TP.HCM phá kỷ lục cho thuê văn phòng trong năm 2024

Sasha
Sasha
Phản hồi: 0

Sasha

Writer
Công ty tư vấn bất động sản Knight Frank dự đoán năm 2024 sẽ là năm phá kỷ lục cho thuê của thị trường văn phòng TP.HCM.

Qua 9 tháng đầu năm, theo Knight Frank, TP.HCM cho thuê 96.400 m2 diện tích sàn hiệu dụng (NLA), vượt xa kỷ lục cũ là 81.300 m2 NLA ghi nhận trong năm 2019. Kỷ lục mới này không chỉ đánh dấu tỷ lệ hấp thụ thuần cao nhất trong vòng chín tháng trong suốt 10 năm qua, mà còn cho thấy sức sống và khả năng phục hồi của thị trường văn phòng TP.HCM.

1733903354872.png

Tòa nhà OfficeHaus, quận Tân Phú, TP.HCM

Tỷ lệ hấp thụ cao, nhưng mức giá chào thuê vẫn được duy trì tương đối ổn định, nhờ vào việc các chủ toà nhà đưa ra nhiều hình thức ưu đãi cho khách thuê, giúp tăng tỷ lệ lấp đầy mà không cần tăng đáng kể giá thuê. Nhờ áp dụng những chính sách ưu đãi như thời gian miễn phí thuê hoặc hỗ trợ chi phí hoàn thiện nội thất, chủ tòa nhà có thể nâng cao tỷ lệ lấp đầy mà không cần hạ thấp giá thuê niêm yết, qua đó duy trì ổn định giá trị dài hạn cho tài sản. Cách tiếp cận cân bằng này giúp thị trường tránh “quá nhiệt”, và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong phân khúc.

Các hoạt động thuê và cho thuê văn phòng nhộn nhịp củng cố vị thế của TP.HCM như một trung tâm thương mại hàng đầu Đông Nam Á, và cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn vào cuối năm nay.

Các nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu thuê văn phòng

Hoạt động thuê văn phòng 9 tháng đầu năm nay có sự đóng góp đáng kể từ nhu cầu mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong CNTT, công nghệ, dược phẩm tài chính, và ngân hàng. Khách thuê dẫn đầu là doanh nghiệp CNTT và công nghệ, từ startup nội địa đến tập đoàn đa quốc gia, đã tiên phong tìm kiếm không gian văn phòng hiện đại phục vụ nhu cầu mở rộng.

Các doanh nghiệp ngành dược cũng góp phần không nhỏ trong phân khúc văn phòng cao cấp, nhờ vào làn sóng đầu tư cho y tế ngày càng lớn mạnh. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trong nước và quốc tế tăng cường quy mô hoạt động cũng phát sinh nhu cầu đáng kể về thuê mặt bằng lớn hơn, tích hợp nhiều giải pháp thông minh hơn.

Trong giai đoạn này, TP.HCM chứng kiến nhiều giao dịch thuê quy mô lớn ở các toà nhà mới khánh thành, chủ yếu do nhu cầu chuyển văn phòng của các doanh nghiệp. Điều này phản ánh xu hướng ‘flight-to-quality’ – khách thuê dịch chuyển sang không gian văn phòng chất lượng cao, ngày càng ưu tiên tìm đến những mặt bằng văn phòng có chứng chỉ xanh, trang bị tiện ích hiện đại. Có thể điểm qua một số giao dịch đáng chú ý như công ty ByteDance thuê mặt bằng ở toà nhà The Nexus, GSK Pharma mở rộng văn phòng tại The Metropolitan, và tập đoàn Marvell cùng với Simpson thuê chung mặt bằng tại toà nhà e.town 6, Quận Tân Bình. Quận 2 tiếp tục củng cố vị thế là điểm đến văn phòng cao cấp, với dự án The METT thu hút khách thuê chất lượng cao như ngân hàng Shinhan Bank và CIMB.

Quận 1 vẫn duy trì vị thế độc tôn và đắc địa nhất để các doanh nghiệp đặt văn phòng, liên tục dẫn đầu về nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy. Dù vậy, từ năm 2023, khi các dự án có chứng chỉ xanh như toà nhà The Hallmark và The METT đi vào hoạt động, thì Quận 2 đã nổi lên như một đối thủ xứng tầm, đầy sức hấp dẫn đối với những khách thuê tìm kiếm mặt bằng chất lượng cao nằm ngoài khu vực trung tâm. Thêm vào đó, Quận Tân Bình với lợi thế cận kề sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và hàng loạt toà nhà văn phòng đầy sức cạnh tranh cũng không ngừng thu hút các khách thuê đa dạng.

Trong số những dự án bất động sản thương mại nổi trội, tác động tích cực đến thị trường trong năm 2024, toà nhà The METT (Quận 2) là một trong những địa điểm hút khách thuê hàng đầu, với tỷ lệ lấp đầy tăng vọt từ khoảng 10% trong quý 1 lên hơn 80% vào quý 3 năm nay. Vị trí đắc địa ở bán đảo Thủ Thiêm với cơ sở hạ tầng tối tân giúp dự án này trở thành lựa chọn ưa thích của những khách thuê sáng giá. Tương tự, dự án OfficeHaus (Quận Tân Phú) cũng cho thấy sức tăng trưởng ngoạn mục khi tỷ lệ lấp đầy từ 10% đạt đến 75% chỉ trong một năm, nhờ vào thiết kế LEED Gold bền vững và các giải pháp văn phòng linh hoạt mà toà nhà cung cấp. Dự án cũng đón nhận nhiều khách thuê cao cấp, trong đó có tập đoàn Bosch, khẳng định vị thế của một toà nhà văn phòng được ưa chuộng.

Ở khu nam TP.HCM, dự án Cobi Tower 1 cũng đạt kết quả ấn tượng với 90% lấp đầy trong quý 3, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá thuê cạnh tranh và vị trí thuận tiện. Có thể nói, các dự án này thể hiện sự đa dạng và năng động của thị trường văn phòng TP.HCM.

TP.HCM dẫn đầu các thị trường trong khu vực

Ông Nguyễn Trường Anh, Trưởng bộ phận nghiên cứu công ty Knight Frank Việt Nam chia sẻ: “Hiệu suất kỷ lục của thị trường văn phòng TP.HCM năm 2024 phản ánh khả năng phục hồi kinh tế và sức hút ngày càng tăng của Thành phố đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Nhờ nhu cầu ổn định trong các lĩnh vực then chốt và số lượng dự án văn phòng cao cấp ngày một nhiều, TP.HCM đang củng cố vị thế là một trong những trung tâm thương mại hàng đầu ở Đông Nam Á. Để dễ hình dung thì diện tích hấp thụ thuần 96.400 m2 tương đương với 13.700 chỗ ngồi làm việc, và đó là con số không hề nhỏ.”

Ngoài TP.HCM đang tăng trưởng vượt bậc, thì các thị trường văn phòng khác trong khu vực lại cho thấy kết quả khác nhau. Nguồn cung ở Hà Nội trong 9 tháng đầu năm tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các toà nhà mới khánh thành lại có tốc độ hấp thụ chậm, khiến tỷ lệ trống tăng cao. Bangkok (Thái Lan) lại đang sụt giảm nguồn cung trầm trọng so với năm 2023, và tỷ lệ lấp đầy ở tất cả các phân khúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Thị trường văn phòng Hạng A ở thủ đô Jakarta của Indonesia cũng tiếp tục gặp nhiều thách thức với tỷ lệ trống trên 30% trong Quý 3 năm ngay, cùng với áp lực giảm giá thuê liên tục. Trong khi đó, Kuala Lumpur (Malaysia) lại cho thấy dấu hiệu phục hồi với tỷ lệ trống ở phân khúc văn phòng Hạng A giảm từ 32% còn 27% trong cùng kỳ, nhờ vào các dự án mới được tung ra thị trường và giá thuê tăng.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top