VnReview
Hà Nội

Apple khẳng định mình không độc quyền vì App Store phải cạnh tranh với Google Play, Galaxy Store,...

Mới đây, Apple đã trả lời thêm một vài thông tin cuộc điều tra của cơ quan giám sát người tiêu dùng Úc về chợ ứng dụng của mình. Lần này, công ty bác bỏ cáo buộc rằng Apple App Store là chợ ứng dụng thống trị tuyệt đối, và tuyên bố người dùng iOS có những tùy chọn khác, chẳng hạn như truy cập vào một trang web.

Apple tuyên bố mình không độc quyền vì App Store phải cạnh tranh với Google Play, Galaxy Store,...

"Apple nhận thức và coi nhiều nhà phân phối khác, cho những nền tảng không phải iOS, là các đối thủ cạnh tranh đáng kể, mà giá cả và chính sách của họ đã gây áp lực đến khả năng thực hiện quyền lực đối với các nhà phát triển của Apple", nhà sản xuất iPhone tiết lộ trong một file PDF gửi đến Ủy ban Cạnh tranh & Người tiêu dùng Úc (ACCC).

"Apple không được quyền coi thường môi trường mà chợ ứng dụng của mình hoạt động và không chấp nhận việc bị Ủy ban cho Apple App Store là ‘kho ứng dụng thống trị cao nhất với tỉ suất lợi nhuận lớn'."

Các hoạt động trên kho ứng dụng của cả Apple lẫn Google đều được ACCC soi kỹ đến "chân tơ kẽ tóc" như một phần của cuộc điều tra những nền tảng số của mình. ACCC chú trọng đến quyền lực thị trường do hai gã khổng lồ này nắm giữ trong lĩnh vực chợ ứng dụng.

Trong đơn biện hộ, Apple lập luận, quan điểm của ACCC là không chính xác khi dựa trên giả định rằng có hiện tượng thất bại thị trường (market failure) vì sức mạnh nổi trội của Apple. Táo khuyết tin rằng, thị trường vẫn đang cạnh tranh công bằng và lành mạnh.

Apple không cho rằng họ có một mức độ quyền lực đáng kể đối với bất kỳ thị trường nào liên quan đến các vấn đề có trong cuộc điều tra hiện tại của ACCC, cũng như không đồng ý rằng có sự bất cân bằng, cần sự can thiệp hoặc hành động pháp lý nào để giải quyết.

Công ty cho hay: "Apple phải đối mặt với những ràng buộc cạnh tranh từ các lựa chọn thay thế phân phối trong hệ sinh thái iOS (bao gồm nhiều trang web của nhà phát triển cùng các cửa hàng khác mà qua đó, người dùng có thể tải ứng dụng của bên thứ ba và sử dụng trên thiết bị iOS của họ) bên ngoài iOS."

"Ngay cả khi người dùng chỉ sở hũu các thiết bị iOS, việc phân phối này vẫn không bị giới hạn trên Apple App Store bởi những nhà phát triển có nhiều kênh thay thế để tiếp cận người dùng đó."

"Toàn bộ web đều có sẵn cho họ, và những thiết bị iOS có quyền truy cập vào nó, không bị hạn chế hay kiểm soát. Một cách tiếp cận phổ biến là người dùng có thể mua và sử dụng nội dung hoặc dịch vụ số trên một trang web."

Gã khổng lồ đến từ Cupertino cũng tin rằng Apple App Store đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nền tảng phân phối phần mềm khác, chẳng hạn như Google Play, Samsung Galaxy Store hay cửa hàng ứng dụng của Amazon, dù quyền truy cập vào "những lựa chọn thay thế" này là không được phép trên iOS.

Tiết lộ thêm, nhà Táo cho biết, họ cạnh tranh với những cửa hàng ứng dụng dựa trên web khác nhau, chẳng hạn như Steam, Epic Games Store, PUBG, AppStream, Chrome Web Store, Setapp hoặc Microsoft Store.

Hiện tại, các nhà phát triển ứng dụng không thể xuất bản và phân phối ứng dụng của mình đến thiết bị di động của Apple mà không sử dụng Apple App Store. Những nhà phát triển cung cấp các tính năng "trong ứng dụng", tiện ích bổ sung hay nâng cấp đều phải sử dụng hệ thống thanh toán của Apple, thay vì một tùy chọn khác thay thế.

Apple cũng thu tối đa 30% phí hoa hồng đối với các nhà phát triển, dựa trên giá trị của những giao dịch hoặc bất kỳ khi nào người dùng mua ứng dụng của họ. Tuy vậy, đến tháng 11 năm ngoái, với chương trình App Store Small Business Program, Apple đã giảm con số này xuống còn 15% trong trường hợp các nhà phát triển thu về chưa đến 1 triệu USD từ mọi ứng dụng của họ. Dĩ nhiên, con số này sẽ tăng trở lại mức 30% nếu vượt qua ngưỡng "triệu đô" này.

Apple xác nhận với ACCC rằng không chỉ mỗi họ thu phí hoa đồng đối với một số loại giao dịch nhất định.

"Nhiều nền tảng tính phí hoa hồng tương đương hoặc cao hơn Apple. Thậm chí, nhiều nền tảng cũng tính phí dịch vụ hoa hồng đối với người dùng khi thanh toán, trong khi Apple lại không làm điều này."

"Những điều khoản chống gian lận rất cần thiết trong việc bảo vệ người tiêu dùng và đối tác. Việc yêu cầu các giao dịch thực hiện trên nền tảng của công ty sẽ đảm bảo sự an toàn cũng như bảo vệ mô hình kinh doanh đã áp dụng."

;Minh Hùng theo ZDNet

Chủ đề khác