VnReview
Hà Nội

Mã độc di động tăng đột biến trong năm 2011

Trong năm 2011, người dùng di động sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công cao gấp hai lần so với năm ngoái, theo bộ phận nghiên cứu bảo mật X-Force của IBM.

;"Nhiều năm nay, những người quan sát thường tự hỏi khi nào thì mã độc sẽ trở thành vấn đề thực sự với những thiết bị di động", Tom Cross, giám đốc bộ phận nghiên cứu bảo mật X-Force của IBM nói trên trang tin tức công nghệ VentureBeat. "Bây giờ, thời điểm đó đã đến".

Các chuyên gia bảo mật của X-Force nghiên cứu các lỗ hổng và các vấn đề bảo mật để phát triển công nghệ đánh giá, xử lý và cảnh báo cho người dùng về những mối đe dọa xuất hiện trên điện thoại di động cũng như trên môi trường web. Trong báo cáo giữa năm về bảo mật Internet và di động vừa công bố, các nhà nghiên cứu của X-Force phát hiện thấy sự kết hợp giữa số lượng lỗ hổng mới và những công nghệ hack điện thoại tinh vi đã dẫn đến sự gia tăng đột biến hoạt động tấn công vào điện thoại di động.

Báo cáo của X-Force cho rằng trong năm 2011, người dùng di động sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công cao gấp hai lần so với năm ngoái. Phần lớn nguyên nhân của vấn đề này, theo các chuyên gia của X-Force là do "nhiều nhà sản xuất điện thoại di động không đẩy nahnh cập nhật bảo mật cho những thiết bị của họ". Trong khi đó, ngày càng nhiều người lưu các thông tin đáng ăn cắp vào điện thoại của họ như thông tin kinh doanh.

Báo cáo này cũng khuyến cáo người dùng nên thận trọng khi tải các ứng dụng không phải là từ các kho ứng dụng chính thống như App Store của Apple hay Android Market của Google. Các kho ứng dụng của các bên thứ ba hoặc các ứng dụng trôi nổi trên mạng hay chứa phần mềm độc hại hơn.

 

Số lượng mã độc di động tăng đột biến trong năm 2011 (nguồn IBM X-Force).

 

Dưới đây là 6 lời khuyên cho người dụng tự bảo vệ trước các mối đe dọa di động:

  • Đặt mật khẩu hoặc mã PIN cho điện thoại để tránh người ngoài truy cập trong trường hợp nó bị lấy cắp hoặc thất lạc.
  • Không tải ứng dụng từ các kho ứng dụng bên ngoài.
  • Cập nhật hệ điều hành của điện thoại.
  • Sao lưu dự phòng dữ liệu thường xuyên.
  • Cài ứng dụng theo dõi điện thoại và xóa dữ liệu từ xa trong trường hợp điện thoại đó bị lấy cắp. Bạn có thể dễ dàng tìm ứng dụng có chức năng đó trên mạng Internet.
  • Tải và sử dụng ứng dụng chống mã độc.

Minh Tiến

Chủ đề khác