7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm

Từ lâu, nền ẩm thực Nhật Bản đã nổi tiếng với những món ăn tinh tế và hấp dẫn, từ sushi cho đến mì ramen. Ẩm thực Nhật Bản có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Nhưng trong những năm gần đây, ẩm thực Nhật Bản đã vươn ra một lĩnh vực mới – đó là bánh ngọt. Các đầu bếp Nhật Bản đã biến tấu và nâng tầm rất nhiều món tráng miệng nổi tiếng của ẩm thực phương Tây, vốn đã được yêu thích trên toàn thế giới.
7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Ảnh: Darth Liuh
Khác với những món ngọt truyền thống của Nhật Bản (được gọi là wagashi), bánh kẹo kiểu phương Tây (được gọi là yogashi) có thành phần chính là bột và đường. Tuy nhiên, phiên bản biến tấu của Nhật Bản thường được giảm lượng đường so với phiên bản gốc.
Có khá nhiều món yogashi phổ biến ở các nước phương Tây đã du nhập vào Nhật Bản từ nhiều thế kỷ trước và kể từ đó, chúng được biến tấu, hoà nhập và trở nên phổ biến tại đất nước “Mặt Trời mọc”. Thậm chí một số thương hiệu sản xuất bánh kẹo của Nhật Bản đã mở chuỗi cửa hàng ở khắp các nước châu Á, từ Băng Cốc cho đến Đài Loan và cả Việt Nam.
“Quá trình sản xuất đồ ngọt của Nhật Bản có xu hướng kết hợp những cái mới… Người Nhật rất giỏi trong việc kết hợp những nguyên liệu bản địa, hương vị của các loại gia vị cùng với những kỹ thuật và hỗn hợp nguyên liệu của phương Tây”, Kengo Akabame, thợ làm bánh tại Khách sạn Imperial Tokyo cho biết.
Akabame là một thành viên của đội Nhật Bản tham gia thi đấu tại cuộc thi Bánh ngọt Thế giới năm 2021, hay còn gọi là Coupe du Monde de la Patisserie, và giành được huy chương bạc.
“Tôi nghĩ việc tạo ra những món mới khi tìm cách kết hợp [những phương thức truyền thống] đã tạo ra những đột phá”, Akabame cho biết.
Ông Hideo Kawamoto, chủ tịch Juchheim Group, một trong những thương hiệu bánh kẹo lâu đời tại Nhật Bản, cũng đồng ý rằng nhờ cơ hội được tự do trải nghiệm đã giúp các đầu bếp của Nhật Bản tạo ra một món tráng miệng thành công dựa trên một món đã có sẵn.
“Người tiêu dùng Nhật Bản thích được nếm thử nhiều hương vị khác nhau và chọn ra vị yêu thích. Thông qua thị trường đầy tính cạnh tranh này, một số đầu bếp đã trở nên nổi tiếng và tạo ra những sản phẩm được nhiều người biết đến”, Kawamoto trả lời trang CNN Travel.
Ngoài ra, cùng với việc Nhật Bản trở thành điểm đến du lịch hàng đầu trong đại dịch Covid-19, những món bánh ngọt thành công ở thị trường này có thể nhanh chóng trở thành một trào lưu mới ở các quốc gia châu Á khác.
Dưới đây là một số món bánh ngọt và đồ tráng miệng nổi tiếng của phương Tây đã được biến tấu bởi đôi bàn tay tài hoa cùng kinh nghiệm lâu đời của đầu bếp Nhật.

Bánh ga tô dâu​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Bánh ga tô dâu của Nhật Bản đã trở thành một trong những món bánh mùa đông nổi tiếng khắp châu Á (Ảnh: Good Good)
Món yogashi kinh điển nhất có lẽ là một chiếc bánh ga tô dâu cổ điển. Và đây là món tráng miệng được phổ biến rộng rãi bởi Rin'emon Fujii, nhà sáng lập Fujiya – chuỗi của hàng bánh ngọt Tây phương đầu tiên tại Nhật Bản.
Sau khi mở một cửa hàng bánh tại Yokohama vào năm 1910, ông Fujii đã đến Mỹ để trau dồi kỹ năng làm bánh và học hỏi thêm kiến thức. Đây cũng là khoảng thời gian ông biết đến món bánh ga tô dâu và say mê nó.
Một năm sau, Fujii quay trở về Nhật Bản và tạo ra một phiên bản của riêng ông: một lớp bánh ga tô bông xốp, mềm mại được phủ lên trên một lớp kem mềm mượt, và trên cùng là những trái dâu tươi mọng phủ đường.
Món tráng miệng này được xem là một món ăn sang trọng dành cho những dịp đặc biệt, và ngày nay, với màu sắc đặc trưng, nó được xem là một món ăn của mùa Giáng sinh tại Nhật Bản. Hằng năm, các khách sạn, nhà hàng và tiệm bánh ở Nhật đều cho ra mắt những phiên bản bánh ga tô dâu đặc biệt của tiệm trong mùa lễ này.
Thậm chí, tính truyền thống và sự phổ biến của món bánh này còn vượt ra ngoài Nhật Bản.
“Nó đúng là một món bánh của người Nhật – bánh ga tô của châu Âu không có phong cách này”, Tammy Chan, thợ bánh và là nhà sáng lập Good Good, một tiệm cafe tại Hồng Công, nơi nổi tiếng với món bánh ga tô dâu này.
“Mỗi mùa đông, tôi đều thêm món bánh này vào thực đơn của quán, dù nó rất mộc mạc nhưng lại làm cho bạn cảm thấy cực kỳ thoả mãn. Là một món tráng miệng cơ bản nhưng nó cũng có rất nhiều cách để biến hoá và cải tiến”.

Baumkuchen​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Juccheim Group (Nhật Bản) gần đây đã sáng chế ra lò nướng tích hợp AI có thể nướng bánh Baumkuchen bằng xiên (Ảnh: Juccheim Group)
Được nướng trên một chiếc xiên quay, Baumkuchen là một món bánh hình tròn của Đức với những vòng tròn đồng tâm màu vàng sậm trông như vòng sinh trưởng trong thân cây vậy.
“Baumkuchen ở Đức được định nghĩa bởi Hiệp hội Nghề bánh kẹo Thủ công Đức. Ngược lại, món bánh này ở Nhật lại không được định nghĩa và nó có rất nhiều phiên bản được tạo ra bởi những đầu bếp khác nhau”, Kawamoto trả lời khi được hỏi về cách so sánh giữa hai phiên bản Baumkuchen.
Mặc dù hiện nay món bánh này ở Nhật Bản tượng trưng cho hoà bình, sự trường tồn và tình yêu vĩnh cửu, Baumkuchen lại từng có một khởi đầu tăm tối.
Theo câu chuyện được kể lại, vào năm 1909, Karl Juchheim – nhà sáng lập Juchheim Group – mở một tiệm bánh tại thành phố Giao Châu (Trung Quốc), nơi đang được cai trị bởi Đế quốc Đức.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Juchheim – lúc này là một binh nhì trong quân đội Đức – đã được điều động đến trại giam giữ ở Nhật Bản cùng với vợ. Đây chính là nơi ông bắt đầu nướng và bán những chiếc bánh Baumkuchen đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1919. Cuối cuộc chiến, hai vợ chồng ông đã ở lại Nhật Bản và mở cửa hàng E. Juchheim tại Yokohama vào năm 1922.
Trong những thập niên sau đó, Baumkuchen trở nên nổi tiếng hơn vì nhiều lý do khác nhau – như cuộc bùng nổ trào lưu bánh cưới vào những năm 1960, sau đó là nhu cầu thưởng thức bánh ngọt của những người sành ăn ngày càng gia tăng vào những năm 1980 và sự trỗi dậy của bánh bông lan kiểu Nhật vào những năm 2000.
Ngày nay, Juchheim Group đã mở cửa hàng ở khắp châu Á và Baumkuchen trở thành một trong những món tráng miệng đậm dấu ấn của Nhật Bản.
7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Thậm chí, Juchheim Group còn tạo ra lò nướng tích hợp AI đầu tiên trên thế giới, có tên THEO, để tạo ra những chiếc bánh Baumkuchen.

Castella​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Bunmeido là một trong những thương hiệu bánh Castella nổi tiếng nhất Nhật Bản (Ảnh: Bunmeido Tokyo)
Câu chuyện đằng sau món bánh Castella bị pha trộn bởi sai lệch trong truyền thông và lịch sử giao thương 500 năm qua.
Năm 1543, một vài thương nhân người Bồ Đào Nha được ghi nhận là những người châu Âu đầu tiên đến Nhật Bản sau khi thuyền của họ bị thổi bay bởi một cơn bão. Những năm sau đó, Bồ Đào Nha đã thiết lập quan hệ thương mại với Nhật Bản.
Trong một buổi truyền giáo, một món bánh đơn giản làm từ bột, đường và trứng được mang đến cho người dân tại Nagasaki, món bánh được giới thiệu là “món bánh từ Castile”. Chuyện kể rằng người dân ở đây đã rất thích món bánh này, nhưng lại hiểu nhầm nguồn gốc là tên và gọi nó bằng cái tên đó.
Món bánh này nhanh chóng được người địa phương gọi là “Castella” và trở thành món tráng miệng nổi tiếng khắp Nhật Bản.
Ngày nay, Castella được chế biến với nhiều vị khác nhau – từ chocolate cho đến trà xanh – và một miếng bánh dày mềm xốp, thanh ngọt cùng vị đắng nhẹ của lớp mặt bánh sẽ rất tuyệt hảo khi dùng kèm một tách trà hoặc một cốc cà phê.
Bunmeido và Fukusaya là hai thương hiệu bánh Castella nổi tiếng nhất Nhật Bản.

Mont Blanc​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Namashibori Montblanc là một chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ món Mont Blanc được trang trí với hạt dẻ tươi (Ảnh: IMM Food Services Inc)
Có thể Mont Blanc đã xuất hiện khá phổ biến ở các cửa hàng bánh trên toàn thế giới, nhưng một số quốc gia lại tỏ ra hứng thú hơn với phiên bản phủ sợi cùng hạt dẻ của Nhật Bản.
Thậm chí có những cửa hàng chuyên phục vụ những phiên bản Mont Blanc khác nhau. Ví dụ như một cửa hàng bán waguri (hạt dẻ Nhật) Mont Blanc chỉ có 6 ghế ngồi mở cửa từ 9h30 sáng hằng ngày với số lượng phục vụ hạn chế, hay Namashibori Montblanc, một chuỗi cửa hàng được trang bị cả máy ép hạt dẻ để đảm bảo độ tươi ngon nhất.
Nhưng có lẽ, cửa hàng đặc biệt nhất là Mont-Blanc tại Jiyugaoka, Tokyo.
Năm 1933, sau khi nhà sáng lập cửa hàng này được trải nghiệm chuyến leo núi tuyệt vời tại ngọn núi Mont Blanc (Pháp), ông đã xin phép ngài thị trưởng của Chamonix (địa phương nơi có ngọn núi Mont Blanc) và chủ tịch Khách sạn Mont Blanc (ở thời điểm đó) trước khi đặt tên cho cửa hàng đồ tráng miệng của ông tại Tokyo để vinh danh món đồ ngọt tuyệt vời này.

Su kem (Cream puff)​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Beard Papa’s là chuỗi cửa hàng bánh su kem lớn nhất Nhật Bản (Ảnh: Beard Papa’s)
Akabame cho biết trong số những món tráng miệng tuyệt vời, chắc chắn món ông thích nhất là một món bánh kinh điển – bánh su kem.
Và tất nhiên, Akabame không phải người duy nhất.
Trong một khảo sát gần đây được thực hiện bởi cửa hàng tiện lợi Nhật Bản Seven-Eleven, món đồ ngọt bán chạy nhất là choux a la crème, còn được biết đến với cái tên địa phương là shu kurimu. Đây là một món bánh tráng miệng với phần vỏ mỏng, giòn cùng nhân kem trứng bên trong. (Và Mont Blanc là món tráng miệng đứng thứ ba theo kết quả khảo sát).
Vào những năm 1980, Yokohama được chỉ định là nơi bố trí cho người nước ngoài sinh sống và làm việc. Lúc này, một thợ bánh người Pháp đã giới thiệu món bánh su kem đến với người dân địa phương.
Món đồ ngọt này nhanh chóng thịnh hành và rất nhiều thợ bánh từ khắp Nhật Bản đã đến Yokohama để học cách làm ra nó.

Cheesecake (Bánh phô mai nướng)​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Morozoff được xem là tiệm bánh tạo ra cheesecake phong cách Nhật đầu tiên vào năm 1969 (Ảnh: Morozoff Limited)
Không rõ ai là người đã mang món bánh cheesecake đến Nhật Bản, nhưng rất nhiều người cho rằng Morozoff là cửa hàng đầu tiên tạo ra món bánh cheesecake phong cách Nhật.
Morozoff được thành lập bởi một người Nga chuyên làm mứt tại Kobe vào năm 1931 và khởi đầu là một cửa hàng sô-cô-la. Nhưng mãi cho đến năm 1969, sau khi người kế nhiệm, là Tomotaro Kuzuno, được nếm thử bánh cheesecake tại Berlin (Đức), thương hiệu này mới nảy sinh ý tưởng tạo ra một phiên bản mang phong cách Nhật.
Bánh cheesecake kiểu Nhật thường nổi bật với kết cấu bông xốp – hoàn toàn khác biệt với kết cấu đặc của phiên bản truyền thống vốn đã được yêu thích rộng rãi.
Món Souffle cheesecake, hay còn được gọi là chiếc bánh cheesecake “nhảy múa”, là phiên bản bông xốp nhất trong tất cả các biến thể mang phong cách Nhật. Chiếc bánh này có độ bông xốp cao đến mức nó có thể lắc lư khi người ta di chuyển chiếc bánh.
Thông thường, chiếc bánh này được làm bằng cách hoà quyện cream cheese (kem phô mai) cùng hỗn hợp lòng trắng trứng đánh bông với đường, và kết quả là tạo ra một kết cấu cực kỳ xốp.

Souffle pancake​

7 món tráng miệng phương Tây được đầu bếp Nhật nâng tầm
Nhà hàng bánh kếp Flipper’s ở Nhật Bản chuyên bán bánh souffle pancake với nhiều loại đồ ăn kèm thượng hạng (Ảnh: Flipper’s)
Tương tự với ý tưởng tạo nên một chiếc souffle cheesecake, món souffle pancake của Nhật Bản là một món bánh nóng cũng được làm từ lòng trắng trứng đánh bông với đường, kết quả là một loại pancake cực kỳ bông xốp.
Phiên bản gốc của món bánh thơm ngon và không kém phần ăn ảnh này khá là đặc, nhưng đa số người dùng đồng tình rằng phiên bản bông xốp của Nhật Bản đã trở thành trào lưu trong khoảng 5 – 10 năm trở lại đây.
Bạn có thể bắt gặp hình ảnh những chiếc bánh pancake thơm ngon từ mọi nơi trên Instagram. Những chiếc souffle pancake mềm xốp và đẹp đẽ được dùng kèm với các loại trái cây và kem khác nhau, và được phục vụ ở khắp nơi trên thế giới. Và không chỉ bữa sáng, bạn có thế ăn chúng bất kỳ lúc nào trong ngày.
Trong số những cửa hàng nổi tiếng với món đồ ngọt này, Flipper’s là cửa hàng có món souffle pancake thành công nhất. Chỉ mới được thành lập từ năm 2016 tại Nhật Bản, đến năm 2019, chi nhánh Flipper’s SoHo được khai trương tại New York, và đến năm 2020, Flipper’s tiếp tục mở cửa hàng đầu tiên tại Singapore.
Theo CNN Travel
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top