VnReview
Hà Nội

Khách hàng mua ptracker bị xử lý thế nào?

Công an Hà Nội đã khởi tố điều tra việc cung cấp phần mềm Ptracker nghe lén, theo dõi hơn 14.000 smartphone Android. Nhiều nạn nhân trong vụ việc này đã gửi đơn trình báo tới cơ quan công an.

Hiện cơ quan điều tra đang xác minh và chưa công bố chính thức về việc Công ty Việt Hồng sẽ bị xử lý như thế nào? Tuy nhiên, theo ý kiến các luật sư, trước hết, có thể xử lý Công ty Việt Hồng về hành vi kinh doanh trái phép, vì chắc chắn công ty này kinh doanh các loại phần mềm nghe lén nói trên không nằm trong danh mục cho phép của Nhà nước. Ngoài ra, có thể xử theo các tội danh xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn phải xác định hậu quả của việc nghe lén là gì, thu thập tài liệu làm gì, đã gây ra hậu quả như thế nào, ảnh hưởng đến uy tín danh dự của những ai, có gây tổn thất gì về tiền bạc hay không?

Về phía những khách hàng đã mua ptracker thì sao? Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội (PC50) cho biết không thể công bố danh sách các thuê bao bị cài đặt phần mềm theo dõi cũng như các cá nhân cài phần mềm này liên quan đến những bí mật đời tư của rất nhiều người, rất nhiều gia đình. Nếu như công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thì sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới bản thân người bị cài đặt.

Cơ quan Công an sẽ phân định ra từng trường hợp cụ thể căn cứ vào mục đích sử dụng của họ và hậu quả. Chẳng hạn, nếu bố mẹ muốn theo dõi để biết con đang ở đâu, làm gì nhằm mục đích quản lý con, hay cá nhân muốn tự lưu giữ các thông tin của mình lại thì có thể được xem xét, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng với các mục đích khác như tổ chức nghe lén điện thoại, xâm nhập điện tử, điện báo để mục đích xấu như vụ lợi, lừa đảo….; đều có thể bị truy vấn trách nhiệm.

Theo CAND

Chủ đề khác