Thiếu việc làm ở quê nhà, thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi tìm việc

Khi Zhu Yuying bắt đầu tìm việc sau khi tốt nghiệp đại học vào mùa thu vừa qua, cậu cử nhân chuyên ngành tài chính nhanh chóng nhận ra thực tại khắc nghiệt hơn nhiều so với những gì từng hình dung trên ghế nhà trường.
Chàng trai 24 tuổi đã gửi đi khoảng 70 đơn xin việc, tham dự nhiều vòng phỏng vấn, nhưng chỉ được nhận vào những vị trí với mức lương khởi điểm khoảng 90.000 tệ - tức chưa đến 307 triệu VNĐ - mỗi năm (tương đương khoảng 25,5 triệu mỗi tháng).
Rồi một ngày, Zhu xem được đoạn video trên nền tảng xã hội Bilibili, trong đó một vlogger đề xuất một ý tưởng khá lạ lẫm để có được công việc lương cao: sang châu Phi.
Tò mò, Zhu làm theo lời khuyên nói trên và gửi CV đến nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Chỉ trong vài ngày, anh đã được nhận làm trợ lý tài chính của một công ty xây dựng hoạt động tại lục địa đen.
Công ty này không cho Zhu biết anh sẽ được chuyển đến quốc gia châu Phi nào, nhưng mức lương hàng năm lớn đến mức anh chẳng thèm suy nghĩ nhiều về điều đó. Anh tiết lộ lương khởi điểm lên đến 240.000 tệ, và sẽ tăng thêm hàng chục ngàn mỗi năm!
"
Tôi dự tính làm việc ở châu Phi vài năm rồi quay về khi nền kinh tế ổn định hơn. Lúc này tìm việc ở châu Phi dễ hơn nhiều" - Zhu nói.
Đối với thanh niên Trung Quốc, chuển đến châu Phi dường như đã trở thành một trào lưu trong năm 2022. Với việc chỉ số thất nghiệp trong giới trẻ đã chạm mức kỷ lục, hàng triệu sinh viên mới ra trường vẫn chật vật tìm một công việc đủ sống tại quê nhà, và sẵn lòng đến những nơi xa hơn nếu có cơ hội.
Nhiều trong số họ thử vận may ở châu Phi. Làm việc cho một công ty Trung Quốc hoạt động tại lục địa đen hiển nhiên có nhiều bất lợi, mà trong số đó là vấn đề an ninh: tại nhiều quốc gia châu Phi, người lao động Trung Quốc chủ yếu quanh quẩn trong các khu sinh hoạt của chính họ do những biện pháp an ninh gắt gao được công ty áp dụng.
Nhưng những thuận lợi - bao gồm lương cao, giờ giấc thoải mái, và nhịp độ làm việc cũng ít căng thẳng hơn - khiến giới trẻ Trung Quốc không thể chối từ trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Một số sinh viên mới ra trường còn xem đây là cơ hội để được khám phá thế giới, phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, và trải nghiệm các nền văn hóa mới.
Chưa rõ chính xác có bao nhiêu sinh viên Trung Quốc đã, đang và sẽ đến châu Phi, nhưng sự hứng thú với đề tài này rõ ràng đang tăng cao trên các mạng xã hội Trung Quốc. Các nhà tuyển dụng trong nước cho biết số lượng đơn nộp trong năm nay từ các sinh viên mới ra trường cũng có dấu hiệu gia tăng đáng kể về chất lượng lẫn số lượng.

Thiếu việc làm ở quê nhà, thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi tìm việc
Vlog của Li Yao về cuộc sống và làm việc tại châu Phi

Sinh viên "hai không"

Li Yao, 26 tuổi, nhân viên một công ty Trung Quốc ở Guinea, là nhân chứng cho sự thay đổi trong tư duy của thanh niên Trung Quốc, xuất phát từ trải nghiệm của…chính bản thân cô. Kể từ khi bắt đầu quay vlog về cuộc sống của mình tại Guinea vào năm 2020, cô đã nhận thấy một sự gia tăng rõ rệt số người có tầm ảnh hưởng ở Trung Quốc đăng tải nội dung tương tự.
Những bài đăng với lời khuyên về việc chuyển đến châu Phi hầu hết được đón nhận nồng nhiệt: cách tìm việc, những thứ cần mang theo, những việc nên và không nên làm khi sống ở các quốc gia khác… Bài đăng của Li về những chủ đề này thường nhận được hàng loạt câu hỏi và bình luận.
"
Kể cả nếu tối không đăng những bài này, thì hàng ngày vẫn có một hoặc hai người hỏi tôi những câu như, 'Quốc gia châu Phi này ra sao?', hay 'Công ty này ra sao?'" - Li nói.
Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp cân nhắc đến châu Phi đều có một điểm chung: họ học các đại học nằm ngoài Đề án 211 và 895 - tập hợp khoảng 100 đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Những cựu sinh của các trường đại học trung bình không thuộc hai Đề án đó - thường được gọi là "shuangfei", hoặc các sinh viên "hai không" - đang chật vật tìm kiếm công việc tại Trung Quốc. Các chủ doanh nghiệp nước này thường chú ý nhiều đến trường mà người nộp đơn từng học. Và thị trường việc làm đối với các sinh viên vừa tốt nghiệp chưa bao giờ trở nên cạnh tranh đến thế.
Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người trẻ Trung Quốc đã tăng gần 20% trong mùa hè năm nay, và tình hình có vẻ sẽ càng khó khăn hơn. Mùa thu vừa qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã công bố kế hoạch giảm tuyển dụng mới giữa bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Tuy nhiên, ở châu Phi, sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc lại được xem là "báu vật". Giao thương giữa Trung Quốc và châu Phi vẫn tăng trưởng đều xuyên suốt thời gian dịch bệnh: năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt mức kỷ lục 254 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản đầu tư của Trung Quốc tại lục địa đen cũng tiếp tục tăng đều đặn.
Ma, một kế toán 24 tuổi vừa tốt nghiệp, cũng đồng ý chuyển đến châu Phi sau khi thử và thất bại trong tìm việc ở quê nhà. Giống như Zhu và Li, Ma học tại một trường đại học "hai không", và nhận ra rằng cô phải đối mặt với những lựa chọn sự nghiệp hết sức giới hạn sau khi tốt nghiệp mùa hè vừa qua.
Cô đã nộp đơn vào khoảng 300 vị trí ở Trung Quốc, nhưng chỉ nhận được 2 lời mời từ các công ty hứa hẹn mức lương 50.000 Tệ mỗi năm. Sau đó, giống Zhu, cô bắt đầu tìm kiếm các công ty Trung Quốc ở châu Phi, và nhanh chóng tìm được một công việc với mức lương cao hơn nhiều.
Nhưng ngay cả các công việc ở châu Phi cũng ngày một cạnh tranh hơn, khi trào lưu chuyển đến khu vực này nở rộ trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ida đã đến Cộng hòa Congo vào cuối năm 2021, sau khi hoàn tất bằng cử nhân tiếng Pháp ở một trường đại học "hai không". Bên cạnh cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn, cô cho biết thoát khỏi các chính sách "zero-COVID" hà khắc của Trung Quốc là lý do chính đằng sau quyết định làm việc ở nước ngoài của mình.
Mặc cho đã bị sốt rét đến 5 lần, cô gái 23 tuổi cho biết cô vẫn hài lòng với những kết quả đã đạt được. Cô đặc biệt ấn tượng với điều kiện sống trong khu nhà cho nhân viên, nơi công ty cô - một doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - cung cấp thức ăn và các vật dụng cá nhân cần thiết cho đội ngũ nhân viên hoàn toàn miễn phí.
"
Điều kiện sống tốt hơn cả mong đợi, với một phòng khá riêng tư. Tôi rất thỏa mãn" - Ida nói.
Một giám đốc đầu tư và tuyển dụng tại một công ty nhà nước của Trung Quốc ở Algeria, tên tiếng pháp là Luc, cho biết cuối năm 2021 là thời điểm mà hoạt động tuyển dụng của Trung Quốc trong khu vực này chứng kiến những bước ngoặt lớn.
Trong năm 2020, khi đại dịch bùng phát mạnh mẽ ở nước ngoài, nhưng đã nhanh chóng bị dập tắt ở Trung Quốc, nhiều công ty ở châu Phi rơi vào cảnh chật vật tìm nhân lực. Nhưng điều đó bỗng thay đổi 180 độ khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp "zero-COVID" nhằm ngăn chặn biến thể Omicron vốn có khả năng lây lan cực nhanh.
"
Từ cuối năm 2021, hoạt động tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn, và năm nay thì nguồn nhân lực từ Trung Quốc sang trở nên cực kỳ phổ biến. Số lượng người đến phỏng vấn tăng đến 80%" - Luc cho biết.
Thiếu việc làm ở quê nhà, thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi tìm việc
Ảnh cuộc sống thường nhật của Ida tại DRC
Ida, cô sinh viên tiếng Pháp hiện đang làm việc cho DRC (Cộng hòa Congo), nói rằng các sinh viên Trung Quốc học các trường đại học ngoại ngữ hàng đầu ở Trung Quốc và Pháp nay đang đua nhau nộp đơn vào công ty cô. Nhiều trong số họ thậm chí có cả bằng thạc sỹ nữa.
Li cũng để ý thấy ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các đại học hàng đầu tìm đến cô với những câu hỏi về quá trình làm việc ở châu Phi. Trước sự ngỡ ngàng của cô, một số tiết lộ họ lo lắng sẽ không thể tìm được việc tại lục địa này.
"
Tôi hơi bối rối một chút. Từ bao giờ mà việc làm ở châu Phi trở nên hấp dẫn đến vậy?" - Li thốt lên.

Cuộc sống trong các khu nhà nhân viên

Với nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp, họ chọn đến một quốc gia ngoại quốc vì những lý do khá thực dụng. Giống như Zhu, một lượng lớn sinh viên xem làm việc ở châu Phi như một quãng thời gian tạm thời - một cách để tích góp trong khi chờ đợi điều kiện ở Trung Quốc được cải thiện.
Khi được hỏi về những lợi thế của việc sống ở châu Phi, hầu hết thanh niên Trung Quốc được phỏng vấn đều tập trung vào vấn đề tài chính: lương cao và chỗ ở miễn phí, cũng như chi phí sinh hoạt rẻ hơn nhiều.
Số khác thì thích thú với những kỳ nghỉ dài ngày: nhiều công ty Trung Quốc trong khu vực cho phép nhân viên được nghỉ có lương trọn một tháng sau mỗi 3 - 5 tháng làm việc - tốt hơn hẳn so với làm việc ở Trung Quốc. Một số thanh niên khác lại đề cao môi trường làm việc ít căng thẳng hơn so với quê nhà.
Còn những bất lợi thì sao? Theo Li, chủ yếu là vấn đề an ninh. Vlogger này cho biết điều kiện an ninh ở các quốc gia châu Phi rất khác nhau: bắc Phi thường an toàn hơn nam Phi và đông Phi, trong khi trung Phi và tây Phi thì kém an toàn nhất.
Hiện sống ở Guinea, nơi vừa có một cuộc đảo chính xảy ra vào năm ngoái, Li khuyên các nhân viên Trung Quốc tránh nơi đông người, phương tiện công cộng, và hạn chế ra ngoài vào ban đêm. Cô cũng khuyến cáo hãy tìm một người bạn bản địa đi cùng khi mua sắm, bởi dân địa phương thường tìm cách cướp giật người Trung Quốc do tin rằng người Trung Quốc đến châu Phi thường…giàu có.

Thiếu việc làm ở quê nhà, thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi tìm việc
Ảnh cơ sở y tế ở DRC do Ida chụp
Điều kiện y tế cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều người Trung Quốc chưa từng sống ở vùng châu Phi hạ Sahara sợ mắc bệnh sốt rét - Li cho biết. Nhưng Ida, người cứ ba tháng lại mắc sốt rét một lần kết từ khi chuyển đến DRC, khẳng định căn bệnh này hiếm khi nguy hiểm hơn cảm cúm, vì hầu hết các quốc gia châu Phi đều có hệ thống y tế đủ sức chữa sốt rét.
"
Điều tôi sợ về sốt rét là nó khiến công việc bị trì hoãn thôi, bởi tôi phải đến bệnh viện để tiêm thuốc" - cô nói.
Nhưng chữa trị các vấn đề y tế thông thường, như đau răng chẳng hạn, lại…khó khăn hơn một chút. "
Hệ thống y tế khá tệ, nên gặp bác sỹ cũng khó. Với chúng tôi, sẽ mất khoảng 2 giờ mới đến được một bệnh viện đủ chuẩn do người nước ngoài sở hữu. Và nó cũng không rẻ" - Ida nói.
Do những mối quan ngại đó, hầu hết sinh viên Trung Quốc được phỏng vấn đều chọn làm việc cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước nhìn chung an toàn hơn và đáng tin cậy hơn - cả ở Trung Quốc lẫn ở nước ngoài.
"
Các ông chủ công ty tư nhân ở châu Phi thường khá lạnh lùng. Và các công ty nhà nước thì có thể an toàn hơn nếu có chiến tranh xảy ra. Các vị phụ huynh cũng thấy thoải mái hơn khi con em mình làm việc cho công ty nhà nước" - Ida nói.
Thiếu việc làm ở quê nhà, thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi tìm việc
Ảnh Ida chụp về một cuộc biểu tình ở Congo, tháng 12/2022
Nhưng điều kiện an ninh mà các công ty nhà nước Trung Quốc ở châu Phi áp đặt lên nhân viên cũng có những bất lợi. Nhiều nhân viên bị hạn chế tự do di chuyển. Theo một số nguồn tin, bao gồm Ida, thì họ chỉ có thể ra ngoài trụ sở công ty nếu chuyến đi được công nhận là "cần thiết" và có được sự cho phép của sếp.
Mắc kẹt trong các khu nhà cho nhân viên, các thanh niên Trung Quốc luôn than thở về sự nhàm chán. Nhiều người cho biết ở hầu hết các quốc gia châu Phi, các phương tiện giải trí khá thiếu thốn so với Trung Quốc. Việc họ bị ngăn cách và hạn chế giao tiếp xã hội với bên ngoài - và hiếm khi đam mê khám phá văn hóa bản địa - chỉ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
Li cho biết cô trở thành một vlogger chủ yếu để giết thời gian. Sự nhàm chán là quá mức chịu đựng, và tháng nào cô cũng khóc do bị tụt cảm xúc. Cô tin rằng nhiều người Trung Quốc có sức ảnh hưởng ở châu Phi làm nội dung giống mình cũng vì những lý do tương tự.
"
Tôi sống xa nhà và xa rời cuộc sống thú vị ở Trung Quốc. Đôi lúc tôi tự hỏi tại sao lại bỏ cả thanh xuân ở châu Phi như thế này" - Li nói.
Thiếu việc làm ở quê nhà, thanh niên Trung Quốc đổ xô sang châu Phi tìm việc
Li Yao chụp hình cùng người địa phương trong một ngày lễ ở Guinea (tháng 10/2022)

Xây dựng nền móng

Nhiều thanh niên Trung Quốc dành khá nhiều thời gian để hoạch định sẵn con đường trở về Trung Quốc, và lo lắng chưa biết chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ hay không.
Họ cảm thấy như đồng hồ đang đếm ngược: tại Trung Quốc, gia đình họ vẫn trông ngóng con cái trở về, mua nhà, kết hôn, và xây dựng gia đình trước năm 30 tuổi.
Một số người sang châu Phi làm việc bởi họ tin rằng quãng thời gian ở đây sẽ giúp họ có được cơ sở để đi theo đúng "thời gian biểu" đó. Họ muốn có được kinh nghiệm làm việc, tiết kiệm được nhiều tiền nhất có thể, rồi quay về Trung Quốc an cư lạc nghiệp.
Nhưng nói thì dễ hơn làm. Ida lo lắng không biết cô có thể tìm được một công việc tốt khi quay về quê nhà hay không. Kinh nghiệm cô có được tại châu Phi có thể không được trọng dụng tại Trung Quốc.
"
Bạn đã đặt nền móng ở châu Phi. Nếu quay về, giống như bạn tự xới móng nhà mình lên vậy" - cô nói.
Nhiều người hay nói đùa về việc mắc kẹt ở nước ngoài. "
Nếu bạn ở một ngày ở châu Phi, bạn sẽ ở cả đời ở châu Phi" - có người nói vậy. Thực ra, câu này có nghĩa là người Trung Quốc thường quen dần với mức lương cao ngất, những kỳ nghỉ dài ngày, và cảm giác phiêu lưu khi rời xa đất nước, để rồi khó tìm được sự thỏa mãn khi quay về.
Ấy thế nhưng, than phiền là vậy, nhiều người dường như đã phát triển tình cảm với quê hương mới của họ. Li nói đầy hào hứng về khung cảnh mặt trời như không bao giờ lặn ở Guinea. Ida thả mình vào nhịp sống chậm rãi ở DRC. Suna, một cư dân sống lâu năm ở châu Phi, vẫn hứng khởi trước khung cảnh Biển Đại Trung Hải dù đã sống ở Algeria cả thập kỷ.
Trong khi đó, Zhu tỏ ra phấn khởi khi được đến châu Phi. Dù vẫn chưa biết sẽ công tác ở đâu, anh tin rằng làm việc tại một khu vực năng động như vậy sẽ mang đến cho bản thân rất nhiều cơ hội quý giá.
Anh dự kiến sẽ làm việc tại châu Phi trong 3 năm, nhưng không loại trừ khả năng sẽ ở lại lâu hơn. Dù sao đi nữa, Zhu cũng không vội kết hôn, bố mẹ anh vẫn khỏe mạnh. Những kỳ nghỉ dài ngày thậm chí sẽ cho phép anh được về thăm họ đến 2 tháng mỗi năm - dài hơn so với bất kỳ kỳ nghỉ nào ở Trung Quốc.
"
Nếu công việc thực sự có tiềm năng, và nếu gia đình hỗ trợ tôi, tôi có thể làm việc cả đời ở châu Phi cũng được" - Zhu nói.
Tham khảo: SixthTone
>> Tại sao đến giờ Trung Quốc vẫn phong tỏa gắt gao, kiên trì chính sách “không Covid”?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top