VnReview
Hà Nội

TikTok được minh oan, không âm thầm gửi dữ liệu về Trung Quốc

Trong một nghiên cứu mới nhất của nhóm phân tích Citizen Lab từ Đại học Toronto, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance đã được minh oan không gây ra bất kỳ mối đe dọa an ninh nào cho Mỹ.

Kết luận này được đưa ra đúng thời điểm chính quyền ông Biden đang xem xét lại những rủi ro tiềm ẩn từ ứng dụng Trung Quốc. Qua đó, Mỹ mới đưa ra quyết định có nên gỡ bỏ lệnh cấm với TikTok hay không.

Citizen Lab cho biết họ không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của việc TikTok âm thầm truyền dữ liệu về chính phủ Trung Quốc theo như cáo buộc của giới chức Mỹ. Cụ thể, ứng dụng video ngắn không được kết nối với các máy chủ đặt tại Trung Quốc trong quá trình thử nghiệm. Tuy vậy, các chuyên gia không loại trừ khả năng dữ liệu người dùng mà TikTok thu thập được gửi về máy chủ các nước rồi sau đó mới truyền về Trung Quốc.

Theo Pellaeon Lin, tác giả chính của nghiên cứu, lượng dữ liệu mà TikTok thu thập của người dùng nhiều tương đương so với Facebook. Chúng phục vụ cho mục đích phân tích hành vi người dùng và gửi đi quảng cáo đúng với những gì người dùng quan tâm.

Đại diện ByteDance không đưa ra phản hồi ngay khi được yêu cầu bình luận. Một báo cáo khác TikTok công bố vào tháng trước đã làm rõ các yêu cầu thực thi pháp luật về việc minh bạch dữ liệu mà công ty nhận được trong nửa cuối năm 2020. Qua đó, TikTok cho thấy mình không nhận được bất kỳ yêu cầu gì từ phía Trung Quốc, nơi ứng dụng "song sinh" Douyin đang hoạt động.

Cùng với Douyin, TikTok là ứng dụng không nằm trong danh mục game được tải xuống nhiều nhất toàn cầu trong tháng 2 vừa qua. Nhưng chính vì thế, TikTok lại trở thành mục tiêu của mối quan tâm toàn cầu do thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Với tốc độ phát triển thần kỳ, TikTok đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội được yêu thích nhất của giới trẻ Bắc Mỹ. Song đây lại là nguyên nhân khiến các nhà lập pháp lo ngại về sức mạnh và quyền hạn TikTok. Họ đặt ra nghi vấn rằng liệu chính phủ Trung Quốc có âm thầm tiếp cận thông tin dữ liệu của người dùng Mỹ và sử dụng chúng vào mục đích xấu hay không.

Đỉnh điểm là vào năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã ban hành lệnh cấm TikTok với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Quy định này buộc ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty nước ngoài quản lý.

Công ty Trung Quốc sau đó đã đạt được thỏa thuận với Oracle, nhưng ngay khi ông Trump thua cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và rời Nhà Trắng, ByteDance đã nhanh chóng dừng thương vụ bán TikTok, theo nguồn tin South China Morning Post nhận được. ;

Pellaeon Lin cho biết nghiên cứu về TikTok của mình và các đồng nghiệp được thực hiện trước khi ông Trump có động thái trừng phạt ứng dụng. "Có thể thấy, TikTok là nền tảng Internet mới nổi toàn cầu có quan hệ và thị phần đáng kể ở Trung Quốc. Nghiên cứu sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc về TikTok và nhiều ứng dụng Trung Quốc khác. Điều này rất cần thiết vì ngày càng có nhiều ứng dụng Trung Quốc nổi danh trên thị trường toàn cầu", Lin phát biểu.

Mặc dù chức tổng thống Mỹ hiện đang do Biden nắm giữ, mối đe dọa trục xuất khỏi Mỹ có thể giảm phần nào với TikTok nhưng vẫn còn đó những rắc rối tiềm ẩn đang chờ phía trước. Cụ thể, chính quyền đương nhiệm tuyên bố rằng sẽ tập trung chú ý vào các rủi ro bảo mật do công nghệ Trung Quốc gây ra.

Không riêng gì Mỹ, TikTok đã phải đối mặt với những lo ngại từ nhiều nước, bao gồm Ấn Độ. Quốc gia Nam Á đã thông lệnh cấm TikTok cùng 58 ứng dụng Trung Quốc vào tháng 6/2020 sau khi nước này xảy ra xung đột biên giới với Trung Quốc và làm thiệt mạng nhiều binh sĩ.

Trong tháng 3, Ủy viên chuyên về bảo mật dữ liệu của Ireland, Helen Dixon bày tỏ quan ngại về việc dữ liệu của người dân EU có thể bị các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc thu thập. Trong khi giới phê bình quốc tế lo lắng TikTok có thể trở thành công cụ truyền bá nội dung chính trị có lợi cho chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Citizen Lab nhận định "công ty không nhận về bất kỳ lợi ích kinh doanh nào khi truyền bá nội dung chính trị cho người dùng quốc tế, đặc biệt lại càng phản tác dụng đối với nhóm người dùng có thành kiến sâu sắc với Trung Quốc nói chung".

Báo cáo cũng cho hay TikTok không hạn chế bất kỳ từ khóa nhạy cảm nào liên quan đến chính trị Trung Quốc và Covid-19. Tuy nhiên các chuyên gia nghiên cứu nhận thấy một số video về chính trị đã được gỡ ngay sau khi đăng tải. Vì không biết rõ được rằng những nội dung ấy do ai gỡ bỏ nên Citizen Lab không đủ cơ sở kết luận giải thiết kiểm duyệt nội dung chính trị của TikTok là đúng.

Mặt khác, nhóm nghiên cứu cũng đào sâu vào các vấn đề về quyền riêng tư, bảo mật và kiểm duyệt liên quan đến Douyin, ứng dụng hoạt động trong một thị trường có sự kiểm soát nội dung nghiêm ngặt như Trung Quốc.

Theo luật pháp nước này, người dùng các nền tảng Internet không được đăng thông tin nhạy cảm về chính trị. Vì thế các nhà phân tích nhận thấy Douyin đã hạn chế một số từ khóa đúng theo yêu cầu của giới chức Trung Quốc.

Ứng dụng này cũng thu thập nhiều dữ liệu hơn so với TikTok, cộng thêm với việc cả 2 đều có nhiều tương đồng trong mã nguồn phát triển nên giới nghiên cứu bày tỏ lo ngại về quyền riên tư của người dùng trên TikTok.

Trước khi phân tích TikTok, Citizen Lab từng "mổ xẻ" ứng dụng xã hội lừng danh WeChat của Tencent và nhiều nền tảng khác từ Trung Quốc. Theo đó, nhóm nghiên cứu tìm ra bằng chứng cho thấy một số tài khoản quốc tế đăng ký ngoài Trung Quốc đã âm thầm giám sát tệp tin và hình ảnh được chia sẻ qua WeChat.

Nền tảng này đã bị cáo buộc thu thập nội dung để đào tạo thuật toán kiểm duyệt dựa trên AI. Đến năm 2020, Citizen Lab phát hiện ra WeChat đưa hơn 500 từ khóa vào danh sách đen tìm kiếm cùng những chủ đề liên lạc đến đợt bùng phát Covid-19, trong đó bao gồm cả nội dung về vị bác sĩ Li Wenliang, người đầu tiên phát hiện ra virus ở Vũ Hán và sau đó qua đời vì dịch bệnh.

Ngọc Diệp (Tham khảo SCMP)

Chủ đề khác