VnReview
Hà Nội

Tội phạm tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng tinh vi

Tình hình các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam trong thời gian gần đây diễn biến theo chiều hướng phức tạp khi số lượng giảm nhưng lại ngày càng tinh vi hơn.

10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin trong năm 2018

Những năm gần đây, rất nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích đã diễn ra trên thế giới và ở cả Việt Nam. Các cuộc tấn công này rất tinh vi, quy mô ngày càng lớn và khó để khắc phục hậu quả. Thực tế cho thấy, phần lớn những giải pháp để chống tấn công mạng tưởng chừng như đáng tin thì cũng đã tồn tại lỗ hổng. Hiện nay, kẻ xấu có rất nhiều chiêu trò để lừa người dùng.

Trong khuôn khổ hội thảo Hội thảo – Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2019 diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội, rất nhiều con số giật mình về an ninh mạng đã được các chuyên gia và nhà quản lý đưa ra. Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thì thời gian gần đây, các cuộc tấn công mã độc về số lượng thì có vẻ giảm nhưng quy mô và sự phức tạp lại lớn hơn trước rất nhiều. Quý 1/2019, Việt Nam ghi nhận 79 triệu sự kiện mất an toàn thông tin trong đó có 28 triệu sự kiện ở mức độ nguy hiểm cao.

Các chuyên gia nhận định rằng tấn công mạng tại Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp

Theo thống kê của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Bộ thông tin và truyền thông, trong năm 2018 Việt Nam xuất hiện 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin. Trong số đó, có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo, 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện, 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc.

Đặc biệt, theo Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào - Phó Ban Cơ yếu Chính phủ thì các cuộc tấn công mạng, gián điệp, tội phạm mạng đang không ngừng gia tăng nhằm đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật Nhà nước... Trung tâm An toàn thông tin mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) thống kê được rằng mỗi năm có hàng trăm nghìn cuộc tấn công mạng nguy hiểm nhằm vào hệ thống công nghệ thông tin các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Tính riêng trong năm 2018, đã có hơn 1 triệu cuộc tấn công như vậy với nhiều hình thức khác nhau.

Tội phạm tấn công mạng ngày càng tinh vi

Đại tá Đỗ Tuấn Anh - Phó Cục trưởng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An cho rằng hiện nay tội phạm ngày tinh vi hơn và sẵn sàng lợi dụng lỗ hổng để gây ra nhiều tác động tiêu cực đến xã hội.;

Thời gian gần đây, các loại tài sản ảo, tiền ảo từ nước ngoài tiến vào Việt Nam đang được các tổ chức tội phạm công nghệ sử dụng để thực hiện một loạt các hành vi phạm tội khác như mua bán ma túy, rửa tiền... Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ thông tin Truyền thông lấy ví dụ về vụ việc iFan lừa 32.000 nhà đầu tư, chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng để làm minh chứng cho việc tội phạm công nghệ cao ngày càng nguy hiểm.

Ông Lê Quang Hà, Trưởng phòng giải pháp an toàn thông tin doanh nghiệp, công ty an ninh mạng Viettel cho biết: ‘Các cuộc tấn công mạng hiện nay là đặc biệt nguy hiểm. Bên tấn công chuẩn bị mã độc được ‘may đo' nhằm vào từng tổ chức, doanh nghiệp; kỹ thuật của họ được cập nhật liên tục và đồng thời tấn công một cách cẩn thận với đội ngũ rất thiện chiến. Trong khi đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp hiện nay không có công cụ phòng chống, không có cách để ứng phó không có đội ngũ để giám sát các cuộc tấn công mạng'.

Để chống lại các cuộc tấn công mạng, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về chống tội phạm công nghệ cao kịp thời. Đồng thời, chúng ta cũng phải hiểu rõ hơn về hành vi, phương thức hoạt động của các loại tội phạm công nghệ cao để có biện pháp đấu tranh. Mỗi cá nhân, doanh nghiệp cần phải có ý thức về việc sử dụng môi trường mạng và đảm bảo an toàn thông tin của chính mình.

Với nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong những tháng đầu năm 2019, tổng thể về việc phòng chống các cuộc tấn công mạng của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin ở Việt Nam quý I/2019 là 620 cuộc, giảm 21,17% so với quý 4/2018 và giảm 49,82% so với cùng kỳ quý 1/2018.

T.T

Chủ đề khác