VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến của những số 0 và số 1

Các hoạt động quân sự ở mọi nơi trên thế giới đang mở rộng vào chiến tranh mạng. Với chiến tranh mạng, tất cả chúng ta đều nằm trên chiến tuyến.

Năm 2012, một chiếc máy bay không người lái tuần tra trên một sân vận động ở Austin, Texas, dựa theo tín hiệu định vị GPS. Nếu không có cảnh báo, chiếc xe sẽ lái đi theo lập trình định sẵn, lao về đích ở phía Đông. Không lâu sau đó, chiếc máy bay lại được điều chỉnh đường bay, và bay vút về phía Nam. Nhưng cuối cùng, nó thay đổi hướng bay và lao thẳng xuống đất.

May mắn, đó chỉ là một thử nghiệm, chứ không phải một thảm họa rơi máy bay thật. Bộ An ninh Nội vụ Mỹ đã tuyển một nhóm kỹ sư của phòng Thí nghiệm hàng không thuộc trường Đại học Texas để xem liệu có thể hack (tấn công) vào máy tính trên máy bay không người lái đã cất cánh. Và họ đã chứng minh điều đó là có thể.

Máy bay không người lái đã trở thành một trong những công nghệ quan trọng nhất trong chiến tranh. Chúng có khả năng giám sát, cung ứng vật tư, và có thể phóng tên lửa vào các mục tiêu nghi ngờ. Quân đội Mỹ có hơn 8.000 máy bay như vậy, bao gồm cả chiếc máy bay nổi tiếng Predator và Reaper. Thế giới đã có trên 80 quốc gia có chương trình robot quân sự. Tuy nhiên, loại bỏ con người khỏi máy bay đã tạo ra lỗ hổng mới không lường được. Mỗi hệ thống robot đều liên kết đến một mạng máy tính để được cung cấp hướng dẫn hoạt động và định vị GPS. Công nghệ tương tự cho phép máy bay không người lái tấn công các mục tiêu cách xa ngàn dặm. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên của những trận chiến kỹ thuật số.

Nếu tin tặc có thể thâm nhập hệ thống vũ khí robot, chúng có thể "thuyết phục" hệ thống robot làm trái với những gì mà nó được lập trình. Kết quả sẽ là một trận chiến hoàn toàn mới, trong đó mục tiêu không chỉ đơn thuần là tiêu diệt xe tăng của đối phương, mà còn khiến các xe tăng lái vòng tròn, tấn công lẫn nhau.

Tiềm năng của các loại tấn công này gần như vô hạn. Năm 2009, một nhân viên tại đập Shushenskaya ở Siberia đã nhấn nhầm một vài tổ hợp phím khi mở một tua-bin, khiến nước dâng trào khủng khiếp và phá hủy nhà máy, giết chết 75 người. Thảm họa đó là một tai nạn, nhưng kẻ thù có thể cố tình thực hiện thảm họa này.

Chiến tranh mạng cũng là chiến tranh dân sự

Cũng như trong cuộc chiến tranh truyền thống, mọi thứ có vẻ dễ dàng trên kế hoạch nhưng lại khó khăn khi thực thi. Các hệ thống mục tiêu rất phức tạp, và vì thế cần có hoạt động khai thác chúng, đặc biệt khi mỗi trận chiến luôn có ít nhất hai phe.

Những thách thức này cuốn các phe theo đuổi các "mục tiêu mềm". Về lý thuyết, chiến tranh là cuộc chiên đấu của các chiến binh. Nhưng trên thực tế, hơn 90% những người thương vong trong cuộc chiến ở hai thập kỷ qua lại là dân thường. Sẽ không có gì phải ngạc nhiên khi cơ chế vận động tương tự diễn ra trong cuộc chiến tranh mạng.

Cách tiếp cận thông thường nhất sẽ là tấn công vào bất kỳ mạng lưới dân sự nào, và tấn công các tổ chức hỗ trợ quân đội. Đó có thể là các nhà thầu tư nhân, những hãng cung cấp phần lớn nguồn cung và hậu cần hỗ trợ cho quân đội hiện đại, hoặc tấn công vào cơ sở hạ tầng cơ bản như cảng và đường sắt. Cũng giống như việc các tàu buôn thường bị biến thành mục tiêu dễ dàng hơn so với các tàu chiến trong cuộc xung đột vừa qua, mạng máy tính dân sự có xu hướng không được bảo mật như mạng máy tính quân sự. Điều đó khiến những mạng lưới dân sự trở thành mục tiêu đặc biệt hấp dẫn.

Trong một trò chơi chiến tranh năm 2012 do Lầu Năm Góc tài trợ, lực lượng kẻ thù mô phỏng đã tấn công một nhà thầu chuyên hợp tác và cung cấp vật tư cho lực lượng quân đội Mỹ. Mục đích là nhằm chuyển mã vạch trên các xe vận chuyển container. Nếu đó là một cuộc tấn công thực sự, quân đội Mỹ trên chiến trường sẽ nhận được chuyến xe chở giấy vệ sinh, thay vì chở đạn dược!

Lịch sử cho thấy, không chỉ thường dân mới hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang. Khi những công nghệ mới như máy bay và tên lửa tầm xa có thể tiếp cận cả ngoài chiến trường, các nhà hoạch định dần dần mở rộng những gì họ coi là mục tiêu hợp pháp. Đến cuối chiến tranh thế giới thứ II, tất cả các bên tham gia vào vụ đánh bom nhằm vào dân chúng trên quy mô rộng, đều cho rằng cách tốt nhất để chấm dứt chiến tranh là đổ mọi chi phí lên dân thường. Khi chiến tranh mạng trở thành hiện thực, những khả năng ảm đạm tương tự có khả năng sẽ sẽ diễn ra.

Với việc cuộc chiến tranh mạng đang trong giai đoạn đầu, vẫn còn quá sớm để thiết lập bản đồ đầy đủ về những tác động của cuộc chiến này. Trong những ngày đầu khi máy bay ra đời, các nhà hoạch định quân sự đã đặt ra các dự đoán. Một số dự đoán đúng, như việc ​​cho rằng máy bay sẽ đánh bom vào các thành phố, nhưng cũng có một số dự đoán sai, như việc máy bay sẽ khiến các loại hình chiến tranh khác bị phế bỏ.

Tuy nhiên dù con người tham gia vào các hoạt động quân sự bằng cách nào, di sản lớn nhất của chiến tranh mạng không phải là bất kỳ khả năng hay chức năng nào. Mà nhiều khả năng, nó sẽ tạo ra một cách thức chiến tranh mới, một sự pha trộn của các công nghệ chiến trường với các chiến thuật đánh nhau, để tạo ra một cái gì đó không ai biết trước.

Khi chúng ta quan sát tình hình, chúng ta thường lâm vào những suy nghĩ bi thảm. Internet có thể đã ra đời trong một dự án của Bộ Quốc phòng, nhưng hiện nay nó đã trở thành một trong những "thế lực" lớn nhất thế giới có khả năng thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi không gian mạng sẽ đóng một vai trò trung tâm trong tương lai của các cuộc xung đột toàn cầu. Chúng ta nên cảm thấy buồn vì điều đó. Chiến tranh, dù là cuộc chiến với các con số 0 và số 1, vẫn là một sự lãng phí các nguồn tài nguyên và con người, một sự lãng phí cay đắng kèm tang thương...

Hoàng Lan

Theo Popsci

Chủ đề khác