VnReview
Hà Nội

Giám đốc tình báo Đức: "Không thể tin tưởng Huawei"

Người đứng đầu cơ quan tình báo Liên bang Đức đã nói với các nhà lập pháp nước này không nên để Huawei được phép đóng một vai trò quan trọng nào trong mạng lưới 5G của Đức. Ông cảnh báo "không thể tin tưởng nhóm công nghệ Trung Quốc".

Tại sao Mỹ chỉ nhằm vào Huawei?

Bruno Kahl, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Đức. Ảnh: Bloomberg

Theo Financial Times, phát biểu trước một ủy ban quốc hội vào hôm qua (29/10), ông Bruno Kahl nói: "Cơ sở hạ tầng không phải là khu vực phù hợp cho những đơn vị không đạt niềm tin tưởng hoàn toàn. Huawei có năng lực trong việc xây dựng mạng lưới 5G, nhưng nên tránh xa Huawei trong tất cả các lĩnh vực nhạy cảm với lợi ích cốt lõi của người Đức".

Sự can thiệp của người đứng đầu cơ quan tình báo Đức Bundesnachrichtendienst diễn ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách ở Berlin đang tranh luận sôi nổi với lãnh đạo các thủ đô quốc gia châu Âu về vai trò và trách nhiệm của Huawei. Điều đó cho thấy mối quan tâm sâu sắc của các quan chức an ninh, lo ngại việc Huawei "nhúng tay vào" xây dựng 5G có thể làm lộ một phần/toàn phần quan trọng của cơ sở hạ tầng thông tin và viễn thông trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

"Rõ ràng cơ quan tình báo Đức luôn hoài; nghi về Huawei nhưng việc người đứng đầu cơ quan này lên tiếng công khai và nói rõ "không thể tin tưởng" Huawei là điều rất đáng quan tâm", theo Thorsten Benner, giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu ở Berlin.

"Sự việc càng tăng thêm sức mạnh cho những lập luận trái chiều về quyết định của Thủ tướng Angela Merkel cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng lưới, nó đi ngược với lợi ích an ninh của Đức".

Theo một bộ luật hướng dẫn mới được chính quyền Đức công bố hồi đầu tháng này, sẽ không có công ty cụ thể nào bị loại trừ khỏi các hợp đồng xây dựng mạng 5G - mặc dù tất cả sẽ phải tuân thủ bộ tiêu chí bảo mật.

"Không một ai và không một công ty nào bị cấm tham gia đấu thầu, nhưng chúng tôi đang thiết lập một danh mục mở rộng bao gồm các tiêu chí bảo mật nghiêm ngặt và bất kỳ ai/công ty nào muốn tham gia [xây dựng mạng lưới 5G] sẽ phải tuân theo", một quan chức chính phủ cho biết.

Các nhà phê bình cho rằng những hướng dẫn đó không đủ, đặc biệt là điều khoản cho phép các nhà sản xuất thiết bị tự chứng nhận sự tin cậy của họ.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các chính phủ châu Âu cấm Huawei khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G của họ, cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ nhóm của Trung Quốc để tiến hành gián điệp hoặc phá hoại mạng.

Đầu năm nay, đại sứ Mỹ tại Berlin đã cảnh báo chính phủ Đức trong một bức thư rằng Washington sẽ xem xét mở rộng hợp tác tình báo trở lại nếu Huawei được trao một vai trò nào đó trong mạng lưới 5G của Đức.

Trong khi đó, Huawei bác bỏ mọi cảnh báo của Mỹ, khẳng định họ không có kết nối với chính phủ Trung Quốc. Đầu tháng này, Huawei còn ca ngợi cách tiếp cận của Đức đối với các quy định về 5G, nói rằng Đức đã tạo ra một sân chơi đẳng cấp cho các nhà cung cấp mạng 5G.

Hoàng Lan

Chủ đề khác