VnReview
Hà Nội

Nga thao túng GPS để đảm bảo an ninh cho Tổng thống

Các nhà nghiên cứu tại một viện nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện một điều thú vị xuất hiện bất cứ khi nào Tổng thống Nga Vladimir Putin đến gần một bến cảng: Vị trí GPS của các tàu đang neo đậu tại đó bị rối loạn khiến chúng được định vị trên đường băng của sân bay cách đó nhiều km.

Theo một báo cáo gần đây của các chuyên gia bảo mật thuộc nhóm C4ADS, hiện tượng này cho thấy ông Putin mang theo một thiết bị giả mạo GPS di động và rộng hơn là Nga đang thao túng các hệ thống định vị toàn cầu ở quy mô lớn hơn nhiều so với trước đây.

"Nga tiếp tục đóng vai trò tiên phong khi sẵn sàng triển khai các chế độ này để bảo vệ Lãnh đạo cao cấp và các cơ sở quan trọng chiến lược, đồng thời tận dụng các kỹ thuật này để thúc đẩy các nỗ lực tại biên giới ở Syria và biên giới châu Âu của Nga", báo cáo cho hay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ kỷ niệm Ngày Hải quân ở Baltiysk, vùng Kaliningrad, Nga, ngày 26 tháng 7 năm 2015. REUTERS

Là một phần trong nỗ lực của Kremlin nhằm làm suy yếu thế mạnh quân sự của phương Tây về vũ khí chính xác, quân đội Nga đã đầu tư lớn vào chiến tranh điện tử, tăng cường hoạt động gây nhiễu thông tin liên lạc hiện thực hóa ý tưởng chiến tranh mạng của Mỹ.

"Vũ khí thông minh cần người sáng suốt để khiến chúng thực sự hiệu quả. Chúng cần tọa độ định vị, cần hệ thống định vị", Michael Kofman, chuyên gia quân sự Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA chia sẻ với Business Insider. "Tốc độ hoạt động đòi hỏi phải truy cập liên tục vào dữ liệu theo thời gian thực" và quân đội Nga tin rằng chiến tranh điện tử "là một phần của câu trả lời cho sự thống trị của Mỹ với vũ khí chính xác và tấn công trên không".

Nga đã đi tiên phong trong các công nghệ này ở Ukraine và Syria, gây nhiễu tín hiệu radio, GPS và radar. Tại Syria, các vị chỉ huy quân đội Mỹ đã phàn nàn về "môi trường chiến tranh điện tử quá khốc liệt", và quân đội Mỹ hiện đang có những động thái để nâng cấp khả năng tác chiến điện tử.

Sự chú trọng của Nga vào chiến tranh điện tử thể hiện ở chi tiết bảo đảm an ninh cho tổng thống Putin, trong đó giả mạo GPS là một cách để bảo vệ nhà lãnh đạo Nga trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Nhưng việc sử dụng công nghệ giả mạo đó cũng có thể được theo dõi và cho thấy góc nhìn về quy mô, hiệu quả của việc tác chiến điện tử.

Các vệ sĩ của Putin đang sử dụng thiết bị để ngăn chặn các vụ ám sát bằng máy bay không người lái. Thiết bị giả mạo GPS (GPS spoofer) đi cùng với Putin mạo danh tín hiệu GPS dân sự và cung cấp tọa độ sai cho các sân bay địa phương. Nó chọn tọa độ của các sân bay địa phương vì máy bay không người lái thường được lập trình sẵn với các cơ chế an toàn khiến chúng tự động hạ cánh hoặc dừng hoạt động khi đi vào không phận của sân bay.

Một chiếc máy bay Ilyushin Il-96-300 chở Tổng thống Nga Vladimir Putin tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 4 tháng 10 năm 2018. Ảnh Reuters

Về lý thuyết, máy bay không người lái hoạt động gần Putin sẽ tắt hoặc tự động hạ cánh khi chúng nằm trong phạm vi của spoofer. Sợ bị ám sát bởi máy bay không người lái là một điều thực tế: Năm ngoái, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro đã may mắn sống sót sau sự cố liên quan đến việc sử dụng máy bay không người lái để ám sát ông bằng chất nổ.

Nhưng việc sử dụng công nghệ giả mạo của Nga đang gây ra một số sự cố khá thú vị. Vào tháng 9 năm 2016, Putin đã tới eo biển Kerch cùng với Thủ tướng Dmitry Medvedev để kiểm tra tiến độ trên cây cầu trị giá 4 tỷ đô la đến lục địa Nga và gặp gỡ công nhân. Trong khi hai nhà lãnh đạo Nga ở đó, hệ thống nhận dạng tự động của các tàu gần đó – những hệ thống vốn hoạt động dựa một phần vào GPS – bắt đầu được định vị ở sân bay Simferopol cách đó khoảng hơn 200km.

Hai năm sau, Putin trở lại Kerch để dẫn một đoàn xe băng qua cây cầu mới được xây dựng. Một lần nữa, tàu trong khu vực báo cáo thông tin vị trí lạ, xuất hiện tại sân bay Anapa ở lục địa Nga.

Bằng cách kiểm tra dữ liệu vị trí hàng hải, vốn có sẵn công khai, các nhà nghiên cứu tại C4ADS đã có thể đưa ra ước tính đầu tiên về tác động của các hoạt động giả mạo của Nga. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2016 đến tháng 11 năm 2018, C4ADS đã ghi nhận 9,883 trường hợp giả mạo ảnh hưởng đến 1.311 tàu, cho thấy việc giả mạo của Nga lan rộng hơn và bừa bãi hơn so với mọi người hình dung trước đây.

"Điều này thực sự thú vị bởi vì nó giúp chúng tôi hiểu được tác động và thấy các đối tượng bị ảnh hưởng về mặt địa lý", Kofman nói. "Thách thức với chiến tranh điện tử là bạn không thể đo lường được".

Cầu đường bộ và đường sắt giữa lục địa Nga và Bán đảo Crimea, qua eo biển Kerch, Crimea, ngày 25 tháng 4 năm 2018. REUTERS

Con số đó đại diện cho số lượng sự cố giả mạo GPS, do nó chỉ ghi nhận một loại hệ thống bị ảnh hưởng. Báo cáo của C4ADS tập trung vào các tín hiệu GPS trên biển vì tính sẵn có của chúng và các hệ thống dân sự khác không công khai vị trí cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các địa điểm bị ảnh hưởng bởi việc giả mạo GPS và được C4ADS ghi lại bao gồm các khu vực xung quanh Crimea, St. Petersburg, Moscow, ở phía đông của Vladivostok và xung quanh các căn cứ quân sự của Nga ở Syria.

C4ADS đã ghi nhận việc triển khai các máy giả mạo GPS chống máy bay không người lái trong các khu dân cư chính thức của Nga và các tòa nhà chính phủ, bao gồm cung điện kiểu Ý trên Biển Đen. Điện Kremlin luôn phủ nhận rằng cung điện là của Putin, nhưng sự hiện diện của hệ thống lại cho thấy điều khác. C4ADS đã có thể xác định loa siêu trầm GPS đang hoạt động quanh khu vực cung điện.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy công nghệ được triển khai tại căn cứ quân sự của Nga ở Syria, nơi các nhóm quân sự đã tấn công bằng máy bay không người lái.

Không có dấu hiệu nào cho thấy việc giả mạo GPS của Nga đã gây ra tác hại dân sự trực tiếp. Năm nay, việc gây nhiễu GPS đã khiến một chiếc máy bay cứu thương không hoạt động ở miền bắc Na Uy và các nước láng giềng của Nga phàn nàn về sự can thiệp này.

Trong các cuộc tập trận của NATO ở Scandinavia năm ngoái, các phi công đã báo cáo gặp sự cố với hệ thống GPS của họ. "Đây không phải là một trò đùa. Nó đe dọa an ninh hàng không dân sự", Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila, một phi công có kinh nghiệm cho biết. Tình báo Na Uy sau đó đã lần ra manh mối liên quan đến quân đội Nga.

Các phi công của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ lái một chiếc MV-22B Osprey trong Cuộc tập trận Trident gần miền bắc Na Uy, ngày 6 tháng 11 năm 2018. Ảnh: Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ

Không chỉ có quân đội Nga gây nhiễu tín hiệu GPS. Năm nay, quân đội Hoa Kỳ cảnh báo rằng các cuộc tập trận can thiệp GPS có thể sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống trên một vùng rộng lớn của miền đông nam Hoa Kỳ. Hệ thống kỹ thuật nào mà Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ sử dụng để bảo vệ các nhà lãnh đạo Mỹ khỏi các mối đe dọa từ máy bay không người lái vẫn còn là bí ẩn.

Hoạt động này cho thấy hệ thống GPS rất dễ bị thao túng. Các nhà nghiên cứu bảo mật đã chỉ ra trong nhiều năm rằng các hệ thống như vậy có thể dễ dàng bị giả mạo và không biết các nhà sản xuất các hệ thống đang thực hiện các biện pháp gì để bảo vệ chúng.

Hệ thống GPS phổ biến trong nền kinh tế hiện đại, được ứng dụng trong điện thoại thông minh, xe hơi và hệ thống điều khiển công nghiệp. Ví dụ, lưới điện của Mỹ sử dụng GPS cho nhiều mục đích khác nhau.

Với sự ra đời của radio định vị bằng phần mềm, việc giả mạo tín hiệu GPS đã trở nên dễ dàng và rẻ tiền. Theo C4ADS, chi phí của thiết bị được sử dụng để giả mạo tín hiệu GPS là khoảng 350 đô la, giảm từ khoảng 10.000 đô la một vài năm trước.

Hồng Đăng (Theo Business Insider)

Chủ đề khác