thumbnail - Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop
Giáp Lê
Hà Nội

Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop

Hàn Quốc vốn là quốc gia rất mạnh về ngành công nghiệp giải trí, những năm gần đây làn sóng văn hóa này đã lan rộng và bùng nổ đến tận phương Tây xa xôi. Ngày càng đông người hâm mộ của các nhóm nhạc thần tượng tham gia trào lưu sưu tầm vật phẩm liên quan đến thần tượng của họ. Dù giá trị thấp hay cao, những món đồ này đều được bán hết trong vòng một nốt nhạc.

Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop 

Natasha Sy, một học sinh trung học người Philippines, đã đăng bán những tấm photocard (ảnh thần tượng cỡ nhỏ) lên một nhóm Facebook kín có tên NCT Merchandise Group, thuộc loại BNS (mua và bán). Nhóm này chuyên trao đổi mua bán vật phẩm liên quan đến nhóm nhạc NCT. 

Danh sách vật phẩm của Sy có giá 6,5 triệu peso Philippines (khoảng 126.805 USD), đi kèm với danh sách là 2 bức ảnh: một bức chụp sân trước một ngôi nhà, bức còn lại chụp thành viên Hendery và Yangyang của nhóm nhạc NCT.

Bài đăng kèm theo chú thích tiêu chuẩn của nhóm BNS này, đó là phải có tag bán hàng hoặc từ viết tắt của những từ như “want to sell” (muốn bán), “looking for buyer” (tìm kiếm người mua) và Philippines.

Lý do trào lưu photocard nở rộ?

Người hâm mộ K-pop nói chung và các nhóm nhạc nói riêng đều có sở thích thu thập photocard. Ngoài album, photocard được xem là một trong những mặt hàng K-pop phổ biến nhất để sưu tập. Chúng không được phát hành tràn lan trên thị trường, và chỉ có thể tìm thấy trong các album ca nhạc hoặc CD video, đôi khi tại sự kiện concert của nhóm nhạc đó.

Người hâm mộ không thể chọn lựa photocard do tính ngẫu nhiên của việc đặt thẻ. Đây là chiến lược mà nhiều công ty âm nhạc Hàn Quốc áp dụng từ lâu để thúc đẩy doanh số bán, đồng thời tăng hạng của các nhóm nhạc. Hàn Quốc là một trong những thị trường âm nhạc duy nhất trên thế giới có doanh số bán đĩa CD vật lý đang tăng lên.

Vì tính ngẫu nhiên nên nhiều người phải mua nhiều bản sao của cùng một album để có thể sưu tập được thẻ thành viên họ yêu thích. Tuy nhiên, cách làm này rất tốn kém nên họ chuyển sang những nhóm trao đổi mua bán vật phẩm K-pop. Các nhóm như NCT Merchandise đặc biệt nở rộ trong thời kỳ đại dịch do số lượng học sinh sinh viên học online ở nhà. 

Cách định giá một vật phẩm miễn phí

Nhiều photocard bị thổi giá lên rất cao so với thực tế. Mua một photocard K-pop qua người trung gian thường khiến người mua mất khoảng 5 USD đến 1.000 USD tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng, vị trí, nhóm, mức độ phổ biến của thành viên và loại sự kiện rút trúng.

Vì những thẻ này là vật đi kèm miễn phí khi mua album hay CD, nên giá của chúng sẽ do các thị trường mua bán trực tuyến ở Hàn Quốc và Nhật Bản như Bunjang và Mercari (nơi bắt nguồn văn hóa thu thập thẻ) quyết định. Tuy nhiên, giá trị photocard cũng phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của người hâm mộ quốc gia đó.

Hoạt động này đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản và Hàn Quốc, và đang dần lan đến một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Twitter từ lâu đã là nền tảng trao đổi vật phẩm K-pop phổ biến ở châu Á, người hâm mộ ở Mỹ và Vương quốc Anh lại chuộng dùng Instagram. Ngoài ra, nhiều người còn mua bán trên nền tảng thương mại điện tử như Mercari, Bunjang, Carousell, Shopee, eBay và Xianyu.

Hình ảnh trên photocard cũng là một yếu tố tạo nên giá trị của nó. Hầu hết chúng đều phổ biến nhưng có một số tấm rất đặc biệt và hiếm. Điển hình như bức ảnh chụp cái bóng của thành viên Red Velvet Irene trong mini-album ReVe Festival: Day 2.

Taylor, 26 tuổi, một fan hâm mộ K-pop đang làm nhân viên kế toán tại Vương quốc Anh, cho biết đối với các nhóm nhạc thế hệ thứ tư vốn có nhiều photocard trong album, mỗi thẻ có thể được bán với giá khoảng 4 USD chưa bao gồm phí vận chuyển. 

Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop 

Một góc nhỏ trong bộ sưu tập photocard của Taylor

“Đối với nhóm nhạc thế hệ cũ, thẻ của họ có thể rẻ hoặc đắt. Nếu người bán nghĩ rằng những tấm thẻ đã cũ và không có người muốn mua, họ sẽ hạ giá. Ngược lại, nếu họ nhận ra vật phẩm của mình trở thành hàng quý hiếm, họ sẽ tăng giá”, anh nói.

Ngày nay, việc tăng giá bán thẻ trở nên rất phổ biến trong fandom K-pop, người bán hét giá cao với những ngôi sao lớn. Điều này cũng xảy ra thường xuyên với nhóm có nhiều thành viên do người hâm mộ bị giảm xác suất rút trúng thẻ yêu thích hơn.

Tại sao đắt nhưng vẫn mua?

“Mọi người đều nói rằng 'Đó chỉ là một tờ giấy in, bạn không nên chi hàng trăm USD chỉ vì nó', điều này tôi đồng ý ở một mức độ nào đó", Brad Chong, 20 tuổi, một người hâm mộ nhiều nhóm K-pop cho biết. 

Theo anh, do nhu cầu vượt cung nên mới có hiện tượng định giá quá cao. 

“Thật không may, cũng giống như mọi thứ có thể định giá khác trên thế giới, giá trị photocard không bao giờ cố định. Tùy thuộc vào độ hiếm hàng hóa và nhu cầu thị trường mà giá sản phẩm sẽ thay đổi theo. Dù nó có vượt qua giá gốc một cách bất hợp lý nhưng vẫn có người sẵn sàng chi tiền”, anh nói.

Người hâm mộ biết túi tiền của họ đang bị bóc lột bởi các công ty K-pop. 

Theo Caitlin, một người hâm mộ chuyên tạo template cho photocard, nhiều công ty K-pop giờ đây thêm thẻ ảnh vào tất cả mặt hàng mà họ phát hành, bao gồm cả quần áo và phụ kiện. Một số công ty thậm chí phát hành thẻ rất hạn chế, vì vậy giá của chúng đặc biệt cao ở thị trường secondhand.

Phần lớn tấm photocard của nhóm nhạc trực thuộc SM Entertainment từng có dòng chữ "Không bán" ở phía sau, nhưng bắt đầu từ năm 2017 họ đã không còn ghi như vậy. 

Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop 

Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop Photocard của công ty SM từng có dòng chữ 'Not for sale' (Không bán) góc dưới cùng bên trái

Về cơ bản, sưu tập photocard là một sở thích bắt nguồn từ cộng đồng và tinh thần người hâm mộ, đặc biệt phổ biến ở concert cũng như những buổi họp mặt fan. Ở đó, việc người hâm mộ tụ tập để đổi thẻ là điều bình thường.

Đại dịch buộc nhiều nhà sưu tập phải mua bán trực tuyến tại nhà. Sở thích mua bán trao đổi cũng trở nên nghiêm túc hơn và dần phát triển thành nét văn hoá mới.

Taylor tiết lộ sở dĩ mọi người chú ý đến hoạt động này là nhờ vào mức độ phủ sóng nhanh trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều nhà sưu tập đăng ảnh hoặc video bộ photocard đầy đủ của mình lên Instsgram hoặc YouTube. Khi tìm kiếm những tag phổ biến như #WTS (muốn bán) và #WTB (muốn mua) kèm theo tên nhóm nhạc K-pop, bạn có thể thấy hàng trăm bài đăng mới mỗi giờ. Trên TikTok, #photocard đã có hơn một tỷ lượt xem, nội dung thường là những màn đập hộp album hoặc CD, trang trí photocard với sticker.

Rộ trào lưu mua bán ảnh thần tượng của các fan K-Pop 

Người hâm mộ trao đổi photocard

Theo tiết lộ của Jae, một sinh viên đại học ở Indonesia, cô ấy đã chi tổng cộng 11.400 USD cho bộ sưu tập photocard của mình gồm 350 ảnh thẻ mua từ nhiều người bán khác nhau. Tấm thẻ quý giá nhất trong bộ sưu tập của Jae là thẻ Halloween Jaehyun SSM, chỉ có thể giành được thông qua trò chơi SuperStar SMTOWN, trị giá gần 610 USD. Khi được hỏi tại sao nó đáng giá, Jae trả lời: “Có lẽ vì chỉ có 30 tấm trên thế giới… và Jaehyun thật đẹp trai”.

Có rất nhiều lý do đằng sau thú vui sưu tập photocard. Đối với một số người, họ thích cảm giác khao khát một tấm thẻ và vui sướng khi chạm vào nó. Tuy nhiên, số khác lại bị thôi thúc bởi bạn bè hoạt động trong cộng đồng mua bán vật phẩm K-pop.

Grace, một sinh viên đại học ở Mỹ cho biết việc thu thập photocard giúp cô dễ dàng tham gia cộng đồng yêu thích K-pop, đồng thời nâng cao khả năng tiếng Trung của cô.

“Tôi từng sống ở Trung Quốc một thời gian, nhờ sở thích sưu tập photocard mà tiếng Trung của tôi được cải thiện rất nhiều”, Grace nói.

“Tất cả chúng tôi được kết nối vì có chung mục đích. Đó là lan tỏa độ nổi tiếng của các nghệ sĩ thần tượng, thỏa mãn niềm vui sưu tập và thoát khỏi thực tế khốc liệt dù chỉ trong chốc lát khi mở hộp album hoặc photocard”, Chong, một Youtuber đang làm việc tại K-pop Republic, một cửa hàng ở California cho biết.

Nguồn: Vice

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác