VnReview
Hà Nội

Trung Quốc tạo nên kỳ tích với đường sắt tốc độ cao như thế nào?

Không phải là đất nước đầu tiên phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao (High-speed Rail – HSR) nhưng theo thời gian Trung Quốc đã vượt qua phần còn lại của thế giới ở lĩnh vực giao thông quan trọng này.

Đến hết tháng 12/2018, Trung Quốc đã có 29.000 km đường sắt tốc độ cao, trải khắp 30/33 khu vực hành chính trung ương và dự kiến sẽ đạt đến 30.000 km trong thời gian tới. Được biết, quốc gia đông dân nhất thế giới đang chiếm tới 2/3 tổng chiều dài HSR thương mại toàn cầu.

Trung Quốc làm đường sắt tốc độ cao khi nào?

Sau khi dần hoàn thiện hệ thống đường sắt thông thường, năm 2006, Trung Quốc bắt đầu tăng ngân sách để xây dựng các tuyến HSR chuyên dụng. Tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên của đất nước này đi vào hoạt động vào năm 2008, kết nối thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thiên Tân trong khoảng 30 phút.

Từ thời điểm bắt đầu đến nay, Trung Quốc đã dành rất nhiều tiền để xây dựng mạng lưới HSR (khoảng 300 tỷ USD). Hầu hết các tuyến đường sắt tốc độ cao tại đất nước này đi theo các trục đường chính và dành cho vận chuyển người. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn có một số tuyến HSR vận chuyển người kết hợp hàng hóa. Đường sắt tốc độ cao của đất nước này có thể đạt đến tốc độ 300 – 350 km/h khi vận chuyển hành khách và 200 – 250 km/h nếu vận chuyển cả người và hàng hóa.

Các nhà phê bình ở Trung Quốc và cả nước ngoài đã từng đặt ra câu hỏi có cần thiết phải xây dựng một hệ thống đường sắt tốc độ cao ở một quốc gia đang phát triển, khi mà hầu hết người lao động chưa có đủ chi phí để trả cho nhu cầu được di chuyển nhanh hơn. Đáp lại điều này, chính phủ Trung Quốc đã trả lời về lý do xây dựng hệ thống HSR với các lập luận:

- Cung cấp một loại phương tiện di chuyển nhanh, đáng tin cậy và thoải mái để vận chuyển số lượng lớn hành khách ở một quốc gia đông dân trên quãng đường dài sẽ góp phần cải thiện năng suất kinh tế và khả năng cạnh tranh trong dài hạn bằng cách liên kết thị trường lao động và giải phóng đường sắt kiểu cũ để chuyên chở hàng hóa.

-; Kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn bằng cách tạo ra các công việc xây dựng và giúp thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng trong thời kỳ suy thoái kinh tế (2008 – 2009).

- Tạo cơ hội hội nhập kinh tế giữa các thành phố lớn và thúc đẩy sự phát triển của các thành phố nhỏ.

- Giúp phát triển bên vững hơn vì tàu điện sử dụng ít năng lượng hơn để vận chuyển người và hàng hóa cũng như có thể lấy năng lượng từ các nguồn năng lượng đa dạng hơn ô tô và máy bay.

- Thúc đẩy ngành công nghệ và công nghiệp HSR nội địa.

Có vẻ như những lập luận này của chính phủ Trung Quốc đang cho thấy sự đúng đắn theo thời gian. Các nhà sản xuất tàu hỏa của Trung Quốc đã rất nhanh chóng tiếp thu công nghệ nước ngoài (như hệ thống Shinkansen của Nhật Bản), sản xuất nội địa hóa thành công và bắt đầu cạnh tranh trên lĩnh vực xuất khẩu hệ thống HSR với các nước tiên tiến.

Đặc biệt hơn, hệ thống đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc được đánh giá là khá an toàn và hiệu quả. Theo tạp chí Forbes thì ngành hàng không có thể dễ dàng kết nối các địa điểm với nhau nhưng ở Trung Quốc thì tất cả các thành phố lớn đều có đường sắt tốc độ cao. Hệ thống HSR của nước này phát triển rất nhanh, an toàn hơn và hiệu quả hơn ngành hàng không. Trong suốt quá trình từ khi bắt đầu được triển khai, hệ thống HSR của Trung Quốc mới xảy ra duy nhất 1 vụ tai nạn vào năm 2011 ở Ôn Châu khiến 40 người thiệt mạng và 120 người bị thương.

Tiến trình phát triển của hệ thống HSR Trung Quốc

Sự phát triển của đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc khiến các hãng hàng không nước này phải cắt giảm giá vé máy bay, hủy các tuyến khoảng cách ngắn (đặc biệt là tuyến dưới 500 km). Sau đó, một số tuyến ngắn giữa các thành phố đã bị tất cả các hãng hàng không hủy hoàn toàn. Đường sắt tốc độ cao của Trung Quốc hiện có số lượng hành khách nhiều gấp đôi so với các hãng hàng không nội địa.

Đặc biệt hơn, chi phí xây dựng HSR ở Trung Quốc là rẻ hơn rất nhiều so với các nước phương tây nhưng lại có tốc độ thuộc dạng cao. Theo các số liệu thống kê, mỗi km đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc có chi phí khoảng 17 – 21 triệu USD, trong khi ở châu Âu con số này là 25 – 39 triệu USD còn ở California (Mỹ) là 56 triệu USD.

Theo Gerald Ollivier – một chuyên gia cao cấp của ngân hàng thế giới (WB) thì: ‘Trung Quốc đã đạt được một kỳ tích trong việc xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp hơn ở các quốc gia khác'. Nguyên nhân của việc hệ thống HSR Trung Quốc có giá thấp hơn phương tây được cho là do chi phí lao động rẻ, quy mô hệ thống được lên kế hoạch chi tiết, chuẩn hóa các yếu tố về xây dựng, phát triển năng lực sáng tạo trong việc sản xuất thiết bị…

Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng và vận hành được một hệ thống đường sắt tốc độ cao đáng mơ ước với bất kỳ quốc gia nào. Nhưng để làm được điều này, họ đã phải lên kế hoạch từ những năm 1990 và sau đó phát triển chi tiết kế hoạch đó cũng như học hỏi rất nhiều từ Nhật Bản. Để rồi, giờ đây Trung Quốc đang ‘chiếm lĩnh' vị trí số 1 và 2 trong bảng danh sách những tàu cao tốc (đường sắt) chạy nhanh nhất thế giới. Đó là tàu Harmony CRH 380 A với tốc độ thử nghiệm 487,3 km/h, vận tốc thực tế 380 km/h và tàu Maglev Thượng Hải với tốc độ thử nghiệm 501 km/h và vận tốc thực tế tối đa 431 km/h. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng điểm qua một số hệ thống HSR của Trung Quốc.

- Tháng 8/2008, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc chính thức được khánh thành, kết nối thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thiên Tân trong khoảng 30 phút. Hiện tuyến đường này vẫn đang được sử dụng và có thể đạt tốc độ tối đa 350km/h.

- Từ năm 2008 – 2013: Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống HSR Thượng Hải – Vũ Hán – Thành Đô. Tuyến đường này mở ra sự liên kết giữa phía đông và tây của Trung Quốc bằng đường sắt tốc độ cao.

- Từ năm 2008 – 2017: Trung Quốc xây dựng và vận hành tuyến HSR Thanh Đảo – Thái Nguyên. Đây là một tuyến đường sắt tốc độ cao xuyên đông – tây khác của quốc gia này.

- Từ năm 2009 – 2018: Trung Quốc xây dựng và khánh thành tuyến đường sắt tốc độ cao dài nhất thế giới Bắc Kinh – Hồng Kông, kết nối 2 trung tâm quan trọng bậc nhất của đất nước này.

- Từ năm 2010 -2016: Trung Quốc xây dựng và khánh thành tuyến HSR Thượng Hải – Côn Minh – nối phía đông với phía tây nam.

- Từ năm 2010 – 2017: Trung Quốc xây dựng và khánh thành tuyến HSR Từ Châu – Lan Châu. Đây là một tuyến đường khác xuyên đông – tây của Trung Quốc.

- Từ năm 2011 – 2012: Trung Quốc xây dựng và khánh thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh – Thượng Hải. Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao đông đúc bậc nhất Trung Quốc. Đến năm 2017, hệ thống HSR Thượng Hải – Bắc Kinh đã phục vụ tới 630 triệu hành khách.

- Từ năm 2012 – 2019: Trung Quốc xây dựng và khánh thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh – Cáp Nhĩ Tân, nối thủ đô với tỉnh xa nhất về phía bắc của đất nước này.

T.T

Chủ đề khác