Nhà văn Lê Lựu qua đời ở tuổi 81, để lại Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng lưu danh

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã vừa qua đời chiều nay tại quê nhà Hưng Yên, hưởng thọ 81 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thông báo tin buồn này trên trang cá nhân. Ông gọi Lê Lựu là "nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam". Các tác phẩm của nhà văn Lê Lựu có thể kể đến Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Đại tá không biết đùa, Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng...
VNReview.vn
im
g
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn, tiểu thuyết Thời xa vắng - tác phẩm lớn, nổi tiếng nhất của Lê Lựu - đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam những năm 80 thế kỷ trước, tư tưởng của nó "đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954", với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác.
Nhà văn Lê Lựu qua đời ở tuổi 81, để lại Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng lưu danh
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thiều, Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. "Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam".
Ai đã từng gặp Lê Lựu đều thấy toát ra ở ông sự xuề xòa, giản dị đến tuềnh toàng. Ông sinh hoạt đơn giản, ăn nhanh, uống nhanh. Thậm chí có chút gì đó như sự vội vàng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh - người gắn bó với nhà văn Lê Lựu trên dưới hai mươi năm ở tạp chí Văn nghệ quân đội từng nói: ở Lê Lựu luôn toát lên một sự cuốn hút, không hề khéo léo, không hề xã giao. Hình như nó có sẵn trong tiềm tàng bản năng, trong tít sâu cội rễ của văn hoá dân gian, nơi xứ sở đồng quê Phủ Khoái của ông.
Ngay từ lúc Lê Lựu còn khỏe, còn sung sức đi đó đi đây, nói năng hào hứng thì xung quanh ông đã xuất hiện những câu chuyện kể, vui vui, trào lộng, có chút gì đó như giai thoại. Dù những câu chuyện ấy toàn do bạn văn thân thiết, cùng làm việc với ông kể ra. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng khiến nhiều người bất ngờ khi tung ra chi tiết, Lê Lựu hay đi chợ, và mua một con cá kiểu gì ông phải xin thêm một con cua. Trung Trung Đỉnh thì viết: Lê Lựu không phải là người ki bo nhưng “xem” ông mua cá mua rau thì thấy thật tội cho mấy bà hàng cá hàng rau. Mua mớ rau muống mà ông vật lên vật xuống mớ rau đến phát nản lòng, cuối cùng ông lại kì kèo thêm bớt, đòi bà hàng rau thêm cho kẹp kinh giới.
Hơn chục năm trước, cú tai biến đã ghì nhà văn Lê Lựu xuống, khiến “bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm”. Nhưng ông luôn cố gắng, không trông chờ, ỉ lại. Bây giờ ông đã ra đi mãi mãi... Thực sự nền văn học nước ta đã mất đi một cây đại thụ.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top