VnReview
Hà Nội

Thế giới chao đảo vì ransomware Petya

Sau khi lây nhiễm vào các hệ thống chính phủ, ngân hàng tại Mỹ, Ukraine, Pháp, Đan Mạch và các nước Châu Âu vào đêm 27/6 (theo giờ Việt Nam), ransomware Petya tiếp tục lây lan trên toàn cầu với tốc độ khủng khiếp.;

Rất nhiều hệ thống máy tính tại các doanh nghiệp lớn đã bị đình trệ vì Petya như hãng quảng cáo WPP của Anh, công ty vật liệu xây dựng Saint-Gobain của Pháp, nhiều công ty dầu thép của Nga…

Cũng tương tự WannaCrypt0r, máy tính nhiễm Petya sẽ hiển thị thông báo yêu cầu nạn nhân trả tiền mở khóa dữ liệu bằng Bitcoin trị giá 300 USD (6,8 triệu đồng). Nạn nhân trả tiền được yêu cầu gửi email xác nhận đến một địa chỉ cho sẵn, nhưng hiện tại email đó đã bị chặn vì vậy dù có trả tiền vào lúc này cũng không thể mở khóa máy tính được.

Posteo, nhà cung cấp dịch vụ email tại Đức cho biết họ "không hề thao túng bất kỳ sự lạm dụng nào trên nền tảng của mình".

Trường hợp nhiễm Petya đầu tiên được ghi nhận tại Ukraine. Chính phủ, ngân hàng, hệ thống lưới điện, sân bay và tàu điện ngầm tại thành phố Kiev đều bị ảnh hưởng, hệ thống đo bức xạ tại Chernobyl cũng ngừng hoạt động, nhân viên buộc phải dùng máy đo cầm tay để giám sát.

Petya sau đó lây lan nhanh chóng sang các nước Châu Âu khác. Một số hãng thực phẩm, công ty luật, công ty vận tải và hệ thống y tế tại Đan Mạch cũng bị ảnh hưởng bởi ransomware này.

Tất cả vẫn đang cố gắng tìm cách khắc phục sự cố nhanh nhất có thể.

Trong bản tin nội bộ dành cho nhân viên, hãng quảng cáo WPP của Anh cho biết đây là "cuộc tấn công quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tất cả các hệ thống máy tính, laptop Windows". Họ cũng yêu cầu nhân viên tắt và ngắt kết nối với máy tính dùng Windows để đảm bảo an toàn.

Theo The Guardian, một số chuyên gia công nghệ cho biết đây là biến thể của một loại mã độc mang tên Petya (Petrwrap), mã độc tống tiền khóa dữ liệu có trên máy tính và buộc nạn nhân trả tiền chuộc để mở khóa chúng.

Tuy nhiên, nhà phân tích của Kaspersky Lab đã tìm thấy nguồn gốc của "một loại ransomware mới chưa từng xuất hiện" mang tên NotPetya (chính là biến thể của Petya). Cuộc tấn công "NotPetya" đã ảnh hưởng đến hơn 2.000 người dùng tại Nga, Ukraine, Ba Lan, Pháp, Ý, Anh, Đức và Mỹ.

 

 

Cách đây hơn 1 tháng, mã độc tống tiền WannaCry (WannaCrypt0r) tấn công đến hơn 230 ngàn hệ thống máy tính tại hơn 150 quốc gia, bao gồm dịch vụ y tế quốc gia Anh, nhà mạng Telefónica của Tây Ban Nha, hãng đường sắt tại Đức là những trường hợp ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các chuyên gia an ninh mạng tại Symantec cho biết Petya lây nhiễm bằng cách lợi dụng một lỗ hổng có trong phần mềm Windows tương tự WannaCry. Mã độc EternalBlue bị công khai bởi nhóm tin tặc Shadow Brokers hồi tháng 4, được cho là do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) phát triển.

Để lây nhiễm trên các hệ thống đã cài bản vá chống WannaCry, Petya sử dụng 2 cách lây lan khác nhau nhắm vào các công cụ quản trị mạng.

Hiện chưa rõ một máy tính có thể bị lây nhiễm Petya như thế nào, nhưng nhiều khả năng không phải qua email như WannaCry. Trước đó ảnh chụp một máy tính được cho là bị nhiễm Petya đã được đăng tải với thông báo cho biết dữ liệu đã bị mã hóa, yêu cầu trả khoản Bitcoin tương đương 300 USD để lấy mã mở khóa.

Màn hình máy tính bị nhiễm mã độc Petya

Chính phủ Ukraine đã tạm thời đóng cửa sân bay và hệ thống tàu ngầm tại Kiev để tránh việc Petya tiếp tục lây lan, họ cũng đăng bức ảnh GIF lên Twitter với một chú chó uống nước trong căn phòng đang cháy. Nhiều giao dịch ngân hàng bị ngừng trệ vì Petya.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác