VnReview
Hà Nội

Apple dùng nhiều linh kiện Trung Quốc hơn trong iPhone 13

Apple đang khai thác thêm nhiều nhà cung cấp ở Trung Quốc, yêu cầu họ đảm nhận các vai trò quan trọng trong việc sản xuất iPhone mới nhất. Dấu hiệu đó cho thấy khả năng cạnh tranh công nghệ của quốc gia tỉ dân này đang tiếp tục tăng lên, bất chấp những nỗ lực của Washington trong việc kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Apple ngày càng chuộng linh kiện Trung Quốc để sản xuất iPhone

Nhà sản xuất thiết bị điện tử Trung Quốc, Luxshare Precision Industry, đóng góp 3% trong dòng iPhone 13 sắp tới. Công ty đã giành được đơn đặt hàng từ các đối thủ Đài Loan như Foxconn và Pegatron. Apple dự định sẽ sản xuất từ 90 – 95 triệu chiếc iPhone mới tính đến hết tháng 1.

Theo các nguồn tin, Luxshare sẽ bắt đầu sản xuất iPhone 13 Pro trong tháng này. Đây là một bước tiến lớn đối với một công ty chưa bao giờ tự sản xuất iPhone. Những công ty mới tham gia vào chuỗi cung ứng của Apple thường sẽ bắt đầu với các mẫu iPhone cũ hơn. Hai công ty mà Luxshare đã mua lại hồi năm ngoái, cụ thể là nhà sản xuất mô-đun camera Cowell đến từ Hàn Quốc và nhà sản xuất khung kim loại Casetek có xuất xứ Đài Loan, cũng sẽ cung cấp các thành phần cũng như những linh kiện quan trọng cho thế hệ iPhone mới năm nay.

"Dù Luxshare chỉ sản xuất một tỉ lệ nhỏ iPhone trong năm nay nhưng chúng tôi cũng không thể lơ là", một giám đốc điều hành cấp cao của một đối thủ cung cấp iPhone cho hay. "Nếu chúng tôi không tăng cường khả năng cạnh tranh của mình thì sớm muộn gì họ cũng sẽ là nguồn cung cấp chính."

Apple sở hữu chuỗi cung ứng điện tử tiêu dùng phức tạp nhất thế giới, sản xuất khoảng 200 triệu iPhone, 20 triệu chiếc MacBook và hàng chục triệu bộ tai nghe AirPods mỗi năm. Các tiêu chuẩn sản xuất cực kỳ cao của Apple đồng nghĩa rằng bất kỳ công ty nào trong chuỗi cung ứng của họ đều được coi là một trong những công ty tốt nhất trong lĩnh vực đó.

Sự gia tăng của những nhà cung cấp cho Apple đến từ Trung Quốc đã khiến các đối thủ đến từ Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc phải "chịu thiệt". Một số công ty này đang gặp phải tình trạng giảm tỉ lệ đơn đặt hàng, hoặc tệ hơn là rời hoàn toàn khỏi chuỗi cung ứng của Apple.

Apple ngày càng chuộng linh kiện Trung Quốc để sản xuất iPhone

Điều đó cho thấy, bất chấp những cuộc đàn áp liên tục từ Mỹ đối với các nhà sản xuất chip Trung Quốc, kể cả những hạn chế thương mại nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của các công ty đối với những công cụ và công nghệ quan trọng của Mỹ, đất nước này vẫn có thể đạt được một sự thành công nhất định.

Công ty Lens Technology có trụ sở tại Hồ Nam trước đây chỉ cung cấp mặt lưng kính cũng như kính phủ cho iPhone, nhưng đây là lần đầu tiên công ty cũng sẽ cung cấp thêm vỏ kim loại nhờ vào việc mua lại nhà máy khung và vỏ kim loại tại Trung Quốc của đối thủ năm ngoái.

Trong khi đó, nhà sản xuất module camera smartphone lớn nhất Trung Quốc, Sunny Optical Technology, cũng lần đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng iPhone năm nay. Theo các nguồn tin, công ty này sẽ cung cấp các ống kính cho camera sau, dù tỉ lệ vẫn sẽ khá nhỏ.

Có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, Sunny Optical – nhà cung cấp quan trọng đối với Xiaomi, Huawei, Oppo và Vivo – từ lâu đã được xem là đối thủ cạnh tranh chính Largan Precision đến từ Đài Loan. Largan Precision là nhà sản xuất thấu kính smartphone cao cấp hàng đầu và cũng là một trong những nhà cung cấp iPhone lâu lắm. Doanh thu của Sunny Optical đã tăng gần gấp 3 lần so với năm 2016, trong khi lợi nhuận ròng lại tăng gấp 4 lần.

BOE Technology sẽ bắt đầu cung cấp các màn hình OLED cho dòng iPhone 13 ngay trong quý tới nếu được Apple phê chuẩn trong quý này. Công ty Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp màn hình OLED cho những mẫu iPhone cũ hơn từ hồi năm ngoái.

Bắc Kinh coi BOE như là hi vọng tốt nhất nhất của đất nước trong công cuộc thách thức Samsung – nhà sản xuất màn hình OLED tiên tiến và lớn nhất thế giới. Apple cũng muốn đưa nhà sản xuất màn hình Trung Quốc này vào chuỗi cung ứng iPhone như một cách để tăng khả năng thương lượng với Samsung.

Một số công ty Trung Quốc khác cũng đã lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách nhà cung cấp của Apple vào hồi năm ngoái, bao gồm nhà sản xuất màn hình Tianma Micro-Electronics, nhà sản xuất chip nhớ GigaDevice Semiconductor và Nexperia, thuộc sở hữu của công ty lắp ráp smartphone lớn nhất Trung Quốc Wingtech Technology.

Wingtech cũng đang trong quá trình mua lại các nhà máy sản xuất chip lớn nhất tại Anh, Newport Wafer Fab có trụ sở ở Wales, thông qua Nexperia.

Shenzhen Everwin Precision Technology, đối thủ của Catcher Technology đến từ Đài Loan và là bộ phận sản xuất vỏ của Foxconn, cũng lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách 200 nhà cung cấp hàng đầu vào hồi năm ngoái.

Theo Eric Tseng, nhà phân tích trưởng tại Isaiah Research, các công ty như Luxshare, Goertek, Wingtech và Lens đều mới chỉ lấy được các đơn đặt hàng trong chuỗi cung ứng của Apple trong thời gian gần đây. Sự nổi lên của Luxshare, vốn bắt đầu cung cấp các linh kiện tương đối đơn giản cho iPhone chỉ vài năm trước đây, có thể sẽ là một con bài "mặc cả" để Apple thương thảo thêm với đối tác sản xuất lâu năm của mình, Foxconn.

Tseng tiết lộ: "Chúng tôi nhận thấy rằng Apple cần phải đa dạng hóa nguồn cung ứng và quản lý chi phí của mình, trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội tốt cho các nhà cung cấp Trung Quốc trong việc mở rộng tỉ lệ trong chuỗi cung ứng và tạo ra áp lực lớn hơn đối với những nhà cung cấp hiện tại."

Apple, Luxshare, Lens, BOE và Sunny Optical hiện chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này.

Lê Hữu (Theo Nikkei Asia)

Chủ đề khác