VnReview
Hà Nội

Mã độc mang lại tỷ lệ hoàn vốn hơn... 1400%

Mặc cho Google, Microsoft cùng nhiều ông lớn công nghệ khác đã liên tiếp ra mắt các chương trình "diệt bug trúng thưởng", thu nhập khổng lồ mà mã độc mang lại vẫn là quá hấp dẫn đối với phần đông hacker.

Mặc cho Google, Microsoft cùng nhiều ông lớn công nghệ khác đã liên tiếp ra mắt các chương trình "diệt bug trúng thưởng", thu nhập khổng lồ mà mã độc mang lại vẫn là quá hấp dẫn đối với phần đông hacker.

Theo một nghiên cứu của Trustwave do Net Security công bố, tính trung bình hacker sẽ thu lại khoản tiền gấp... 14 lần những gì đã bỏ ra để mua lại các thông tin đã bị rò rỉ. Cụ thể hơn, với khoản tiền đầu tư mua các loại thông tin bất hợp pháp ở mức trung bình 5900 USD (khoảng 130 triệu đồng), hacker sẽ thu lại được 84.100 USD (khoảng 1,84 tỷ đồng).

Không nằm ngoài dự đoán, các thông tin được tội phạm số tìm mua nhiều nhất vẫn là các thông tin có liên quan tới tài chính, ví dụ như dữ liệu thẻ tín dụng, thông tin đăng nhập vào các trang tài chính. Một thông tin khác hết sức đáng chú ý từ nghiên cứu này cho biết: nạn nhân của hacker thường không nhận biết được rằng thông tin của họ đã bị rò rỉ.

"Phần đông nạn nhân, lên tới 81%, không biết họ đã bị lộ thông tin", báo cáo trên khẳng định. Cũng theo nghiên cứu của Trust Wave, khả năng nhận biết thông tin bị rò rỉ sẽ giúp khắc phục hậu quả của vụ việc nhanh chóng hơn. Trong năm 2014, đối với các vụ hack mà nạn nhân phát hiện được tình trạng mất thông tin, thời gian trung bình từ khi bị tấn công cho tới khi khắc phục là 14,5 ngày. Với các vụ hack do bên thứ 3 phát hiện ra, khoảng thời gian nói trên sẽ tăng lên hơn 10 lần (154 ngày).

Hiện tại, các ngân hàng cùng các tổ chức tài chính khác đã bắt đầu đẩy mạnh các biện pháp bảo mật gắt gao hơn. Tuy vậy, với khoản tiền thu được ngày càng gia tăng cũng như các yêu cầu đòi hỏi đối với "nghề hack" ngày càng được thu hẹp, cuộc chiến chống tội phạm số đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Lê Hoàng

Theo Fox News

Chủ đề khác