Cỏ mà làm nên sự kỳ diệu

Nhà khoa học Việt Nam - TS Ngô Thị Thúy Hường cùng cộng sự - vừa nhận giải thưởng của Vua Thái Lan cho công trình công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm. Nhân đây thử tìm hiểu xem loại cỏ này còn làm nên những điều kỳ diệu nào? Giải thưởng Đức Vua Thái Lan (King of Thailand) vinh danh 6 công trình nghiên cứu xuất sắc về cỏ vetiver, diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan, ngày 29/5/2023. TS Ngô Thị Thúy Hường cùng các cộng sự gồm Nguyễn Quốc Định, Nguyễn Thị Thanh Thảo và Vũ Thị Lan Anh, đoạt giải Nghiên cứu xuất sắc ở hạng mục ứng dụng phi nông nghiệp, với công trình “Sử dụng công nghệ xử lý thực vật bằng cỏ vetiver để giảm thiểu dioxin trong đất bị ô nhiễm tại Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, Việt Nam”. TS Ngô Thị Thúy Hường hiện là giảng viên, trưởng nhóm nghiên cứu Hóa môi trường và Độc học sinh thái tại trường Đại học Phenikaa. Mỗi công trình chiến thắng nhận 2.500 USD cùng giấy chứng nhận, được công chúa Maha Chakri Sirindhorn, nhà bảo trợ của Mạng lưới cỏ vetiver, thay mặt Nhà vua trao tặng. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu chỉ ra loại cỏ vetiver được sử dụng để xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng thực vật, qua đó mở ra cơ hội ứng dụng làm sạch các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong đất và nước.
Cỏ mà làm nên sự kỳ diệu
Theo sách “Tên cây rừng Việt Nam” của Nhà xuất bản Nông nghiệp thì cỏ vetiver được gọi là cỏ hương bài hoặc cỏ hương lau, có tên khoa học là vetiveria zizanioides L. Đã có 12 giống cỏ vetiver được phát hiện. Giống cỏ vetiver đã và đang được trồng rộng rãi ở Việt Nam có nguồn gốc từ Phillipines hoặc Thái Lan, không ra hoa kết hạt. Cỏ dạng thân cọng, chắc, đặc, cứng và hoá gỗ. Cỏ mọc thành bụi dày đặc, từ gốc rễ mọc ra rất nhiều chồi tứ phía, phần thân dưới đẻ nhánh rất mạnh. Cỏ có sức chịu đựng đối với sự biến động khí hậu cực kỳ lớn như hạn hán kéo dài, lũ lụt, ngập úng. Giống cỏ này đã được trồng tại hơn 100 nước trên thế giới và làm nên những điều kỳ diệu trong xử lý nước thải ở thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và phục hồi những vùng mỏ đã khai thác. Đơn cử như, xử lý nước thải chăn nuôi ở Trung Quốc. Trung Quốc là nước nuôi nhiều lợn nhất trên thế giới. Mỗi trại lợn thường xả ra 100 -150 tấn chất thải mỗi ngày, kể cả phân lợn tập trung từ các lò mổ, chứa rất nhiều chất hữu cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vấn đề đã được giải quyết bằng việc sử dụng cỏ vetiver tạo ra các vùng đất ngập nước, chất thải được phân hủy phần lớn tại các đồng cỏ ngập nước này và chất lượng môi trường đã được cải thiện. Ước tính 3,5ha cỏ vetiver có thể xử lý 4 triệu lít nước mỗi tháng trong mùa hè và 2 triệu lít mỗi tháng trong mùa đông. Theo các nhà khoa học, nước ta bước đầu thử nghiệm dùng cỏ vetiver để xử lý ô nhiễm tại một nhà máy chế biến hải sản. Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng nitơ tổng trong nước thải giảm 88% sau 48 giờ và giảm 91% sau 72 giờ, hàm lượng phốtpho tổng giảm 80% sau 48 giờ và 82% sau 72 giờ.
Cỏ mà làm nên sự kỳ diệu
Điều kỳ diệu nữa mà cỏ vetiver làm nên, là ổn định đường cao tốc, đường ray xe lửa, đê điều trong nông nghiệp. Đường ray xe lửa thường đi qua các đồi núi, đồng ruộng… là những nơi có dòng chảy tập trung với lượng nước rất cao, do đó thường hay bị xói mòn và sạt lở rất nghiêm trọng. Khác với cây rễ lớn lúc sống có thể phá hại đường xá, lúc chết đi thì tạo thành đường hầm gây xói lỡ. Nhưng hệ thống rễ mảnh của cỏ vetiver với đặc tính liên kết làm cấu trúc tường bền vững, được gọi là “bê tông sinh học”. Bà Mary Wilkowski, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu hệ thống cỏ vetiver Hawaii (Mỹ) cho biết: Việc sử dụng Vetiver rất lý tưởng để ổn định khu vực đất cần bảo vệ. Một cây vetiver có độ chắc chắn như một cuộn thép carbon thấp. Có nhiều nước trên thế giới dùng cỏ vetiver làm giải pháp chính chống sạt lở taluy các công trình giao thông mà không cần sự trợ giúp của các kết cấu bê tông. Ở Thái Lan, cỏ vetiver được sử dụng từ năm 199. Cục Đường cao tốc nước này yêu cầu trồng trên 113 tuyến đường cao tốc và hơn 6,5 triệu nhánh cỏ vetiver được trồng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và xu hướng xói lở nơi đó. Chỉ mất 3-4 tháng, loại cỏ này bao phủ 30-40% diện tích hai bên đường, sau 1 năm, lên tới 80-90%. Ở Malaysia, cỏ vetiver được sử dụng rộng rãi trong các công trình giao thông từ năm 1980. Theo các chuyên gia, chi phí cho cỏ vetiver bằng 20-25% so với giải pháp giằng bê tông hay phun vảy bê tông. Còn nếu so với giải pháp neo bê tông hay khoan bê tông để cắm vào những vách đá thì còn kinh tế hơn rất nhiều. Ở nước ta, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho ứng dụng cỏ vetiver vào chống sạt lở bảo vệ taluy công trình giao thông, công trình xây dựng từ năm 2001. Một trong số đó là đường Hồ Chí Minh. Vào mùa mưa, sạt lở không chỉ diễn ra ở các tỉnh lộ, quốc lộ, mà ở cả các đường liên huyện, liên xã, nhất là ở vùng phía Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta. Vì vậy, từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, từ kinh nghiệm đã trồng cỏ ở đường Hồ Chí Minh chúng ta cần có những đánh giá cụ thể hơn trên từng vùng, từng nền đất khác nhau, từng nền khí hậu khác nhau để có nhận định đúng nhất nhằm áp dụng chuẩn đúng, thành công trong việc sử dụng cỏ vetiver bảo vệ mái taluy. Càng rút ngắn thời gian thì càng tiết kiệm được cho ngân sách chi cho những công trình giao thông. Giải thưởng vừa qua mà TS Hường cùng cộng sự đạt được là niềm cổ vũ lớn lao cho các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiện cứu bảo vệ môi trường, cũng là lời kêu gọi mọi người hãy quý trọng từng cái cây, ngọn cỏ, chung tay bảo vệ môi trường sống theo cách, điều kiện của mỗi người, mỗi vùng… Chúng ta hy vọng những công trình nghiên cứu ứng dụng cỏ vetiver vào xử ô nhiễm vi nhựa và ảnh hưởng của chúng đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người mà TS Hường cùng cộng sự đang làm cũng sẽ đạt được những thành công. ĐĂNG NGỌC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top