thumbnail - Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol
Giang Vu
Hà Nội

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol

Những người trẻ Hàn Quốc dần nghi ngờ về mục tiêu của chính mình, nhưng các công ty công nghệ đang mang đến cho họ một lối thoát.

Cả cuộc đời của mình, Sung-june Park luôn nói mình là “một chàng trai tốt”. Anh đã chịu đựng những áp lực to lớn tại trường học và đại học mà không có lấy một lời phàn nàn, cuối cùng giành được một công việc danh giá tại một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

Nhưng sau đó, mọi thứ bỗng ập đến: anh ta đối mặt với 30 năm tới không hề đổi khác. Hạ mình trước hết sếp này đến sếp khác, đón chờ ngưỡng cửa nghỉ hưu ở tuổi 50, đen đủi hơn thì có thể rơi vào cảnh nghèo khó với một công việc tầm thường, bấp bênh. Tương lai phía trước đầy ảm đạm, có thể dự đoán được và tất nhiên… không hề “hấp dẫn”.

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

“Tôi chỉ đang làm chính xác những gì mình được yêu cầu. Không có cơ hội nào cho sáng kiến và thể hiện bản thân”, Park nói.

Vì vậy, Park quyết định nghỉ việc và nghe theo lời mời chào từ một người bạn thơ ấu tham gia vào công ty Business Canvas, một start-up ở lĩnh vực Software as a Service (SaaS). Tại đây, văn hoá doanh nghiệp của công ty tự hào về cơ cấu tổ chức phương ngang của mình. Park nói đùa rằng, ở tuổi 32, anh đã được xem là người già trong phòng.

Văn hóa doanh nghiệp cấp bậc, tiền bối - hậu bối

Nhiều người Hàn Quốc coi kinh nghiệm tại tập đoàn lớn của Park - thời gian làm việc kéo dài, hệ thống cấp bậc ngột ngạt và những nhiệm vụ buồn tẻ - là một phần và cốt lõi của một công việc chuyên nghiệp. "Gapjil" là một từ tiếng Hàn để chỉ những mối quan hệ độc hại, độc đoán đã gắn liền với nền văn hoá những “gã khổng lồ công nghiệp” của Hàn Quốc: Samsung, LG, Huyndai.

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

Ngay cả những tập đoàn mới nổi của Hàn Quốc, những công ty internet mạnh mẽ như Naver và Kakao, cũng thừa nhận họ phải duy trì một văn hoá làm việc khắc nghiệt nhằm bắt kịp với những đối thủ ở Thung lũng Silicon. Nhưng trong hai năm qua, một nhóm các nhà sáng lập và nhân viên công nghệ trẻ tuổi, đa phần có kinh nghiệm quốc tế, đang cố gắng tạo nên những nét đổi khác trong văn hóa gapjil.

“Cùng với tất cả những thất vọng mang hơi hướng phân biệt đối xử vốn đã sẵn có trong xã hội Hàn Quốc, không ai lại thích văn hoá thứ bậc gapjil; không ai muốn trở thành một phần trong đó. Chỉ là mọi thứ vốn đã luôn như vậy” - Gloria Lee, thành viên hội đồng quản trị của tổ chức phi lợi nhuận Girls in Tech Korea và là người đứng đầu hệ thống đối tác tại nền tảng tuyển dụng trực tuyến Wanted Lab, nói.

Trong nhiều thập kỷ, văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc dựa trên quan hệ bất đối xứng được gọi là gapeul. Trong đó, một gap (cấp trên) sẽ giám sát một eul (cấp dưới), những người phải chịu lép vế dưới gap. Thứ quan hệ đó đã sản sinh ra một nền văn hoá đầy tai tiếng, lạm dụng và quấy rối. Một trong những vụ việc ê chề nhất được phơi bày trước công chúng là sự cố “cơn thịnh nộ hạt mác-ca” (nut rage) hồi năm 2014. Phó chủ tịch của Korean Air khi đó đã lăng mạ và hành hung một tiếp viên hàng không vì cách họ phục vụ hạt mác-ca, yêu cầu máy bay quay lại nơi khởi hành.

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

Gapjil hội tụ đủ sự tiêu cực để khiến mọi người phải chỉ trích ở Hàn Quốc, nhưng nó cũng “cắm rễ” đủ sâu đến mức ngay cả một đại dịch cũng không thể làm nó rung chuyển. Một cuộc khảo sát từ năm 2021 cho thấy, hơn 80% người được hỏi coi gapjil là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Một cuộc thăm dò khác cho thấy, 95% người được hỏi (là nhân viên văn phòng) cảm thấy nhẹ nhõm trong thời gian giãn cách Covid-19, vì không cần phải tham dự những cuộc họp mặt gượng ép và ngập tràn trong rượu - một sản phẩm của đời sống công sở truyền thống ở Hàn Quốc. Những cuộc nhậu thường do trưởng của bộ phận hoặc công ty chủ trì.

Gã khổng lồ Naver (thường được mệnh danh là Google của Hàn Quốc) và Kakao (cung cấp mọi thứ từ fintech đến messaging) nhiều năm nay vẫn luôn kẹt trong những bê bối xung quanh hệ thống quản lý độc đoán, khối lượng công việc quá tải. Năm ngoái, một nhân viên lập trình của Naver đã tự tử, để lại một bức thư chỉ ra những điều tệ hại về lượng công việc khủng khiếp, lăng mạ người khác nơi công sở. Công đoàn tuyên bố, lập trình viên quá cố đã nỗ lực suốt hai năm nhằm chống lại nạn đối xử bất công và áp bức - nhưng không được ai chú ý đến.

Jonathan Moore, một doanh nhân, đồng thời là cố vấn cho chính phủ và các công ty start-up. nói:

“Nó không thực sự thay đổi những độc tính cố hữu tồn tại ở môi trường làm việc. Tất cả chỉ là bề nổi. Tôi đoán những ông chủ này cho rằng chỉ cần thực hiện một vài thay đổi nhỏ thì nó sẽ sửa chữa được mọi thứ - nhưng sự thật thì không có gì xảy ra cả”, Jonathan Moore cho biết. 

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

Gapjil gắn liền với văn hóa của những “gã khổng lồ” công nghiệp và internet tại Hàn Quốc. Ảnh: Ed Jones/AFP/Getty Image

Khởi nghiệp là “lối thoát” cho giới trẻ Hàn Quốc

Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc chuyển sang kinh doanh khởi nghiệp. Nó đang được coi là sự lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn, thay vì "cố sống cố chết" để chui vào ở công ty suốt đời, cam chịu văn hóa thứ bậc trong tủi nhục. Hàng loạt start-up công nghệ mới như Business Canvas, nơi tụ hợp những nhà sáng lập trẻ tuổi, một vài người trong họ từng học hoặc làm việc ở nước ngoài, đang cố gắng thách thức những quan hệ độc hại tại nơi làm việc. 

Một là Woowa Brothers, công ty đứng sau ứng dụng giao hàng nổi tiếng Baedal Minjok. Được lèo lái bởi nhà sáng lập Kim Bong-jin, người đã cảm thấy thất vọng với sự đối xử tệ bạc mà bản thân đã phải trải trải qua tại một tập đoàn lớn. Woowa theo phương châm “chấp hành theo phương dọc, văn hoá theo phương ngang”, cho rằng người lao động không cần phải xấu hổ khi nghỉ việc. Công ty khởi nghiệp AI Coconut Silo đưa ra quan điểm chống lại các cuộc nhậu ép buộc và làm thêm giờ.

Ji-young Park, người sáng lập 48 tuổi của Murepa, một công ty khởi nghiệp R&D về thiết bị truyền hình, đã lấy cảm hứng từ văn hóa kinh doanh của người Mỹ sau khi sống ở Mỹ trong 20 năm. Murepa có bốn ngày làm việc một tuần, khuyến khích ý tưởng nhân viên trẻ và tin vào một nền văn hoá theo chiều ngang để thúc đẩy sự sáng tạo.

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

Park, với nền tảng học thuật của mình, lần đầu tiên được truyền cảm hứng bởi mối quan hệ đồng nghiệp giữa sinh viên và giảng viên khi còn là sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Nam California - một sự tương phản hoàn toàn với văn hóa gapeul ở giảng viên Hàn Quốc. Ông nói việc áp dụng văn hóa công sở bình đẳng và kiên nhẫn không chỉ vì phúc lợi của nhân viên, mà còn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. 

“Các công ty không biết rõ về trạng thái toàn cầu, chẳng hạn như cách thích ứng với các biến đổi khí hậu hoặc các vấn đề về ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Họ chỉ cố làm theo cách quản lý doanh nghiệp truyền thống, nhưng cuối cùng họ sẽ thất bại nếu không chấp nhận mô hình quản lý theo chiều ngang và những ý tưởng mới”, Park nói.

Tại Business Canvas, các nhà quản lý thuê những nhân viên là những người mới tham gia vào lực lượng lao động và thường được đào tạo bên ngoài Hàn Quốc. Lãnh đạo công ty cho biết sự thiếu hành trang của họ là cực kỳ quan trọng trong việc giúp phát triển văn hóa công sở một cách chân thành, trái ngược với việc nhập khẩu các sáng kiến là di sản của văn hoá công sở Mỹ. Công ty cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu, và tăng lương tất cả lên 10% hoặc hơn vào năm ngoái.

Văn phòng không gian mở tại Business Canvas ngập tràn ánh sáng, tường phủ đầy áp phích với những câu châm ngôn đề cao sự hợp tác, nhưng cũng không kém phần hàm ý: “Thời gian của tôi là vàng. Thời gian của đồng nghiệp là kim cương”.

“Tôi không thực sự cảm thấy thanh thế quan trọng. Đó nên là việc bạn được khen thưởng và hài lòng với công việc của chính mình, thay vì chỉ làm những gì mọi người bảo bạn làm, cứ lặp đi lặp lại. Điều đó thực sự nhàm chán. Tôi hoàn toàn coi thường nó. Giấc mơ của tôi đó là khiến Business Canvas phát triển giống như Google”, Joo-heon Lee, một nhà tiếp thị tại Business Canvas nói.

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

Kiến tạo văn hoá làm việc tiến bộ nhưng vẫn thấm nhuần văn hoá Hàn Quốc

Những so sánh sẽ là tương đối sáo rỗng đối với những người luôn theo dõi những “ông lớn” công nghệ của Mỹ. Ví dụ điển hình cho các start-up tiến bộ của Hàn Quốc vẫn là Google và Facebook, ngay cả những công ty ở Thung lũng Silicon cũng luôn phải vật lộn với các vấn đề văn hoá làm việc của chính họ trong những năm gần đây. Clint Yoo, nhà đồng sáng lập Business Canvas và là người đứng đầu bộ phận kinh doanh, coi Netflix là nguồn cảm hứng.

Dẫu vậy, các nhà sáng lập Hàn Quốc có thể cho rằng nó thích hợp hơn là hệ thống thứ bậc gapjil. Một số nhà quan sát lâu năm cho rằng dọn dẹp văn hoá gapjil không chỉ khởi tạo cho những start-up thay thế, mà còn là thay đổi mang tính thể chế từ trên đỉnh.

Giáo sư Gyu-chang Yu, người đã nghiên cứu những thay đổi trong văn hóa kinh doanh Hàn Quốc tại trường Đại học Hanyang trong hơn một thập kỷ, lập luận rằng các tập đoàn lớn phải dẫn đầu bằng tấm gương, sự thay đổi đó phải thấm nhuần văn hóa Hàn Quốc hơn. Các công ty khởi nghiệp có thể sống trong không gian văn phòng đầy tiến bộ, nhưng vào cuối ngày, họ bước ra khỏi cửa và đối mặt với nền văn hóa Hàn Quốc bảo thủ dai dẳng.

“Người Hàn Quốc sùng bái các công ty trong danh sách Fortune 500. Họ nghĩ nếu họ làm như thế thì họ phải làm điều gì đó đúng đắn. Nếu một công ty khởi nghiệp dẫn đầu, mọi người sẽ cư xử giống như thể: Ơ kìa, bạn là ai chứ? Bạn chỉ là một kẻ mới khởi nghiệp”, Jonathan Moore nói. 

Giới trẻ Hàn Quốc "vùng vẫy" chống lại văn hoá thứ bậc độc hại ở các chaebol 

Đã có những thay đổi le lói ở thượng tầng. Một số công ty lớn hơn gần đây đã bỏ chức danh thứ bậc giữa các nhân viên. Theo truyền thống, nhân viên cấp dưới gọi sếp của họ bằng chức danh, ví dụ: “Giám đốc điều hành” hoặc “Người quản lý” thay vì tên của họ. Ngay cả những công ty lớn như Samsung và SK cũng đang dần áp dụng những kính ngữ trung lập không dựa trên thứ bậc hoặc chỉ sử dụng tên tiếng Anh. 

Gloria Lee của Wanted Lab cho biết: “Mọi người đang nghĩ về những từ ngữ như giới tính, thứ bậc, kkondaejil (hành vi trịch thượng của một người lớn tuổi). Tất cả những loại từ này, trước đây - chúng thậm chí còn không thực sự tồn tại, bởi vì mọi người không nghĩ rằng có gì sai với nó”.

Theo báo cáo của Thông tấn xã Yonhap, khi các hạn chế vì đại dịch tại Hàn Quốc giảm bớt và người lao động quay trở lại cuộc sống thường nhật, những ghi nhận về quấy rối tại nơi công sở lại tăng. Dạo quanh Seoul, mọi người có thể thấy các biểu ngữ và nhãn dán về gapjil, kêu gọi sinh viên và người lao động giữ vững lập trường khi đối mặt với những kẻ lợi dụng quyền lực để lộng hành. “Hãy dừng ngay việc lạm dụng quyền lực và bảo vệ quyền lợi của sinh viên!”, một băng rôn viết.

Tuy nhiên, Yoo, người đồng sáng lập Business Canvas, tin rằng công ty là một phần của hệ tư tưởng thời đại rộng lớn hơn. “Tôi không nghĩ chúng tôi là duy nhất. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều tổ chức khác ở Hàn Quốc, bạn biết đấy, đang thích nghi với phong cách làm việc mới này toàn tâm toàn ý. Và tôi có thể nói rằng thế hệ hiện tại là những người có thể chịu trách nhiệm tạo ra sự thay đổi đó thực sự chặt chẽ”, ông nói.


>>> Streamer Trung Quốc bước vào thòi kì kiểm duyệt gắt gao.

 Nguồn: Rest Of World

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác