Trung Quốc: mạng lưới những 'cao thủ đi xin việc' để lừa đảo tiền lương

Làm việc cùng lúc cho 16 công ty, Guan Yue vẫn không từ bỏ bất kỳ cơ hội tuyển dụng nào. Mỗi lần phỏng vấn mới, cô đều chụp ảnh và đăng lên các nhóm làm việc khác nhau, vờ đang "gặp khách hàng". Phòng trường hợp không nhớ được hết tên công ty, cô có một bản ghi chú để viết thời gian gia nhập, chức vụ, mã số thẻ lương.
Trong thế giới lừa đảo tiền lương chuyên nghiệp, Guan Yue và chồng Chen Qiang được xếp vào hàng "cao thủ". Họ "chăm chỉ" và tham vọng, khi quá bận sẽ bán cơ hội cho đồng nghiệp và nhận hoa hồng. Chỉ trong ba năm, họ đã dùng số tiền lương lừa đảo để mua một biệt thự ở quận Bảo Sơn, Thượng Hải.
Mánh khóe của cặp vợ chồng này lộ tẩy vào vào tháng một năm nay khi Liu Jian, giám đốc công ty công nghệ Internet ở Hàng Châu, báo cáo vụ việc với cảnh sát. Liu kể vào tháng 10/2022, công ty tuyển dụng khẩn cấp nhân viên bán hàng để quảng bá sản phẩm mới. Chẳng bao lâu, Guan Yue và 7 người nộp đơn.
Sơ yếu lý lịch của 8 người rất ấn tượng. Ai cũng có kinh nghiệm làm ở một số doanh nghiệp lớn, từng xử lý nhiều dự án lớn và có danh sách dài khách hàng chất lượng cao. Công ty hài lòng và chọn Guan Yue làm nòng cốt của nhóm với mức lương cơ bản 20.000 nhân dân tệ (70 triệu đồng). Những người khác lương thấp hơn, từ 8.000 đến 9.000 nhân dân tệ cộng với hoa hồng.
Tuy nhiên suốt ba tháng, nhóm này không tạo ra hiệu quả công việc. Hết thời gian thử việc, công ty quyết định sa thải. 8 người yêu cầu được trả đủ lương trước khi từ chức khiến công ty không còn cách nào khác phải thỏa hiệp.
Không ngờ một ngày Guan Yue đăng nhầm ảnh vào nhóm công ty khiến Liu nghi ngờ. Đây là bằng chứng cho thấy Guan đã làm việc ở một công ty khác, thời gian trùng khớp thời gian làm việc ở công ty của Liu Jian.
"Tôi liên lạc với công ty kia và được biết 8 người này cũng làm ở chỗ họ song song với chỗ tôi, tức được hai mức lương cùng lúc", Liu nói và ngay sau đó lập tức báo cảnh sát.
VNReview.vn

Trên thực tế trước khi Liu báo vụ việc, hành động của nhóm này đã được phản ánh ở nhiều nơi khác, chỉ là chưa có ai có bằng chứng thuyết phục nên cảnh sát cho là tranh chấp lao động thông thường. Trong mọi cuộc phân xử, người chiến thắng thường là "những lao động dễ bị tổn thương". Chồng của Guan Yue, Chen Qiang, đã bị rơi vào 13 vụ kiện lao động như vậy và đều thắng.
Lần này thì khác, sau khi nhận được trình báo, sự việc được giao cho một cảnh sát điều tra kinh tế rất giỏi. Người này phát hiện nhiều thẻ ngân hàng đứng tên Guan Yue, hàng tháng đều có một dòng tiền cố định với cú pháp "tiền lương" từ các công ty nhau gửi vào. Số tiền dao động từ chục nghìn đến hàng chục nghìn tệ. Sốc hơn nữa là tình trạng này kéo dài suốt 3 năm, liên quan hơn một trăm công ty.
Từ Guan Yue, cảnh sát mở rộng điều tra, đến ngày 8/3 bắt đồng loạt 53 nghi phạm. Hôm 19/7, cảnh sát tiếp tục bắt 108 người. Qua hai đợt, tổng cộng 161 người bị bắt, bị cáo buộc lừa đảo ít nhất 130 triệu nhân dân tệ tiền lương. Giữa tháng 8, cảnh sát bắt thêm 11 người.
Nhà chức trách cho rằng hành động của các nhóm này để lại hậu quả nghiêm trọng khi nhiều người lao động chân chính mất cơ hội việc làm. Nhiều công ty mất các dự án lớn, phá sản.
Ví dụ năm 2021 một công ty quản lý quỹ ở Hong Kong muốn phát triển thị trường ở Thượng Hải. Không ngờ 80 nhân viên đầu tiên tuyển dụng đều là những kẻ lừa đảo. Với công ty tài chính này, việc mất tiền lương không phải vấn đề lớn mà là những nhân viên này không làm được gì khiến họ bỏ lỡ mất cơ hội, cuối cùng phải từ bỏ thị trường Thượng Hải.
Những kẻ lừa đảo tiền lương này thuộc nhiều băng nhóm lớn nhỏ khác nhau, có nhóm là vợ chồng, anh chị em, bạn bè, đồng hương, cùng hợp tác, đôi khi phá hoại lẫn nhau. Một công ty công nghệ cho biết ban đầu họ thuê 20 người và sau đó nhận được cuộc gọi nặc danh vạch trần thủ đoạn. Công ty sau đó đã sa thải những kẻ gian lận tiền lương và tuyển dụng nhóm mới. Không ngờ nhóm này vẫn là đồng bọn cũ. Có kẻ còn yêu cầu bạn gái ứng tuyển vào vị trí giám đốc nhân sự của một công ty dưới danh tính thật, sau đó tuyển dụng chính anh ta và đồng bọn vào.
VNReview.vn

Cuộc trấn áp của cảnh sát khiến nhiều kẻ lừa đảo trốn khỏi Thượng Hải để "mở thị trường" ở những nơi khác. Một số đổi tên và giấu danh tính. Để giảm thiểu rủi ro, nhóm này chủ yếu tấn công các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy trình tuyển dụng và chấm công còn lỏng lẻo. Những người gian lận tiền lương này sẽ giới thiệu nhau gia nhập công ty và còn nhận được phí giới thiệu nhân sự.
Cảnh sát phát hiện hầu hết nghi phạm từng làm trong ngành P2P (cho vay ngang hàng). Sau sự sụp đổ của ngành công nghiệp P2P, họ bắt đầu thay đổi nghề. Do có chuyên môn tài chính và quen thuộc với ngành, giỏi ăn nói, họ dễ dàng chiếm được lòng tin của người phỏng vấn. Đây cũng chính là lý do khiến gian lận tiền lương ban đầu xuất hiện thường xuyên hơn trong lĩnh vực tài chính.
Nhờ "rèn luyện trình độ", học vấn ưu tú và sơ yếu lý lịch hoàn hảo, cộng thêm hàng trăm kinh nghiệm phỏng vấn, họ đã trở thành "vua phỏng vấn".
Theo tính toán sơ bộ của cảnh sát, ít nhất bảy hoặc tám trăm người trong các nhóm lừa đảo tiền lương tương tự trên khắp Trung Quốc, chủ yếu ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và sông Châu Giang.
Bảo Nhiên (Theo Zhuanlan)/VNExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top