VnReview
Hà Nội

"Trên tay" cây cung của các tuyển thủ Olympic: rất nhiều công nghệ

Hóa ra ẩn sau những chiếc cung sử dụng tại Olympic chứa khá nhiều công nghệ tiên tiến và hỗ trợ tối đa cho các cung thủ khi thi đấu.

Đã từng có thời gian dài, quan niệm văn hóa phổ biến về môn bắn cung đến từ bộ phim Robin Hood của Hollywood với bối cảnh thời Trung cổ và những cây cung gỗ đơn giản. Tuy nhiên tới gần đây khi vũ trụ Marvel xuất hiện và có nhân vật chuyên bắn cung Hawkeye với cây cung công nghệ cao, người ta mới bắt đầu có nhìn nhận khác hơn về những cây cung hiện đại.

Hóa ra điều này khá đúng với môn thể thao bắn cung. Mặc dù nó có thể thiếu đi một số tiện ích so với chiếc cung trong phim của nhân vật Hawkeye. Nhưng chắc chắn rằng, cung của các vận động viên ngày nay đã được trang bị những công nghệ không hề thua kém trong phim.

Anjalie Field, một huấn luyện viên bắn cung người Mỹ cấp độ 3 chia sẻ: "Cung tên đã thay đổi rất nhiều so với các loại cung sử dụng gỗ và dây mà hầu hết mọi người thường hình dung. Hầu hết những chiếc cung cao cấp đều dùng rất ít chất liệu gỗ và chủ yếu được làm từ nhôm và sợi carbon. Những vật liệu này rất chắc và nhẹ, cho phép các cung thủ tạo áp lực rất lớn khi kéo dây".

Tất nhiên không chỉ là chất liệu cung. Ví dụ, cung thủ được phép sử dụng ống ngắm giống như súng lục để ngắm bắn.

Ắt hẳn nhiều người sẽ tự hỏi thanh kim loại khổng lồ nhô ra khỏi mũi của cây cung là gì? Field giải thích: "Thanh đó được gọi là ‘thiết bị ổn định'. Về cơ bản, đó là một chiếc que nặng ở phần đầu".

Trọng lượng của que sẽ bổ sung thêm quán tính, giúp giữ cung ổn định trong khi nhắm mục tiêu. Chúng cũng hấp thụ các rung động khi cung thủ thả dây.

Những chiếc cung phổ biến có thiết kế như vậy có thể kể đến Hoyt Prodigy và Hoyt Formula Recurve Riser. Thiết kế hợp lý mang lại độ chính xác cực cao, điều mà bạn sẽ không thể mơ tới khi sử dụng một chiếc cung tên truyền thống.

Tuy nhiên giá của mỗi chiếc cung xịn xò như vậy thường khá cao, lên tới 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng).

Đối với môn bắn cung tại Olympic, hầu như mọi người đều sử dụng mũi tên làm bằng sợi carbon siêu nhẹ để bắn ngoài trời. Khoảng cách mục tiêu của môn bắn cung tại Thế vận hội là 70 mét, tính từ vị trí đứng của các cung thủ. Đối với bắn cung trong nhà, mục tiêu là 18 mét. Trong khi đó, mũi tên nhôm khá phổ biến vì chúng "dễ bắn" nhưng lại khó có thể di chuyển xa.

Mũi tên tiêu chuẩn vàng hay chính xác hơn là sự kết hợp giữa sợi carbon có độ bền cao và hợp kim nhôm 7075 có tên Easton X10s. Những mũi tên này làm từ sợi carbon và lõi nhôm mỏng. Chúng đã được sử dụng trong các trận thi đấu tại Olympic kể từ Thế vận hội Atlanta năm 1996. Thậm chí một phần tư thế kỷ sau, chưa có một tiến bộ đáng kể nào liên quan đến việc nâng cấp các mũi tên này.

Phần lớn mũi tên không có lông thật mà chỉ sử dụng lông vũ bằng nhựa mà họ gọi là cánh quạt, nhẹ hơn lông vũ và không thấm nước.

Field cho biết: "Trong Thế vận hội, bạn sẽ thấy hầu hết các cung thủ sử dụng các mũi tên có cánh cong. Chúng được thiết kế để khiến mũi tên quay trong không khí, giúp ổn định và khiến chúng bay nhanh hơn".

Những đổi mới công nghệ đã giúp những cây cung tại Olympic trở thành một con quái thú so với các loại cung chỉ chuyên săn bắn trước đây.

Những chiếc cung có hệ thống ròng rọc giúp việc kéo dây dễ dàng hơn và đạt được sức mạnh tối đa. Điều này cũng giúp bạn dễ dàng giữ cung ổn định trong khi bắn, từ đó tăng độ chính xác. Thậm chí trên nhiều mẫu cung còn trang bị cả máy đo khoảng cách laser.

Tuy nhiên, Field cho rằng những ai chỉ chơi bộ môn này để giải trí sẽ không cần những công nghệ mới nhất như khi thi đấu chuyên nghiệp.

Tiến Thanh

Chủ đề khác