VnReview
Hà Nội

77% lượng dữ liệu người dùng được Google mã hoá

Đây là một bước tiến lớn trong cuộc chống lại sự theo dõi dữ liệu người dùng của các tổ chức chính phủ và hacker.

Google tiết lộ 77 phần trăm lưu lượng trực tuyến của họ đã được mã hóa

Google vừa tiết lộ các con số cụ thể liên quan đến vấn đề mã hoá các thông tin lưu thông trên công cụ tìm kiếm và các dịch vụ khác của hãng. Cụ thể, mã hoá đã được thực hiện trên 77% các yêu cầu từ khắp nơi trên thế giới gửi về các trung tâm dữ liệu của Google, tăng từ mức 52% vào cuối 2013 (theo thống kê vừa được Google phát hành hôm thứ Ba).

Các sản phẩm được mã hoá không có YouTube, dịch vụ video trực tuyến với hơn 1 tỷ người sử dụng. Tuy nhiên, Google đang gấp rút lên kế hoạch để thực hiện việc này vào cuối năm nay.

Mã hoá là một biện pháp an ninh mà các thông tin được truyền giữa hai đối tượng sẽ không đọc được nếu nó bị thu thập bởi một bên thứ 3.

Google bắt đầu nhận ra sự cần thiết của mã hoá đối với các hoạt động trực tuyến sau khi nhiều tài liệu mật bị rò rỉ vào 2013 bởi cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden. Trong đó tiết lộ thông tin chính phủ Mỹ thu thập các thông tin được chuyển qua Internet. Tại thời điểm đó, nhiều chương trình giám sát, khai thác lỗ hổng trong các trang web không được mã hoá.

Khi bắt đầu áp dụng mã hoá cho dịch vụ của mình, Google đã cố gắng sử dụng sức mạnh của công cụ tìm kiếm để loại bỏ các trang web không có các biện pháp mã hoá an toàn. Vào tháng 8/2014, Google đã sửa đổi công thức của mình để xếp hạng các trang web - những trang web được mã hoá tốt sẽ được ưu tiên trong kết quả tìm kiếm và ngược lại. Từ đó buộc các website phải tự có biện pháp mã hoá nếu muốn có thứ hạng cao trên Google Search.

Google tiết lộ 77 phần trăm lưu lượng trực tuyến của họ đã được mã hóa

Google nhấn mạnh sự tiến bộ của mình về an ninh kỹ thuật số trong bối cảnh FBI và Apple đang bị cuốn vào một trận chiến liên quan đến việc mở khoá một chiếc iPhone của một phần tử khủng bố. Google và nhiều công ty công nghệ khác ủng hộ hành động từ chối giải mã chiếc iPhone của Apple. Công ty cho rằng việc mở "backdoor" cho thiết bị sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài khiến thông tin cá nhân của người dùng trở nên không còn an toàn trước sự tấn công của hacker và thậm chí là với các hoạt động theo dõi của các cơ quan thuộc chính phủ.

Trong cuộc thập tự chinh về mã hoá của mình, Google đang làm cho các nhân viên chính phủ và các hacker gần như không thể giải mã được các thông tin cá nhân của người dùng khi chúng được truyền trên Internet.

Rutledge Chin Feman và Tim Willis, phát ngôn viên của Google cho biết: "Mục tiêu của dự án này xuất phát từ trách nhiệm của công ty cũng như khuyến khích những người khác mã hoá để làm cho các trang web trở nên an toàn hơn".

Dịch vụ thường xuyên được mã hoá nhất của Google là bản đồ (83% lưu lượng) và quảng cáo (đạt 77% so với chỉ 9% lưu lượng vào cuối 2013), các dịch vụ như tin tức và tài chính được mã hoá tương ứng 60% và 58%.

Google, thuộc sở hữu của Alphabet Inc., cho biết họ vẫn đang cố gắng để khắc phục một số vấn đề kỹ thuật khiến cho các dịch vụ của họ gặp khó khăn khi mã hoá. Một số thiết bị cũ không đáp ứng được các tiêu chuẩn mã hoá hiện đại (Google cho biết).

Một con số thú vị khác là gần 96% lưu lượng được mã hoá của Google đến từ các thiết bị di động.

Minh Trung

Chủ đề khác