VnReview
Hà Nội

Muốn kiểm duyệt Internet, phương Tây còn phải "học hỏi" Trung Quốc nhiều!

Trong khi phương Tây vẫn đang loay hoay với các quy định kiểm soát Internet, Trung Quốc đã có một hệ thống kiểm soát nội dung tinh vi.

Các chính phủ trên khắp thế giới đang cố gắng để các công ty Internet phải chịu trách nhiệm về những gì được đăng tải trên nền tảng của họ trong bối cảnh lo ngại về sự lan truyền của nội dung độc hại trên phương tiện truyền thông xã hội. Tháng trước, Facebook đã để một tay súng người Úc phát trực tiếp vụ xả súng hàng loạt khiến 40 người thiệt mạng ở New Zealand. Mặc dù tài khoản này đã nhanh chóng bị cho ngừng hoạt động, đoạn video về vụ thảm sát đã lưu hành trên mạng, gây ra lo ngại về hậu quả của một mạng Internet phần nhiều không được kiểm soát.

Những tuần gần đây, chính phủ ở các quốc gia gồm Vương quốc Anh và Singapore đã có vai trò chủ động hơn trong việc xác định ranh giới của nội dung trực tuyến có thể được chấp nhận. Ví dụ, các nhà lập pháp ở Úc đã thông qua một đạo luật bao quát để trừng phạt những gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Twitter nếu họ không xóa những nội dung không phù hợp khỏi nền tảng của họ "một cách mau lẹ".

Mặc dù phương Tây không thể áp dụng toàn bộ mô hình kiểm soát Internet của Trung Quốc - một số công cụ là có khả năng. Ảnh: AFP

Tất cả đều rất quen thuộc với Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc điều hành cỗ máy kiểm duyệt tinh vi nhất thế giới, được hỗ trợ bởi sự kết hợp của luật pháp, công nghệ và con người. Mặc dù phương Tây có thể không áp dụng hoàn toàn mô hình của Trung Quốc, họ có thể "học hỏi" một số cách, như dưới đây.

Cấm các nội dung cụ thể

Chính phủ Trung Quốc có hàng loạt đạo luật và quy định cấm các nội dung trực tuyến mà họ cho là phi pháp hoặc không phù hợp. Trung tâm của bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc là Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), những năm gần đây đã đưa ra các quy định chi tiết về các dịch vụ trực tuyến đang ngày càng phổ biến.

Một trong những quy tắc mới của CAC, có hiệu lực vào tháng 11/2018, yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội có lưu trữ các video ngắn, các đoạn live-stream và các blog ngắn… thường xuyên đánh giá mức độ rủi ro của chúng.

Bên cạnh chính trị, các nhà kiểm duyệt Internet của Trung Quốc cũng sàng lọc nội dung về tình dục, bạo lực, khỏa thân, các mối quan hệ đồng tính…

Great Firewall (Đại tường lửa)

Internet Trung Quốc thường được gọi đùa là "mạng cục bộ" nhờ có Great Firewall toàn năng – tổ hợp các hệ thống lọc Internet được sử dụng ở Trung Quốc để chặn truy cập vào hàng ngàn website nước ngoài. Đứng đầu trong số các website nước ngoài bị cấm là các tổ chức tin tức lớn của phương Tây như New York Times và các mạng xã hội như Twitter và Facebook.

Một trong những cách dễ nhất để vượt qua Great Firewall là sử dụng mạng riêng ảo (VPN), tạo ra một kênh mã hóa giữa người dùng và Internet. Nhưng những năm gần đây, các nhà chức trách đã triệt phá các dịch vụ VPN trái phép, trong một số trường hợp người dùng bị phạt và người bán VPN bị bỏ tù.

Thay cho các dịch vụ trực tuyến lớn trên toàn cầu, Trung Quốc cung cấp cho 800 triệu người dùng của mình với các dịch vụ nội địa tương đương - những dịch vụ chịu sự kiểm duyệt của chính phủ. Họ có Baidu thay cho Google, Weibo thay cho Twitter và iQiyi thay cho Netflix...

Màn hình laptop có chữ "VPN" được viết trong trường tìm kiếm của Baidu. Ảnh: AFP

"Đại pháo"

Bộ máy kiểm duyệt của Trung Quốc cũng có thể chặn và chuyển hướng một lượng lớn lưu lượng truy cập web đến các trang web cụ thể để đánh sập chúng. Theo một báo cáo năm 2015 của Citizen Lab, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Toronto, các cuộc tấn công Từ chối dịch vụ phân tán (DDoS) được dàn xếp bởi một hệ thống tấn công riêng biệt có tên là Đại pháo, công cụ tấn công mới của Trung Quốc.

Theo Citizen Lab, mục tiêu đầu tiên được biết đến của Đại pháo là các dịch vụ được thiết kế để vượt qua hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc, bao gồm hai trang trên web lưu trữ mã nguồn GitHub. Tháng 3/2015, GitHub liên tục bị sập trong cuộc tấn công DDoS kéo dài năm ngày có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Đăng ký bằng tên thật

Trung Quốc đã giết chết tính ẩn danh của Internet. Đăng ký bằng tên thật hiện được áp dụng cho tất cả mọi dịch vụ, từ các diễn đàn thảo luận đến các trò chơi video. Mặc dù người dùng không phải công khai hiển thị tên thật của mình thông qua các dịch vụ này, họ được yêu cầu cung cấp chứng minh thư và số điện thoại di động khi đăng ký.

Vào tháng 2/2019, CAC đã ban hành các quy tắc mới yêu cầu người dùng Trung Quốc đăng ký tên thật của họ trước khi có thể sử dụng các nền tảng blockchain ở quốc gia này, mặc dù tính ẩn danh chính là ưu điểm vượt trội của công nghệ phía sau các loại tiền điện tử như bitcoin.

Chủ quyền dữ liệu

Nền tảng kiểm soát Internet của Trung Quốc là dữ liệu. Một đạo luật an ninh mạng bao quát có hiệu lực vào năm 2017 yêu cầu các công ty Internet hoạt động tại Trung Quốc lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ địa phương và cho phép kiểm tra khi chính quyền thấy cần thiết. Ví dụ, Apple cho phép nhà mạng di động của nhà nước xử lý dữ liệu thuộc về người dùng iCloud tại Trung Quốc.

Dù vậy, lộ lọt dữ liệu vẫn thỉnh thoảng dữ liệu của khoảng 364 triệu hồ sơ truyền thông xã hội Trung Quốc bị rò rỉ trực tuyến, tiết lộ thông tin nhạy cảm như tên thật và số ID được thu thập bởi một mạng lưới giám sát có liên kết với chính phủ, theo nhà nghiên cứu an ninh mạng Victor Gevers.

Người điều hành nội dung

Các công ty Internet của Trung Quốc sử dụng đội quân kiểm duyệt là con người để kiểm soát nội dung do người dùng tạo ra trên nền tảng của họ - và con số này vẫn tiếp tục tăng. Năm ngoái ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok, đã cam kết mở rộng đội ngũ kiểm duyệt của mình cho ứng dụng tổng hợp tin tức Toutiao từ 6.000 đến 10.000 người.

Tại Inke, một trong những ứng dụng live-stream phổ biến nhất Trung Quốc, trí thông minh nhân tạo được sử dụng để ghi nhãn, xếp hạng và sắp xếp nội dung theo các mức độ rủi ro khác nhau. Sau đó khoảng 12.000 nhân viên tiếp quản kết quả, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính để tìm kiếm những thứ có thể vi phạm các quy định của chính phủ, chẳng hạn như hình xăm và bikini.

Trên thực tế, xem xét nội dung đã trở thành một hoạt động kinh doanh mới đầy hứa hẹn cho các phương tiện tin tức nhà nước như People's Daily, nơi cung cấp các dịch vụ kiểm soát rủi ro cho bên thứ ba.

Inke là một trong những ứng dụng live-stream hàng đầu tại Trung Quốc với khoảng 250 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Ảnh: SCMP

Giới hạn thời gian sử dụng smartphone cho trẻ em

Trong nhiều năm, thị trường trò chơi điện tử Trung Quốc phải chịu sự điều tiết của một hệ thống chống gây nghiện từ chính phủ, cụ thể là tắt phần thưởng trong trò chơi sau khi người dùng chưa đủ tuổi dành hơn 5 giờ chơi một trò chơi trực tuyến mỗi ngày.

Tháng trước, CAC đã đưa ra các dự án thử nghiệm trên các ứng dụng video ngắn bao gồm Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) và Kuaishou, cho phép phụ huynh giới hạn thời gian hiển thị màn hình cho trẻ em chỉ 40 phút mỗi ngày.

Khi điều này được thông qua, người dùng chưa đủ tuổi sẽ chỉ có thể truy cập vào nội dung video được coi là phù hợp. Cơ quan quản lý Internet hàng đầu có kế hoạch tung ra hệ thống chống nghiện cho các ứng dụng video ngắn trên toàn quốc vào tháng 6.

Đe dọa, quấy rối, bắt giữ

Sau tất cả các hạn chế trực tuyến, chính quyền Trung Quốc thâm nhập vào cuộc sống thực để đàn áp các ý kiến ​​được coi là mối đe dọa đối với nhà nước. Trên khắp đất nước vẫn có các nhà hoạt động bị bắt vì nội dung mà họ đã đăng tải trong quá khứ.

Một số người cho biết cảnh sát còn đe dọa gia đình của họ. Theo tờ New York Times, gần đây, chính phủ đã mở rộng kiểm soát của mình đến người dùng Twitter tại Trung Quốc vì đăng tải các quan điểm nhạy cảm về chính trị.

L.H.X theo South China Morning Post

Chủ đề khác