Vượt Mỹ, Trung Quốc trở thành quốc gia giàu nhất thế giới

Trong hai thập kỷ qua, khối tài sản toàn cầu tăng gấp ba lần, trong đó Trung Quốc dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế và vượt qua Mỹ để trở thành nước giàu nhất thế giới.
Đây là một trong những kết quả tổng kết được rút ra từ báo cáo mới do nhóm nghiên cứu tại công ty McKinsey & Co. thực hiện. Theo đó, các chuyên gia kiểm tra bảng cân đối kế toán quốc gia của 10 nước đại diện cho hơn 60% thu nhập thế giới để tổng hợp số liệu.
Vượt Mỹ, Trung Quốc trở thành quốc gia giàu nhất thế giới
Theo nghiên cứu, giá trị tài sản ròng trên toàn thế giới đã tăng từ 156 nghìn tỷ USD vào năm 2000 lên 514 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần một phần ba mức tăng. Khối tài sản của nước này đã tăng lên 120 nghìn tỷ USD từ 7 nghìn tỷ USD vào năm 2000, một năm trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc gia nhập vào tổ chức quốc tế được xem là cú huých mạnh cho nền kinh tế của đất nước tỷ dân. Trong khi đó, tài sản ròng của Mỹ đã tăng gấp đôi lên thành 90 nghìn tỷ USD. Điều này giúp Trung Quốc vượt mặt Mỹ để giành được vị thế dẫn đầu toàn cầu về khối tài sản ròng.
Tại cả hai quốc gia, hơn 2/3 tài sản thuộc về tầng lớp thượng lưu, vốn chỉ chiếm 10% dân số và tỷ lệ tài sản do nhóm này nắm giữ đang ngày một tăng, báo cáo nêu rõ.
Theo tính toán của McKinsey, 68% giá trị tài sản ròng trên toàn cầu được lưu trữ ở dạng bất động sản, kế đến là những thứ như cơ sở hạ tầng, máy móc và thiết bị. Xếp sau cùng trong bảng phân bố là những tài sản nhỏ lẻ và không hiện hữu như bằng sáng chế hay quyền sở hữu trí tuệ.
Mặt khác, tài sản tài chính không được tính vào hạng mục tài sản toàn cầu vì chúng được bù đắp bằng các khoản nợ.
Báo cáo của McKinsey cho rằng, giá trị tài sản ròng tăng mạnh trong hai thập kỷ đã vượt xa mức tăng trưởng của GDP toàn cầu, được thúc đẩy bởi giá bất động sản leo thang. Các chuyên gia phân tích phát hiện ra giá tài sản gần như đang cao hơn 50% so với mức thu nhập trung bình dài hạn. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững của khối tài sản ròng toàn cầu.
“Giá trị tài sản ròng thông qua việc tăng giá trên và vượt quá lạm phát là vấn đề đáng nghi ngại. Nó đi kèm với những hệ quả không mong muốn”, Jan Mischke, một chuyên gia tại McKinsey Global Institute ở Zurich, cho biết.
Giá bất động sản tăng cao còn khiến cho nhiều người mất khả năng sở hữu nhà, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008 sau khi bong bóng nhà đất ở Mỹ bị vỡ. Trung Quốc có thể cũng sẽ gặp trường hợp tương tự vì nợ của các nhà phát triển bất động sản như China Evergrande Group.
Hãng phân tích cho rằng giải pháp lý tưởng để né sự cố này là giới thượng lưu trên thế giới nên tìm hướng đầu tư hiệu quả hơn để mở rộng GDP toàn cầu. Kịch bản xấu nhất sẽ là sự sụt giảm tài sản có thể thổi bay mất ⅓ của cải trên toàn cầu, nhưng nó sẽ giúp khối tài sản phù hợp hơn với thu nhập trên thế giới.
Nguồn: Bloomberg
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top