua sự dẻo dai và linh hoạt

Ảnh: Getty Images

Dẻo dai và linh hoạt là điều kiện tiên quyết cho sức mạnh. Nếu bạn không thể di chuyển cơ thể trong phạm vi vận động phù hợp, vậy thì bạn không nên tiếp tục cố gắng đẩy tạ hoặc nâng tạ vì nó không an toàn. Điều này đặc biệt đúng với các động tác phức hợp như squats, deadlifts overhead presses

Thay vào đó, hãy tập cho cơ thể dẻo dai và linh hoạt hơn cùng những động tác trên nhưng với mức tạ nhẹ hơn. Ví dụ, bạn có thể thử half-squats không có tạ và tăng độ sâu dần đến khi có thể thực hiện một động tác squats chuẩn, sau đó bạn có thể tăng dần mức tạ.

Cuối cùng, cơ thể của bạn sẽ có thể đạt được phạm vi vận động phù hợp để thực hiện các động tác với tạ một cách an toàn và hiệu quả. Có thể lúc này bạn sẽ thấy kiệt sức. Nhưng trong tương lai, bạn sẽ nhận ra thật may khi mình đã luyện tập các động tác một cách chính xác và an toàn!

Minh Bảo (Tham khảo Cnet)

Chủ đề khác