Bí quyết kinh doanh kỳ lạ của công ty Nhật trị giá 140 tỷ USD: trưng hình hóa thạch khổng lồ ở văn phòng

nhhgiap

Pearl
Ở công ty cảm biến Keyence thuộc tỉnh Osaka, người ta trang trí hành lang và phòng họp tại trụ sở chính bằng những hóa thạch khổng lồ. Mục đích là để nhắc nhở tất cả nhân viên: nếu không phát triển, số phận chúng ta cũng sẽ như hóa thạch.
Bí quyết kinh doanh kỳ lạ của công ty Nhật trị giá 140 tỷ USD: trưng hình hóa thạch khổng lồ ở văn phòng
Chính suy nghĩ này đã giúp Keyence trở thành công ty niêm yết có giá trị thứ ba của Nhật Bản, chỉ sau Toyota Motor và Sony Group, với giá trị vốn hóa thị trường gần 16 nghìn tỷ yên (141 tỷ USD).
Lợi nhuận ròng nửa đầu năm của Keyence đạt 141,78 tỷ yên (báo cáo ngày 28/10), tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đáng chú ý hơn là tỷ suất lợi nhuận hoạt động 56%. Ngoài ra, mối quan hệ thân thiết với khách hàng cũng giúp công ty có nguồn dữ liệu dồi dào để khai thác các xu hướng và ý tưởng mới, cũng như đầu tư vào tìm kiếm tài năng.
Các nhà đầu tư dành nhiều lời khen cho vị chủ tịch của Keyence, ông Yu Nakata 47 tuổi, vì dám tách mình ra khỏi mô hình kinh doanh dựa vào sản xuất hàng loạt cùng những mục tiêu lợi nhuận đầy tham vọng, đã đưa công ty phá vỡ nhiều kỷ lục trước đó. Vốn hóa thị trường của công ty lần đầu tiên vượt qua 10 nghìn tỷ yên vào tháng 5/2020, tạm thời đạt mức 18 nghìn tỷ yên vào tháng 9.
Bên cạnh cảm biến, Keyence còn sản xuất thiết bị điều khiển cho các nhà máy, cạnh tranh với Omron và Mitsubishi Electric. Kính hiển vi kỹ thuật số, đối thủ trực tiếp của Olympus. Theo báo cáo doanh thu của Keyence, họ đạt được 538,13 tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, tuy ít hơn các đối thủ cạnh tranh nhưng tỷ suất lợi nhuận hoạt động lại đạt 51%, hơn gấp 5 lần Omron. Do biết tận dụng nhu cầu ngày càng lớn của tự động hóa nhà máy nên doanh thu và lợi nhuận hoạt động tăng gần gấp ba trong một thập kỷ.

Bí quyết kinh doanh kỳ lạ của công ty Nhật trị giá 140 tỷ USD: trưng hình hóa thạch khổng lồ ở văn phòng
Doanh số bán hàng ở nước ngoài của Keyence là 56% trong năm tài chính 2020. Trung Quốc chiếm 16% trong tổng số, sau khi tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp theo là Mỹ với 14%. Tomoki Komiya của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Mô hình kinh doanh của họ bắt đầu thu được lợi nhuận cao và có chỗ đứng ở nước ngoài”.
“Tỷ suất lợi nhuận tăng là do sức mạnh các sản phẩm của chúng tôi cộng với 70% trong số đó đều là những phiên bản đầu tiên trên thế giới hoặc trong ngành”, Giám đốc điều hành của Keyence nói.
Nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy thành công. Kaoru Kawamoto, giáo sư tại trường khoa học dữ liệu tại Đại học Shiga, cho biết Keyence "đi đầu trong việc phân tích dữ liệu tiếp thị và bán hàng".
Keyence có khoảng 8.000 nhân viên trên toàn tập đoàn, chỉ bằng một phần ba số nhân viên của Omron. Để sử dụng nguồn lực hạn chế này một cách hiệu quả, công ty thuê ngoài sản xuất thay vì vận hành các nhà máy của riêng mình, và tránh nhờ cậy các đại lý bên ngoài bán hàng. Đội ngũ nhân viên công ty chính là những người làm việc đó.
Họ thường xuyên đến thăm các nhà máy và kho hàng của khách để xem xét mối quan tâm cũng như cách các sản phẩm Keyence được sử dụng, sau đó chia sẻ thông tin này với nhóm phát triển.

"Khi chúng tôi liên lạc với họ, họ sẽ liên hệ ngay với chúng tôi", giám đốc điều hành của một nhà sản xuất linh kiện ở tỉnh Nagano cho biết. Đội ngũ công ty có nhiều nhà khoa học dữ liệu tổng hợp, đóng vai trò phát hiện xu hướng và nghiên cứu chiến lược tối ưu nhất để giành được đơn hàng.
Theo một nhân viên của Keyence, công ty đang đi sâu vào phân tích chiến lược thị trường để tránh bị các đối thủ bắt kịp và giảm ưu thế của chiến lược lấy thông tin trực tiếp từ khách hàng. Khi Keyence được thành lập vào năm 1972 với tên gọi Lead Electric, thiết bị tự động hóa của nhà máy được dự định bán thông qua các đại lý. Tuy nhiên, do bước vào cuộc chơi trễ nên nhiều đại lý đã bắt tay với công ty đối thủ, cô lập Keyence.

"Mô hình kinh doanh của Keyence ra đời là vì nó gia nhập thị trường muộn", chủ tịch của một hãng sản xuất thiết bị công nghiệp cho biết. Dù vậy, mức lương thưởng cao đã giúp công ty thu hút và giữ chân những nhân tài cần thiết cho cuộc chơi này.
Nhân viên nhận được trung bình 160.000 USD trong năm tài chính 2020, nhiều nhất so với bất kỳ công ty nào có quy mô từ 100 nhân viên trở lên, đặc biệt nhiều hơn 6.700 USD so với công ty chủ quản số 2 Mitsubishi Corp. Keyence còn trả lại một phần lợi nhuận hoạt động cho nhân viên dưới dạng tiền thưởng bốn lần một năm, ngoài tiền thưởng hàng tháng.
Công ty cho biết:
“Để nâng cao tinh thần, chúng tôi đảm bảo nhân viên được thưởng cho những đóng góp của họ vào doanh số”.
Mối quan hệ thân thiết với khách hàng đã giúp Keyence liên tục nhận được đơn đặt hàng, ngay cả khi nhiều công ty đối thủ đang chao đảo về tình trạng thiếu chip toàn cầu. Trước đó, công ty đã có một quyết định rất sáng suốt, họ tích trữ chất bán dẫn trước do dự đoán được nhu cầu tăng cao.

“Hiện tại, khách hàng thực sự đánh giá cao công ty có khả năng vận chuyển hàng trong ngày như Keyence, điều này đã giúp công ty chiếm được thị phần khá lớn từ đối thủ trong ngành”, ông Tomoki Komiya cho biết.
Nguồn: Nikkei Asia
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top