VnReview
Hà Nội

VNPT sẽ thử nghiệm IPv6 cuối năm nay

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Nghiêm Phú Hoàn cho hay, VNPT sẽ thử nghiệm mạng IPv6 trên một nhóm khách hàng vào cuối năm 2015.

Chiều 15/7, Ban Công tác Thúc đẩy Phát triển IPv6 đã có cuộc họp với VNPT, do Thứ trưởng Bộ TT&TT, Lê Nam Thắng chủ trì.

Tại đây, VNPT đã công bố kết quả khảo sát về hạ tầng các mạng băng thông rộng cố định, mạng 2G/3G, LTE-4G của VNPT đều hỗ trợ IPV6.

Để chuẩn bị cho việc ứng dụng IPv6, VNPT đã cử nhân lực tham gia đào tạo, làm việc với các hãng công nghệ lớn như Alcatel - Lucent, Cisco, Huawei hay LTE… để tìm hiểu các xu hướng công nghệ, giải pháp triển khai IPv6 trên thế giới, đồng thời lựa chọn các phương án xử lý để sử dụng.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Nghiêm Phú Hoàn cho hay, nhà mạng này đã xây dựng các chương trình thử nghiệm từ năm 2011, 2012 và chuẩn bị thử nghiệm chính thức đến các nhóm nhỏ người dùng, sau khi tiến hành cuộc thử nghiệm kéo dài trong thời gian 3 tháng vào cuối năm nay.

Theo dự kiến, với chỉ số tăng trưởng khoảng 10 - 15%/năm, đến năm 2020, tài nguyên IPv4 sẽ cạn kiệt, VNPT đã tính đến nhiều phương án sử dụng IPv6, mặc dù có những khó khăn nhất định như về vấn đề chứng chỉ nhượng quyền.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng hiện các thiết bị phần cứng đời mới có thể tương thích với IPv6 rất nhiều, tuy nhiên số liệu về lưu lượng IPv6 của Việt Nam lại rất ít, điều này đặt ra vấn đề, liệu hạ tầng mạng đã thực sự sẵn sàng chưa?

Theo Thứ trưởng, Bộ đang có kế hoạch làm việc với một số mạng xã hội, các trang điện tử lớn để chỉ đạo sát hơn việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2016, liên quan đến IPv6.

Bộ cũng đánh giá cao những cố gắng bước đầu của VNPT trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi, lên IPv6, tuy nhiên Thứ trưởng cũng lưu ý không chỉ VNPT mà còn các nhà mạng khác, xem xét lại lộ trình phù hợp, cũng như tính tương tích của thiết bị, để đến hết năm 2019, có thể cung cấp IPv6 trên cả nước.

Ngoài ra, một trong những vấn đề cấp thiết để chuyển đổi lên IPv6 đó là an ninh. Thứ trưởng nhắc đến vụ sát hại 6 mạng người tại Bình Dương mới đây, nếu chúng ta sử dụng mạng địa chỉ động trong viễn thông di động sẽ không xác định được ai với ai, nếu sử dụng địa chỉ tĩnh (mà hiện IPv4 đang không làm được) mọi thứ đã dễ dàng hơn. Cho nên, công tác quản lý thông tin là quan trọng, đây là góc độ lợi ích chung của đất nước, của Nhà nước.

Theo thống kê của Google, trong năm 2014, ở quy mô toàn cầu số lượng người sử dụng IPv6 để kết nối đến Google đạt 5%. Ở Việt Nam, con số này vẫn là không đáng kể. Số liệu thống kê qua Lab của APNIC (Asia Pacific Network Information Center – Tổ chức đăng kí số hiệu mạng, chịu trách nhiệm đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương) cho thấy sự hiện diện của IPv6 trên mạng Internet Việt Nam trong năm 2014 là 0,07%, so với 7% của Nhật Bản, 2% của Trung Quốc và 0,05% của Thái Lan.

Thành Lương

Theo ICT News

Chủ đề khác