VnReview
Hà Nội

Cu Hiệp: Nhiều doanh nghiệp Việt chỉ nghĩ đến kiếm tiền

Không quá trẻ. Không quá đẹp trai và cũng chưa có tên trong danh sách "đại gia" nhưng anh Trần Mạnh Hiệp vẫn nổi đình đám trong cộng đồng mạng và giới yêu công nghệ. Đơn giản anh là Cu Hiệp, đồng sáng lập và quản trị một diễn đàn công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay – Tinh Tế.

Xuất thân là dân Kinh tế, anh Trần Mạnh Hiệp (sinh năm 1979) lại có nhiều duyên nợ với công nghệ. Từ đam mê đồ công nghệ (toàn hàng độc và đắt tiền), đến mong muốn được chia sẻ và cùng mọi người chia sẻ đam mê, kinh nghiệm của mình về sản phẩm công nghệ, anh Hiệp đã cùng bạn sáng lập ra Tinh Tế. Đến nay, sau 8 năm thành lập, Tinh Tế đã có gần 2 triệu thành viên thường xuyên, khoảng 21,7 triệu bài viết với hơn 1 triệu chủ đề. Tinh Tế trở thành một diễn đàn công nghệ nổi tiếng nhất Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ hơn về Tinh Tế cũng như những tâm huyết mà người đồng sáng lập Tinh Tế ấp ủ bấy lâu nay, phóng viên VnReview đã có một buổi phỏng vấn anh Trần Mạnh Hiệp ngay tại "đại bản doanh" của Tinh Tế là Cafe Tinh Tế (TP.HCM).

Admin Tinh Tế: Thích những người sáng tạo, ghét thì... khó nói

Anh Hiệp (nickname Cu Hiệp), admin kiêm đồng sáng lập diễn đàn Tinh Tế.

"Đã vào Tinh tế là cảm thấy hứng thú"

Chào anh, nhiều người rất tò mò về một ngày của "ông trùm" diễn đàn công nghệ lớn nhất Việt Nam là như thế nào?

Nhiệm vụ của mình trên Tinh Tế hiện nay là chia sẻ những gì có ích cho thành viên Tinh Tế và mình không làm một mình mà làm với các Mod khác của Tinh Tế. Hiện thành viên Tinh Tế trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề, từ smartphone, tablet, laptop cho đến camera, xe, các vấn đề khoa học...;

Công việc ưu tiên hàng đầu và lúc nào cũng cần nghĩ đến là trong khi sử dụng các thiết bị công nghệ, cái nào hay, cái nào cần chia sẻ để thành viên có trải nghiệm tốt hơn thì chia sẻ. Tiếp theo là việc cập nhật các thông tin công nghệ trên thế giới. Mình chủ yếu theo dõi thông tin qua Twitter và một số dịch vụ tổng hợp tin tức khác như Feedy, Flipboard...

Tinh Tế ra đời trong hoàn cảnh nào và khi sáng lập Tinh Tế thì anh mong muốn điều gì?

Ban đầu, do mình yêu thích các đồ công nghệ, như điện thoại hay máy tính (hồi đó là Apple Mac). Lúc ấy (năm 2006 -pv) điện thoại chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam, chủ yếu là BlackBerry, Palm, Nokia "nồi đồng cối đá"… Thấy có một nhóm người dùng máy Mac rất cần những bài viết chia sẻ kinh nghiệm, mình và một bạn nữa đã lập ra Tinh Tế với mục đích chia sẻ những trải nghiệm giữa những người dùng Mac, Windows Mobile, BlackBerry… để sử dụng hiệu quả các thiết bị này.

Điều ấn tượng với mình lúc đó là BlackBerry. Lúc mới mở Diễn đàn thì nó không phải là mảng được chú tâm, tuy nhiên sau thì nó trở thành một trong những yếu tố khiến nhiều người biết đến Tinh Tế hơn.

Hồi đó mình có hai cậu bạn dùng BlackBerry. Khi vọc vạch "up rom" thì bị "chết" máy và không biết làm thế nào để "cứu sống" nó. Lúc đầu mình tưởng chỉ vài người bạn mình bị vậy nên mượn 2 cái "xác" BlackBerry đó về và tìm cách "cứu sống" nó. Cái này lúc đó bên nước ngoài người ta làm nhiều rồi nhưng ở Việt Nam còn hạn chế do ít người tham gia các diễn đàn nước ngoài.

Sau khi "cứu" được hai chiếc BlackBerry kia và chia sẻ lên diễn đàn, mình mới biết có rất nhiều người cũng gặp phải tình cảnh này. Rồi dần có thêm những bài chia sẻ về từ điển, về phần mềm... với mục tiêu chia sẻ trải nghiệm để sử dụng thiết bị tốt hơn. Thậm chí, lúc đó Tinh Tế còn viết hẳn một ứng dụng từ điển miễn phí riêng chạy trên cả web và máy Mac.

Còn bây giờ thì sao?

Hiện tại thì những mục mới mở như "Xe" chẳng hạn, trong suy nghĩ của mình, khi nhìn ra ngoài đường thấy rất nhiều người dường như không biết đi xe - ý mình nói là những kiến thức cơ bản về xe. Ví dụ, khi xe hỏng thì chỉ biết dắt vô tiệm chứ không biết xe hỏng gì, thậm chí nhiều khi xe hết nhớt (dầu) cứ để vậy chạy…

Thị trường Việt Nam hiện rất nhiều xe, nhưng lại rất ít chủng loại xe, chủ yếu vẫn là xe tay ga và xe số trong khi chúng mang lại trải nghiệm không đủ tốt hoặc chưa phong phú. Còn hiện trên thế giới các loại xe côn tay và motor rất nhiều, ở mình lại rất ít ỏi. Nên mình muốn làm một điều gì đó để người sử dụng xe quan tâm tới chiếc xe của họ nhiều hơn, qua những chia sẻ và hướng dẫn trên Tinh Tế.

Một góc cafe Tinh Tế, nơi giao lưu gặp gỡ thường xuyên của những người đam mê công nghệ, các thành viên và cũng là nơi làm việc của ban quản trị Tinh Tế.

Anh có bí mật hậu trường gì mà "thần dân" chưa biết được về Tinh Tế?

Có một điều mà mình ít chia sẻ với mọi người, đó là trước khi mới mở diễn đàn Tinh Tế, mình cũng tìm hiểu các diễn đàn khác mà mình tham gia như Handheld.com.vn, Ttvnol.vn, ppc.vn… và mình suy nghĩ làm sao diễn đàn mình mở ra tránh được vết xe đổ hoặc những thiếu sót của các diễn đàn này. Tức là mình làm sao để mọi người đã vào Tinh Tế là cảm thấy hứng thú và các bài viết của mình sẽ giúp ích hoặc mang lại trải nghiệm nào đó cho người đọc.

Điều gì về Tinh Tế làm anh tự hào?

Điều mình tự hào nhất về Tinh Tế chính là các thành viên. Họ rất nhiệt tình tham gia chia sẻ ở nhiều lĩnh vực. Họ không chỉ chia sẻ về smartphone như nhiều người nghĩ mà các thành viên còn tham gia thảo luận về các tin bài khoa học công nghệ khác.

Ví dụ như có mục ứng dụng điện năng lượng mặt trời hiện đã có hơn 3 triệu lượt xem! Qua đó có thể thấy, Tinh Tế không chỉ là sân chơi của smartphone, laptop, máy ảnh… mà còn là nơi để các bạn trao đổi những vấn đề khác trong cuộc sống và công nghệ.

Và điều anh cảm thấy chưa hài lòng?

Đó là sự tranh luận nhiều khi chưa tập trung vào vấn đề. Hy vọng một ngày nào đó mọi người sẽ chia sẻ và tranh luận hay hơn nữa, nhất là những người có nhiều kiến thức và trải nghiệm, còn những người sau khi học hỏi được từ những chia sẻ đó thì cũng tôn trọng người khác hơn. Đó không chỉ là mong muốn với Tinh Tế mà còn với các diễn đàn khác.

Trước đây, Tinh Tế từng nổi đình đám trên thế giới với việc là nơi đầu tiên có thông tin, ảnh về chiếc iPhone sắp ra mắt của Apple. Từ đó nhiều fan công nghệ cũng hóng rò rỉ từ Tinh Tế nhưng lâu rồi không thấy?

Đó là chiếc iPhone 4 với thiết kế hoàn toàn mới khi so với iPhone 3GS trước đó. Thực chất thì trang Gizmodo cũng có chiếc máy tương tự nhưng không có thông tin trên màn hình. Tinh Tế là trang thứ hai. Bọn mình thích đồng công nghệ và nhiều người khác cũng thế, nên khi có gì mới thì muốn chia sẻ. Lúc đó ít trang quan tâm đến đồ công nghệ nên mình Tinh Tế làm, giờ đông vui rồi nên cùng làm.

Trên thế giới việc rò rỉ thông tin sản phẩm công nghệ là thường xuyên và cũng là nguồn tin thú vị với người dùng. Theo anh tại sao Việt Nam, nơi hiện đang là trung tâm sản xuất điện tử lớn trên thế giới, lại ít có thông tin như vậy? Có phải là có rủi ro gì không?

Mình không rõ lắm là những hãng mở nhà máy ở Việt Nam thì có luôn trung tâm nghiên cứu phát triển không. Nhưng hiện nay các thông tin rò rỉ hay các máy rò rỉ thì hầu hết không phải có nguồn từ những trụ sở ở Việt Nam. Những thông tin, máy đó vẫn từ nước ngoài và chủ yếu là từ Mỹ, trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) hàng đầu trong thế giới công nghệ. 

Anh có thể chia sẻ về dự định phát triển Tinh Tế hay các dự án khác của anh trong tương lai?

Mình muốn Tinh Tế vẫn là nơi để chia sẻ trải nghiệm công nghệ miễn phí cho mọi người, sẽ mở rộng tới những lĩnh vực mà mọi người đang cần nhưng ít được đề cập tới. Ngoài Tinh Tế thì mình cũng thích làm những cái khác nữa. Một cái mà mọi người biết đến nhiều là dịch vụ làm phụ kiện da cho đồng công nghệ Khắc Tên (khacten.vn). Ngoài ra thì mình thích làm đồ gỗ, làm những đồ dùng hàng ngày... nên cũng có làm thử nghiệm một số thứ như sạc di động, bàn ghế cho người yêu công nghệ...

Một góc cafe Tinh Tế

Không xem iPhone là thiết bị để vui vẻ

Là người đứng đầu một cộng đồng mạng lớn như vậy, nhất là cộng đồng về công nghệ, anh có phải chịu sức ép gì không?

Khi bạn mở một website và nó trở nên phổ biến, thì điều áp lực nhất và cũng là nhiệm vụ của bạn chính là phải luôn tìm tòi, suy nghĩ để có "món ăn" tươi mới, thú vị và mang tính cập nhật cho người xem. Mình và ban quản trị luôn phải tìm cách thử nghiệm và chia sẻ với các thành viên những vấn đề mà mọi người quan tâm.

Bây giờ trên mạng, chẳng hạn như VOZforums cứ nói đến Tinh Tế người ta lại nói là cộng đồng của những người "cuồng iPhone". Anh cảm thấy thế nào?

Thực sự thì mình không quan tâm nhiều lắm tới chuyện đó. Thứ bọn mình quan tâm là các chia sẻ trải nghiệm của các thành viên trên Tinh Tế.

Nếu phải lựa chọn giữa iPhone và điện thoại Android, anh sẽ chọn bên nào? Tại sao?

Nếu buộc phải chọn thì mình sẽ chọn iPhone. Đơn giản là mình muốn thông qua iPhone để trải nghiệm những thứ khác, như lướt Facebook, chụp ảnh đơn giản, vào Tinh Tế… Mình không xem iPhone là thiết bị để vui vẻ với nó mà nó chỉ là thiết bị trung gian thôi, càng đơn giản càng tốt, mình chỉ cần mua về rồi đăng nhập vào là sử dụng thôi.

Anh nghĩ thế nào về hiện tượng quá yêu/ quá ghét sản phẩm công nghệ ở trên mạng hiện nay?

Thực tế thì điều này là bình thường trên mạng. Có người yêu thì sẽ có người ghét, có người điều độ thì sẽ có người thái quá. Những người đó dần dần họ sẽ nhận ra họ cần cái gì và sẽ sử dụng đúng mục đích.

Ví dụ, những người thích thoải mái giải trí thì (có thể) họ sẽ chọn Android vì có nhiều thứ để làm với nó, trong khi mình thích Windows Phone vì nó tập trung vào công việc của mình và sự đơn giản, nhất là chụp hình thì lại có nhiều người họ cảm thấy không thể ưa nổi hệ điều hành này, điều đó là bình thường.

Phải có sản phẩm Việt chiếm 20%-30% thị phần, tại sao không?

Hằng ngày dạo qua các chủ đề thảo luận trên "xã hội thu nhỏ" Tinh Tế, thấy toàn nói về điện thoại, máy tính, xe... của nước ngoài. Theo anh, điều đó phản ánh như thế nào về trình độ phát triển công nghệ Việt Nam?

Phải thừa nhận rằng, hầu hết các sản phẩm công nghệ của chúng ta đều được sản xuất ở nước ngoài hoặc chỉ làm gia công. Đó cũng là điều mà mình không thích. Ít nhất cũng phải có sản phẩm/thương hiệu Việt nào đó chiếm 20-30% thị phần chứ?

Bản thân mình cũng tham gia sản xuất phụ kiện cho các thiết bị qua dự án Khắc Tên. Khi mới mở gặp rất nhiều khó khăn nhưng mình tin vẫn tồn tại được nếu thực hiện tốt, và hiện tại nó đã trở thành hiện thực, tồn tại song song bên cạnh các thương hiệu sản xuất phụ kiện khác.

Theo mình, nếu có thể tạo ra một môi trường/hệ sinh thái cho các sản phẩm Việt Nam, quan tâm tới nhiều hơn thương hiệu và trải nghiệm người dùng thì chắc chắn sẽ thành công.

Theo anh, sao Việt Nam chưa có được sản phẩm công nghệ được yêu, ghét mạnh mẽ như vậy? Có phải đó là bởi bản thân chúng ta chưa tự tin vào chính bản thân mình? vào trí tuệ của người Việt?

Trong lĩnh vực công nghệ thì hiện chưa có nhiều thương hiệu Việt có những sản phẩm giúp người dùng có được trải nghiệm tốt, thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt chỉ quan tâm tới việc kiếm tiền chứ không quan tâm đúng mức tới chất lượng sản phẩm, nên hiện tượng nghi ngờ của người dùng với thương hiệu Việt và dẫn đến tình cảm hờ hững, không quan tâm. Hy vọng là chúng ta sẽ có nhiều hơn những người có mong muống làm ra những sản phẩm để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng và từ đó niềm tin sẽ có lại, người dùng sẽ hào hứng hơn khi nói về sản phẩm thương hiệu Việt.

Về khả năng thì rõ ràng chúng ta có thể làm được. Hiện nay và có thể trong những lĩng vực khác công nghệ thì có nhiều thương hiệu Việt làm rất tốt mà. 

Với người yêu công nghệ, tiền không là đích đến

Nếu không sáng lập và vận hành Tinh Tế thì anh sẽ làm gì?

Kể cả không lập Tinh Tế lúc đầu hoặc giả sử bây giờ nghỉ, có lẽ mình sẽ làm đồ gỗ, đồ tiêu dùng...Mình muốn làm những đồ tiêu dùng bình thường hàng ngày mà người Việt gần như không làm hoặc làm không tốt, tức là những thứ mà "nhiều người thấy nhưng không làm". Việt Nam xuất khẩu nhiều đồ gỗ, đồ may mặc chất lượng cao cho các thương hiệu nước ngoài nhưng lại không quan tâm nhiều đến thị trường trong nước. Mình cũng mong mình làm được gì đó.

Ví dụ, có lần mình mua một cái bàn về cho con ăn, rất là tiện và không phải bế hoặc chạy theo để dí cơm cho con ăn, rất phản khoa học, thay vào đó nó sẽ ngồi một chỗ ăn cùng mình, rất tiện lợi. Loại bàn này khá phổ biến ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam không ai làm, một số người nhập về bán nên giá nó đội lên quá cao. Giá mà có ai đó làm ở Việt Nam cái này thì giá sẽ tốt hơn nhiều và người dùng Việt Nam sẽ có thể cho con ăn một cách khoa học hơn.

Nhiều trường hợp thấy anh tranh luận rất ác liệt với thành viên của mình? Tại sao lại vậy?

Mình là người làm diễn đàn, nên nếu mình không ưa thích tranh luận thì chắc không thể làm được công việc này. Tranh luận là để thấy được kiến thức rộng rãi hơn, biết được cái nhìn rộng hơn, đúng hơn... nếu chúng ta chịu khó tranh luận thì chúng ta sẽ học hỏi được nhiều thứ, còn quá dĩ hòa vi quý thì sẽ khó có chỗ cho sự phát triển. Dĩ nhiên trong lúc tranh luận thì nó sẽ có gay gắt, quan trọng chúng ta kiểm soát thế nào thôi.

Tôi thấy có trên mạng có nhiều người rất nể phục, thậm chí thần tượng anh đến nỗi anh nói gì cũng cho là đúng. Nhưng cũng có những "thần dân" của anh "chém" anh tơi tả. Gặp ý kiến trái chiều, nghịch nhĩ như vậy anh cảm thấy thế nào?

Mình thấy bình thường, vì đó là điều không thể tránh khỏi.

Cu Hiệp: "Ở Việt Nam nhiều người... không biết đi xe" (Ảnh từ Facebook anh Hiệp)

Trên thế giới, nhiều ông trùm mạng xã hội đều là tỷ phú đô la, như Facebook,Weibo, Naver. Còn anh thì sao? Ở Việt Nam thì anh đã tầm giàu tầm cỡ nào rồi?

Ở Việt Nam mình nghĩ có nhiều người làm công nghệ thành công đấy chứ, như Lê Hồng Minh (VNG) chẳng hạn, hay như mấy bạn bên Thegioididong sau khi niêm yết cổ phiếu. Nhưng phải thừa nhận ở Việt Nam mình ít người thực sự nổi bật, giống như văn hóa Việt Nam vậy, cứ sàn sàn thế thôi. Tuy vậy, mình cũng không thể so với các đại gia kiểu này được.

Mình nghĩ những người yêu thích công nghệ như mình thì không ai bắt đầu một cái gì đó chỉ với mục đích là tiền bạc đâu, tiền cũng quan trọng nhưng nó không phải là đích đến. Có điều là mình không phải là người kinh doanh, mình chỉ làm những gì mình thích và hiện tại mình rất hạnh phúc vì được làm những thứ mình thích.

Trên đời này, những người như thế nào mới lấy được thiện cảm của Cu Hiệp?

Mình quan tâm rất nhiều đến trải nghiệm. Nên ai đó làm ra các sản phẩm giúp mang lại trải nghiệm tốt hơn thì mình thích, mình thần tượng. Và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ nữa.

Và mẫu người mà anh thần tượng?

 

Ngoài Steve Jobs từ Apple ra có lẽ mình thích hai mẫu người, đó là ông Dyson của Anh (lập ra công ty Dyson), ông ấy không phát minh ra cái gì thực sự mới nhưng luôn tìm cách cải tiến và hoàn thiện trải nghiệm với những thứ đã có sẵn trong sinh hoạt hàng ngày, như máy sấy tay, máy hút bụi, máy lọc không khí…

Còn người thứ hai mình rất thích là Elon Musk, giám đốc của Tesla, ông đầu tư rất nhiều tiền vào những dự án khó mang lại lợi nhuận nhưng rất hữu ích và mang lại trải nghiệm tốt hơn với phần lớn người dùng, như mẫu xe điện Tesla hay Internet miễn phí.

Còn ở Việt Nam mình thích người làm ra những sản phẩm hữu ích, chẳng hạn như nhiều lần có dịp tham quan các sản phẩm của bên Bkav, họ có nhiều sản phẩm nhưng mình chỉ quan tâm tới thiết bị xả nước tự động trong toilet, mình rất ấn tượng từ chất liệu nhựa tới những con ốc, dĩ nhiên nó chưa phải là sản phẩm tốt nhất thế giới nhưng nhìn vào đó mình biết người chủ công ty làm ra nó đã có một ước mơ cải thiện trải nghiệm sống cho người Việt, rất ít người làm được vậy và đó là điều mà mình thích.

Còn người như thế nào thì bị Cu Hiệp ghét? Khi ghét họ anh thường làm gì?

Chắc mình xin phép không trả lời câu này, phức tạp quá (cười).

Vâng, xin cám ơn anh đã chia sẻ những điều thú vị về Tinh Tế với độc giả VnReview. Chúc anh cùng Tinh Tế tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công mới.

Ban biên tập VnReview: Bạn có câu hỏi gì với Cu Hiệp không? Anh Trần Mạnh Hiệp cho biết sẵn sàng trả lời các câu hỏi của độc giả VnReview gửi tới anh.  Do đó, nếu muốn bạn có thể để lại câu hỏi của mình ngay ở phần Bình luận dưới bài viết này.

Hữu Thắng

Chủ đề khác