Phân loại 100.000 tấn rác mong tìm lại ổ cứng chứa 7.500 Bitcoin

Vào năm 2013, cuộc đời của James Howell đã hoàn toàn thay đổi khi anh ném chiếc ổ cứng - có lẽ là chiếc ổ cứng giá trị nhất thế giới nếu còn tồn tại - vào sọt rác. Trước đó, chàng kỹ sư máy tính người Anh từng có hai ổ cứng 2.5-inch trong hộc tủ, một không còn sử dụng nữa, chiếc còn lại chứa ví điện tử với khoảng… 7.500 Bitcoin bên trong. Dù Bitcoin đã giảm đáng kể từ mức đỉnh gần 67.000 USD vào năm ngoái, số token trong ví vẫn có thể giúp chủ nhân của nó thu về gần 185 triệu USD.
Sau khi phát hiện ném nhầm ổ cứng, Howells đã đề nghị Hội đồng thành phố Newport cho phép anh đào bãi rác để tìm lại “kho báu” của mình. Tuy nhiên, yêu cầu này liên tục bị từ chối, kể cả khi chàng kỹ sư đưa ra deal khá hời: tặng chính quyền địa phương 1/4 số tiền mã hóa có trong ví! Lý do vì sao Howells bị từ chối? Đơn giản thôi, cuộc săn lùng của anh bị các chuyên gia đánh giá là tiềm ẩn những mối nguy hại khôn lường cho môi trường, mặc cho được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt 9 năm qua.
Phân loại 100.000 tấn rác mong tìm lại ổ cứng chứa 7.500 Bitcoin
Tuy nhiên, ai lại bỏ qua cả một gia tài như vậy. Howells hi vọng sẽ thuyết phục được chính quyền địa phương cho phép mình tìm kiếm chiếc ổ cứng kia, với kế hoạch táo bạo mới được chứng lưng bởi một quỹ đầu tư mạo hiểm. Thu hồi một thiết bị bé tí lọt thỏm giữa hơn 100.000 tấn rác thải là một việc gần như vô vọng, nhưng chàng kỹ sư tin rằng công nghệ AI và tự động hóa có thể phần nào đẩy nhanh quá trình tìm kiếm.
Howells đưa ra hai hướng đi mới. Hướng đầu tiên là phân loại 100.000 tấn rác trong ba năm, sử dụng kết hợp nhân lực, chó robot Spot của hãng Boston Dynamics, và một băng chuyền đặc biệt tích hợp hệ thống phân loại tự động - tất cả có chi phí không dưới 11 triệu USD và mất khoảng 9 - 12 tháng để hoàn tất. Hướng thứ hai, có quy mô nhỏ hơn, tiêu tốn chỉ 6 triệu USD, nhưng kéo dài đến 18 tháng.
Cả hai kế hoạch đều dựa vào một nhóm các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như khai quật, quản lý rác thải, và trích xuất dữ liệu. Howells thậm chí tìm đến sự trợ giúp của một nhà tư vấn làm việc cho OnTrack, công ty từng khôi phục thành công 99% dữ liệu từ hộp đen của tàu con thoi Columbia.


Sau khi xới tung bãi rác, Howells dự định xử lý sạch sẽ và tái chế càng nhiều rác thải càng tốt, số còn lại sẽ được chôn xuống đất trở lại. Nhóm của anh cũng đang nghiên cứu khả năng xây dựng một nhà máy năng lượng mặt trời hoặc gió ngay trên bãi rác, mục đích là giảm thiểu tác động lên môi trường trong khả năng cho phép. Nhưng liệu ý tưởng lần này có thuyết phục được chính quyền địa phương hay không thì chúng ta sẽ phải chờ xem.
Được biết, Howells đã sẵn sàng chi đậm hơn để tạo động lực cho “đội quân” tìm kiếm của mình, như sử dụng một phần trong số tiền thu hồi được để tặng 61 USD cho mỗi cư dân Newport nếu thành công (Newport hiện có 150.000 người dân). Tuy nhiên cho đến hiện tại, tất cả những gì chàng kỹ sư có thể làm là… chờ được chính quyền cấp phép và tiếp tục hi vọng vào một viễn cảnh tươi sáng đang chờ đón mình trong tương lai.

>>> Game NFT lớn nhất thế giới đã bị hack như thế nào?
Tham khảo: TechSpot
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top