VnReview
Hà Nội

Hai hacker Trung Quốc đánh cắp dữ liệu của 45 công ty công nghệ, gồm cả hải quân và NASA

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo vào hôm thứ Năm rằng những hacker Trung Quốc đã đánh cắp thông tin sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh của hơn 45 công ty công nghệ, tổ chức chính phủ ở Mỹ, có cả Hải quân lẫn NASA. Danh sách 12 quốc gia liên quan có Nhật, Pháp, Ấn Độ, Anh,... Đáp lại, Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc và yêu cầu Mỹ rút lại tuyên bố.

Hai hacker đang bị phát lệnh truy nã là Zhu Hua and Zhang Shilong bị tố có hoạt động liên kết với cơ quan chính phủ Trung Quốc. FBI cảnh báo những người này đang sống ở Trung Quốc nhưng sẽ bị bắt nếu đi du lịch bất kì đâu.

Cáo trạng đẩy cuộc xung đột giữa hai cường quốc thêm phần sâu sắc. Nhất là khi chính quyền ông Tập đang cố xoa dịu Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại, với một thỏa thuận vừa đạt được kéo dài 90 ngày để đàm phán thêm. Chưa kể vụ bắt giữ CFO tập đoàn Huawei ở Canada do Mỹ yêu cầu. Tình hình đang trở nên rất căng thẳng.

Dữ liệu bị đánh cắp bao gồm ngày sinh, số an sinh xã hội của hơn 100.000 quân nhân hải quân. Bộ Tư pháp nói ảnh hưởng rất rộng, lan đến 12 quốc gia bao gồm Brazil, Canada, Pháp, Phần Lan, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh và Hoa Kỳ. Thứ trưởng của Bộ Tư pháp Rod Rosenstein phát biểu trong họp báo: "Chúng tôi muốn Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm an ninh mạng bất hợp pháp".

FPI phát lệnh truy nã hai công dân Trung Quốc

Ông cho biết hai người này làm cho một nhóm chuyên gia an ninh mạng APT 10 (Advanced Persistent Threats 10), một mối đe dọa. Chuyên sử dụng malware độc hại để giành quyền truy cập vào mạng máy tính, trích xuất dữ liệu mật trong thời gian dài. Rosenstein nói hai bên đã từng thống nhất sẽ không thực hiện tấn công mạng năm 2015. bản cáo trạng này rõ ràng cho thấy chính quyền Bắc Kinh âm thầm vi phạm những cam kết của họ với cộng đồng quốc tế. Một hành động "không thể chấp nhận được".

Ông bổ sung: "Mỹ cùng các đồng minh biết rõ những việc mà Trung Quốc đang tiến hành, cũng như vì sao họ lại làm như vậy". Chris Wray, Giám đốc cơ quan tình báo ;FBI nói: "Mục đích của họ, không gì hơn ngoài việc thay thế Mỹ trở thành siêu cường chi phối thế giới, và họ quyết tâm thực hiện kể cả bằng những hành động phi pháp cho mục đích đó". Những lĩnh vực bị tấn công bao gồm tài chính, ngân hàng, viễn thông, sản phẩm điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế, bao bì, sản xuất, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học, xe hơi, thăm dò và khai thác dầu khí, khai khoáng.

Mỹ cùng các đồng minh tố cáo Trung Quốc đã hậu thuẫn cho các chiến dịch tấn công mạng, đánh cắp nhiều thông tin nhạy cảm từ các công ty, tổ chức nước ngoài

Đồng minh thân cận là nước Anh cũng lên tiếng. Họ khẳng định Trung Quốc là thủ phạm hàng loạt vụ tấn công mạng ở châu Âu. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia khẳng định "gần như chắc chắn" nhóm này đứng sau nhắm vào các nhà cung cấp dịch vụ mạng toàn cầu, ít nhất là từ năm 2016 nhằm đánh cắp những bí mật doanh nghiệp. Trung tâm nói "khả năng rất cao" họ thực hiện theo lệnh từ cơ quan cấp cao, tức chính phủ Trung Quốc.

Những hành vi này "đi ngược lại các cam kết với Anh quốc năm 2015, cũng như một phần của khối G-20, rằng sẽ không thực hiện hoặc hỗ trợ cho các hoạt động đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại". Ngoại trưởng Anh là Jeremy Hunt cho biết trong một bản tin: "Thông điệp của nước Anh với các chính phủ hậu thuẫn cho những hành vi này rất rõ ràng: Cùng với các đồng minh, chúng tôi sẽ vạch trần hành động của cac vị, và tiến hành những bước cần thiết để đảm bảo luật pháp được thực thi".

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh đã phủ nhận toàn bộ những cáo buộc phía Mỹ và đồng minh đưa ra. "Chính phủ Trung Quốc không bao giờ tham gia hay hỗ trợ bất kì hành vi ăn cắp bí mật công nghệ nào", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố. Đồng thời họ cũng yêu cầu phía Mỹ rút lại những cáo buộc sai trái của mình.

Ambitious Man

Chủ đề khác