VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu công nghệ đứng sau màn hình Always-on trên Apple Watch Series 5

Apple Watch Series 5 là smartwatch thế hệ mới và đầu tiên của Apple trang bị tính năng hiển thị always-on, giúp người dùng không cần phải lắc cổ tay mỗi khi muốn xem giờ hay thông báo – thứ đã có trên các dòng Wear OS của Google trước đó. Always-on trên Series 5 là kết quả của sự thay đổi công nghệ màn hình hiển thị, và trong bài viết này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của nó.

Trước tiên, hãy cùng nhìn lại quá trình phát triển của thương hiệu Apple Watch: Phiên bản đầu tiên được ra mắt vào năm 2015, và thật sự nó không quá tuyệt vời. Màn hình OLED cho mức độ hiển thị tốt và thiết kế ấn tượng, tuy nhiên điểm trừ nằm khả năng hoàn thiện phần mềm, khi thường xuyên xảy ra giật, lag và tốc độ xử lý khá chậm – ;bao gồm cả thời gian hiển thị đồng hồ sau khi lắc cổ tay cũng có độ trễ tương đối cao.

Chúng ta cần phải nhớ rằng, nhiệm vụ cốt lõi của đồng hồ là xem giờ, đó mới là lý do người ta tạo ra chúng. Một số người dùng cho rằng một chút phiền toái mỗi khi lắc cổ tay sẽ không phải là điều gì đó quá khó khăn, tuy nhiên chúng ta hầu hết đều xem thời gian mỗi khi đang đi đường, lái xe hơi, xe máy, hoặc đang nấu ăn, rửa chén …. Những công việc hằng ngày với đôi tay luôn bận rộn, thì vấn đề lắc cổ tay để xác định thời gian giờ đây không phải là thứ dễ chịu chút nào.

Ngoài ra, trong nhiều trường hợp tế nhị, khi mà việc xem thời gian cần phải ‘lén lút', thì những cái lắc tay sẽ gây chú ý. Đơn cử như khi chúng ta đang tán gẫu với bạn bè trong quán café hay trong các cuộc họp, thì hành động xoay cổ tay để đánh thức màn hình Apple Watch hay các loại smart watch nói chung sẽ gây khó chịu cho những người đối diện, họ sẽ nghĩ bạn không hứng thú với cuộc nói chuyện, hay tồi tệ hơn, là bạn đang khinh thường họ.

Trước Series 5, Apple dường như không quá để ý đến vấn đề này. Các phiên bản smartwatch nâng cấp thế hệ sau gồm Series 2,3 đều ít tập trung vào màn hình. Chúng ta có kết nối mạng di động, cải thiện tốc độ và hiệu năng, mặt đồng hồ đa dạng hơn…. Tuy nhiên những nhược điểm về thiết kế lại không thật sự được cải tiến.

Sau khi độ sáng màn hình được cải thiện đáng kể trên Apple Watch Series 2 bởi công nghệ màn hình OLED "thế hệ thứ 2", thì mãi cho đến Series 4, kích cỡ và công nghệ hiển thị mới thật sự được thay đổi. Kích thước màn hình được tăng đến 40 và 44 mm (so với 38 và 42 mm ở phiên bản tiền nhiệm), và đặc biệt, là sự xuất hiện của một công nghệ màn hình hoàn toàn mới – thứ đã giúp hình thành nên always-on ngày hôm nay: LTPO OLED.

Thật vậy, LTPO OLED đã được Apple tạo ra và tích hợp từ thời Series 4, tuy nhiên đội ngũ thiết kế lúc bấy giờ vẫn chưa tận dụng hết điểm mạnh của công nghệ màn hình này. Nguyên nhân có thể đến từ thời lượng pin trên Series 4 không đảm bảo, hoặc một số rào cản về trình độ kỹ thuật khiến công nghệ vẫn chưa thực sự hoàn hảo, và Apple phải trải qua một thời gian dài nghiên cứu, tinh chỉnh để mang đến một thiết bị smart watch được tối ưu, đó chính là Apple Watch Series 5.

Dù bởi lý do gì đi chăng nữa, Series 5 với always-on giờ đây đã trở thành sự thật, nhờ vào LTPO: Oxit đa tinh thể nhiệt độ thấp. Tuy nhiên Apple đã tự phát triển một loại công nghệ tốt hơn cho các màn hình của họ dựa trên nền tảng này, sử dụng hỗn hợp plysilicon và oxit nhiệt độ thấp.

Mặc dù Táo khuyết không đi sâu vào giải thích công nghệ này, tuy nhiên iFixit đã có một bài viết chi tiết về màn hình Apple Watch Series 5: Tương tự các màn hình hiển thị khác, tấm nền trên Series 5 được tạo nên bởi nhiều lớp, bao gồm các điểm ảnh (pixel) và các mạch điện tích hợp để điều khiển chúng, thường gọi là các bảng nối đa năng (blackplane).

Tuy nhiên điều mà Apple thật sự đã làm ở đây đó chính là kết hợp hai loại công nghệ mạch điện lại với nhau và tận dụng điểm mạnh của cả hai. Đầu tiên, mạch điện tranzito màn mỏng polysilicon nhiệt độ thấp (hay LPTS) – công nghệ tiết kiệm điện hiệu quả đang được sử dụng trên hầu hết các dòng điện thoại OLED hiện nay (bao gồm cả iPhone), có tác dụng điều khiển bật tắt các điểm pixel trên tấm nền.

Thứ hai, chúng ta có công nghệ Indium Gallium Zinc Oxide (IGZO), có vai trò điều khiển điện tích cung cấp cho pixel, độ sáng, và khả năng điều chỉnh lượng màu giữa đỏ, xanh lá cây và xanh dương nhằm mang lại màu sắc hiển thị tốt nhất. Công nghệ IGZO đã được sử dụng trên các sản phẩm của Apple trước đây, gồm iPad và Macbook.

Ngoài ra, IGZO cũng mang lại thời gian phản hồi ngắn hơn trên các pixel, nhờ đó tốc độ làm tươi (refresh rate) đạt ở con số thấp, khoảng 1Hz. Tốc độ làm tươi cũng là một nhân tố giúp giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng, kết hợp với độ sáng được làm mờ sẽ đảm bảo thời lượng pin vừa đủ để sử dụng trong một ngày dài.

Có thể điều này sẽ làm bạn nghĩ đến một tính năng tương tự trên iPad Pro, đó là ProMotion. Mặc dù nguyên lý hoạt động khác nhau, tuy nhiên chúng đều có tác dụng cải thiện tốc độ làm tươi màn hình, tăng khả năng phản hồi và phần nào đó tiết kiệm năng lượng sử dụng.

Tính hiệu quả năng lượng tuyệt vời của LTPS, kết hợp với phương thức kiểm soát tần số quét của IGZO, là những gì tạo nên sự đặc biệt trên màn hình hiển thị của Apple Watch 5. Có thể trong tương lai, Apple sẽ tiếp tục phát triển loại công nghệ này và sớm đưa vào hệ sinh thái iDevice của hãng, với iPhone và iPad.

Ngoài ra, Apple tiết lộ rằng LTPO thôi là chưa đủ: "Tính năng mới trên Series 5 là sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến hoạt động cùng nhau, bao gồm LTPO, trình điều khiển năng lượng siêu tiết kiệm điện (ultra-low), bo mạnh quản lý hiệu suất năng lượng được tích hợp và cảm biến ánh sáng xung quanh thế hệ mới".

Sự kết hợp này đã giúp tạo ra always-on trên Series 5 vượt xa những gì mà LTPO làm được ở Apple Watch 4. Đồng thời, iFixit nhận định không gian cũng là một trong những yếu tố gây ra nhiều khó khăn. Bất kỳ các loại công nghệ nào do Apple tạo ra, đều phải đảm bảo hai yếu tố chính là nâng cao hiệu suất hay tính tiện dụng so với thế hệ trước, đồng thời chúng phải nằm vừa vặn trong một bộ khung có có kích thước đã được cố định về mặt thiết kế. Đây thật sự không phải là điều dễ dàng.

Như một lưu ý vào năm ngoái đến từ các nhà phân tích HIS Markit, công nghệ LTPO cũng có những giới hạn nhất định, bao gồm quá trình sản xuất phức tạp và nảy sinh các vấn đề trong việc tăng cường độ phân giải, đạt đến độ chi tiết như những gì mà LTPS (IGZO-free) đang thể hiện. Dù sao đi nữa, khoản đầu tư vào màn hình lần này của Apple là hoàn toàn xứng đáng nếu xét về khía cạnh hiệu quả năng lượng, đồng thời, nó sẽ một phần nào đó giúp Táo khuyết từng bước tiếp cận gần hơn với công nghệ màn hình gập trong tương lai không xa.

Quang Minh (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác