VnReview
Hà Nội

Những điều cần biết về "lướt" thẻ ATM

"Lướt" là một thuật ngữ được sử dụng để ám chỉ hành vi ăn cắp vặt. Tuy nhiên thế giới lướt đã áp dụng những công nghệ cao và thẻ ATM và thông tin tài khoản ngân hàng của bạn đang trở thành mục tiêu của chúng.

Mặc dù bài viết được tham khảo từ Engadgets và chuyên gia an ninh mạng Bkav này không thể giúp bạn nắm bắt được toàn bộ mọi phương pháp những kẻ lừa đảo đang sử dụng, một phần nội dung cũng không quá mới, nhưng nó sẽ trang bị cho bạn một chút kiến thức cơ bản để có thể tránh được rắc rối. Khi bạn đọc xong bài viết này chắc chắn bạn sẽ để ý nhiều hơn tới những máy ATM cũng như máy thanh toán tự động POS trước khi thực hiện giao dịch.

Những điều cần biết về "lướt" thẻ ATM

Bộ thiết bị "lướt" gắn trên máy ATM thường có hai phần quan trọng: Một camera được gắn ở phần bàn phím, và một thiết bị đọc thẻ từ tính có khả năng chụp chi tiết về thẻ của bạn. Những tên trộm sau đó sẽ dùng những thông tin thu thập được để "nhân bản" thẻ ATM của bạn. Kịch bản lừa đảo rất đơn giản: Bạn tới máy ATM ở địa phương để tiến hành rút tiền, camera sẽ ghi lại mã PIN mà bạn nhập vào, trong khi thiết bị đọc thẻ sẽ ghi lại chi tiết về thẻ của bạn. Bạn không hề hay biết và vài tuần sau bạn nhận được thông báo từ ngân hàng hoặc công ty tín dụng rằng, có những giao dịch lạ được thực hiện trên tài khoản của bạn.

Những điều tương tự cũng xảy ra với máy thanh toán tự động POS ở các cửa hàng bán lẻ. Thiết bị đầu cuối thực sự không tồn tại, nó không thực sự kết nối với tài khoản ngân hàng của bạn thậm chí ngay cả khi nó vẫn in ra hóa đơn "hoàn tất giao dịch". Bạn mua một gói kẹo cao su và quét bằng thẻ của bạn, nhưng những tên trộm lại thanh toán cho bạn. Sau đó chúng sử dụng những thông tin thu thập được về tài khoản của bạn để "bù lỗ". Nghe có vẻ điên rồ nhưng loại hình lừa đảo này đang phát triển nhanh chóng.

Theo Engadgets, ở Mỹ đã có những báo cáo cho rằng các trạm xăng cũng trở thành mục tiêu của những tên lừa đảo này. Sử dụng cùng một nguyên tắc đã được áp dụng cho hệ thống ATM, nhưng mật độ thẻ giao dịch qua trạm xăng cao hơn nhiều so với ATM. Nó giống như một bữa tiệc thẻ ATM. Hệ thống có thể được cài đặt chỉ trong khoảng thời gian dưới 2 phút và các tên trộm có thể dễ dàng được thu thập các chi tiết lưu trữ trong thẻ từ xa qua Bluetooth. Vì vậy một tên trộm có thể nhanh chóng đánh cắp hàng trăm tài khoản.

Tại sao bạn nên quan tâm?

Không ai muốn số tiền mà mình phải bỏ công sức ra để kiếm lọt vào tay bọn tội phạm. Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để khôi phục hoặc làm lại thẻ tín dụng cũng như tài khoản ngân hàng.

Những điều cần biết về "lướt" thẻ ATM

Một chiếc bàn phím giả được lắp vào trên bàn phím thật, ghi lại các thao tác (mật khẩu) của bạn khi giao dịch.

Chi phí và cách chế những thiết bị hỗ trợ lừa đảo rất đơn giản và dường như tên trộm nghiệp dư nào cũng có thể thực hiện. Các thiết bị làm giả thẻ tím dụng có thể được mua trên các web đen do vậy bạn nên tự bảo vệ mình tránh khỏi những rắc rối.

Những biện pháp tự bảo vệ

 

Trao đổi với VnReview, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết, "việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ATM không mới, một số cách phổ biến để đánh cắp thông tin thẻ ATM như đặt camera để quay lén (có thể kết hợp với bàn phím giả dán chồng lên bàn phím thật) và; đặt thiết bị đọc thẻ vào khe cắm thẻ (gọi là skimming) lâu nay vẫn xảy ra, đó là lý do hiện nay  các máy ATM thường lắp thêm miếng che bàn phím và có cảnh báo về việc phát hiện thiết bị lạ gắn vào máy ATM". Ngoài ra, ông Tuấn Anh còn lưu ý thêm về mấy vụ bên công an bắt vừa rồi cho thấy, bọn tội phạm không chỉ nhắm vào thẻ ATM thường mà còn nhắm vào thẻ tín dụng, nhưng loại thẻ này cũng có khả năng rút tiền ở máy ATM.

Do vậy, lời khuyên tốt nhất cho bạn đó là nên chú ý khi thực hiện giao dịch và nên giao dịch bằng tiền mặt. Bạn nên quan sát kỹ lượng các máy ATM trước khi sử dụng xem nó có giống những ATM ở gần đó hay không, xem nó có một số bộ phận phình ra bất thường nào không. Hãy quan sát bàn phím và những cạnh bên xem có những lỗ nhỏ (gắn camera) hay không. Những thiết bị hỗ trợ lừa đảo thường chỉ được gắn vào ATM bằng băng dính hai mặt nên trước khi rút tiền bạn nên thử giật nó thật mạnh. Yên tâm rằng nếu ATM không bị gắn thêm bất cứ thiết bị nào thì bạn cũng không phá hỏng bất cứ thứ gì. Nếu thấy bất cứ điều gì bất thường thì đừng sử dụng nó mà hãy tìm một máy ATM khác.

Những điều cần biết về "lướt" thẻ ATM

Che kín bàn phím bằng tay khi nhập mã PIN. Đó là điều dễ thực hiện và có thể khiến những chi tiết về thẻ mà máy quét thu thập được trở nên vô dụng. Gọi cho ngân hàng của bạn và nói chuyện về chính sách bảo mật. Hỏi xem bạn có được bảo hiểm nếu có bất cứ điều gì xảy ra hay không?

Các ngân hàng đang dần áp dụng xác thực hai yếu tố để bảo vệ bạn và tiền của bạn. Hai yếu tố có nghĩa là bạn sử dụng mật khẩu của bạn cùng với một mã khóa sử dụng một lần để truy cập vào tài khoản trực tuyến hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng của bạn. Do vậy, ngay cả khi một tên trộm biết chi tiết về thẻ và mật khẩu của bạn vẫn không thể truy cập vào tài khoản của bạn.

Nếu bạn không may trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo hãy thông báo nó cho ngân hàng của bạn và cảnh sát địa phương. Thông thường, các ngân hàng sẽ làm mọi cách để bảo vệ bạn cũng như để bảo vệ chính họ. 

Bài liên quan:

Tại sao thẻ ATM giả vẫn rút được tiền

Hoàng Kỷ

Chủ đề khác